Từ Quảng Nam đến Hà Nội
Huỳnh Quang Đại sinh ngày 15-2-1915 tại xã Điện Phong, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng
Tốt nghiệp tú tài phần thứ nhất, Huỳnh Quang Đại vào Huế và học ở trường Trung học Khải Định, lấy bằng tú tài phần thứ 2 vào tháng 6-1939. Cũng trong khoảng thời gian ấy, Huỳnh Quang Đại tập sự dược ở Phòng Bào chế, Bệnh viện Huế, trước khi thi vào trường Y Dược Đông Dương ở Hà Nội. Thời gian ở Huế, ông tích cực tham gia phong trào hướng đạo do Tạ Quang Bửu phụ trách. Tháng 10-1939 ông ra Hà Nội, học tập dưới mái trường danh giá bậc nhất ở Đông Dương – trường trường Y Dược Đông Dương đến tháng 6-1943. Theo kế hoạch, ông sẽ thi tốt nghiệp nhưng vì Mỹ ném bom Hà Nội nên ông trở về Quảng Nam. Hơn nửa năm sau, tháng 6-1944, ông mới quay trở lại Hà Nội, dự kỳ thi tốt nghiệp và đỗ dược sĩ hạng nhất.
Có bằng dược sĩ hạng nhất, Huỳnh Quang Đại trở về Quảng
Ngang dọc trong kháng chiến
Là một người có trình độ, không thể làm ngơ trước vận mệnh đất nước, tháng 10 năm 1946, Huỳnh Quang Đại xin vào công tác tại Cục Quân y và được phân công phụ trách Phòng Bào chế, Quân y viện trung ương. Ông kể lại: “Dược sĩ Hoàng Xuân Hà và dược sĩ Nguyễn Trọng Bính có đến hiệu thuốc tôi cho biết Cục Quân y cần nhiều dược sĩ để công tác tại các cơ sở dược của Quân y. Tôi liền làm đơn đề nghị lên Cục Quân y xin tình nguyện vào công tác ở Cục Quân y. Bác sĩ Vũ Văn Cẩn có gặp, chấp nhận đề nghị của tôi và phân công tôi phụ trách Phòng Bào chế, Quân y viện trung ương. Buổi sáng tôi làm việc ở Quân y viện, buổi chiều làm việc ở hiệu thuốc tư”[1].
Trong những ngày trước khi toàn quốc kháng chiến bùng nổ, không kể ngày hay đêm, Huỳnh Quang Đại phụ trách chuyển thuốc men, dụng cụ của Quân y viện từ phố Thi Sách xuống Bệnh viện Bạch Mai. Đêm 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Nhân dân Hà Nội và cả nước đã sẵn sàng cho một cuộc chiến trường kỳ, tự lực cánh sinh. Ở giữa lòng Hà Nội, Huỳnh Quang Đại và một số người nhà, người giúp việc bị kẹt tại nhà riêng, gần Hồ Thiền Quang, phải trốn trên trần nhà 5 ngày đêm, trong khi đó quân Pháp đã chiếm khu phố ấy và vào các nhà cướp hết đồ đạc. Đến ngày thứ 5 lính Pháp rút đi, lợi dụng đêm tối, ông tìm cách thoát ra và đến Bệnh viện Bạch Mai, bắt liên lạc với Quân y viện, di chuyển đến Vân Đình và công tác tại đây đến hết tháng 3-1947.
Nhận xét về những ngày đầu tham gia kháng chiến ở Hà Nội, Huỳnh Quang Đại viết: “Rất phấn khởi được tham gia phục vụ sức khỏe của quân đội nên đem hết khả năng và hiểu biết để xây dựng Phòng Bào chế, Quân y viện. Có ý thức bảo vệ của công như nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc di chuyển thuốc men, dụng cụ của Quân y viện lúc gần và sau kháng chiến, lúc Pháp đánh Vân Đình, Mỹ Đức sơ tán và di chuyển kho thuốc và dụng cụ đến nơi an toàn, không bị mất gì”[2].
Tại Việt Bắc, Cục Quân y cử Huỳnh Quang Đại về Khu I để xây dựng Phòng Bào chế, trực thuộc Quân y vụ khu I, có nhiệm vụ nhận, bảo quản, cấp phát thuốc và dụng cụ cho các đơn vị bộ đội của Khu I, đồng thời tổ chức pha chế một số thuốc. Không chỉ có thế, ông còn trực tiếp lên biên giới để thu mua các loại thuốc của thương nhân đưa từ Trung Quốc sang.
