Giờ học của sinh viên Trường đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương.
Về sau, từ khi làm phụ trách học tập của lớp, tôi hay có thói quen hỏi kinh nghiệm học tập của mọi người để phổ biến cho anh chị em, một hôm, tôi hỏi anh Lê Thành Uyên là một sinh viên học cứng của lớp. Anh đã cho biết cách học của anh là “học những nét chính trước, sau mới học đến chi tiết”. Anh ví như nặn một củ khoai, ban đầu nặn cái củ tròn lông lốc, sau đó có thì giờ, có điều kiện thì cắm thêm những cái rễ về sau. Anh Uyên sau này là giáo sư tiến sĩ, chủ nhiệm bộ môn Sinh lý học của Trường đại học Y Hà Nội.
Cô em gái tôi là nữ hộ sinh của xã, trong một buổi trực đã chẩn đoán được vỡ tử cung, chỉ dựa vào triệu chứng duy nhất là “đang có cơn co dồn dập tự nhiên mất cơn co tử cung”.
Hồi mới ra trường, tôi có lần loại trừ chẩn đoán u nang buồng trứng mà chẩn đoán là viêm phúc mạc do lao, chỉ dựa vào đặc điểm duy nhất là không nắn thấy cực dưới của khối u theo lời truyền kinh nghiệm của giáo sư Đinh Văn Thắng: “Hễ thăm âm đạo không nắn thấy cực dưới của khối u thì khối u ở bụng ấy không phải là khối u buồng trứng”.
Giáo sư Nguyễn Trinh Cơ – cố Chủ nhiệm bộ môn Ngoại kiêm cố Hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội có kể cho chúng tôi nghe câu chuyện hồi còn là sinh viên, vào thi vấn đáp được một giáo sư người Pháp bảo kể những triệu chứng của tắc ruột. Thầy Cơ đã nêu nhiều triệu chứng như đau bụng từng cơn, nôn, dấu hiệu rắn bò, chụp bụng có hình ảnh mức nước, mức hơi… Giám khảo đập khẽ tay lên bàn, hỏi: “Còn gì nữa?”. Thầy Cơ lại nhắc lại một vài triệu chứng như trên vì thầy tưởng rằng ông giáo sư không nghe thấy những điều thầy đã nói. Ông giáo sư lại đập tay lên bàn hỏi tiếp: “Còn gì nữa?”, thầy Cơ lúc bấy giờ mới nói: “Bí trung tiện”. Ông giáo sư giám khảo đập mạnh tay lên bàn, cười, dằn giọng: “Đấy, tôi chỉ chờ anh có thế thôi!”. Thầy Cơ định tâm nói nhấn mạnh triệu chứng đó vào cuối cùng: “Nhất là bí trung tiện”, trong khi giám khảo lại muốn nghe nó từ đầu.
Nhà tôi là dược sĩ công tác ở Viện Tai mũi họng, qua việc chú ý nghe giao ban buổi sáng ở viện, thế mà học lỏm được khối trường hợp bệnh lý và cách điều trị. Có điều tôi cũng lạ là tại sao nhà tôi lại chẩn đoán đúng được cả mấy bệnh về nội khoa. Cụ thể, nhà tôi đã chẩn đoán đúng được viêm thận cho mấy cháu 9-10 tuổi ở các nhà hàng xóm, bảo đi khám thận thì đúng là viêm thận thật, chỉ dựa vào một triệu chứng duy nhất là phù mặt. Nhà tôi cũng đã chẩn đoán đúng bệnh đái tháo đường cho tôi, trong khi tôi chưa hề nghĩ gì đến nó, chỉ dựa duy nhất vào dấu hiệu quan sát thấy tôi hôm ấy có vẻ háo nước, ăn ngon lành hết cả quả bưởi chua chẳng để phần ai, trong khi tôi xưa nay vốn hay nhường nhịn.
Từ những sự việc trên, tôi tự rút kinh nghiệm: “Nếu không có đủ khả năng để nhớ được nhiều điều thì ít nhất cũng phải nhớ được những điều cốt lõi”. Nhớ ít và nhớ chắc còn hơn nhớ nhiều mà chẳng biết cái nào là trọng tâm.
GS.TS. Nguyễn Khắc Liêu
Nguồn: suckhoedoisong.vn/20130713013912435p0c121/dieu-cot-loi.htm