Hiện thân của tinh thần Phật học
Phó giáo sư Hoàng Hữu Thư sinh trưởng trong một gia đình trí thức cách mạng tại thôn Đông Thái, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Vào thời điểm ông chào đời (1931), cha của ông – vốn là một nhà giáo, đang bị thực dân Pháp tước quyền dạy học và giam lỏng tại nhà vì tham gia phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Mẹ của ông – bà Mai Thị Chữ, một tay nuôi cả gia đình bằng nghề buôn vải, lụa. Năm 18 tuổi, Hoàng Hữu Thư đã được kết nạp vào Đảng khi còn đang học ở trường Phổ thông cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng.
Tốt nghiệp chương trình phổ thông tại đây vào năm 1950, Hoàng Hữu Thư ra làm giáo viên, và sau đó trở thành Hiệu trưởng trường cấp 2 Đại Đồng, thuộc huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Ba năm sau, ông có tên trong danh sách học viên được theo học ngành Vật lý, trường Sư phạm cao cấp tại khu học xá Nam Ninh, Trung Quốc. Sau ngày hòa bình lập lại (1954), ông trở về nước tiếp tục học tập tại trường Đại học Sư phạm khoa học.
Năm 1955, ông được nhà nước cử đi đào tạo chương trình cao học tại Đại học New Delhi, Ấn Độ. Con gái của ông – chị Hoàng Ngọc Tú chia sẻ: Bố tôi kể lại rằng lúc trẻ ông nghĩ dân tộc mình cần phải có một thứ vũ khí mạnh thì mới có thể đuổi được kẻ thù và giành lại tự do. Với mong muốn hiểu được thứ vũ khí mạnh đó, bố tôi đã chọn ngành Vật lý hạt nhân. Nhưng khi tôi lớn lên, bố tôi luôn nói rằng: “Vũ khí hạt nhân, vũ khí nguyên tử cần phải hủy bỏ hoàn toàn. Hạnh phúc và hòa bình là điều cần thiết nhất trong thế giới của chúng ta”. Tôi biết ông đã vui như thế nào khi chiến tranh lạnh giữa Liên Xô và Mỹ kết thúc[1].
Thời điểm ông Hoàng Hữu Thư từ Ấn Độ trở về nước công tác, khoa Vật lý của Đại học Tổng hợp Hà Nội mới bắt đầu hình thành nhóm chuyên môn về Vật lý hạt nhân. Trong vai trò chủ nhiệm đầu tiên của bộ môn này, ông được đánh giá là một trong những người có đóng góp quan trọng trong việc xây dựng và phát triển bộ môn Vật lý hạt nhân – cơ sở chủ chốt, đào tạo nên những cán bộ chuyên ngành Vật lý hạt nhân và Điện tử hạt nhân của Việt Nam… Nhưng vượt ra ngoài những đóng góp, tâm huyết với chuyên môn, điều mà nhiều đồng nghiệp, học trò luôn nói đến với lòng kính trọng tuyệt đối thông qua những kỷ niệm đẹp về ông, đó chính là về nhân cách.
Phó giáo sư Nguyễn Hữu Xý – nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Tổng hợp Hà Nội nói rằng: Anh Thư là lớp đàn anh có ảnh hưởng rất lớn về mặt hình thành nhân cách, tư tưởng trong cuộc sống đối với hầu hết thế hệ vật lý đàn em, từ anh Vũ Đình Cự đến anh Nguyễn Văn Hiệu… và cả lứa chúng tôi. Sau khi đi học ở Ấn Độ về, anh ít nhiều thấm nhuần tư tưởng nhân đạo và cách đối nhân xử thế giữa người với người rất là Phật học. Anh ấy luôn nhẹ nhàng, tôn trọng ý kiến của người khác, cách nói chuyện đầy tính giáo dục và nhân văn[2].
Tiến sĩ Đoàn Nhượng – nguyên cán bộ nghiên cứu Viện Năng lượng nguyên tử quốc gia, từng là học trò của PGS Hoàng Hữu Thư kể lại: Thầy Thư là người rất nghiêm chỉnh và gần gũi với sinh viên. Thầy hiền lành, rất cẩn thận. Khoa học hạt nhân là một lĩnh vực rất trừu tượng, nhưng thầy có tài phổ biến nó một cách dễ diểu. Thầy rất thương học trò. Tôi nhớ có lần thi vấn đáp ở giảng đường Lê Thánh Tông, dù bị sốt nhưng vẫn cố gắng đi thi. Thầy biết điều đó cho nên sau khi tôi bốc thăm câu hỏi và chuẩn bị trong khoảng 10 phút, lên trình bày được khoảng 5 phút thì thầy cho về[3].