Khi Pháp nhảy dù xuống Bắc Kạn (10-1947), cách Phòng Bào chế Khu I vài cây số, Huỳnh Quang Đại và cán bộ nơi đây ngay lập tức sơ tán dụng cụ, thuốc men đến nơi an toàn và sau đó phối hợp với một đơn vị bộ đội chuyển toàn bộ thuốc men dụng cụ về gần Chợ Chu, không bị mất mát hao hụt gì. Việc tưởng chừng đơn giản nhưng có ý nghĩa quan trọng, vì nếu để thuốc men, dụng cụ y tế rơi vào tay địch thì sẽ khó lòng xây dựng lại được cơ sở và không thể đảm bảo nhu cầu phục vụ cho quân đội.
Cuộc kháng chiến ngày càng một ác liệt, nhu cầu về dược phẩm, thuốc men phục vụ cho quân đội ngay càng một nhiều hơn. Bởi thế, tháng 11-1947, Cục Quân y giao cho Huỳnh Quang Đại thành lập Viện Tiếp tế Trung ương, với nhiệm vụ nghiên cứu và tổ chức mua các dược liệu trong nước, mua các thuốc ngoại (nguyên liệu và thành phẩm) từ vùng tạm chiếm và ở biên giới, phân phối cho các khu, viện ba chi nhánh. Chi nhánh thứ nhất ở Việt Bắc do ông trực tiếp phụ trách. Một chi nhánh ở Khu III do dược sĩ Đỗ Hữu Thế phụ trách. Chi nhánh còn lại ở Khu IV do dược sĩ Hoàng Xuân Hà phụ trách. Sau một thời gian hoạt động, Viện Tiếp tế đã có một số thuốc và dụng cụ để phân phối cho các khu. Mỗi chi nhánh phụ trách phát thẳng thuốc và dụng cụ y tế cho các khu theo phân công và giữa các chi nhánh có sự điều hòa sao cho có đủ cơ số, và tránh tập trung kho tàng tại một nơi.
Kiểm điểm về thời gian này, dược sĩ Huỳnh Quang Đại viết: “Trong những năm 1947-1948, tôi luôn cố gắng hoàn thành mọi nhiệm vụ của Cục Quân y giao, toàn tâm toàn ý phục vụ sức khỏe quân đội, không hề lợi dụng cương vị của mình mà làm lợi cho cá nhân và gia đình nên các đồng chí ở Cục Quân y chú ý bồi dưỡng tôi về mặt chính trị, tư tưởng và giác ngộ giai cấp cho tôi, nhất là đồng chí Vũ Công Thuyết”[3].
Ông Huỳnh Quang Đại (giữa) cùng các đồng nghiệp trước khi vượt sông Lô ở Tuyên Quang, 1948
Trải qua một quá trình phấn đấu sôi nổi, không quản ngại gian khổ, khó khăn, ngày 15-4-1949, Huỳnh Quang Đại được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam và ngày 20-10 được công nhận là đảng viên chính thức tại chi bộ Cục Quân y. Đáp ứng yêu cầu thực tiễn của cuộc kháng chiến nên tháng 10-1949, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Nha Quân dược, tách khỏi Cục Quân y do bác sĩ Vũ Văn Cẩn, Cục trưởng Cục Quân y kiêm nhiệm Giám đốc, dược sĩ Vũ Công Thuyết là Phó Giám đốc Nha, Huỳnh Quang Đại được cử làm Giám đốc Hành chính (tương đương Trưởng phòng). Cuối năm 1950, Bộ Quốc phòng quyết định sáp nhập Nha Quân dược vào Cục Quân y, Huỳnh Quang Đại được chuyển về Cục Quân y làm Trưởng phòng tiếp tế (thuốc và dụng cụ) và công tác đến tháng 7-1951.
Trước khi chiến dịch Biên giới diễn ra, vào tháng 6-1950, Huỳnh Quang Đại đã được cử tham gia đoàn cán bộ do ông Trần Đăng Ninh dẫn đầu lên Cao Bằng để thực hiện một số công tác chuẩn bị. Tại đây, ông có nhiệm vụ tổ chức việc tiếp nhận, bảo quản thuốc và dụng cụ của Trung Quốc viện trợ ở hai huyện Trùng Khánh và Quảng Uyên. Sau đó ông bàn giao lại cho dược sĩ Đặng Hanh Khôi phụ trách phần dược của chiến dịch.
