Đường dây 500KV và những ký ức khó phai (Kỳ II. Vượt qua thử thách)

Hành trình xây dựng và chuyến thị sát Đèo Lò Xo

Sau Lễ khởi công – đầu tháng 4 -1992, đường dây 500KV – Công trình thế kỷ với chiều dài 1487 km đi qua 14 tỉnh[1], và phải vượt nhiều địa hình hiểm trở núi cao, đèo dốc, sông dài, đặc biệt là đoạn qua sông Gianh, đã được triển khai thực hiện. Bấy giờ công nhân phải nhờ thuyền của người dân xếp ngang hết dòng sông để rải dây, kéo dây, không thuận lợi như ngày nay có máy bay không người lái trợ giúp. Theo TS Thái Phụng Nê: “Sau khi từng đường dây điện được lắp đặt xong mới giải phóng các thuyền trên sông, nếu không có sự giúp đỡ to lớn của nhân dân thì khó có thể làm được”[2]. Ở những vị trí cao, ô tô không chở lên được thì vật liệu xây dựng (cát, sỏi, xi măng…) gần như nằm hết trên vai của người công nhân của đồng bào dân tộc cần mẫn gùi lên để xây dựng các cột trụ bê tông. Công tác giải phóng mặt bằng vùng miền núi rất vất vả. Nhiều đoạn ở Quảng Nam, Tây Nguyên, dù chủ yếu là rừng nguyên sinh rất quý nhưng vẫn phải phạt rừng mở đường.  Giai đoạn đó, ngành điện có 4 Công ty xây lắp điện I, II, III, IV[3], mỗi công ty được phân phụ trách xây dựng, lắp đặt các chặng khác nhau. Ngoài ra còn có Công ty xây lắp điện của Tổng công ty xây dựng Sông Đà[4] tham gia công trình.

Để đẩy nhanh tiến độ thi công, Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho phép mua vật tư, thiết bị từ các nước, chỉ cần sự phê duyệt đồng ý của Bộ Tài chính chứ không cần qua nhiều cấp liên quan như bây giờ. Chủ trương của Bộ Năng lượng là mua thiết bị của các nước G7[5], thông qua đấu thầu cạnh tranh, hãng Merlin Gerin của Pháp đã trúng thầu. Có lần, hai bên đàm phán việc mua thiết bị, khi kết thúc đã sau 17 giờ, ông Nê vẫn đến Văn phòng Chính phủ gặp Thủ tướng. Bởi, sau giờ làm việc Thủ tướng thường ở lại chơi thể thao trong khuôn viên của Văn phòng. Thấy ông Nê đến, Thủ tướng dừng đánh tennis và hỏi ngay: “Chắc anh có vấn đề gì?”. Ông Nê báo cáo: “ Qua đấu thầu, Bộ Năng lượng đã chọn được hãng Merlin Gerin của Pháp, xin Thủ tướng xem xét và cho ý kiến”. Thủ tướng Võ Văn Kiệt xem nhanh và đồng ý việc chọn nhà thầu của Bộ Năng lượng. Qua đó thấy được Thủ tướng rất tin tưởng các cơ quan chuyên môn trong việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ. Nhờ sự quyết đoán của các cấp lãnh đạo và thủ tục nhanh gọn nên trang thiết bị về rất kịp thời, đảm bảo tiến độ công trình. Mọi công đoạn được thực hiện rất nhanh và chuẩn. Các cột góc[6] được Viện khảo sát và thiết kế Điện I tự thiết kế và các đơn vị xây lắp trong nước chế tạo, Bộ Năng lượng tổ chức thử nghiệm. Sau khi thực hiện lắp thử tại xưởng, tổ chức kiểm định đạt chất lượng mới sản xuất hàng loạt và đưa vào lắp tại công trường.

Bộ trưởng Thái Phụng Nê (bên trái) ký hợp tác với nhà thầu Pháp, Hà Nội, ngày 11-1-1993

Vào khoảng tháng 5-1992, ông Vũ Ngọc Hải – Bộ trưởng Bộ Năng lượng và ông Thái Phụng Nê tháp tùng Thủ tướng Võ Văn Kiệt đi khảo sát trên đỉnh đèo Lò Xo, do Công ty Xây lắp điện III phụ trách. Đèo này nằm ở vị trí làng Măng Khen, xã Đắk Man, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum. Nơi đây cũng là ranh giới giao cắt của hai tỉnh Kon Tum với Quảng Nam. Năm 1992, vào thời điểm xây dựng đường dây 500KV, con đường số 14 đã xuống cấp trầm trọng, chủ yếu chỉ có người dân tộc đi bộ hoặc gia súc qua lại. Không có đường chuyên chở nguyên vật liệu lên đỉnh đồi cán bộ công nhân Công ty phải nhờ đồng bào dân tộc hỗ trợ để đảm bảo tiến độ thi công đổ móng cột điện trên đỉnh đồi. Đoàn của Thủ tướng phải đi bộ từ chân đèo để thị sát công trường xây dựng trên đỉnh. Đứng trên đỉnh đèo, Thủ tướng chia sẻ với Bộ trưởng Vũ Ngọc Hải: “Rừng núi trùng điệp thế này mà ngắm tuyến thẳng được như thế chắc vất vả lắm”[7]. Ông Hải trả lời: “Thưa anh, đó là nhờ lực lượng khảo sát. Ngoài các thiết bị ngắm, đo định vị, anh em còn tự trèo núi, lội suối, băng rừng ngày đêm, chống đỡ với thú dữ. Thậm chí phải ăn ngủ luôn tại rừng. Có khu vực phải trở đi trở lại nhiều lần mới xác định đúng được vị trí cần xây dựng”[8]. Thủ tướng khen: “Giỏi, mình đi ô tô còn khó khăn huống gì anh em đi bộ, lại mang vác nặng, lãnh đạo cần quan tâm sức khỏe anh em”[9]. Chứng kiến mọi hoạt động, sức làm việc tại hiện trường, Thủ tướng giao cho Bộ Năng lượng và Bộ Tài chính thảo luận và đề xuất cơ chế riêng đối với cán bộ, công nhân xây dựng đường dây. Việc này, theo TS Thái Phụng Nê: “Lương cán bộ, công nhân tham gia làm đường dây cao gấp 3 lần lương công nhân bình thường tại thời điểm đó”.

Quyết tâm của toàn hệ thống

Kỳ họp Quốc hội diễn ra vào tháng 6-1993, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh vẫn tiếp tục chất vấn các vấn đề xung quanh việc xây dựng đường dây 500 KV, mặc dù công trình đã triển khai xây dựng hơn một năm. Lúc này, TS Thái Phụng Nê đã giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Năng lượng. Ông phải trả lời liên tục các câu hỏi chất vấn, xoay quanh các vấn đề, như tiến độ xây dựng có đảm bảo thời gian không, có đảm bảo tổng dự toán hay không, đường dây 500 KV dài như thế thì cách tổ chức an ninh như thế nào trên tổng số 3437 cột điện… Ông Nê chỉ khẳng định là đang làm và sẽ đảm bảo tiến độ. Muốn bảo vệ an toàn cho đường dây phải thuê người địa phương, túc trực 24/24 giờ, còn ở miền núi thì giao cho quân đội bảo vệ.

Kỳ họp sau, Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói với Bộ trưởng Nê: “Hôm nay anh không phải trả lời, để tôi”. Ông Nê mừng quá vì đỡ được một việc khó. Trước Quốc hội, Thủ tướng nói: “Khi xây dựng các dự án lớn thường rất khó được thông qua một cách suôn sẻ, tất nhiên phải có ý kiến khác nhau. Khi chúng ta làm cầu Thăng Long, nhiều ý kiến, nhưng Chính phủ vẫn quyết định xây dựng và đến nay phát huy hiệu quả. Nếu không có cầu Thăng Long thì chúng ta làm thế nào sang sân bay Nội Bài”. Thủ tướng đã chất vấn ngược trở lại Quốc hội như vậy. Ông Lê Quang Đạo – Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chất vấn: “Các anh xây dựng đường dây có ý kiến của Bộ Chính trị hay không”. Câu này rắc rối, nếu phải ông Nê thì không dám trả lời nhưng ông Kiệt nói: “Đã có ý kiến của Bộ Chính trị”. Ông Lê Quang Đạo hỏi: “Thế quyết định của Bộ Chính trị đâu”. Ông Kiệt trả lời: “Tôi không biết về văn bản của Bộ Chính trị, tôi đã thực hiện theo chỉ đạo của Tổng Bí thư”. Một câu trả lời rất hay và cũng kết thúc tranh luận ở Quốc hội về quyết định xây dựng đường dây 500 KV.