PGS Hoàng Hữu Thư (hàng sau, thứ 6 từ trái) và các nhà khoa học Vật lý tại Hà Nội, khoảng 1980 (Hàng đầu, từ trái: GS Dương Trọng Bái, thứ 3; GS.TSKH Vũ Đình Cự, thứ 4; GS Ngụy Như Kon Tum, thứ 5)
Với tư cách một người học trò và cũng là đồng nghiệp của PGS Hoàng Hữu Thư, PGS.TS Phạm Quốc Hùng – nguyên Chủ nhiệm bộ môn Vật lý hạt nhân, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cũng có những ấn tượng đặc biệt: Thầy là một người rất tận tâm, giảng bài rất hay, thường lồng vào bài giảng những câu chuyện hài hước, mang hàm ý giáo dục sinh viên về đức tính giản dị, trung thực, khiêm tốn. Đến khi được làm việc trực tiếp với thầy, tôi thấy thầy gần gũi với quần chúng, gương mẫu trong sinh hoạt. Mỗi khi gặp chúng tôi, thầy luôn là người chủ động chào trước. Thầy có đức hy sinh rất lớn, không bao giờ hẹp hòi hay kìm hãm ai, luôn tạo điều kiện cho anh em được đi học nâng cao trình độ. Thầy cũng luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Một đồng nghiệp nữ của tôi kể lại rằng trong lúc cô ấy sinh con thì chồng đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài, kinh tế khó khăn nên phải vay tiền mọi người, vay cả thầy Thư một số tiền không nhỏ. Thầy có nói một câu mà chị ấy còn nhớ mãi: Bao giờ chị trả cũng được[4].
Có thể nói rằng thầy Hoàng Hữu Thư đã và sẽ luôn hiện hữu trong trái tim mọi người từ những điều giản dị nhất. Lúc sinh thời, khi có gia đình, người đàn ông ấy từng ru con ngủ bằng những điệu hát ru và những lời thơ trữ tình mà ông tự sáng tác; tranh thủ giờ nghỉ trưa để đến trường mẫu giáo, bón từng thìa cơm cho cô con gái bé bỏng khó chiều. Ông có thể giữ được sự điềm đạm, thông tuệ vốn có để “xuất khẩu” thành những vần thơ dí dỏm nhằm góp ý cho những khiếm khuyết của vợ; và với sức vóc khiêm tốn, trên cương vị cao nhất bộ môn, ông vẫn vui vẻ xắn quần, xắn áo cùng với sinh viên đi rừng chặt gỗ, tre, nứa để xây dựng lán trại, phòng học và tăng gia sản xuất trong những năm tháng sơ tán… Đó là những hình ảnh thật khó phai mờ!
