Trong 5 năm 2006-2010, Phó viện trưởng Viện Tài nguyên-Môi trường biển (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) Trần Đình Lân thực hiện 9 đề tài, dự án các cấp; góp phần phát triển các công cụ khoa học phục vụ quản lý môi trường cảng biển và các hoạt động liên quan cảng biển Hải Phòng; xây dựng hệ thống thông tin với công nghệ hiện đại, hệ thông tin địa lý (GIS) phục vụ quản lý, sử dụng hợp lý và bảo vệ tài nguyên, môi trường vùng biển và bờ biển. Ngoài ra, anh còn là tác giả, đồng tác giả của nhiều bài báo khoa học đăng trên các tạp chí, tuyển tập, kỷ yếu của hội nghị trong nước và quốc tế,… Nhưng anh rất ít nói, không thích nói nhiều về mình.
Năm 1983, anh tốt nghiệp chuyên ngành địa lý, địa chất Đại học Tổng hợp; năm 1984, công tác tại Viện Tài nguyên-Môi trường biển, khi đó là Trung tâm nghiên cứu Vịnh Bắc Bộ thuộc Viện Khoa học Việt Nam và gắn bó từ đó đến nay. Thời điểm đó, cuộc sống của những người làm nghiên cứu khoa học thật khó khăn. Anh vừa học tập, nghiên cứu, vừa tranh thủ làm thêm những công việc không liên quan đến khoa học để bảo đảm cuộc sống. Nhưng công việc nghiên cứu về biển vẫn cứ cuốn hút anh. Nhưng anh chỉ có giải thích rất giản dị về sự gắn bó lâu bền với công việc đó: càng làm, càng ngấm và gia đình, người thân đều ở Hải Phòng nên không thể thay đổi. Năm 1990, anh chuyển hướng tập trung nghiên cứu về vấn đề môi trường và tài nguyên biển. Thời điểm đó, ở trong nước vấn đề môi trường chưa được đề cập nhiều, tài liệu nghiên cứu hạn chế, thiếu thốn. Khi đó, anh cũng như nhiều đồng nghiệp trong viện phải tranh thủ “nhặt” tư liệu từ cuộc hội thảo quốc tế, qua sách báo, tạp chí nghiên cứu nước ngoài trong những dịp đi công tác. Tuy nhiên, anh vẫn chọn môi trường và tài nguyên biển là định hướng nghiên cứu lâu dài. Theo anh: “làm khoa học phải tiếp cận những cái mới, tìm tòi những đối tượng nghiên cứu mới, làm nền tảng cho những định hướng phát triển”. Và xu hướng phát triển cảng biển khẳng định sự lựa chọn của anh cũng như tập thể Viện Tài nguyên-Môi trường biển là đúng đắn. Năm 1997, anh thực tập nghiên cứu sinh ở Philippin, sau đó, trở về nước làm luận án thạc sĩ, liền sau đó là tiến sĩ.
Tiến sĩ Trần Đình Lân, Phó viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường biển trao đổi kinh nghiệm với đồng nghiệp.
Với vai trò Phó viện trưởng vừa phụ trách chuyên môn, hợp tác quốc tế, anh có nhiều giải pháp đào tạo, nâng cao trình độ cho thế hệ nhà nghiên cứu trẻ của viện. Viện tạo điều kiện để nhà nghiên cứu trẻ tham gia các chương trình đào tạo trong nước và quốc tế; đồng thời có chương trình đào tạo, tự đào tạo từ thấp đến cao. Như tạo điều kiện để các bạn làm chủ đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở; với đề tài ở cấp cao giao làm công việc chuyên môn, như thư ký đề tài,…Đội ngũ nghiên cứu trẻ của viện ngày càng trưởng thành. Viện hiện có 20 cán bộ đi học thạc sĩ và 10 người đi nghiên cứu sinh. Là người phụ trách chương trình hợp tác quốc tế của viện, anh đưa nhiều dự án hợp tác nghiên cứu về cảng biển Hải Phòng và ngành môi trường biển. Đáng kể: đề tài quy hoạch tổng hợp giao thông thành phố Hải Phòng do Cộng đồng châu Âu tài trợ; nghiên cứu đánh giá môi trường chiến lược vùng cảng Hải Phòng – dự án hợp tác với Đại học Tự do Brúc-xen (Bỉ); đánh giá hiện trạng môi trường và xác định các vấn đề ưu tiên phục vụ quản lý tổng hợp bờ biển Hải Phòng,… Với những đóng góp cho nghiên cứu môi trường và tài nguyên biển, anh nhận nhiều phần thưởng, bằng khen. Bằng khen của Viện Khoa học và Công nghệ, UBND thành phố Hải Phòng, tỉnh Thừa Thiên Huế và giải A giải thưởng Cố đô về Khoa học và Công nghệ lần thứ nhất của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, gần đây nhất anh được vinh danh trí thức tiêu biểu của thành phố Hải Phòng. Không dừng ở kết quả đạt được, anh đang ấp ủ cho ra đời cuốn sách tập hợp chuỗi đề tài nghiên cứu về môi trường cảng biển. Những nghiên cứu này đã, đang và sẽ đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành tài nguyên-môi trường biển trong đó có thành phố Hải Phòng.
Nguyên Mai
Nguồn: www.baohaiphong.com.vn/channel/4905/201205/Gan-bo-voi-nghiep-nghien-cuu-bien-2168027/