Trong quá trình xây dựng công trình, việc thực hiện tiến độ hết sức ngặt nghèo. Thông qua hệ thống liên lạc nội bộ ngành Điện, mọi thông tin về tình hình công trường đều được cập nhật về Văn phòng Bộ. Thường kỳ hàng tháng Bộ trưởng Thái Phụng Nê họp trực tiếp với các chỉ huy công trường trên toàn tuyến ở Bộ Năng lượng để giải quyết khó khăn, vướng mắc, đặc biệt đưa ra các giải pháp kỹ thuật kịp thời. Hàng ngày, sau giờ làm việc, Bộ trưởng Thái Phụng Nê luôn phải trực ở Bộ để nghe báo cáo đường dây 500KV. Chủ nhật, ông lại thường cùng Thủ tướng Võ Văn Kiệt đi thị sát các công trường.

Đầu năm 1994, ông Nê tháp tùng Thủ tướng thị sát đường dây 500KV bằng trực thăng trên tuyến từ Đà Nẵng dọc vùng duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên, rồi tới công trường tại thành phố Hồ Chí Minh. Sau chuyến khảo sát thủy điện Thác Mơ ở tỉnh Bình Phước, Thủ tướng Võ Văn Kiệt dự kiến sẽ ăn Tết âm lịch ở Tây Ninh – căn cứ địa của Trung ương Cục miền Nam thời chống Mỹ. Hiểu tâm tư của, anh em trong Đoàn thị sát muốn về ăn Tết cùng gia đình, Bộ trưởng Nê đã có lời với Thủ tướng và phu nhân, bà Phan Lương Cầm về nguyện vọng của anh em. Kết quả, đêm giao thừa ông Nê và mọi người mới từ thành phố Hồ Chí Minh bay ra Hà Nội.

Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng của các bên và công sức làm việc ngày đêm của cán bộ, công nhân, của nhân dân các địa phương, nên tiến độ xây dựng các công trình được thực hiệnrất nhanh, đảm bảo chất lượng. Nhiều công nhân tham gia xây dựng đường dây có tích lũy, mua được xe máy. Các công ty xây lắp thì có được nguồn doanh thu để tiếp tục phát triển. Thực tế đó dẫn đến nghi ngờ tổng dự toán sẽ bị đội lên, nên Quốc hội yêu cầu Bộ Năng lượng phải quyết toán dự án sau 6 tháng khi đường dây hoàn thành trong khi nhiều công trình lớn thường phải 1-2 năm mới quyết toán xong là giỏi. Nhiều lần ông Đỗ Quốc Sam hỏi ông Nê: “Các anh vượt dự toán bao nhiêu”. Ông Nê trả lời: “Nếu vượt dự toán để tôi đi tù à”. Sau này, Bộ Tài chính quyết toán hết 5300 tỉ, còn dư khoảng 400 tỉ. Bộ trưởng Thái Phụng Nê kiến nghị xin Thủ tướng dùng số tiền dư đó để sử dụng gia cố mái đồi tại cột có khả năng mất ổn định của đường dây 500KV. Nguyên nhân là các cột điện xây trên những khu đồi, khi mưa to dễ gây sạt lở nên cần gia cố, đảm bảo an toàn cho đường dây. Đồng thời bổ sung thêm đường dây 220KV cho vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ở miền Trung xây 2 đường dây 220KV từ Pleiku về Nha Trang, và về Quy Nhơn. Từ đó mới kết lưới đường dây 110KV đến các địa phương.