Trăn trở với sự nghiệp cải cách giáo dục
Anh Thư là một người rất thẳng thắn và thiết tha đối với sự nghiệp phát triển đất nước[5]. PGS Nguyễn Hữu Xý đã nói như vậy, và ông kể rằng ngay từ năm 1958, khi ông Hoàng Hữu Thư về nước, đã nhiều lần trình bày về ba vấn đề tâm đắc, đó là: Cuộc Cách mạng xanh của Ấn Độ; Vấn đề kế hoạch hóa dân số; và… thị trường chứng khoán. Chị Hoàng Ngọc Tú thì kể rằng: Khi bố tôi học xong, trở về Việt
Song, là một nhà giáo cho nên PGS Hoàng Hữu Thư dành tâm huyết nhiều nhất cho sự nghiệp giảng dạy và cải cách giáo dục. Những ngày đầu về nước, ông cùng các đồng nghiệp và chuyên gia Liên Xô xây dựng kế hoạch đào tạo hệ 4 năm cho sinh viên khoa Vật lý. Trong hoàn cảnh thiếu giáo trình, sách tham khảo, ông cùng với Phạm Duy Hiển, Phạm Quý Tư, Nguyễn Hữu Xý dịch bộ “Vật lý nguyên tử” của E.V. Sơpônski gồm 2 tập (Nxb Giáo dục, 1964; 1967). Sau đó, ông viết “Giáo trình Vật lý hạt nhân” (cùng Nguyễn Hữu Xý, Đại học Tổng hợp Hà Nội xuất bản, 1971); “Bài giảng về cấu trúc hạt nhân” (Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 6-1972); “Bài tập Vật lý hạt nhân” (Đại học Tổng hợp Hà Nội xuất bản, 1977)…
PGS Hoàng Hữu Thư (hàng đầu, thứ 4 từ trái) cùng các đại biểu trong một hội nghị
tại Viện Vật lý, Hà Nội, tháng 10-1996
Trong số những di cảo mà PGS Hoàng Hữu Thư để lại, có một tài liệu được đánh máy chữ, với tiêu đề “Một số suy nghĩ về cải cách giáo dục”. Ông viết: Tôi muốn đem ra một mô hình để căn cứ vào đó mà suy luận giáo dục cũng giống như một tổ chức nào khác, cũng được xem là một cơ thể sống. Một cơ thể sống thì khác một vật thể không sống ở chỗ nào? (Sinh ra, lớn lên và già cỗi; Đồng hóa và dị hóa; Di truyền và biến dị). Giáo dục cần tiếp thu những cái hay của người đi trước, đồng thời hòa nhập với giáo dục cộng đồng quốc tế, làm sao cho phù hợp với tình hình thực tế…Một trong những hành động thiết thực của PGS Hoàng Hữu Thư đối với việc đổi mới chương trình giảng dạy là việc chủ trì dịch cuốn Fundamentals of Physics của các tác giả David Halliday, Robert Resnick và Jearl Walker vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Cùng với các cộng sự của mình (PGS Ngô Quốc Quýnh, PGS Phan Văn Thích, GS Đàm Trung Đồn, PGS Nguyễn Viết Kính, GS Lê Khắc Bình, PGS Nguyễn Hữu Xý…), PGS Hoàng Hữu Thư hoàn thành bản dịch vào ngày 15-8-1994. Hội đồng khoa học khoa Vật lý, trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội nhất trí đề nghị với Hiệu trưởng Đào Trọng Thi cho phép in để sử dụng làm tài liệu học tập cho sinh viên. PGS.TS Nguyễn Ngọc Long đã nhận xét như sau: Cuốn sách được dùng làm tài liệu giảng dạy và học tập rất tốt cho sinh viên ngành vật lý, cũng như các ngành kĩ thuật của các trường đại học và cao đẳng trong nước. Cuốn sách cũng có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho các cán bộ khoa học kĩ thuật trong các ngành có liên quan tới vật lý và các giáo viên trung học phổ thông… Bản dịch đã được thực hiện chính xác, mạch lạc[8]. Sự xuất hiện của bản dịch này ở nước ta được các giảng viên và sinh viên các trường khoa học tự nhiên, trường sư phạm và các trường đại học kỹ thuật đón nhận, sử dụng rộng rãi cho đến tận bây giờ, qua nhiều lần tái bản.
Vào năm 1995, khi bộ sách được in và phổ biến rộng rãi, PGS Hoàng Hữu Thư gặp phải vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, sau cơn tai biến mạch máu não. Căn bệnh đã cướp đi một phần tiếng nói và trí nhớ của ông. Ai cũng hiểu rằng đây sẽ là công trình tâm huyết cuối cùng mà ông để lại cho nền giáo dục nước nhà, nhưng nỗi trăn trở của ông đối với giáo dục đào tạo thì dường như đã ăn sâu vào trong huyết quản.
Đỗ Minh Khôi
[1] Trao đổi với chị Hoàng Ngọc Tú ngày 26-9-2016. Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
[2]; [5]; [7] Hỏi thông tin PGS Nguyễn Hữu Xý ngày 11-10-2016. Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
[3] Hỏi thông tin TS Đoàn Nhượng ngày 21-9-2016. Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
[4] Hỏi thông tin PGS Phạm Quốc Hùng ngày 20-9-2016. Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
[6] Trao đổi với chị Hoàng Ngọc Tú ngày 3-10-2016. Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
[8] Nhận xét về bản dịch cuốn sách Fundamentals of physics của PGS.TS Nguyễn Ngọc Long ngày 28-12-1998. Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam .