GS Văn Tân có 75 tuổi đời, gần 60 năm tuổi Đảng, 10 năm bị giam cầm trong nhà tù đế quốc. Cách mạng thành công, ông tham gia làm Báo Cứu quốc. Do sở trường và tâm huyết, năm 1950, ông về Vụ Văn học và Nghệ thuật thuộc Bộ Giáo dục, sau đó sang Trung Quốc học tập rồi về Ban Nghiên cứu Văn-Sử-Địa. Từ đấy, sự nghiệp khoa học của ông được khẳng định với hàng loạt công trình như: Từ điển Trung-Việt; Từ điển Tiếng Việt, do ông chủ biên.
GS Văn Tân. Ảnh tư liệu. |
Nhiều người có ấn tượng mạnh khi tiếp xúc với ông trong giờ làm việc, ông ngồi im như pho tượng, khuôn ngực vạm vỡ ép vào bàn, cả thân hình lún chìm giữa sách vở, tài liệu. Khách đến nhà, ông chợt ngước lên, giọng nói ấm áp, dễ chịu xua tan cảm nghĩ ban đầu về ông: “Có việc gì thì nói ngay đi”, miệng ông nói, tay ông rót nước mời khách. Gần 40 năm làm việc trong điều kiện thiếu thốn, ông đã cho ra mắt bạn đọc nhiều bài nghiên cứu về lịch sử Việt Nam. Hồ sơ của Hội đồng Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam đề nghị phong hàm Giáo sư đợt đầu (năm 1980) ghi về ông: Gần 30 năm, ông đã viết 25 cuốn sách, 107 luận văn và các công trình nghiên cứu đăng trên các tạp chí, đặc biệt là Tạp chí Nghiên cứu lịch sử. Trong đó có những quyển có giá trị lớn về lý luận và thực tiễn, đáng kể nhất là cụm công trình "Cách mạng Tây Sơn"; "Nguyễn Huệ-Con người và sự nghiệp" đã được Giải thưởng Nhà nước. Lúc nào ông cũng miệt mài, say sưa nghiên cứu, biên soạn lịch sử và góp phần đào tạo cán bộ sử học với tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, cống hiến hết mình. Trong lao động, ông nghiêm khắc với mình và với cả cộng sự, đến hạn nộp là phải xong, không được vòng vo, lý do.
Ông là người nêu nhiều ý sáng tạo, đồng thời là cây bút sắc sảo chống lại những luận điệu xuyên tạc sự thật. Ông có tài viết rất nhanh. Cuốn Lịch sử Việt Nam dày 217 trang ông viết hơn 1 tháng. Ông còn là người có năng lực hùng biện, diễn giả. Mộ tiếng ông, nhiều nơi mời ông đi nói chuyện. Bộ óc mẫn cảm, giọng nói lúc bổng, lúc trầm thu hút người nghe. Và thính giả khoái hơn cả khi nghe ông đọc thuộc lòng cả trang, thậm chí nhớ được cả những niên hiệu, danh hiệu, danh ngôn và cả đoạn dài cổ văn sử cũ…
Cuộc đời của GS Văn Tân đúng như TS sử học Quỳnh Cư đã viết: “Ông không còn nữa, nhưng trong chúng tôi, ông vẫn là cây đại thụ tỏa bóng mát cho nhiều thế hệ. Ông là con người tài năng, đức độ đáng kính”.
Nhật Hồng
Nguồn: www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/56/58/58/255836/Default.aspx