Xuất thân trong một gia đình nông dân thuần túy, 12 tuổi đã mồ côi cha, phải sống cuộc sống bần hàn nhưng cậu bé Cao Văn Chí vẫn quyết tâm theo học đến cùng từ lớp đồng ấu (vỡ lòng) đến khi tốt nghiệp có bằng Sơ đẳng yếu lược (năm 1944).
GS.TSKH Cao Văn Chí chia sẻ những ký ức
với Nghiên cứu viên của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam
Rồi, trường học phải giải tán để tránh những trận càn quét của thực dân Pháp, Cao Văn Chí tiếp tục đi tìm trường để học. Tháng 11-1950, ông được Hiệu trưởng trường Trung học kháng chiến Nguyễn Chí Diểu ở xã Phong Chương, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên- Huế nhận vào học. Mỗi ngày Cao Văn Chí gửi hai lon gạo đầy nhờ nhà chủ nơi trọ học thổi cơm, thức ăn thường là rau, muối vừng, tôm tép khô… Cuối tuần là hết gạo, Cao Văn Chí lại vượt sông Ô Lâu đi bộ 25 km từ trường học (làng Thế Chí Tây) về nhà ở làng Thế Chí Đông (tỉnh Thừa Thiên- Huế) để lấy gạo và thức ăn rồi quay trở lại trường ngay để kịp buổi học sáng thứ hai. Cuối năm 1953, cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc đi vào giai đoạn quyết liệt, trường Nguyễn Chí Diểu cũng giải tán, ông cùng các bạn đã vượt qua đường mòn dốc cao để ra Nghệ An tìm trường cấp 3 tiếp tục học. Cao Văn Chí xin vào lớp 8 của trường Tư thục ở Nghi Lộc, Nghệ An, do thầy Nguyễn Văn Tý làm Hiệu trưởng, vừa học vừa kiếm củi bán lấy tiền mua gạo trọ học. Có những đêm trời lạnh không chịu được ông phải tập hút thuốc lào cho đỡ rét. Chẳng uổng công chăm chỉ học hành Cao Văn Chí đứng vị trí thứ 3 trong 10 học sinh được chọn vào học trường cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng.
Tháng 7- 1956, Ủy Ban thống nhất Trung ương đưa 4 xe ô tô đến trường ở xã Lam Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An đón học sinh của trường theo chế độ Tập kết ra Hà Nội thi vào các trường Đại học. Cao Văn Chí thi đỗ Khoa Thủy lợi – Đại học Bách khoa Hà Nội trong niềm vui sướng, hãnh diện nhưng ông không thế nào thông báo được về cho gia đình ở quê nhà. Điều mà cho đến giờ ông vẫn rất khổ tâm, cũng vì hoàn cảnh đất nước chiến tranh chia cắt mà năm 1958 mẹ ông mất nhưng đến tận năm 1966 ông mới biết tin. Năm 1975, khi đất nước thống nhất, ông mới biết được tình hình anh, các chị còn sống hay đã mất. Vượt lên số phận, Cao Văn Chí đành nén nỗi đau và cố gắng học hành trở thành GS.TSKH Cao Văn Chí như ngày hôm nay. Ông vẫn tâm niệm, được học là một hạnh phúc lớn.
Lưu Thị Thúy
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam