Đôi dép nhựa Tiền phong của “Người say mê thép”

Ông Hoàng Bình (1923-2003), nguyên Thứ trưởng Bộ Cơ khí – Luyện kim, kiêm Tổng giám đốc Khu gang thép Thái Nguyên. Ông sinh trưởng trong một gia đình đại địa chủ ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Tuy xuất thân như vậy nhưng ông đi theo cách mạng, đặc biệt là ông cống hiến hết mình cho ngành luyện kim của đất nước và có nhiều đóng góp cho nền công nghiệp thép Việt Nam.

Từ năm 1949, ông Hoàng Bình công tác ở Việt Bắc và giữ chức vụ Hiệu phó trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (trường Tuyên huấn của Trung ương Đảng). Đến năm 1951, Hoàng Bình cùng 20 thanh niên khác được Bác Hồ cử đi học ở Liên Xô. Trong những năm được đào tạo ở Liên Xô, Hoàng Bình học ngành luyện kim, tốt nghiệp loại ưu năm 1957 tại trường Đại học Thép Mátcơva. Trở về Việt Nam, ông được phân công làm Trưởng phòng kỹ thuật tại Nhà máy Trung quy mô (về sau gọi là Nhà máy Công cụ số 1) ở Hà Nội. Rồi ông gắn bó nhiều năm và “lăn lộn” với Khu gang thép Thái Nguyên, chính vì vậy mà bạn bè gọi ông là “Người say mê thép”. Kết quả những công trình khoa học kỹ thuật do ông phụ trách nghiên cứu đã giải quyết được vấn đề chế tạo phụ tùng cho ngành sản xuất xi măng, ngành hóa chất, chế tạo được một số chi tiết quan trọng cho máy tiện và máy khoan lớn. Bà Đoàn Thị Uyển còn nhớ những lời tâm sự của chồng: Mình không thể trực tiếp làm cách mạng trên chiến trường thì mình làm cách mạng khoa họcĐối với bà Uyển, ông là một người chồng có lối sống giản dị, chuẩn mực, thương vợ con, và điều đó giúp bà có thêm động lực để dạy dỗ các con trong suốt những thời gian ông đi công tác xa nhà.
 
Cầm đôi dép nhựa được cất giữ trong ngăn tủ, được bọc cẩn thận bằng giấy trắng, bà Uyển xúc động kể lại: Vào đầu những năm 1970, các xí nghiệp, cơ quan thực hiện chỉ thị của Thủ tướng chính phủ về việc phân phối hàng hóa, bán hàng theo chế độ cung cấp để phục vụ công nhân, viên chức[2]. Khi ấy, ông Hoàng Bình là Giám đốc Nhà máy Trung quy mô, thuộc đối tượng được nhà nước cấp chomột số vật dụng cá nhân, trong đó có đôi dép nhựa Tiền phong này. Đôi dép đã gắn bó với ông hơn ba chục năm, cho đến khi ông qua đời.
Năm 1975, ông Hoàng Bình được cử lên Khu công nghiệp gang thép Thái Nguyên để xây dựng ngành Luyện kim. Đây cũng là thời kỳ khắc phục khó khăn sau chiến tranh, cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Công đoàn Khu gang thép Thái Nguyên phát động nhiều phong trào thi đua để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình và ổn định sản xuất, với tinh thần làm việc “Ngày quên giờ, tuần quên thứ”. Vì yêu cầu công việc, ông Hoàng Bình hay phải đi lại giữa Hà Nội và Thái Nguyên. Bà Uyển kể: Ông phải đi lại luôn, hành trang chỉ có chiếc ba lô nhỏ, một nắm cơm với ít muối vừng, chân đeo đôi dép nhựa. Có nhiều lần, ông về nhà chỉ kịp giúp nhặt mớ rau hay sửa chữa một đồ điện nào đó bị hỏng hóc, rồi lại lên Thái Nguyên làm việc. Thời gian công tác tại đây, ông tập trung vào nghiên cứu chế độ nấu luyện quặng Trại Cau trong lò cao nhỏ ở xí nghiệp Cầu Giá (Hải Phòng) để chuẩn bị cho việc khai mở lò cao lớn số 1 của Khu gang thép Thái Nguyên; nghiên cứu công nghệ chế tạo trục cán lớn 18 tấn để không phải nhập khẩu của Trung Quốc; ông trực tiếp chỉ đạo xây dựng cơ sở luyện kim bột để chế tạo khuôn kéo dây cho nhà máy cán thép Gia Sàng… Với những đóng góp đó, ông đã được khen thưởng Bằng lao động sáng tạo, Huân chương Lao động hạng Hai, Bằng độc quyền Giải pháp hữu ích HI-0075…
 
Cả chặng đường dài công tác và nghiên cứu khoa học, với rất nhiều chuyến đi xuôi ngược ấy, đôi dép nhựa đã đồng hành cùng ông và được ông sử dụng rất cẩn thận. Mỗi lần đi đâu về, ông đều cọ rửa dép sạch sẽ rồi dựng vào sau cánh cửa. Nhiều lần vợ con ngỏ ý muốn mua cho ông một đôi dép da, nhưng ông nhất định không đồng ý, thậm chí còn “lý sự” với vợ: Em có một bộ quần áo đẹp, em sẽ thấy đẹp, nhưng nếu là ba bộ quần áo đẹp thì em sẽ không còn thấy đẹp nữa. Ông thường nhắc nhở mọi người trong gia đình rằng đừng bao giờ trở thành nô lệ của các vật dụng.
Đôi dép nhựa của ông Hoàng Bình
 
Với ông, đôi dép nhựa này rất tiện lợi, có thể đi trời mưa hay trời nắng mà vẫn thoải mái. Dép nhẹ, nhựa mềm, không sợ phồng rộp chân, lại dễ cọ rửa. Cứ mỗi lần dép bị đứt quai, bà Uyển lại đem ra quầy hàn dép trước ngõ để sửa lại cho ông. Vì thế mà cứ thấy bà tới là ông lão hàn dép biết ngay bà cần gì, và cũng vì thế mà đôi dép chằng chịt những vết hàn. Cho đến khi không còn người làm nghề hàn dép nữa, bà Uyển phải tự tay hàn, cũng có những lúc ông tự hàn lấy.
 
Nhân chuyện trò về đôi dép, bà Uyển cho biết thêm: Trong những năm ông Hoàng Bình còn công tác, cuộc sống khó khăn nhưng ông không bao giờ nhận quà biếu. Mỗi lần có ai muốn tặng ông cái gì đó, ông đều từ chối bằng cách hỏi có ý ngăn chặn hành động của họ: Có định để tôi làm việc nữa không?. Bà cũng còn nhớ thời gian ông theo đuổi công trình nghiên cứu “Phương pháp lấy thép nuôi thép” thực hiện ở  Khu gang thép Thái Nguyên. Nhiều đêm, bà thức dậy, đã 1-2 giờ sáng mà ông vẫn ngồi làm việc. Có lần đang nửa đêm, ông gọi bà dậy để đọc cho bà nghe đề cương mà ông soạn thảo. Trong tâm trí ông, dường như sự nghiệp gang thép luôn được đặt lên hàng đầu. Khi ông lâm bệnh nặng, bị ho ra máu nhưng vẫn không rời bỏ công việc, trên giường bệnh của ông vẫn có một chiếc bàn nhỏ để ông làm việc.
 
Vậy là đôi dép nhựa của ông Hoàng Bình đã tồn tại xuyên thế kỷ. Nó đã trải qua một quá trình dài biến màu: từ màu trắng ban đầu của nhựa Tiền phong gần như trong suốt và mềm, rồi bị ố dần theo năm tháng nên có màu vàng nhạt, rồi chuyển sang màu vàng xỉn và trở nên cứng, đế đã mòn vẹt, quai có nhiều vết hàn và gắn. Nhìn đôi dép, bà Đoàn Thị Uyển như gặp lại hình bóng ông, nỗi nhớ về người chồng giản dị lại trào dâng trong lòng bà.
 
 
Nguyễn Thị Thành
____________________________
  [1]. Năm 1951, khi dân tộc ta đang tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác Hồ và Trung ương Đảng đã quyết định cử 21 cán bộ đi đào tạo ở Liên Xô để chuẩn bị lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật cho công cuộc kiến thiết đất nước. Sau khi hoàn thành khóa học ở nhiều ngành khác nhau, trở về Việt Nam họ đã trở thành những cán bộ cốt cán xây dựng và phục vụ trong các ngành khoa học kỹ thuật ở trong nước. Năm 2011, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã tổ chức chuyên đề nghiên cứu về đoàn cán bộ khoa học được cử đi đào tạo nước ngoài đầu tiên này. Trung tâm đã thực hiện nghiên cứu về lịch sử cuộc đời của 20 thành viên trong đoàn và sưu tầm được hàng nghìn tài liệu hiện vật và ảnh tư liệu của họ, trong đó có khối tài liệu hiện vật của ông Hoàng Bình, được gia đình tin tưởng tặng cho Trung tâm vào tháng 7-2011.
[2]. Đó là chỉ thị số 14-TTg ngày 28-1-1970 của Thủ tướng chính phủ (http://thuvienphapluat.vn/archive/Chi-thi-14-TTg-to-chuc-phan-phoi-hang-hoa-phuc-vu-cong-nhan-vien-chuc-vb55596.aspx).