Đón Tết trên đường Nam tiến

Kể từ ngày tập kết ra Bắc năm 1954, ông Phạm Văn Lang luôn mong đến ngày được trở về miền Nam góp sức xây dựng quê hương. Sau khi tốt nghiệp Học viện Nông Lâm với tấm bằng kỹ sư cơ khí nông nghiệp, nguyện vọng ấy lại càng thôi thúc trong ông. Năm 1964, cơ hội đến với ông Phạm Văn Lang khi Ban thống nhất Trung ương có chủ trương điều động cán bộ tập kết trở về Nam công tác. Tinh thần xung phong của ông không được đáp ứng, bởi vào thời điểm đó ông được Bộ Nông nghiệp cử sang Trung Quốc làm nghiên cứu sinh tại Học viện Cơ khí Bắc Kinh. Sau một năm học ngoại ngữ hàng trăm học viên, trong đó có NCS Phạm Văn Lang, phải về nước vì tình hình chính trị bất ổn của cách mạng văn hóa ở Trung Quốc. Về lại ban Cơ khí, trường Đại học Nông nghiệp[1], ông cùng đồng nghiệp tiếp tục nghiên cứu máy nông nghiệp giải quyết khâu làm đất cho các cánh đồng chiêm trũng ở miền Bắc.

Cuối năm 1972, Ban thống nhất Trung ương tiếp tục chủ trương đưa cán bộ tập kết về miền Nam, chuẩn bị cho kế hoạch tái thiết miền Nam trong tương lai. Ông Phạm Văn Lang một lần nữa xung phong vào Nam, nhưng không được lãnh đạo Viện Công cụ và Cơ giới hóa nông nghiệp[2] đồng ý. Ông phải trực tiếp đến Ban Thống nhất để bày tỏ nguyện vọng mới được chấp thuận. Tháng 11-1972, Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị ký quyết định cử một đoàn cán bộ của Chính phủ vào miền Nam để nghiên cứu kinh tế ở Khu V trên cơ sở phương hướng của Trung ương và chủ trương của Khu ủy về xây dựng vùng giải phóng và vùng căn cứ; nghiên cứu những chủ trương, kế hoạch, biện pháp cụ thể và kiến nghị với Khu ủy; nghiên cứu kế hoạch chi viện về kinh tế của miền Bắc cho Khu V. Đoàn công tác gồm 11 thành viên[3] là cán bộ thuộc Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Nội thương, Ủy ban Nông nghiệp Trung ương, Ngân hàng Nhà nước. Nhiệm vụ của cán bộ nông lâm nghiệp trong đợt công tác này là điều tra, khảo sát, nghiên cứu điều kiện vật chất để đưa các tiến bộ kỹ thuật về nông lâm nghiệp, trong đó có cơ giới hóa nông nghiệp vào Khu V.

Đoàn cán bộ trên đường vào Khu V
(Ông Phạm Văn Lang, ngoài cùng, bên trái – hàng đứng)

Cuối tháng 12-1972, Đoàn được triệu tập đến trụ sở Ủy ban Kế hoạch Nhà nước để nhận trang thiết bị cá nhân, gồm ba lô, quần áo bà ba, bi đông nước, võng dù, tăng che mưa, lương khô và thuốc chống sốt rét để chuẩn bị cho chuyến công tác. Trước ngày lên đường, Đoàn tập trung ở Sơn Tây để học tập chủ trương và lĩnh hội nhiệm vụ phải làm khi vào Khu V. Lúc nhận được thông tin có tên trong danh sách đoàn công tác, ông Phạm Văn Lang vừa mừng vừa lo, mừng vì nguyện vọng được góp sức cho miền Nam sắp thành hiện thực, nhưng cũng lo vì hoàn cảnh gia đình neo người. Vợ ông lúc này đang dạy học ở Bắc Giang phải gửi con cả ở nhà anh trai, con thứ 2 gửi ông bà ngoại chăm sóc. Ông Phạm Văn Lang ở Hà Nội, sáng đạp xe lên Sơn Tây tập trung với đoàn, tối lại về nhà. Ông chỉ viết thư thông báo cho vợ là đi công tác, không nói sẽ vào Nam.