Dấu ấn không bao giờ quên

Sau hơn 2 năm quyết liệt xây dựng, ngày 27-5-1994, Bộ trưởng Thái Phụng Nê báo cáo với Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Báo cáo Anh Sáu (tức Sáu Dân, bí danh của Thủ tướng), chiều nay chúng ta chính thức đóng điện”. Thủ tướng hỏi: “Mấy giờ”. Ông Nê trả lời: “19 giờ sẽ hòa điện anh ạ, khoảng 18 giờ 30 mời anh đến”. Ông Kiệt nói: “Anh có chuẩn bị lễ mừng thành công đường dây 500 KV không? để mời phóng viên tham dự”. Ông Nê đáp: “Đã chuẩn bị đầy đủ rồi”. Ông Kiệt nói tiếp: “Nếu thành công thì chúng ta cùng dự liên hoan, nếu không thành công, bữa tiệc đó anh tự xử lý thế nào tùy anh”. Câu hỏi đó tạo sự áp lực ghê gớm lên ông. Ngày hôm đó, ông cũng dặn bên văn phòng là: “Cấm không cho phóng viên vào cơ quan Bộ nhằm bảo vệ an ninh và không an tâm về việc đóng điện đường dây thành công”. Hơn 17 giờ chiều, ông Nê mới tới trụ sở của Bộ Năng lượng ở số 18 Trần Nguyên Hãn thì thấy phóng viên đã đứng đầy sân và chất vấn ông vì sao không cho vào. Ông Nê hỏi ông Chánh văn phòng: “Tôi đã dặn anh là phải đảm bảo bí mật ngày giờ hòa điện, sao lại để họ đến đông thế này. Ai để lộ tin đóng điện hôm nay”. Trước sự việc đã rồi, ông Nê nói: Bây giờ phải có trật tự, báo chí chỉ ở phòng quan sát. Mỗi báo chỉ đại diện 1 người đến phòng điều độ, nếu làm không nghiêm là phải kỷ luật”.

Liền sau đó thì Thủ tướng đến, Tổ đóng điện do ông Phạm Tiến Ba – Vụ trưởng Vụ Kỹ thuật kiêm Tổ trưởng đề nghị Bộ trưởng Nê: “Anh làm thế nào giữ Thủ tướng ở phòng khách của anh, đến 19 giờ mới đóng điện”. Mới 18 giờ 45 phút, Thủ tướng nóng ruột hỏi: “Xong chưa”. Ông Nê phải dẫn Thủ tướng từ tầng 2 đi cầu thang bộ lên tầng 5, nơi đặt Trung tâm điều độ điện quốc gia. Khi đó, nơi hòa điện được bố trí ở trạm Đà Nẵng, vị trí nằm giữa tuyến đường dây 500KV, giao nhau dòng điện 2 miền Nam – Bắc. Trên màn hình, tất cả thông số mạng điện phía Nam và phía Bắc đã cơ bản giống nhau, có thể cho phép thực hiện hòa điện. Ông Nê hỏi ông Phạm Tiến Ba: “Xong chưa Ba”. Ông Ba đáp: “Thưa anh đã xong”. Thủ tướng hỏi: “Ai phụ trách việc hòa điện lần này”. Ông Khâm – Giám đốc Trung tâm điều độ quốc gia liền trực tiếp gọi điện vào Đà Nẵng cho ông Anh Định – Trưởng phòng kỹ thuật, Công ty điện lực III, người thực hiện hòa điện. Khi ông Định nghe điện thoại, ông Khâm nói Thủ tướng muốn nghe báo cáo tình hình, ông Định nổi nóng nói: “Đến giờ phút này anh còn đùa với tôi”. Ông Khâm nói: “Không, Thủ tướng đang đứng bên cạnh tôi”. Thủ tướng liền nói: “Đưa điện thoại cho tôi”. Thủ tướng hỏi ông Định: “Tình hình thế nào rồi”. Ông Định nói: “Xin báo cáo Thủ tướng, đã chuẩn bị xong”. Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói: “Tôi sẽ kiểm tra việc hòa điện của anh. Tôi đã nói với anh Hai Chí (tức Võ Trần Chí) – Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đang có mặt tại trạm Phú Lâm. Khi điện trong đó bật sáng lên sẽ gọi điện cho tôi. Đó là dấu hiệu thành công”. Ông Nê đứng đó cảm thấy áp lực đang đè nặng.

