Điềm báo
Năm 1957, Nguyễn Văn Dân bước vào lớp 1 của trường tiểu học Quất Lưu, xã Tam Dân, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông hồi tưởng những ngày đầu đi học: “Tôi vô cùng bỡ ngỡ không hiểu gì, nhất là môn toán, tưởng chừng như mình không học nổi. Tôi không hiểu được mối liên quan giữa câu chữ với con số trong các bài toán đố. Tôi ngỡ ngàng thấy các anh chị trong lớp (lớn hơn tôi ít nhất 1 tuổi) đã trả lời lưu loát mọi câu hỏi của cô giáo (mặc dù về sau tôi được biết không phải câu nào họ cũng trả lời đúng). Một tháng đầu, tôi như người không biết bơi giữa biển khơi. Và tôi sợ”[1]. Trong khi đó ở nhà và ở trường không có ai kèm ông học. Nhưng bất ngờ đã đến, khi ông giải được một bài toán đố. “Từ đó môn toán trở thành niềm say mê của tôi”. Từ lớp 1 cho đến lớp 10, hầu hết các bài toán trong sách giáo khoa Nguyễn Văn Dân đều giải được.
Mặc dù được gia đình tạo điều kiện cho học tập nhưng ông tự giác giúp gia đình việc chăn trâu, làm đồng. Khi làm những việc đó, ông luôn đem theo sách, tranh thủ lúc nghỉ để đọc. Bạn bè thường trêu ông “Mày học nhiều rồi sẽ phát điên đấy!”. Nhưng ông học rất nhanh bởi có phương pháp học và trí nhớ tốt. Các năm học cấp I ông đều được đi thi học sinh giỏi toán cấp huyện, năm học lớp 10 ông được cử đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh và cấp quốc gia. “Nhưng thật trớ trêu, trong khi giải cao nhất trong quãng đời thi giỏi toán của tôi chỉ là giải khuyến khích cấp tỉnh, thì cái giải lớn nhất trong đời học sinh phổ thông của tôi lại là giải nhất văn toàn tỉnh, một giải nằm ngoài giải học sinh giỏi! Đó là trong kỳ thi tốt nghiệp cấp I, ban giám khảo của tỉnh đã chọn ra bài thi văn và toán hay nhất để trao giải”.
PGS.TS Nguyễn Văn Dân hồi tưởng thuở mới cắp sách tới trường
Nhưng điều gì xảy ra đều có lý do riêng của nó. Sở dĩ Nguyễn Văn Dân được công nhận có khả năng về văn học là do từ thuở bé đã được đắm mình trong những bài hát dân ca quan họ Bắc Ninh ở những cuốn sổ ghi chép của bố ông. Hơn thế nữa, cậu còn được nghe mẹ đọc những câu chuyện bằng thơ vào những đêm trăng sáng mà đến giờ ông vẫn nhớ truyện về Đồng tiền vạn lịch: ““Đồng tiền Vạn Lịch thích bốn chữ vàng / Công em dan díu với chàng đã lâu…”. Đó là tác phẩm văn học đầu tiên tôi được tiếp xúc””. Vả lại ngay từ khi cắp sách tới trường Nguyễn Văn Dân đã say mê đọc sách văn học. Bên cạnh những cuốn sách của các anh trai mượn cho, cậu đọc sách mượn của bạn bè, sách được thưởng khi đạt học sinh xuất sắc… “Sách được thưởng tôi đọc không bỏ sót chữ nào. Tôi đọc sách mọi lúc mọi nơi”. Thể loại truyện mà hồi bé ông thích đọc là truyện cổ tích, truyện thần thoại, đặc biệt là thần thoại Hy Lạp, “nhưng lạ là tôi không thích Tây du ký, có lẽ tư duy lôgic toán học của tôi không hợp với những chuyện hoang đường quá mức như vậy”. Khi lớn tuổi hơn ông thích đọc các tác phẩm kinh điển như Tam quốc diễn nghĩa, Thuỷ hử, Ruồi trâu, Thép đã tôi thế đấy,… Và lần đầu tiên chàng trai Nguyễn Văn Dân xúc động mạnh trước tình yêu của chàng thanh niên da đen với một cô gái da trắng xinh đẹp trong Con đường sấm sét của nhà văn Nam Phi Peter Abrahams. Rồi những cuốn tiểu thuyết thể loại tình báo như Nam tước Phôn Gônrinh, Vượt qua lưới thép, Hầm bí mật bên sông Enbơ được ông đọc ngấu nghiến. Ngoài ra ông còn thích đọc báo Văn nghệ. Không chỉ mê đọc sách văn học, ông còn có biết chơi nhạc cụ như đàn băngjô, sáo, tiêu, đàn bầu. Có lẽ những sở thích đó đã gieo vào Nguyễn Văn Dân khả năng cảm thụ văn chương và âm nhạc. “Và tôi, một học sinh giỏi toán, lại giành được giải nhất văn toàn tỉnh!. Có lẽ đó là điềm báo cho nghiệp nghiên cứu văn học sau này của tôi chăng?”.
“Văn học có cái để nghiên cứu”
Năm 1967, sau khi tốt nghiệp phổ thông, Nguyễn Văn Dân được cử đi học đại học ở Rumani. Ông viết trong hồi ký: “Trước khi đi, tôi hỏi thầy dạy toán lớp 10 của tôi là em đề đạt nguyện vọng học ngành toán có được không. Thầy trả lời một câu làm tôi vô cùng ngạc nhiên: “Học toán làm gì!” Thật lạ! Thầy dạy toán rất giỏi và luôn là thầy bồi dưỡng đội tuyển thi học sinh giỏi toán. Nhưng tôi cũng không hỏi lại, và tôi ghi nguyện vọng học ngành vật lý”. Sang Rumani ông được phân học đúng nguyện vọng là ngành Vật lý, trường Đại học Alexandru Ioan Cuza. Từ đây ông chính thức khép lại ước muốn trở thành một nhà toán học.
Trong thời gian đầu học tại trường này, ông được học tiếng Rumani và bổ túc các môn toán cao cấp và vật lý học. Nguyễn Văn Dân học tốt tiếng Rumani và được giáo viên ngoại ngữ rất quý. Đó cũng là lý do để sau ba tháng học, Ban lãnh đạo lưu học sinh Việt Nam chọn ông và 4 học sinh khác để phân vào học ngành ngữ văn. Và như vậy ông bước vào ngành văn học mà không hề chuẩn bị tâm thế, như PGS Nguyễn Văn Dân bộc bạch: “Tôi thích văn học. Đó là một sự thật. Thế nhưng tôi không nghĩ mình sẽ làm nghề nghiên cứu văn học. Đơn giản vì tôi nghĩ văn học thì cứ thế mà thưởng thức chứ có gì phải nghiên với cứu! Còn cứ viết theo kiểu bình tán văn như các bài phê bình tôi đọc được trên sách báo Việt Nam lúc bấy giờ thì tôi thấy không cần. Tôi bước vào học văn năm thứ nhất với tâm trạng chán nản bực bội và thầm oán trách cái năng khiếu ngoại ngữ của mình”. Nhưng qua quá trình học ông đã tìm thấy được sự khác biệt trong nghiên cứu văn học ở đây và ở Việt Nam. “Họ tìm ra những vấn đề của văn học để bàn luận chứ không kể lể tán tụng viển vông. Tôi cũng được tiếp cận với những tác phẩm văn học có tư tưởng khác lạ mà tôi chưa gặp bao giờ ở Việt Nam, những tư tưởng ở tầm bản thể của con người. Rumani là nơi giao thoa giữa Đông và Tây. Mặc dù là nước xã hội chủ nghĩa nhưng văn hoá phương Tây vẫn hiện diện rõ nét ở đây”. Ông còn được tiếp xúc và tìm hiểu về văn hoá phương Tây. Thông qua một số tác phẩm văn học ông đã thay đổi hẳn cách nghĩ về văn học và về nghề nghiên cứu văn học: “Lúc đó tôi mới thấy nhà văn có thể là nhà tư tưởng, nhà triết học… Và tôi bắt đầu thấy văn học có cái để nghiên cứu”. Ông biết rằng để phân tích được một vấn đề của văn học cần có một phông kiến thức văn hoá sâu rộng. Vì vậy ông lao vào học môn lịch sử triết học và mỹ học. Ông cảm thấy thời gian học đại học ngắn dần và khi gần hết khóa học ông ráo riết tìm hiểu văn hoá phương Tây và văn hoá thế giới. Nguyễn Văn Dân mua các loại sách: mỹ học và lý luận văn học, lịch sử nghệ thuật, phê bình nghệ thuật, sách ảnh về mỹ thuật, về hội hoạ, bộ đĩa nhạc giao hưởng của Mozart, Beethoven… Ông còn tiết kiệm tiền học bổng mua một chiếc máy quay đĩa để nghe nhạc cổ điển và nhạc nhẹ. Ngẫm lại thời gian học tập đó, ông bộc bạch: “Tôi nghiệm thấy, một năm học ở nước ngoài tôi tiếp thu được một lượng kiến thức hơn cả mười năm học phổ thông”. Những kiến thức đó là cơ sở cho hoạt động chuyên môn sau này của ông.
