Chuyến công tác năm ấy được ông ghi chép lại đầy đủ trong một cuốn sổ công tác và còn lưu giữ đến bây giờ. Cuốn sổ bìa màu hồng, chữ viết bằng ba loại mực xanh, đỏ, đen, và chì đen, đã bị nhòe, mờ theo thời gian…, trong đó ông ghi chép lại rất nhiều vấn đề trong thời gian ông công tác tại chiến trường B năm 1969.
Năm 1968, thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân đã làm cho thế chiến lược của Mỹ bị đảo lộn, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, phải ngưng bắn phá miền Bắc và ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Paris.
Khi đó, Thiếu tá.PTS Nguyễn Văn Nhân là Chủ nhiệm Khoa Chấn thương chỉnh hình ở Quân y Viện 108. Ông được giao nhiệm vụ làm Trưởng Đoàn chuyên viên Kỹ thuật của Tổng cục Hậu cần vào tăng cường cho Bệnh viện Đoàn 559. Đoàn 559 (còn gọi là Binh đoàn Trường Sơn) là Binh đoàn công binh và vận tải quân sự chiến lược, phụ trách vận tải trên tuyến Đường mòn Hồ Chí Minh trực thuộc Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam (nay là Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn trực thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam).
Nhiệm vụ công tác của Đoàn chuyên viên là “Củng cố tổ chức cho các bệnh viện, đội điều trị và đội phẫu thuật trên tuyến Đường mòn Hồ Chí Minh; Đào tạo và bổ túc cán bộ quân y; Nghiên cứu khoa học, đưa kỹ thuật ra tuyến trước” [1]. Trước khi lên đường vào Nam, 7 thành viên trong Đoàn đã được GS Nguyễn Ngọc Doãn [2]và GS Tôn Thất Tùng[3]bồi dưỡng cả về chuyên môn và tư tưởng.
Cuộc hành quân vào Đoàn 559 bắt đầu ngày 5-12-1968, xuất phát từ Quân y Viện 108 [4]. Về kế hoạch công tác cụ thể của Đoàn, có hai phương án thảo luận sôi nổi: Đoàn sẽ đi dọc Trường Sơn, mỗi Binh trạm dừng lại độ 1 tháng để thực hiện những nhiệm vụ đã đề ra hoặc theo phương án hai: Đoàn sẽ cắm ở hai viện lớn của Quân y 559, một ở phần phía Bắc là V59 và một ở V46 được bố trí xây dựng ở đầu mút phía Nam ngay sát binh trạm giải phóng đầu tiên (Binh trạm 44) của Quân khu 5. Binh trạm 44 là Binh trạm đầu mút nằm ở trục ngang, nối Khu 5 với trục dọc của 559. Cuối cùng đã quyết định thực hiện theo phương án hai. Vì phương án một thì thời gian Đoàn ở lại mỗi binh trạm quá ngắn nên khó hoàn thành nhiệm vụ. Như vậy, Đoàn thực hiện công tác chuyên môn sâu tập trung tại hai địa điểm chính là Viện 59 (V59) và Viện 46 (V46). Đây là những địa điểm để thu dung, chuyển thương bệnh binh, điều trị lành và trả về bổ sung quân số những thương bệnh binh có khả năng chiến đấu và lao động hoặc chuyển ra hậu phương. Và cấp cứu điều trị cho cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị nội bộ của các binh trạm chiến trường.
Hai trang trong cuốn sổ công tác năm 1969
Những nội dung công việc tại hai Viện 59 và Viện 46được GS Nguyễn Văn Nhân ghi kín trong 197 trang của cuốn sổ công tác, viết rõ thời gian bắt đầu từ ngày 10-1 và kết thúc ngày 7-9-1969. Trong 17 trang đầu cuốn sổ, ông ghi những công việc đã tham gia trong thời gian hoạt động tại V59. Hơn 100 trang còn lại ông ghi những kết quả hoạt động công tác tại V46.
