Đây là chiếc đồng hồ nhãn hiệu Pobeda của GS Phan Cự Đệ do anh trai Phan Cự Nhân tặng. Chiếc đồng hồ được ông sử dụng từ khoảng những năm 1965 đến năm 1990.
Phan Cự Đệ (1933 – 2007), chuyên ngành văn học, sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học ở Quỳnh Lưu, Nghệ An. Các anh em của ông đều là nhà khoa học : GS.TS Phan Cự Nhân (ngành Sinh học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội) ; GS.TS Phan Cự Tiến (ngành Địa chất, Viện Nghiên cứu địa chất và khoáng sản Quốc gia).
Khoảng năm 1965, ông Phan Cự Nhân từ Liên Xô về Việt Nam và tặng cho em trai – Phan Cự Đệ một chiếc đồng hồ Pobeda để sử dụng. Khi đó, ông Phan Cự Đệ đang cùng với thầy trò khoa Văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội sơ tán ở Đại Từ – Bắc Thái. Nhờ vào chiếc đồng hồ, ông có thể thức dậy sớm mỗi ngày để quét, dọn sân nhà cụ Trương Cáp (chủ nhà) rồi mới đi đến lớp dạy học cho sinh viên. Năm 1970, ông về Hà Nội và sống cùng gia đình trong căn phòng 28m2, phòng 33, nhà B6 Kim Liên. Cũng chính tại căn nhà ở Kim Liên này, mà đồng nghiệp trong trường Đại học Tổng hợp thường đùa vui là “phòng đẻ” ra những tác phẩm của nhà nghiên cứu Phan Cự Đệ. Đó là quãng thời gian bao cấp khó khăn, và cũng là thời gian ông miệt mài trong các thư viện lớn, nghiên cứu và sáng tạo nên hơn 30 đầu sách. Trong đó, có nhiều tác phẩm lý luận phê bình văn học có giá trị, như: Sách Phong trào Thơ mới lãng mạn 1932-1945, Nhà xuất bản Khoa học, năm 1969, tái bản năm 1982; Sách Tự lực văn đoàn- con người và văn chương, Nhà xuất bản Văn học, năm 1990; Giáo trình Văn học Việt Nam 1900-1945, Nhà xuất bản Giáo dục, năm 1997. Sau này, có nhiều dịp đi công tác ở Liên Xô, dù có thể mua những chiếc đồng hồ Liên Xô mới, nhưng ông vẫn đeo và gìn giữ chiếc đồng hồ kỷ niệm này.
Đến đầu năm 1990, vì thấy chiếc đồng hồ đã quá cũ, GS Phan Cự Đệ đã mua chiếc đồng hồ mới để thay thế và cất chiếc đồng hồ Pobeda làm kỷ niệm. Sau khi ông mất, gia đình tiếp tục lưu giữ kỷ vật tại nhà riêng, nhưng vì điều kiện khí hậu tại Việt Nam nên dây của chiếc đồng hồ đã hỏng (khi GS Phan Cự Đệ sử dụng, dây của chiếc đồng hồ cũng đã được thay thế nhiều lần). Khi nhớ về bố, bà Quỳnh Anh chia sẻ: Bố tôi rất đặc biệt, ông đã rèn cho mình thành đồng hồ sinh học nên đã định giờ nào là sẽ tự tỉnh được giờ đó. Chưa bao giờ tôi thấy bố phải dùng đến đồng hồ báo thức, ông chỉ dùng đồng hồ đeo tay để xem giờ. Tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh bố tôi dậy sớm, cho con gái nhỏ lèn bát cơm đầy với cà chua chưng trong vườn nhà cụ Trương trước khi vội vàng lên lớp cho kịp giờ.