Đường lên Điện Biên

         Sau ngày toàn quốc kháng chiến (12-1946), bác sĩ Tôn Thất Tùng cùng với gia đình lên Chiến khu Việt Bắc. Theo tiếng gọi của Đảng, Bác Hồ, lúc bấy giờ còn có nhiều trí thức lớn cũng tụ họp về đây để bắt đầu cuộc kháng chiến trường kỳ như: bác sĩ Hồ Đắc Di, các ông  Nguyễn Văn Huyên, Trần Đức Thảo, Lê Văn Thiêm,… Tại Chiêm Hóa (Tuyên Quang), bác sĩ Tôn Thất Tùng cùng với các cộng sự khác là Hồ Đắc Di, Trần Hữu Tước, Hoàng Tích Trí, Vũ Đình Tụng,… đã bắt tay ngay vào việc xây dựng trường Đại học Y khoa, vừa phục vụ kháng chiến vừa góp phần đào tạo các thế hệ y bác sĩ chuẩn bị cho tương lai.

          Vào tháng 3-1954, khi cuộc kháng chiến bước vào giai đoạn cuối cùng, Pháp tập trung quân đội và trang thiết bị cho căn cứ Điện Biên Phủ, coi đây là trận chiến then chốt, quyết định tới những điều khoản về chính trị, quân sự trên bàn đàm phán ngoại giao. Giữa lúc ác liệt nhất của cuộc kháng chiến, GS Tôn Thất Tùng nhận được lệnh đi tham gia công tác y tế ở Điện Biên Phủ. Trong Nhật ký, ông viết: “23-3-1954 được giấy của anh Bảy báo B. cử cụ Tụng (Vũ Đình Tụng) và mình vào một phái đoàn đi thăm M.T Điện Biên phủ và tham gia trực tiếp vào công tác mổ xẻ. Được thơ, độ 11 giờ sáng thảo luận cùng anh Quang để trưa mai đi ngay”[1]. Trong phái đoàn lên Điện Biên Phủ lúc đó được ghi trong nhật ký gồm: “Cụ Tụng, TC3 (Quang, Hạp, Thu A, Đức, Sắc, Liêu, Xuân, A. Thuyên, A. Tụ), sau thêm A. Lợi đoàn cán bộ”. Riêng GS Trần Hữu Tước mặc dù rất muốn tham gia, tinh thần rất cao nhưng vì sức khỏe quá yếu nên cuối cùng đoàn đã để GS Trần Hữu Tước ở lại Chiêm Hóa.

         Cuộc hành quân xuất phát vào trưa ngày 25-3, từ Chiêm Hóa (Tuyên Quang), đi qua chợ Hiên, Ba Khe (Yên Bái) và đèo Lũng Lô (Sơn La) rồi theo đường Tuần Hóa lên Điện Biên. Lái xe cho GS Tôn Thất Tùng là một người mà ông đã từng gặp gỡ và biết do ông này là bệnh nhân được mổ ở Bệnh viện Yersin (tên cũ của Bệnh viện Phủ Doãn và Việt – Đức). Đoàn của ông cùng trong đoàn Giao thông vận tải hướng lên Điện Biên, đi ban đêm, ngủ ban ngày để tránh máy bay của địch. Những chiếc lán lợp tạm ven đường và những hang đá là nơi dừng chân nghỉ ngơi của cả đoàn. Đến ngày 26-3 thì dừng chân tại chợ Hiên (Yên Bái), nghỉ tại lán của một Trạm vận tải cách Yên Bái độ 10 cây số. Những trận mưa dai dẳng cứ bám lấy đoàn vận tải đã khiến cho cuộc hành quân bị chậm lại, nó cũng khiến lòng người chạnh buồn. Trong Nhật ký, GS Tôn Thất Tùng viết: “Trời mưa phùn, buồn, rét. Nhưng sướng là sân bay Điện Biên Phủ sẽ lầy bùn… Anh em đoàn bộ vận tải xanh không sốt vì có đủ quinine. Thiếu ăn, nhất là thiếu ngủ”.