Nghiên cứu văn học đã trở thành nghiệp cả đời
Năm 1972, sau khi bảo vệ khóa luận tốt nghiệp, ông về nước. Ông hăm hở bước vào con đường nghiên cứu văn học, nhưng thất vọng thay ông không xin được về cơ quan chuyên môn nào về văn học. Sau đó, nhờ anh trai của bạn thân giới thiệu, năm 1973 ông về công tác tại phòng Thông tin tổng hợp, Viện Thông tin Khoa học và Kỹ thuật Trung ương. PGS Dân ngậm ngùi: “Trái ngành nhưng tôi vẫn phải chấp nhận”. Công việc ban đầu của ông là dịch các tài liệu tiếng Rumani, tiếng Pháp về các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, kinh tế, nông nghiệp… Nhưng ông vẫn âm thầm đợi thời cơ trở về với ngành nghề của mình đồng thời học thêm tiếng Anh để tăng thêm khả năng làm việc. Bởi như ông chia sẻ: “Mặc dù vẫn không yêu ngành nghiên cứu văn học, nhưng tôi nghĩ nó đã trở thành nghiệp của mình rồi, chỉ làm ở đó mình mới phát huy được khả năng. Nếu cứ làm việc ở Viện Thông tin này thì suốt đời tôi chỉ là người dịch thuật”. Sau hơn 3 năm làm việc tại Viện Thông tin Khoa học và Kỹ thuật Trung ương, năm 1977 ông xin được về Viện Thông tin Khoa học xã hội (thuộc Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam). Giữa những năm tháng của thời kỳ bao cấp khó khăn, ông cũng phải lao động chân tay và dịch sách thuê. “Tưởng chừng như mình phải từ bỏ khoa học. Nhưng chính những năm dịch sách văn học đã giúp tôi có điều kiện để tham gia Hội Nhà văn Việt Nam sau này”.
Phó Giáo sư Nguyễn Văn Dân ký tặng Bản thảo hồi ký của mình cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam
Sau một năm làm việc tại Viện Thông tin Khoa học xã hội, ông viết bài nghiên cứu đầu tiên: “Cuộc cách mạng khoa học – kỹ thuật và văn học – nghệ thuật” đăng trên Tạp chí Văn học. Sau đó, Viện Văn học mời ông sang nói chuyện về vấn đề nghiên cứu này và ông liên tục viết bài nghiên cứu cho Tạp chí Văn học và Tạp chí Thông tin khoa học xã hội. Không dừng lại ở việc viết bài nghiên cứu, ông còn bắt đầu viết sách. Cuốn sách lý luận phê bình đầu tiên của ông là Những vấn đề lý luận của văn học so sánh, NXB Khoa học xã hội ấn hành năm 1995. Nội dung cuốn sách chính là những nghiên cứu trong luận án làm nghiên cứu sinh của PTS Nguyễn Văn Dân. Qua cuốn sách này ông đã đưa văn học so sánh vào Việt Nam – điều mà trước đây một số học giả Việt Nam đã phủ nhận. Từ đó đến nay nó được tái bản 4 lần dưới tên gọi mới là Lý luận văn học so sánh và trở thành giáo trình cao học cho các trường đại học lớn trên cả nước. Đặc biệt, năm 2000, ông được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng văn học loại B (không có loại A) cho cuốn sách Nghiên cứu văn học – Lý luận và ứng dụng do NXB Giáo dục ấn hành, năm 1999. Đây là thành quả nghiên cứu đầu tiên của ông trong lĩnh vực văn học của Việt Nam đây là một giải thưởng chuyên môn có uy tín nhất. Ấy vậy mà khi được phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam hỏi rằng ông yêu nghề không, PTS Nguyễn Văn Dân chân thật trả lời: “Tôi làm việc không phải vì yêu nghề mà là vì trách nhiệm”. Tuy nhiên, khi nhìn vào những gì PGS Nguyễn Văn Dân đạt được trong sự nghiệp nghiên cứu văn học có thể thấy rằng ngoài trách nhiệm với nghề ông còn có sự đam mê nghiên cứu và luôn đặt chất lượng nghiên cứu lên hàng đầu. Ông là tác giả của 15 cuốn sách, chủ nhiệm 9 đề tài nghiên cứu cấp nhà nước và cấp bộ, viết hàng trăm bài nghiên cứu và là dịch giả của một số tác phẩm văn học. Đặc biệt trong 15 cuốn sách thì 3 cuốn đạt được 5 lần giải thưởng. Sau cuốn sách Nghiên cứu văn học – Lý luận và ứng dụng như đã nói ở trên, cuốn sách Chủ nghĩa hiện đại trong văn học nghệ thuật của ông được Tặng thưởng hạng B của Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương và Giải Bạc Sách hay của Hội xuất bản Việt Nam năm 2014. Cuốn sách Chủ nghĩa hiện đại trong văn học nghệ thuật là kết quả của một đề tài nghiên cứu cấp bộ và thành công trình có hệ thống và mạch lạc về chủ nghĩa hiện đại. Và mới đây là cuốn sách Các lý thuyết nghiên cứu văn học – Ảnh hưởng và tiếp nhận từ ngày Đổi mới đến nay, NXB Khoa học xã hội ấn hành năm 2015 đã nhận được giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam và của Hội Nhà văn Việt Nam trong năm 2015.