Luôn tâm niệm và cố gắng giữ tư cách đạo đức của một quân nhân, dược sĩ Huỳnh Quang Đại tự đánh giá về mình như sau: “Luôn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, công tác tích cực, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ của trên giao (như xây dựng Phòng Bào chế Khu II, Viện Tiếp tế Trung ương từ thấp lên cao, từ ít đến nhiều, đảm bảo việc cung cấp thuốc đều đặn cho các đơn vị không bị gián đoạn, sơ tán, di chuyển các kho tàng đến nơi an toàn, không để mất mát khi bị địch đánh phá”.[4]
Học đại học lần thứ 2
Trong số 21 người được Trung ương Đảng cử sang Liên Xô học tập năm 1951, chuyên ngành y có hai người là Nguyễn Trinh Cơ và Nguyễn Sĩ Quốc. Chuyên ngành dược có Huỳnh Quang Đại. Nguyễn Trinh Cơ và Huỳnh Quang Đại đều đã tốt nghiệp bác sĩ và dược sĩ dưới thời Pháp thuộc. Sau này, ông Đại kể lại rằng khi mới sang Liên Xô, phía bạn bố trí cho các ông học theo chế độ nghiên cứu sinh và đã thi xong các môn tối thiểu về lý thuyết. Đoàn Việt
Huỳnh Quang Đại được phân đến học tại trường Đại học Dược khoa Moskva. Là dược sĩ tốt nghiệp hạng nhất từ thời Pháp nên việc học chẳng thể làm khó được ông. Trong thời gian ấy, ông được bồi dưỡng về mặt lý thuyết, bao gồm các các môn học khoa học cơ bản (hóa vô cơ – 5 điểm, hóa hữu cơ – 5, toán đại cương – chỉ kiểm tra, phân tích lý hóa – 4); các môn nghiệp vụ (hóa dược – 5, bào chế – 5, kiểm nghiệm thuốc, tổ chức ngành dược – 5, tiếp tế thuốc trong quân đội – 5), các môn chính trị (duy vật biện chứng – 5, duy vật lịch sử – 5). Môn kinh tế chính trị thì các ông Nguyễn Trinh Cơ, Nguyễn Sĩ Quốc và Huỳnh Quang Đại được học chung với nhau và chỉ tổ chức kiểm tra, không cho điểm.
Chương trình thực tập ở các viện, xí nghiệp, Huỳnh Quang Đại đều đạt điểm 5. Tranh thủ mọi lúc, mọi nơi với hi vọng đem kinh nghiệm, kiến thức học được về áp dụng trong nước, nên ông đã cần mẫn đến học hỏi ở các Viện Dược liệu, Viện Bào chế, Viện Hóa dược, Xí nghiệp dược phẩm về bào chế, hóa dược, kháng sinh, các kho dược, Tổng cục Dược chính… Qua đó, ông nắm được các kỹ thuật bào chế, sản xuất các dạng thuốc, một số hóa dược, chiết suất một số ancaloit, kiểm nghiệm chất lượng thuốc, tổ chức ngành dược, tổ chức nghiên cứu dược liệu, hóa dược, bào chế. Ông cũng được tham gia sản xuất penicillin, streptomycin, nuôi trồng dược liệu ở Viện Dược liệu, ở các kho trong và ngoại thành Moskva.
Với quá trình phấn đấu và thành tích học tập trong 4 năm học (1951 đến đầu 1955), Huỳnh Quang Đại được trường Đại học Dược khoa Moskva nhận xét: “Trong thời gian ở Liên Xô, đồng chí Huỳnh Quang Đại đã học thông Nga văn, rất ham học và siêng năng. Hiểu biết của đồng chí Huỳnh Quang Đại sâu và rộng. Sau khi học bổ túc, đồng chí Huỳnh Quang Đại là một cán bộ chuyên môn có năng lực trong ngành Dược, đã tiếp thu được của Liên Xô trong ngành ấy. Trong khi học tập ở trường Đại học Dược khoa Moskva, đồng chí Huỳnh Quang Đại đã tỏ ra rất đứng đắn, nhã nhặn, có giáo dục tốt, rất gần gũi với tập thể và tham gia tất cả các hoạt động xã hội và chính trị của nhà trường”[5].