Địa đồ vùng Điện Biên được GS Tôn Thất Tùng vẽ trong nhật ký

          Đến ngày 27-3, đoàn của GS Tôn Thất Tùng mới đến được Ba Khe (Yên Bái). Thiếu thốn nhất vẫn là chỗ ngủ, là thiếu ăn, là mưa và rét nhưng ở đó vẫn toát lên vẻ tươi trẻ và nhiệt huyết của những thanh niên, dân công đang ngày đêm phục vụ chiến dịch. Những quan sát tỉ mỉ được ông ghi lại: “Hôm qua, độ 9 giờ qua sông Hồng, anh em vận tải thồ hàng trăm xe đạp. Lớp dân công Phú Thọ đương về, dáng mệt mỏi nhưng vẫn vui đùa. Lúc gặp ô tô, rất sung sướng vì thấy ô tô đi lên đường ra tiền tuyến. Xe thồ với cánh tay ngang, người dân công vận tải trong đêm mưa phùn vượt qua những đèo con: một hình ảnh mới của chiến tranh chúng ta”.

          Đến đèo Lũng Lô ngày 28-3, cách sông Đà khoảng 3 cây số, cảnh tượng vẫn chỉ toàn đèo với rừng núi, đường khó đi, lại quanh co bên sườn núi, trên đầu máy bay địch vẫn rít lên từng hồi, còn dưới mặt đất vẫn là những chiến sĩ miệt mài với công việc của mình. Hình ảnh những người dân công trên đường ra mặt trận khiến GS Tôn Thất Tùng chợt nhớ tới những thanh niên Chí nguyện quân đẩy hàng trăm chiếc xe cút kít trên con đường Tân Nghĩa Châu đi Bình Nhưỡng, Triều Tiên năm 1951 khi ông có dịp sang đó tham quan và học tập. Trú tạm trong hang đá, nơi tiếp giáp giữa Yên Bái và Sơn La, nhìn ra ngoài trời đêm, ông ghi lại cảm tưởng: “1 giờ đêm, có máy bay địch bay trên không… Trên đèo Lũng Lô, hàng nghìn dân công vận tải, gánh, cầm đuốc, quang cảnh rất đẹp”.

          Những nơi đặt chân đến, những con người đã gặp, tất cả đối với GS Tôn Thất Tùng đều bình dị và gắn bó lạ thường. Những trang vẽ trong nhật ký của ông có cả những hang động và những chiếc lán dựng tạm, ông miêu tả nó thật sinh động: “Hang to và rộng, giống như ở Phỗng, miệng hang rất kín, trước là tư lệnh sở cho một đơn vị… Ngoài nắng xanh vui vẻ, gió thổi ào ào hòa với tiếng suối reo ở chân núi: một thanh khí hòa bình, chỉ có 2 khuyết điểm: người chui trốn sống trong hang và tiếng tàu bay ầm ĩ. Hòa nhạc cung trời chưa cùng điệu với của người, hay là của người chưa hòa điệu với của trời”.

          Ngày 29-3, xe đến Cò Nòi, Đèo Chọn (Sơn La). Vẫn là cảnh mưa, máy bay gầm rú, những chiếc xe ô tô vẫn từ từ trèo lên sườn núi cao chót vót. Đường lầy lội, vừa nhỏ vừa dễ sụp vì nó được làm cấp tốc phục vụ tiền tuyến, những chiếc xe ục ịch lắc lư dữ dội, có đoạn đi chậm hơn cả người. Nhưng như thế chưa nguy hiểm bằng tránh chạy máy bay. Có đoạn GS Tôn Thất Tùng ghi: “Anh Tụ đương ngủ, vùng dậy gọi chạy nhưng bị phản đối vì sẽ lộ mục tiêu cho nên anh em phân tán chạy xuống các hố tác chiến của một đơn vị cũ đóng ở đấy. Chạy vào chuống vịt!”. Những hình ảnh về đồng bào thiểu số được ông ghi lại một cách thân tình: “Trong hang – một hang đá ở lưng đồi – có một gia đình Mán… có chăn bông, lúa, dụng cụ, hòm. Gặp 2 bà Mán, nói lẩm bẩm tiếng Kinh: thằng Tây ác lắm, rồi đi giã gạo – nghĩa là lại xuống lại bản, cách đây cũng xa. Bà Mán còn trẻ đeo sọt lúa vào một cái quai, quàng qua trán…”.