Đến mỗi địa điểm, ông tranh thủ thời gian gặp gỡ cán bộ phụ trách các Tổ, Ban; nhanh chóng tìm hiểu về tình hình đơn vị, bàn bạc kế hoạch công tác và khẩn trương triển khai công tác phù hợp với tình hình chiến trường. Trên cơ sở nội dung của chuyến công tác, các kế hoạch thực hiện được vạch ra rất cụ thể “…Xây dựng nề nếp học tập, sinh hoạt chuyên môn của Khoa, của Viện; Xây dựng chương trình, chế độ, lịch làm việc của Bộ chỉ huy và các Ban; Xây dựng chế độ an toàn điều trị: chống tai nạn, nhầm lẫn-biến chứng… và những công việc trong kế hoạch tuần tới” [5].
Tại V59 – Viện tuyến cuối cùng của 559, mọi ca gay go đều chuyển về đây trước khi ra Bắc. Tại đây bác sĩ Nguyễn Văn Nhân chỉ đạo Đoàn thực hiện tham gia cấp cứu, vận chuyển Thương bệnh binh. Đã cứu chữa thành công một số ca cấp cứu thương bệnh binh nặng. Do thời gian Đoàn công tác tại V59 chỉ diễn ra hơn 1 tháng (từ cuối tháng 12-1968 đến 4-2-1969) nên một số công tác lâu dài như khâu tổ chức xây dựng bệnh viện, huấn luyện cán bộ nhân viên, nghiên cứu khoa học ở đây chưa thực hiện được.
Chuẩn bị vào công tác tại V46, Trưởng đoàn Nguyễn Văn Nhân họp với các thành viên trong Đoàn: “Tối 2-2-1969, họp Đoàn chuẩn bị đi 46, nhiệm vụ mới để phát triển cho V46. Lý do vì V46 đang ùn tắc thương bệnh binh; thực hiện phục vụ theo hướng của chiến trường. Thời gian xuất phát từ 4-2…”[6]. Hành trình đi V46 ông cũng ghi lại rất chi tiết “…Đoàn đi 1 đêm đến Binh trạm 34 nghỉ dốc 28 rồi đến Bắc Bạc (Binh trạm 35) qua Sông Bạc đến Binh trạm 36, rồi đến Chà Vằn và đến Binh trạm 44. Đi thêm 4 đến 5 đêm đến V46”[7]. Đến mỗi Binh trạm, Đoàn chuyên viên Y tế đều có giao liên dẫn đường, những hang đá của các trạm giao liên dọc đường là nơi dừng chân nghỉ ngơi của Đoàn. Dọc đường đi bác sĩ Nguyễn Văn Nhân còn quan sát cuộc sống, văn hóa của nhân dân nơi núi rừng Trường Sơn: “Trình độ chính trị nhân dân rất tốt: đi dân công, đóng thóc lúa…Kinh tế nghèo, làm nghĩa vụ kháng chiến nên ảnh hưởng mức sống, ăn sắn ngô là chủ yếu…Nếp văn hóa còn thấp…”[8].
Công tác sinh hoạt chuyên môn, hành chính của Viện được được tổ chức thường xuyên, mỗi tháng đều tổ chức một buổi họp để thông qua kế hoạch công tác, phương hướng thực hiện, tổng kết công tác, phê bình và tự phê bình, để cùng nhau phấn đấu đạt hiệu quả công việc. Tất cả các buổi họp từ tháng 2 đến tháng 9, những buổi gặp gỡ làm việc cùng ai, những báo cáo của các binh đoàn…đều được ông ghi chép cẩn thận trong cuốn sổ. Qua hơn 6 tháng hoạt động tại V46, ông cùng Đoàn chuyên viên đã triển khai hiệu quả nhiều vấn đề: Cấp cứu điều trị thương bệnh binh, tổ chức xây dựng Bệnh viện, huấn luyên bồi dưỡng chuyên môn kỹ thuật cho lớp Y sĩ và nghiên cứu khoa học đã đạt được nhiều thành tích.