Học tập ở nước bạn xa xôi nhưng Huỳnh Quang Đại và các thành viên đoàn vẫn luôn ghi nhớ lợi dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “học để phụng sự nhân dân”. Bởi thế, ngay khi chuẩn bị về nước, ông đã dùng số tiền dành dụm gần 1000 rúp để mua sách vở, máy móc, dụng cụ mang về giao cho Cục Quân y. Riêng bản thân, ông đã xin phép Đại sứ quán mua 1 chiếc đài thu thanh để nghe tin tức, một số thứ cho gia đình (10 mét vải, 1 cái chăn).
Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành
Tháng 5-1955, Huỳnh Quang Đại được cử làm Trưởng phòng Dược chính, Cục Quân y, đồng thời được Cục cho phép tham gia giảng dạy ở trường Đại học Y Dược khoa. Ở Cục Quân y, ông trực tiếp tham gia xây dựng kế hoạch hàng năm, hàng tháng, quý của Phòng Dược chính, làm dự trù nhu cầu thuốc men, thiết bị cho các bệnh viện, các đơn vị, nghiên cứu các tiêu chuẩn, các chế độ, góp ý kiến về tổ chức, biên chế, chỉ đạo công tác dược chính và kỹ thuật dược trong quân đội. Với kinh nghiệm và tri thức tích lũy được, ông trực tiếp làm việc với chuyên gia Liên Xô để xây dựng Xưởng dược phẩm cho quân đội (sau là Xí nghiệp Dược phẩm II của Bộ Y tế) và chuyên gia CHDC Đức về thiết bị mới cho Quân y viện 108.
Là giảng viên kiêm nhiệm tại trường Đại học Y Dược, Huỳnh Quang Đại giảng dạy môn dược lý và cộng tác với dược sĩ Ngô Ứng Long để soạn các giáo trình, các bài thực tập. Cuối năm 1955, ông được trường Đại học Y Dược giao phụ trách và xây dựng bộ môn Bào chế học, đồng thời cùng với dược sĩ Trương Xuân Nam và Đặng Hồng Vân xây dựng Phòng thí nghiệm, xây dựng nội dung giáo trình và nội dung thực tập cho môn Bào chế học theo tinh thần mới, vì chương trình giảng dạy cũ của Pháp không có phần thực tập bào chế.
Như con thoi, lúc ở trường đại học, dược sĩ Huỳnh Quang Đại khi làm việc ở Cục Quân y, lúc ở trường đại học. Nhiệm vụ nào Huỳnh Quang Đại cũng cố gắng hoàn thành, vượt qua khó khăn với tinh thần hứng khởi. Đầu năm 1957, ông được cử làm Viện trưởng Viện Bào chế tiếp tế, đồng thời được Đảng ủy Cục Quân y chỉ định vào Ban chấp hành Đảng ủy của Viện. Ông được Bộ Y tế và Cục Quân y cử làm ủy viên Hội đồng chuyên môn của Bộ và của Cục, làm Ủy viên Hội đồng quản lý thuốc tây của Liên Bộ Y tế – Thương nghiệp, phụ trách tổ chức kiểm nghiệm chất lượng thuốc của các hiệu thuốc tây tư doanh; thành viên Ban chấn chỉnh ngành dược của Bộ Y tế, giám định chuyên môn của Tòa án nhân dân trong các vụ xử đầu cơ và sản xuất thuốc trái phép, chất lượng kém, tham gia xây dựng các đề án chấn chỉnh phát triển ngành dược, các viện nghiên cứu về dược.
Trong bối cảnh ngành Quân dược còn khá non trẻ sau kháng chiến, trong hai năm 1958-1959, Huỳnh Quang Đại trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng Xưởng dược phẩm cho quân đội do chuyên gia Liên Xô thiết kế và trang bị. Cuối năm 1959, xưởng bắt đầu hoạt động và tách ra khỏi Viện Bào chế tiếp tế, lấy tên là Xí nghiệp Dược phẩm 6-1 do dược sĩ Nguyễn Văn Luân làm Giám đốc. Sau đó, Viện Bào chế tiếp tế đổi tên Viện Tiếp tế kiểm nghiệm quân dược do dược sĩ Nguyễn Trọng Bính làm Viện trưởng, DS Đặng Hanh Khôi làm Viện phó. Đến đầu năm 1960, ông Huỳnh Quang Đại được điều về Cục Quân y làm Trưởng phòng. Đồng thời, Tổng cục Hậu cần và Cục Quân y còn giao cho ông nhiệm vụ nghiên cứu và tiếp tế thuốc, dụng cụ y tế cho miền
Dù ở vị trí nào, nhiệm vụ gì, dược sĩ Huỳnh Quang Đại cũng luôn cố gắng hết sức, chưa từng phàn nàn dù chỉ một lời. Trong bản nhận xét cán bộ Huỳnh Quang Đại của Đảng ủy Cục Quân y tháng 6-1958, do Cục trưởng Vũ Văn Cẩn ký, có đoạn: “Trước kháng chiến là một dược sĩ tư có cửa hiệu to ở Hà Nội. Nhưng khi kháng chiến bắt đầu đã bỏ tài sản đi theo kháng chiến. Trong những năm kháng chiến gian khổ, trong những ngày Đảng gặp khó khăn sau sai lầm của cải cách ruộng đất và thời gian có nhiều sự biến cố không có biểu hiện hoang mang giao động. Trong cuộc đấu tranh chống bọn dược sĩ đầu cơ đã tỏ ra một phần tử tích cực và cương quyết. Ở Liên Xô về không đòi hỏi về công tác, vui vẻ theo sự phân công của tổ chức. Gia đình đông con, túng thiếu nhưng không làm phiền tổ chức mà tự lo liệu”[6].