           Trong Nhật ký còn có những câu chuyện vui ngay cả trong cuộc tranh luận giữa những cán bộ trong đoàn được cử lên Điện Biên. Ngày 30-3, , GS Tôn Thất Tùng ghi lại sự kiện khi xe đang qua Nasan (Sơn La): “Hôm nay lại ngủ trong một hang to nữa, trời mưa tầm tã suốt đêm, rét buốt. Xe đi qua Tuần Hóa, đến trạm 38 mà cũng không hay, cho nên lúc thảo luận đường đi rất căng thẳng… Cụ Tụng góp ý kiến: Ở Mộc Châu này, tôi đã qua rồi, vui lắm. Anh Lợi mở mắt (nói) thêm: Trước kia, Mộc Châu ở trên Sơn La, trên con đường đi, nay sao lại dưới? Một làn phản kháng nổ ra: Lại còn ngủ nữa, quá Sơn La rồi, đây là Mộc Châu. Tôi nói theo: Mộc châu là một chỗ chăn nuôi có tiếng. Anh Quang đi liên lạc về báo cáo: Đây là Thuận Châu. Thế là anh Lợi ngủ mê lại đúng. Còn riêng về tôi, tôi lại nghĩ về Mộc Châu ở Lạng Sơn! Còn phải học địa dư nhiều”.

          Đến ngày 31-3, đoàn của GS Tôn Thất Tùng đã đến được đèo Pha Đin để chuẩn bị cho việc tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đó là điều ông mong ngóng và nhiều khi tự trách mình: “Mau lên tiền phương. Có lẽ đợt 2 đã mở mà ta lại đến trễ… Tối hôm qua hành trình qua đèo Pha Đin rất khó khăn, dưới mưa, trên bùn, tàu bay luôn luôn hoạt động… Được tin đợt 2 đã bắt đầu từ 18h30 hôm qua. Hôm qua đã chiếm thêm 4 đồi xung quang khu Mường Thanh, bắt sống một ĐD Âu Phi cùng một tên quan Tư. Cô lập Mường Thanh và Hồng Cúm”. Đến ngày 2-4-1954, GS Tôn Thất Tùng và phái đoàn đã đến Điện Biên Phủ và chuẩn bị ngay cho công tác mổ xẻ, phục vụ chiến dịch. Ông ghi lại trong Nhật ký một cách ngắn gọn những sự việc diễn ra: “Trưa, thăm anh Văn (Võ Nguyên Giáp) và ăn cơm cùng anh. Nắm rõ tình hình chiến dịch. Chiếm cao điểm để đình chỉ sự nhảy dù. Địch cố gắng tranh thủ điều kiện để thả dù… Sẽ đi ĐT1”.

          Từ ngày 2-4, GS Tôn Thất Tùng trực tiếp tham gia và chỉ đạo công tác phẫu thuật cho thương binh tại chiến trường Điện Biên Phủ. Đó quả thực là thời đoạn gian khổ nhưng đầy hào hùng đối với một con người. Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, tại phiên họp của Hội đồng Chính phủ ngày 14-7-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã công bố tặng thưởng GS Tôn Thất Tùng và bác sĩ Vũ Đình Tụng Huân chương Chiến sĩ hạng Nhì vì đã có thành tích trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

          Điện Biên nói riêng và núi rừng Việt Bắc nói chung đã trở thành nơi gắn bó với cuộc sống và chiến đấu của GS Tôn Thất Tùng. Có lẽ bởi thế, khi xa nơi đây khiến ông lưu luyến khôn nguôn. Những dòng thơ được viết ngày 19-10-1954 trong cuốn Nhật ký thể hiện rõ tình cảm của ông với con người và cảnh vật Chiến khu Việt Bắc:

“Sương mai mây lạc núi là

Rừng xanh suối mát cây đa bên ngoài

Từ đây cảnh ở người đi

Người đi nhớ cảnh nhớ thời chiến khu

Nhớ nhau chia mối căm thù

Miếng cơm độn sắn, trời thu bóng chiều

Đêm khuya chia đóm dắt dìu

Nhớ ai lội suối thăm đèo tìm nơi

Thương nhau ta nhớ lấy lời

Tình sâu nghĩa nặng một đời đấu tranh

Bắc Nam thống nhất còn dành

Giang sơn tô lại mầu xanh hòa bình”.

Nguyễn Thanh Hóa

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam

Nguồn tham khảo :

1. Nhật ký Điện Biên

2. Đường vào khoa học của tôi. H- Kim Đồng, 2008.


[1] GS Tôn Thất Tùng khi đó là Thứ trưởng Bộ Y tế, cố vấn giải phẫu của Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam.

– B – chữ viết tắt của chữ Bác Hồ – Chủ tịch Hồ Chí Minh.

– Bác sĩ Vũ Đình Tụng khi đó là Bộ trưởng Bộ Thương binh.

– Anh Quang: GS Nguyễn Dương Quang, nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt – Đức.

– GS Hoàng Tích Trí: Bộ trưởng Bộ Y tế.