Ngày 15-1-1973, xe của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước đón các thành viên của đoàn về điểm tập kết, sau đó chia ra 5 xe com-măng-ca rồi bắt đầu xuất phát. Đoàn lên đường công tác trước Tết Quý Sửu nửa tháng, nhưng chẳng ai nghĩ đến tết nhất, chỉ tập trung vào nhiệm vụ sắp tới và chặng đường dài từ Hà Nội vào Khu V, như chia sẻ của ông Phạm Văn Lang: lúc ấy được đi là mừng lắm rồi[4]. Khi xe đi qua khu vực Văn Điển, ông Phạm Văn Lang xin phép ghé vào nhà chào bố mẹ vợ. Bố vợ ông là cụ Bùi Đăng Sắc (1908-1983) – một Đảng viên Đảng cộng sản Đông Dương lớp đầu ở Thái Bình. Mẹ vợ ông kịp lấy kim chỉ khâu túi áo bà ba của con rể. Dù không hỏi nhưng ông ngầm hiểu điều đó giúp ông may mắn trong chuyến đi này.

Đoàn di chuyển được một chặng ngắn, ông Phạm Văn Lang đã bị say xe nên rất mệt mỏi, đến địa phận huyện Thường Tín (Hà Nội) một y sỹ theo đoàn phải tiêm cho ông một mũi chống say khiến ông ngủ li bì suốt quãng đường từ Hà Nội đến Thanh Hóa. Đêm đầu tiên đoàn nghỉ ở Vinh (Nghệ An), hôm sau đi tiếp về phía Nam, đường đi nhiều ổ voi, ổ gà và dấu vết bom đạn. Đến Quảng Bình xe theo đường 16 lên cổng trời. Càng về phía Nam đường càng khó đi, chủ yếu là đường đèo giữa đại ngàn Trường Sơn. Ngày đi, đêm xuống lại mắc tăng võng ngủ giữa rừng.

Khi xe vượt đỉnh Trường Sơn bắt đầu sang bên kia biên giới Việt – Lào, thì đã cận kề Tết Nguyên đán. Nhưng giữa rừng Trường Sơn, xung quanh là cảnh hoang tàn của chiến tranh, không một làng bản nên không ai nhận ra Tết đang đến. Điều cả đoàn quan tâm, vui mừng khi đó là thông tin Hiệp định Paris đã được ký kết, đánh dấu chiến thắng quan trọng của ta trên mặt trận ngoại giao. Chuyến đi sẽ bớt phần gian nan khi quân Mỹ buộc phải rút khỏi miền Nam Việt Nam, nhưng cuộc chiến với quân đội Việt Nam cộng hòa vẫn rất ác liệt.

Đêm giao thừa, không bánh, không rượu, cả đoàn quây quần bên đống lửa giữa rừng Trường Sơn, gửi đến nhau những lời chúc tốt đẹp và tin tưởng vào ngày thống nhất đất nước không còn xa. Sáng Mùng 1 Tết, Đoàn lại tiếp tục rong ruổi trên cung đường ở phía tây Trường Sơn. Bữa ăn ngày đầu năm vẫn chỉ là lương khô như ngày thường. Sau mấy ngày tết di chuyển liên tục, đoàn đến Xê Pôn thuộc tỉnh Savannakhet (Lào) và nghỉ ở một Trạm giao liên. Thời tiết ở Nam Lào khá đẹp, trời nắng ấm cả đoàn rủ nhau ra suối tắm rồi được Trạm thiết đãi một bữa cơm kèm rau rừng, muối vừng. Đây là bữa cơm thịnh soạn nhất sau nhiều ngày chỉ ăn lương khô kể cả ngày tết. Sau bữa ăn, cả đoàn tranh thủ nghỉ ngơi rồi tiếp tục hành trình dọc theo sông Sê Kông xuôi về phía nam. Từ ngã ba sân bay Chà Vằn (Lào), xe theo đường nhánh rẽ về phía đông vào Khu V.

Điểm khảo sát đầu tiên đoàn thực hiện là các hợp tác xã dọc biên giới Việt – Lào. Sau đó vào Cục Tiền phương làm việc với Cục Hậu cần và Khu ủy. Đoàn được gặp gỡ, làm việc với Bí thư Khu ủy – Võ Chí Công, rồi được phân về các ban như ban Giao thông, ban Quân sự, ban Sản xuất… Phạm Văn Lang làm việc ở ban Sản xuất, hàng ngày ông cùng ông Trần Việt Chi theo giao liên về các địa phương khảo sát, nghiên cứu tình hình sản xuất nông nghiệp. Hoạt động khảo sát được thực hiện ở nhiều địa phương, một số địa điểm phải tiến hành bí mật, không tiếp xúc với người dân, không được ghi chép. Tối về nghỉ ở trạm mới viết lại các kết quả.