Ngày 27-12-1966, thượng tá, dược sĩ Huỳnh Quang Đại được bổ nhiệm giữ chức Hiệu trưởng trường Đại học Dược khoa Hà Nội theo quyết định số 113-CP do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký. Trong chặng đường 13 năm ông làm Hiệu trưởng, cũng là giai đoạn Mỹ tăng cường ném bom miền Bắc, cuộc kháng chiến chống Mỹ diễn ra ngày càng ác liệt. Trong điều kiện sơ tán gian khổ, nêu cao tinh thần vượt khó, tự lực cánh sinh, ông đã lãnh đạo thầy trò trường Dược đảm bảo tốt chương trình đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Dược sĩ Huỳnh Quang Đại đã có những đóng góp rất lớn cho trường Đại học Dược và ngành Dược, như khẳng định của Bộ trưởng Y tế Vũ Văn Cẩn vào năm 1977: “Là một trong những cán bộ có công lao trong việc xây dựng ngành dược trong quân đội, và từ ngày chuyển ra phụ trách trường Đại học Dược khoa, dược sĩ Huỳnh Quang Đại cũng đã có nhiều cố gắng trong việc củng cố xây dựng trường, góp phần vào việc hoàn thành kế hoạch đào tạo cán bộ của ngành y tế. Mặc dù rất bận rộn trong công tác quản lý, dược sĩ Huỳnh Quang Đại vẫn dành thời gian để tham gia viết giáo trình và giảng dạy cho sinh viên và đã có một số công trình nghiên cứu phục vụ cho chiến trường B, C”[7].
Nói về mình, dược sĩ Huỳnh Quang Đại bộc bạch rất giản dị: “Tôi đã làm công tác giảng dạy để đào tạo cán bộ dược cho ngành y tế gần 40 năm (kiêm nhiệm và trực tiếp) cho nên tôi rất ham thích nghề thầy giáo, để giúp thế hệ trẻ vươn lên không ngừng, do đó tôi làm việc rất phấn khởi, thoải mái, không biết mệt mỏi, không đòi hỏi gì”[8].
Không học hàm giáo sư, không học vị tiến sĩ nhưng Huỳnh Quang Đại là người có mặt và góp phần xây dựng ngành Quân dược Việt Nam từ những ngày đầu và cũng là một trong những cây đại thụ của lịch sử nền Dược học Việt Nam hiện đại. Tên tuổi của ông gắn liền với sự cống hiến hết mình, một tấm gương trong sáng, cần mẫn, một lòng vì khoa học, vì cộng đồng.
Thanh Hóa
________________________
[1] Sơ yếu lý lịch của dược sĩ Huỳnh Quang Đại, 1955, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
[2] Sơ yếu lý lịch của dược sĩ Huỳnh Quang Đại, 1955, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
[3] Sơ yếu lý lịch của dược sĩ Huỳnh Quang Đại, 1955, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
[4] Sơ yếu lý lịch của dược sĩ Huỳnh Quang Đại, 1955, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
[5] Sơ yếu lý lịch của dược sĩ Huỳnh Quang Đại, 1955, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
[6] Xem thêm: http://www.hup.edu.vn/cpbdv/pctct/noidung/Lists/tintucsukien/View_Detail.aspx?ItemID=149
[7] Sơ yếu lý lịch của dược sĩ Huỳnh Quang Đại, 1977, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
[8] Sơ yếu lý lịch của DS Huỳnh Quang Đại, 1988, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt