Đón Tết cổ truyền trên đất khách

Tháng 9-1989, PGS.TS Ngô Văn Quỳ cùng một số giáo viên Việt Nam được cử đi làm chuyên gia giáo dục giảng dạy tại Trung tâm Đại học Laghouat, Algérie. Cuối năm 1989 thì số lượng chuyên gia Việt Nam ở đây đã tăng lên đến vài chục người. Dù xa gia đình đến nửa vòng trái đất nhưng mỗi độ Xuân về họ lại cùng nhau đón một cái Tết Việt giữa xứ sở khô cằn và “mịt mù bão cát” theo cách của những “chuyên gia”.

 Rượu chà là, cành đào giả…

Năm đầu tiên, do chưa quen với môi trường sinh hoạt và giảng dạy mới nên tất cả các chuyên gia đều lo lắng, tập trung tâm trí cho việc chuẩn bị bài giảng, học ngoại ngữ. Tết Canh Ngọ (1990), cả đoàn chỉ mua chút bánh kẹo để liên hoan với nhau. Gần chỗ ở của đoàn chuyên gia, có một người tên là Farit – cha là người Algérie, mẹ là người Việt Nam, Farit có mối quan hệ thân thiết với các chuyên gia Việt Nam, đặc biệt là Ngô Văn Quỳ. Tết năm ấy, Farit cùng với vợ con sang liên hoan với các chuyên gia Việt Nam. Theo múi giờ quốc tế, vào thời khắc giao thừa ở Việt Nam (0h) thì bên Algérie là 17h. Mọi người trò chuyện, ăn uống rất vui vẻ, cho đến khoảng 20h thì gia đình Farit từ biệt để ra về. Khi đó, bầu không khí bỗng dưng lắng hẳn xuống, bởi ai cũng có vợ con, gia đình ở Việt Nam mà giờ đây phải đón cái Tết xa nhà. Không ai thổ lộ một lời nào, nhưng trong họ đều rất buồn, rồi lần lượt trở về phòng của mình.

Qua 1 năm, các chuyên gia Việt Nam đã quen với việc sinh hoạt và giảng dạy tại Algérie. Với mong muốn tổ chức một cái Tết trong không khí tươi vui, cho nên trước Tết khoảng vài tháng, Ngô Văn Quỳ đi vào vùng sa mạc để tìm những cây có đặc điểm giống cây đào ở Việt Nam để làm cành đào giả. Đã nhiều lần tìm kiếm mà vẫn không có kết quả, may mắn sao một hôm Ngô Văn Quỳ nhìn thấy có người dân bản xứ lôi từ trong khuôn viên nhà mình ra một cành cây vừa bị đốn và bỏ ra đường. Ông nhận thấy cành cây đó khá đẹp, có dáng dấp giống cành đào ở Việt Nam, sau khi có được cành đào “giả”, ông bắt đầu thu gom các tờ giấy nháp có màu xanh lá mạ, màu hồng – được sử dụng trong các kỳ thi, đồng thời mua các sợi len màu đỏ để làm lá và cánh hoa đào; dùng xốp để cắt thành các chữ như: Laghouat (Tên trường), Năm mới theo Can chi… để trang trí.

Bấy giờ, cùng đoàn chuyên gia ở Trung tâm Đại học Laghouat còn có ông Nguyễn Văn Chuy – giáo viên dạy Hóa học, thuộc trường Đại học Sư phạm Hà Nội là người biết làm rượu từ các loại hoa quả, đặc biệt là quả chà là – một trái cây quen thuộc ở xứ sở Laghouat, thường được dùng để tráng miệng sau mỗi bữa ăn ở nhà ăn tập thể. Các thành viên trong đoàn chuyên gia tích góp lại trong khẩu phần quả chà là của mình để ông Chuy làm rượu vang, có nồng độ khoảng 12-15 độ. Sau này, ông Chuy còn làm được rượu nặng từ quả chà là nhờ phương pháp chưng cất bằng ống nghiệm.

Tết Tân Mùi (1991), căn phòng ở dành cho chuyên gia Việt Nam tại Trung tâm Đại học Laghouat bỗng tưng bừng, tràn ngập không khí Tết khi có “cành đào”, có rượu vang chà là bên những dòng chữ trang trí đón mừng Xuân mới. Đồng thời, mọi người đóng góp thực phẩm được gửi từ Việt Nam sang như: bánh đa nem, măng khô… để phục vụ cho việc nấu nướng, cúng Giao thừa. Những chiếc đài tốt nhất được các chuyên gia tập trung lại để đón nghe giờ khắc Giao thừa ở quê nhà, nghe Chủ tịch nước chúc Tết và quây quần cùng nhau đón Tết bên mâm cỗ đầy hương vị quê hương, chúc cho nhau những điều tốt đẹp theo phong tục truyền thống của Việt Nam.