Ngày 7-4-1973, Đoàn lên đường khảo sát các tỉnh Tây Nguyên. Đến Gia Lai, ông Phạm Văn Lang nhận được tin ba bị giặc bắt và sát hại ở Bình Định. Nén đau thương, ông tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Lúc đó việc đi lại giữa các địa phương tương đối khó khăn và nguy hiểm vì là vùng “da báo” (vùng giải phóng đan xen với vùng quản lý của Việt Nam cộng hòa). Ông Phạm Văn Lang và đồng nghiệp chủ yếu khảo sát ở những khu vực đã giải phóng hoặc đến những vùng ven đồng bằng gần nơi tạm chiếm. GS Phạm Văn Lang kể, dù có cán bộ địa phương dẫn đường nhưng thành viên trong đoàn vẫn lo sợ lọt vào ổ phục kích của địch, bởi nếu bị bắt sẽ rơi vào hoàn cảnh rất nguy hiểm, địch đưa về Trung tâm cải huấn ở Đà Nẵng để mua chuộc, dụ dỗ ly khai, tố cộng sau đó phát lên đài truyền thanh. Vì thế trong suốt hành trình khảo sát ông Lang luôn sẵn sàng tâm thế “thà hy sinh chứ không chịu để giặc bắt”.

Sau khi kết thúc chuyến khảo sát ở Tây Nguyên, Phạm Văn Lang cùng đoàn trở về Quảng Nam thực hiện khảo sát ở Trà My. Đây là vùng đất nổi tiếng là rừng thiêng nước độc, rất nhiều người mắc sốt rét. Các thành viên trong đoàn cũng không ngoại lệ, tất cả đều bị những cơn sốt rét quật ngã nhưng vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Đầu tháng 7-1973, Đoàn kết thúc chuyến khảo sát ở Khu V và trở về Hà Nội. Hành trình ra Bắc kéo dài hơn 1 tháng, cũng gian nan không kém như lúc Đoàn tiến quân vào Nam.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông Phạm Văn Lang được cử sang Bulgaria làm nghiên cứu sinh và trải qua những cái tết ở nước ngoài, dù ấn tượng nhưng không đặc biệt như lần đón Tết trên đường Trường Sơn năm 1973.

Lê Nhật Minh

_________________________

GS.TSKH Phạm Văn Lang, chuyên ngành cơ khí, nguyên Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp (nay là Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch).

[1] Năm 1964, Học viện Nông Lâm tách khoa Lâm học, Phòng nghiên cứu gỗ và lâm sinh, một phần tổ bộ môn cơ khí, một phần các tổ bộ môn khoa kinh tế để thành lập trường Đại học Lâm nghiệp (nay là Đại học Lâm nghiệp Việt Nam). Các đơn vị còn lại của trường đổi tên thành Đại học Nông nghiệp.

[2] Năm 1968, trên cơ sở Ban Cơ khí của trường Đại học Nông nghiệp, Viện Công cụ và Cơ giới hóa được thành lập theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp.

[3] Đoàn công tác gồm: 4 cán bộ thuộc Ủy ban Kế hoạch Nhà nước – Huỳnh Công Vân (Trưởng đoàn), Nguyễn Đức Nhân (Phó đoàn), Bùi Công Trọng (Phó đoàn), Bùi Xuân Đính; 1 cán bộ Cục Trồng rừng – Trần Ngọc Vỹ (Phó đoàn); 1 cán bộ Bộ Nội thương – Huỳnh Tôn; 1 cán bộ Đại học Xây dựng –  Đặng Hữu; 2 cán bộ thuộc Ủy ban Nông nghiệp Trung ương – Trần Việt Chi, Phạm Văn Lang và 2 cán bộ Ngân hàng – Nguyễn Văn Hiểu, Nguyễn Văn Giai.

[4] Tài liệu ghi âm GS.TSKH Phạm Văn Lang, ngày 6-1-2022, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.