Với phương châm thạo một nghề biết nhiều nghề của người nghiên cứu ở cơ quan thông tin khoa học, ngoài việc thực hiện đề tài về những vấn đề văn hoá và liên ngành như: “Thông tin về những vấn đề toàn cầu hoá kinh tế hiện nay” (2000), , “Thông tin về vấn đề “văn hoá và phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa”” (2005), “Một số thông tin bước đầu về xã hội tri thức”,… ông còn thực hiện công trình thuộc chuyên ngành khác như: Biên niên sử thế giới – Từ tiền sử đến hiện đại (NXB Khoa học xã hội, 2004); Diện mạo và triển vọng của xã hội tri thức (NXB Khoa học xã hội, 2008); Địa chính trị trong chiến lược và chính sách phát triển quốc gia (NXB Khoa học xã hội , 2011)…
Không chỉ nghiên cứu khoa học, PGS Nguyễn Văn Dân còn chú trọng đến công tác chuyên môn trong giảng dạy. Nói về điều này ông chia sẻ: “Trong các công trình nghiên cứu văn học, có một công trình mà tôi dành nhiều tâm huyết nhất là cuốn sách Phương pháp luận nghiên cứu văn học. Tôi quan tâm đến vấn đề này từ lâu và đã có bài viết từ năm 1983. Đến khi đi dạy cao học, tôi thấy học viên không nắm vững cách nghiên cứu khoa học. Tôi thấy việc phải có một công trình nghiên cứu một cách hệ thống về phương pháp luận nghiên cứu văn học là một yêu cầu bức thiết nhất”. Cuốn sách đã trở thành giáo trình hàng đầu của nhiều trường đại học lớn trong cả nước về phương pháp luận. “Đặc biệt, cuốn sách Địa chính trị trong chiến lược và chính sách phát triển quốc gia đã làm cho nhiều người lầm tưởng tôi là giáo sư ngành địa lý học”. Đó là cuốn sách đầu tiên bằng tiếng Việt về địa chính trị ở Việt Nam, nó được bán hết chỉ trong vòng vài tháng, trở thành sách tham khảo quan trọng của các nhà nghiên cứu và sinh viên khoa Chính trị học và Địa lý học. Ông đã được Khoa Chính trị học của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn mời giảng về chuyên đề “Địa chính trị” và hướng dẫn luận văn thạc sĩ địa chính trị cho học viên cao học.
Song song với quá trình nghiên cứu, ông còn say mê dịch sách văn học từ các thứ tiếng Rumani, Pháp, Anh; dịch và hiệu đính cho Viện Thông tin khoa học xã hội những cuốn sách như Đế chế tan vỡ của Hélène d’Encausse (tiếng Pháp), Chiến tranh và chống chiến tranh của Alvin và Heidi Toffler (tiếng Anh)…
Với những tâm huyết, cống hiến cho nghiên cứu văn học, dịch thuật, PGS.TS Nguyễn Văn Dân được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam (1997) và đảm nhiệm qua các chức vụ như Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch (2010- 2015), Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình của Hội Nhà văn Việt Nam (từ tháng 9-2015); Tổng Biên tập Tạp chí Văn học nước ngoài (từ 6-2011 đến 6-2013). Gần 50 năm ông gắn bó với nghiên cứu văn học, “Nhìn lại quãng đời làm khoa học của mình, tôi không thấy có gì phải hối hận”. Bởi ông đã đến với nghiệp nghiên cứu văn chương bằng tất cả đam mê và trách nhiệm.
Lê Thị Hoài Thu
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam
* PGS.TS Nguyễn Văn Dân, chuyên ngành Văn học, nguyên Phó Viện trưởng Viện Thông tin khoa học xã hội.
[1] Nguyễn Văn Dân, Bản thảo hồi ký “Chuyện đời tôi”, tháng 8-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Tất cả lời PGS.TS Nguyễn Văn Dân và câu trích trong bài được trích từ tài liệu này.