Đúng 19 giờ 5 phút bắt đầu thao tác hòa điện, trên màn hình có 2 đường sáng đi lằng ngoằng, chập vào nhau nếu đứng là thành công, nhưng chập vào lại nhảy ra. Mọi người rất lo lắng. Lần thứ 2 vẫn nhảy ra. Lúc đó, ông Nê càng căng thẳng, báo chí đứng ở phòng quan sát và ở phòng điều độ quan sát rất sát sao để đưa tin. Thấy tình hình không ổn, ông Khâm lấy điện thoại nói với ông Định: “Anh ấn nút thì tay phải giữ đấy, không được thả tay ra vội”. Quả nhiên, lần thứ ba bấm nút hòa điện thành công. Mọi người vui mừng hò reo ầm ĩ, chỉ muốn công kênh Thủ tướng lên. Bữa liên hoan hôm đó rất vui, Bộ trưởng Thái Phụng Nê thay mặt Ban chỉ đạo Nhà nước về xây dựng đường dây 500KV gắn lên áo Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người có công đầu tiên xây dựng đường dây 500KV, Huy hiệu đường dây 500 KV. Đóng điện thành công, Thủ tướng ra về vào lúc 23 giờ đêm, ông Nê trở lại Trung tâm điều độ quốc gia thì Tổ hòa điện nói: “Báo cáo Bộ trưởng, điện lại rã rồi”. TS Thái Phụng Nê cho biết: “Đối với hệ thống điện lớn như thế, không phải đóng là được ngay”. Lập tức các chuyên gia tiến hành kiểm tra kỹ thuật. Đến gần 1 giờ sáng thì điện đóng thành công. Ông Nê ở  lại Trung tâm thêm nửa tiếng, yên tâm mọi việc đã ổn mới ra về.

Do quá mệt nên ông không biết Thủ tướng gọi điện. Khi ông điện lại thì mới biết là Thủ tướng hỏi thăm tình hình: “Đường dây 500 KV có ổn không?”. Ông tự tin nói: “Dạ ổn”. Buổi chiều, Thủ tướng nói ông Nê lên báo cáo Thường trực Bộ Chính trị: Đỗ Mười, Lê Đức Anh – Chủ tịch nước, Đào Duy Tùng – Thường trực Ban Bí thư. Nghe báo cáo, Tổng Bí thư Đỗ Mười rất vui mừng: “May quá đã thành công, đây là công đầu của anh Sáu Dân”.Khi ông Nê xin ý kiến, cách tổ chức khánh thành thì ông Đỗ Mười chỉ đạo:  “Lễ khánh thành tốt nhất là anh báo cáo trực tiếp tại kỳ họp Quốc hội, tôi sẽ nói với anh Nông Đức Mạnh, tại Quốc hội sẽ tuyên dương tất cả các lực lượng tham gia xây dựng đường dây 500 KV. Đó là cách khánh thành tốt nhất”.

Hôm sau, ông Nê đến báo cáo với Thủ tướng Võ Văn Kiệt ý kiến chỉ đạo của Thường trực Bộ Chính trị. Thủ tướng nói: “Anh là đảng viên, tôi cũng là đảng viên. Thường trực Bộ Chính trị cho ý kiến thế chúng ta phải chấp hành. Thay nó vào buổi chiêu đãi cảm ơn các anh chị em tại Hội trường Thống Nhất, Dinh Độc lập. Anh cứ chuẩn bị báo cáo về thành công đường dây 500KV, còn tất cả bữa tiệc hôm đó tôi lo”. Hôm vào dự tiệc, ông Nê rất bất ngờ bởi đó là bữa tiệc rất to do các nhà thầu nước ngoài từ Singapore, Pháp… đứng ra tổ chức. Bữa liên hoan đó là sự cám ơn tất cả các chuyên gia, các thành viên đã có công lớn trong việc xây dựng đường dây 500KV. Nhiều người không dám tưởng tượng là mình có thể làm được đường dây 500 KV trong thời điểm đó.