Công tác điều trị “ngày đêm tích cực tham gia mọi công tác điều trị, đã góp phần cứu chữa thương bệnh binh không ngại khó khăn; cấp cứu thành công nhiều ca nặng về nội cũng như ngoại…xét nghiệm luôn đảm bảo yêu cầu lâm sàng, tổ chức tốt công tác truyền máu…gây mê hồi sức đã triển khai các hình thức gây mê đảm bảo…chất lượng điều trị đảm bảo, khả năng điều trị mở rộng…”[9]. Đoàn đã điều trị thành công nhiều ca bệnh sốt rét ác tính, chảy máu tiêu hóa, phù phổi cấp, đái ra huyết sắc tố, choáng chấn thương, chấn động não hôn mê kéo dài, tắc xoắn ruột. Điều trị được một số bệnh mà trước đây chưa xác định như sốt mò, đái ra huyết sắc tố. Đoàn không chỉ điều trị ở trong viện mà còn ở cả ngoài viện. Tổ chức được những đợt điều trị đột kích góp phần tăng cường công tác điều trị.
Trong quá trình tham gia xây dựng Viện V46, PTS, Bác sĩ Nguyễn Văn Nhân cùng các thành viên trong Đoàn đã góp phần vào việc củng cố tổ chức của Viện theo nề nếp như: “Khám bệnh, điểm bệnh thường kỳ…kiểm thảo tử vong…hành chính chuyên môn: tổng kết bệnh án ra viện; tổng kết bệnh án tử vong, làm giấy ra viện, chuyển viện; ghi biên bản phẫu thuật …”[10]. Triển khai và mở rộng quy mô của một số phòng ban như: xây dựng quy trình kỹ thuật của các xét nghiệm thường quy, xây dựng bộ phận truyền máu, quản lý chế độ lấy máu; Ban lâm sàng; Phòng Khám bệnh.
Công tác huấn luyện bồi dưỡng cho lớp Y sĩ được đẩy mạnh. Nội dung chương trình giảng dạy được xây dựng cụ thể. Các thành viên trong Đoàn nhiệt tình và tranh thủ hoạt động với mong muốn nhanh chóng phát triển trình độ chuyên môn của cán bộ nhân viên ở Viện, sau khi Đoàn rút về hậu phương. Hình thức tổ chức và phương pháp giảng dạy là luôn kèm cặp hướng dẫn trong công tác, xây dựng nội dung chương trình học cụ thể, sát với công việc của từng đối tượng. Kết quả công tác huấn luyện bồi dưỡng đã gây được không khí phấn khởi ham thích học tập rèn luyện; Củng cố được kỹ thuật cơ bản, học tập một số kỹ thuật mới, xây dựng được nề nếp học tập, nâng cao hiểu biết và trình độ cho các đối tượng học: “Đã bổ túc một lớp Y sĩ ngoại khoa 7 người, đào tạo 3 Y tá gây mê hồi sức, 5 Kỹ thuật viên hóa nghiệm. Đặc biệt đã góp phần tổ chức thành công Hội nghị chống sốt rét ác tính do Binh trạm tổ chức cho 30 y bác sĩ…”[11]. Ngoài lớp học đào tạo chuyên môn, Đoàn còn tổ chức lớp học tập về tiểu sử, đạo đức, tác phong của Bác Hồ và thường xuyên sinh hoạt nghiệp vụ.
Ngoài ra, Đoàn chuyên viên còn giúp đỡ tổ chức công tác nghiên cứu khoa học tại Viện, nghiên cứu một số vấn đề theo chương trình của Tổng cục Hậu cần. Trưởng đoàn chỉ đạo các đề tài Ngoại khoa, Phó đoàn chỉ đạo các đề tài Nội khoa. Các đề tài nghiên cứu của Đoàn cơ bản đã hoàn thành theo dự thảo, khi ra hậu phương sẽ viết hoàn chỉnh gồm:
“1. Tổng kết điều trị sốt rét ác tính.
2. Nghiên cứu tình hình đảm bảo hành quân trên đường giao liên.
3. Nguyên nhân gây mệt mỏi căng thẳng của các binh chủng xe pháo công binh và biện pháp khắc phục.
4. Phân tích công tác chẩn đoán của Y sĩ.
5. Phân tích công tác điều trị choáng.
6. Thống kê cơ cấu bệnh tật của thương bệnh binh qua bệnh viện 46 trong hau mùa mưa và mùa khô 1968.
7. Đặc điểm vết thương do bom vướng nổ.
8. Kinh nghiệm khắc phục hậu quả địch đánh phá bệnh viện.
9. Thông báo điều trị các ca điều trị thành công hoặc thất bại.”[12]
Trong thời gian ngắn hoạt động tại V46, PTS, Bác sĩ Nguyễn Văn Nhân đã tổ chức các hoạt động của Đoàn đạt nhiều kết quả, đã đóng góp cho công tác củng cố xây dựng các bệnh viện tuyến trước, trực tiếp phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ. Hoạt động của Đoàn được các cán bộ, nhân viên tại Viện V46 và Phòng Quân y cùng Bộ Tư lệnh đánh giá tốt. Bộ Tư lệnh đã tặng thưởng Bằng khen cho sáu đồng chí và Giấy khen cho một đồng chí. Nhận xét về vai trò của người trưởng đoàn, GS Phạm Song[13] phát biểu trong buổi họp Đoàn ngày 7-9-1969: “Cần cù, dũng cảm, xông xáo; lãnh đạo chỉ huy cương quyết, có khả năng tổ chức chỉ huy; sinh hoạt gương mẫu giản dị, sâu sát anh em; nắm được chuyên trách chế độ, trình độ ngoại khoa…”[14]
Sau khi kết thúc chuyến công tác cùng Đoàn chuyên viên tại Đoàn 559, PTS, Bác sĩ Nguyễn Văn Nhân còn trở lại chiến trường và đảm nhận trọng trách là Viện trưởng Viện 46 đến tháng 3-1971. Sau đó từ giữa 1971-1983, ông làm Phó Viện trưởng Viện Quân Y 109 – Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình tuyến cuối của toàn quân (đóng tại Vĩnh Yên), tiếp tục tham gia công tác đào tạo cán bộ chuyên ngành Chấn thương phục vụ cho các chiến trường trong chiến tranh chống Mỹ giải phóng miền Nam.
Chuyến công tác phục vụ chiến trường đã lùi xa hơn 40 năm, nhưng thông tin về cuộc hành trình năm ấy vẫn còn lưu mãi trong cuốn sổ công tác của GS.TSKH Nguyễn Văn Nhân. Cuốn sổ không chỉ giúp độc giả biết đến một giai đoạn công tác của nhà Y học mà còn hiểu thêm hoạt động của ngành Y tế Quân đội trong thời kỳ Kháng chiến chống Mỹ đầy gian khó.
Nguyễn Thị Thành
__________________________
[1] Trích trong Bản thảo “Một chuyến đi” (Ký sự Trường Sơn) của Bùi Nguyên Hiếu, trang 2.
[2] GS Nguyễn Ngọc Doãn-Chuyên viên đầu ngành Nội khoa, Dược lý của Quân đội.
[3] GS Tôn Thất Tùng-Giám đốc Bệnh viện Phủ Doãn (ngày nay là Bệnh viện Việt Đức).
[4]Quân y Viện 108 nay là Bệnh viện Quân đội 108 (Hà Nội).
[5] Sổ công tác năm 1969 của GS.TSKH Nguyễn Văn Nhân, trang 1.
[6] Sổ công tác năm 1969 của GS.TSKH Nguyễn Văn Nhân,trang 10.
[7] Như trên, trang 11-12.
[8] Sổ công tác năm 1969 của GS.TSKH Nguyễn Văn Nhân, trang 13.
[9] Như trên, trang 188.
[10]Như trên, trang 189.
[11]Như trên, trang 190.
[12] Như trên, trang 191.
[13] Khi đó GS.VS Phạm Song là Chủ nhiệm Khoa Lây (b2), Bệnh viện Việt Xô (nay là Bệnh viện hữu nghị Việt – Xô).
[14]Sổ công tác năm 1969 của GS.TSKH Nguyễn Văn Nhân, trang 193.