Đời là một cuộc phấn đấu không ngừng





Chân dung PGS.TS Lê Thị Đức Hạnh do con trai Trần Việt Văn chụp năm 2016

Chân dung PGS.TS Lê Thị Đức Hạnh do con trai Trần Việt Văn chụp năm 2016

Học xong lớp 10, do không đủ sức khỏe nên Lê Thị Đức Hạnh từng phải gác lại ước mơ trở thành một sinh viên Toán tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1960, bước ngoặt đưa bà đến với nghiệp văn chương khi Viện Văn học cần một cán bộ tư liệu. Bà cho đó là cơ hội để tự học, tự phấn đấu. Vừa làm, vừa học bà không chỉ hoàn thành chương trình đại học mà còn viết nhiều bài nghiên cứu văn học có giá trị. Năm 1979, trên cơ sở đề tài luận án phó tiến sĩ – đang chờ bảo vệ – có tên “Truyện ngắn Nguyễn Công Hoan”, bà đã chỉnh sửa và nâng cấp thành cuốn sách “Tìm hiểu truyện ngắn Nguyễn Công Hoan” và được nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành… Sau này, bà có nhiều công trình nghiên cứu về văn học Việt Nam hiện đại, đặc biệt cuốn “Mấy vấn đề trong văn học Việt Nam hiện đại” xuất bản năm 1999 – là một trong những cuốn sách tiêu biểu của bà đã đạt giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam.

Bài viết mới nhất của PGS Lê Thị Đức Hạnh đăng trên báo Văn nghệ số 42, ngày 20-10-2018

Bài viết mới nhất của PGS Lê Thị Đức Hạnh đăng trên
báo Văn nghệ số 42, ngày 20-10-2018

Trong sự nghiệp nghiên cứu của mình, PGS Đức Hạnh đã cho ra đời 7 cuốn sách in riêng, 31 cuốn sách in chung, hơn 90 bài viết đăng trên các tạp chí và báo chuyên ngành. Nay đã sắp bước sang tuổi 85, bà vẫn đọc sách, viết bài, như cách mà bà làm gần 60 năm qua. Nhân buổi làm việc này, Phó giáo sư đã tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam tờ báo Văn nghệ số 42, ngày 20-10-2018 đăng bài viết mới nhất của bà có tựa đề “Nguyễn Thị Ngọc Tú với những sáng tác tiêu biểu về Hà Nội".

Lê Thị Hằng