Gần 30 năm hoạt động, đường dây 500 KV Bắc – Nam mạch I vẫn hoạt động hiệu quả, giải quyết được nạn thiếu điện cho hai miền Trung và Nam, hoàn chỉnh hệ thống điện quốc gia thống nhất, góp phần to lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Đồng thời, đường dây vận hành một cách trơn tru, chưa xảy ra sự cố lớn nào cho việc truyền tải điện năng. Hiện nay Việt Nam đã có hệ thống đường dây 500 KV 3 mạch khác nhau, tỏa đi khắp các nơi trong cả nước, giúp điều hòa được toàn bộ hệ thống điện quốc gia, đến các vùng xa xôi của Tổ quốc. Nhưng với TS Thái Phụng Nê thì dấu ấn về Công trình đường dây 500 KV Bắc – Nam mạch I giai đoạn 1992-1994 luôn để lại những kỷ niệm đẹp trong ông về một thời khó khăn, gian khổ nhưng hào hùng, thể hiện quyết tâm chính trị của Thủ tướng Võ Văn Kiệt cùng Ban lãnh đạo Đảng và Nhà nước cùng trí lực của nhiều cán bộ, công nhân và công sức của quân dân ta đã xả thân vì đường dây tải điện thế kỷ, đặt dấu mốc quan trọng cho lịch sử phát triển ngành Điện lực Việt Nam.

 Ngô Văn Hiển

______________________

[1] Hòa Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam – Đà Nẵng (nay là tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng), Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Sông Bé (nay là các tỉnh Bình Phước, Bình Dương), thành phố Hồ Chí Minh.

[2] Phỏng vấn  ghi âm TS Thái Phụng Nê ngày 5-8-2020, lưu trữ tại Trung tâm DSCNKHVN. Các trích dẫn trong bài lấy từ nguồn này.

[3] Các công ty này đã có kinh nghiệm xây dựng được dây 220 KV từ Đại Lải về Hà Nội, từ Hòa Bình vào Thanh Hóa, Vinh, Đồng Hới.

[4] Theo đó: Tổng Công ty Xây dựng Thủy điện Sông Đà (nay là Tổng Công ty Sông Đà) thi công (đúc móng, dựng cột) từ vị trí số 1 (Hòa Bình) đến vị trí 54 (Mãn Đức – Hòa Bình), dài 24 km. Công ty Xây lắp điện I (nay là Công ty Cổ phần Xây lắp điện 1) thi công từ vị trí 55 đến vị trí 802 (trạm Hà Tĩnh) và kéo dây cột 1 đến cột 802, dài 341,68 km. Công ty Xây lắp điện III (nay là Tổng Công ty Cổ phần Xây dựng điện Việt Nam) thi công từ vị trí 803 đến vị trí 2112 (Đắc Lây – Kon Tum), dài 523,35 km. Công ty Xây lắp điện 4 (nay là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xây lắp điện 4) thi công từ vị trí 2113 đến vị trí 2702 (Buôn Ma Thuột – Đắc Lắc), dài 308 km. Công ty Xây lắp điện 2 (nay là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xây lắp điện 2) thi công từ vị trí 2703 đến vị trí 3437 (Phú Lâm – thành phố Hồ Chí Minh), dài 320,67 km.

[5] Là Nhóm 7 cường quốc công nghiệp: Pháp, Đức, Ý, Nhật, Anh, Mỹ, Canada.

[6] Cột góc là loại cột được chế tạo

[7] Tài liệu ghi âm KS Vũ Ngọc Hải, nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng, ngày 7-10-2020, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[8] Tài liệu ghi âm KS Vũ Ngọc Hải ngày 7-10-2020, đã dẫn.

[9] Tài liệu ghi âm KS Vũ Ngọc Hải ngày 7-10-2020, đã dẫn.