Đoàn chuyên gia Việt Nam trong bữa tiệc mừng Xuân Nhâm Thân (1992) của tại Laghouat, Algérie

Tết Quý Dậu (1993), trong bữa tiệc tất niên còn có thêm vị mặn mà của nước mắm làm từ đầu cá Chardine và vị tươi mát của món canh tôm nấu với… cùi dưa hấu, do Ngô Văn Quỳ chế biến. Từ nhỏ, khi còn sống ở Thanh Hóa, Ngô Văn Quỳ đã học được ở mẹ cách làm nước mắm từ đầu cá, cho nên ông đã sử dụng đầu, đuôi cá Chardine để làm nước mắm. Giống cá Chardine này có xuất xứ ở vùng Địa Trung Hải (phía Bắc Algérie), rất nổi tiếng bởi thịt ngọt, béo, lại được bán rất rẻ ở Algérie do mọi người chỉ ăn thân cá mà bỏ đầu, bỏ đuôi. Cho nên sự kiện Ngô Văn Quỳ thu thập đầu cá để làm nước mắm được lan truyền như một điều vô cùng lạ lẫm, thậm chí còn truyền lên tới Đại sứ quán. Ở Algérie không có quả bí xanh, Ngô Văn Quỳ đã sử dụng lớp cùi vỏ dưa hấu, thái chỉ, phơi cho ráo nước rồi nấu với tôm, cho thêm hành, gừng và gia vị… rất giống với canh bí mà các bà, các mẹ vẫn nấu vào ngày Tết.

Những vần thơ ngày Tết

Nhân dịp đầu năm mới, trong bầu không khí vui vẻ, có chút men say, các chuyên gia thường ngẫu hứng “xuất khẩu thành thơ”. Đó là những bài thơ vui, mục đích tạo ra tiếng cười sảng khoái trong dịp đầu năm, và phần nào đó giúp vơi đi nỗi nhớ nhà, chẳng hạn:

“Dừng chân đứng lại bên đèo

Tự dưng gặp một con mèo gâu gâu.

Dừng chân đứng ở bên cầu

Tự nhiên gặp một con trâu vàng vàng…”

 (Tết Tân Mùi – 1991)

Bên cạnh đó, cũng có những vần thơ tức cảnh:

“Chiều tà trên sa mạc

Tết chợt đến đã qua

Nắng xiên nóng rát mặt

Phía sau lạnh thân già

Chiều tà trên sa mạc

Lững thững một chú la

Trên lưng mang vác nặng

Bâng khuâng cụ chuyên gia”

 (Tết Nhâm Thân – 1992)

Chuyên gia Việt Nam tại Laghouat, Algérie, trong dịp tết Quý Dậu, 1993

Tết năm Quý Dậu – 1993, ông Ngô Tất Vĩnh – giáo viên dạy Vật lý, cháu ruột của nhà văn Ngô Tất Tố, có viết một bài thơ như sau:

“Xưa nghe cô giáo giảng bài

Mênh mông sa mạc rộng dài bao la

Lạc đà, ốc đảo, cồn sa

Gió tung cát bụi ngỡ là mây bay

Có bao giờ nghĩ tới đây?

Mà nay lại ở chốn này đón xuân”

Do tình hình an ninh nước bạn không ổn định nên Tết năm Giáp Tuất (1994) diễn ra trong không khí buồn và lo lắng. Tình hình mỗi lúc một căng thẳng, tháng 5-1994, đoàn chuyên gia được lệnh về nước. Họ di chuyển trên 2 xe buýt, được hộ tống bởi 2 xe quân đội có trang bị vũ khí từ Đại học Laghouat tới thành phố Gacdaia (miền Nam Algérie). Sau đó bay tới thủ đô Algie để về Việt Nam…

Vậy là một mùa xuân mới lại về trên khắp dải đất Việt Nam. Những chuyên gia giáo dục tại Algérie năm nào giờ đây người mất, người còn. Song, kỷ niệm về những cái Tết xa nhà năm xưa là những câu chuyện không thể nào quên trong “di sản ký ức nhà khoa học”, những ký ức đã được tái hiện lại một cách chân thực nhất để thế hệ trẻ biết rằng trí thức Việt Nam có một thời như thế!

Đỗ Minh Khôi