PGS Lê Văn Sáu sinh năm 1919 tại Sóc Trăng. Tháng 8-1945, ông tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở quê hương. Cuối năm 1946, ông sang Pháp tu nghiệp, hoạt động xã hội trong phong trào cánh tả và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Pháp năm 1952. Theo tiếng gọi của đất nước vừa ra khỏi cuộc kháng chiến trường kỳ, năm 1955 ông trở về Việt Nam và được giao trách nhiệm đặt nền móng tạo dựng đồng thời đảm nhiệm cương vị nhiệm khoa Lịch sử trường Đại học Sư phạm Hà Nội từ năm 1959. Ông đã cùng với các đồng nghiệp xây dựng mô hình tổ chức, chương trình đào tạo, biên soạn hệ thống giáo trình phục vụ công tác giảng dạy và từng bước hoàn thiện chương trình đào tạo giáo viên lịch sử phổ thông trung học tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
PGS Lê Văn Sáu (1919 – 2004)
GS Phan Huy Lê nhớ lại: “PGS Lê Văn Sáu là người nêu quan điểm: Để có những giáo viên tốt dạy lịch sử cho học sinh phổ thông cần phải đào tạo cho họ biết làm tốt những nghiên cứu cơ bản. Cho đến nay quan điểm này vẫn không lạc hậu. PGS Lê Văn Sáu cũng là người quyết tâm đề xuất và thực hiện đào tạo nghiên cứu sinh trong nước tại khoa Lịch sử, trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Với sinh viên và đồng nghiệp, ông là người cực kỳ phúc hậu”. Những công trình nghiên cứu của PGS Lê Văn Sáu: Đông Á trên trường chánh – trị quốc tế (1840 – 1950); Lịch sử yếu lược phong trào công sản và công nhân quốc tế trong thời kỳ hiện đại (1917 – 1967)… cùng với nhiều bài nghiên cứu của ông viết cho các hội thảo khoa học có tính khai mở cho sinh viên và những người nghiên cứu lịch sử nói chung. Đất nước thống nhất, năm 1976, PGS Lê Văn Sáu trở về miền Nam xây dựng lại và là Chủ nhiệm khoa Lịch sử, trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh.
Máy chữ của PGS Lê Văn Sáu (Ảnh: Ngữ Thiên)
Năm 1956, cô sinh viên khóa đầu tiên của khoa Lịch sử Đại học Sư phạm Bùi Thị Kim Quỳ trở thành phu nhân của thầy Lê Văn Sáu. Và cô gái Hà thành ngày đó đã đi cùng với ông suốt cả đường đời và đường khoa học. Bà sinh năm 1935, trong một gia đình trí thức tại Hà Nội. Tốt nghiệp khoa Lịch sử, bà về Viện (khi đó còn là Tổ) Triết học thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt
Hơn 50 năm cần mẫn trên những chặng đường khoa học, hai vợ chồng nhà giáo – nhà nghiên cứu Lê Văn Sáu – Bùi Thị Kim Quỳ đã để lại tấm gương lao động khoa học miệt mài và đầy trách nhiệm. PGS Lê Văn Sáu đã mất năm 2004. Tháng 5-2014, hơn 1000 tư liệu, hiện vật đã gắn bó với ông suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, nghiên cứu khoa học và giảng dạy của ông (hồi ký, sổ ghi chép; bản thảo sách, bản thảo nghiên cứu về Đông Nam Á, lịch sử thế giới; tài liệu về phương pháp giảng dạy đại học; các bài viết tham gia hội thảo, hội nghị; nhận xét luận văn, luận án; thư trao đổi với các học trò, đồng nghiệp; ảnh tư liệu) đã được PGS Bùi Thị Kim Quỳ trao tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học cùng với khối tư liệu hiện vật của bà như một nghiã cử với thế hệ trẻ muốn tìm hiểu nghiên cứu về những người thày đã đi tiên phong nghiên cứu và giảng dạy lịch sử, triết học từ những buổi sơ khai mở ngành.
NGỮ THIÊN