Năm 1952, trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Pháp đang diễn ra ngày một ác liệt, Phạm Kim tốt nghiệp trường Y sỹ Việt Nam và được điều lên Việt Bắc công tác tại Bộ Y tế. Sau nhiều ngày đi bộ vượt núi băng rừng, ông đến trụ sở của Bộ nằm ở xã Hoàng Long (nay là xã Tân Long) thuộc huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Những căn nhà bằng tre, nứa đơn sơ nằm dưới tán cây rừng bên bờ suối là hình ảnh ấn tượng đầu tiên với Phạm Kim về nơi làm việc của Bộ Y tế và nhiều cơ quan, đơn vị khác. Phạm Kim được phân công làm việc ở Vụ Phòng bệnh – chữa bệnh trong khi một số bạn học cùng khóa 3 nhận nhiệm vụ ở Viện Vi trùng (nay là Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) cách Bộ Y tế không xa.
![]() |
PGS Phạm Kim, 24-11-2020 |
Nhớ lại những ngày ở chiến khu, BS Phạm Kim không thể quên món ăn từ nghé và dê đã trở thành “đặc sản” của cán bộ nhân viên Bộ Y tế và Viện Vi trùng học. Ngày đó, sau giờ làm ông và những cán bộ trẻ lại theo con đường mòn nhỏ dẫn đến khu vườn bên kia bờ suối để cuốc đất trồng rau. Cách vườn rau khoảng 100 mét là khu chăn nuôi của Viện Vi trùng, chủ yếu nuôi nghé và dê phục vụ sản xuất vắc xin phòng bệnh đậu mùa và dại. Mỗi lần đến khu vườn để tăng gia sản xuất, Phạm Kim lại tranh thủ quan sát cán bộ Viện Vi trùng làm vắc xin: làm vắc xin đậu mùa thì cạo sạch lông hai bên hông con nghé, lấy dao khía lên da nhiều đường rạch nông rớm máu để cấy vi rút đậu mùa vào rồi băng lại. Sau một số ngày các vết rạch bị mưng mủ và khi mủ khô thì thu hoạch làm nguyên liệu chế vắc xin. Kỹ thuật làm vắc xin phòng bệnh dại được tiến hành trên dê bằng cách dùng khoan tay khoan một lỗ nhỏ qua xương sọ rồi cấy vi rút dại vào não dê. Sau khi dê phát bệnh dại thì giết thịt, mổ lấy toàn bộ não và tủy sống làm nguyên liệu chế vắc xin. Thịt nghé và dê sau đó được chia cho bếp ăn của Viện và Bộ Y tế, dù biết ăn thịt gia súc bị bệnh không tốt, nhưng trong hoàn cảnh chiến khu thiếu thốn trăm bề thì đây là nguồn đạm quý giá.
Giữa nǎm 1952, quân đội Pháp bắn đạn pháo và dùng máy bay thả các loại côn trùng, trứng sâu, nấm, các vật lạ xuống nguồn nước. Ngày 12-9-1952, Chính phủ thành lập Ban Chống trùng (BCT) đặt tại Bộ Y tế với nhiệm vụ theo dõi và phòng chống chiến tranh vi trùng, hóa học; đồng thời giao nhiệm vụ cho trường Đại học Y khoa mở lớp huấn luyện những kiến thức cơ bản cũng như một số kỹ thuật phát hiện, phòng chống chiến tranh vi trùng hóa học. Công tác tại Vụ phòng bệnh và chữa bệnh được một thời gian không lâu, y sĩ Phạm Kim được cử tham gia lớp tập huấn do GS Đặng Văn Ngữ phụ trách.
Trung tuần tháng 1-1953, y sĩ Phạm Kim cùng các đồng nghiệp Lê Sỹ Nhơn, Nguyễn Cao Thâm, Phan Dẫn… từ văn phòng Bộ ra ghềnh Quýt rồi theo tả ngạn sông Lô lên Chiêm Hóa. Chuyến đi lần này để lại cho ông Phạm Kim nhiều cảm xúc, ông được đến trường Đại học Y khoa – ngôi trường ông mơ ước được theo học từ khi còn học trường chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng nhưng vì không có điều kiện mà phải rẽ ngang vào trường Y sỹ Việt Nam.
Trường Đại học Y khoa là căn nhà dựng bằng tre nứa nằm ở hữu ngạn ngòi Quẵng. Ở đó, không khí luôn rộn ràng bởi tiếng cười nói của sinh viên. Học viên lớp Ban Chống trùng được sắp xếp sinh hoạt, ăn ở với nhóm cộng sự của GS Đặng Văn Ngữ ở bộ môn Vi trùng và Ký sinh trùng. Ấn tượng của BS Phạm Kim về thầy Đặng Văn Ngữ là một người luôn ăn mặc chỉnh tề dù ở rừng núi và tác phong làm việc rất nghiêm túc dù phòng thí nghiệm trang bị thô sơ.
Khóa học chống chiến tranh vi trùng, hóa học kéo dài hơn 1 tháng nên y sĩ Phạm Kim đã đón cái tết đầu tiên ở Việt Bắc cùng các thành viên lớp ban chống trùng tại trường Đại học Y khoa Việt Bắc. Điều kiện khó khăn nên tết cũng đơn giản, đêm giao thừa thầy và trò quây quần bên đống lửa xem vở nhạc kịch được sinh viên khóa 1952 biểu diễn. Sau giao thừa y sĩ Phạm Kim và các bạn đến khoa Vi trùng chúc tết GS Đặng Văn Ngữ và tham gia liên hoan. Y sĩ Phạm Kim đã kể một câu chuyện vui trong tiểu thuyết của nhà văn Pháp Alphonse Daudet khiến bầu không khí trở nên vui nhộn. Vui giao thừa nhưng không quên nhiệm vụ, sau đó ông cùng các bạn thay nhau đi tuần quanh trường.
Tết rồi cũng qua nhanh, thầy và trò lớp Ban Chống trùng lại tích cực học tập. Đầu tháng 3-1953, lớp học kết thúc, ông Phạm Kim trở về Bộ Y tế và nhận công tác mới, đó là giúp đỡ GS Trần Hữu Tước xây dựng Bệnh khoa Tai Mũi Họng Trung ương ở Việt Bắc cho đến ngày miền Bắc được giải phóng.
Dù thời gian khiến PGS Phạm Kim quên đi nhiều thứ nhưng kỷ niệm về một thời ở chiến khu Việt Bắc vẫn đọng lại trong ký ức và nó trở một phần cuộc sống của ông.
Lê Nhật Minh
* PGS Phạm Kim, nguyên Phó viện trưởng Viện Tai Mũi Họng Trung ương (1974-1983).