Gắng học theo thầy

Trong buổi làm việc với Trung tâm ngày 13-11-2014, ông kể: Tại Khu học xá Nam Ninh, Trung Quốc, ông được học toán do thầy Lê Văn Thiêm, thầy Ngô Thúc Lanh giảng dạy. Thầy Thiêm có phong cách giảng dạy rất đặc biệt. Không có giáo trình, sách vở ít, thầy không soạn giáo án mà mỗi khi lên lớp thầy mang theo cuốn sách toán tiếng Đức, trực tiếp thông qua tiếng Đức để giảng cho sinh viên. Kiến thức của thầy Thiêm rất uyên thâm, các bài giảng đều có mối liên hệ mật thiết với nhau và tạo được hứng thú cho học viên. Tuy nhiên, có lẽ vì quá chuyên tâm vào công việc nên thỉnh thoảng thầy cũng quên. Có lần sau giờ nghỉ giữa hai tiết học, đến giờ tiếp theo thầy đi ngang qua lớp mà quên không vào dạy, học trò nhìn theo nhưng không ai dám nhắc thầy nên cả lớp nghỉ học buổi đó.

Kiến thức của thầy Thiêm rất uyên thâm – PGS.TS Kim Cương chia sẻ 

Còn thầy Ngô Thúc Lanh khi lên lớp bao giờ cũng dành khoảng 10 phút đầu để nói về ý nghĩa của vấn đề mà thầy chuẩn bị giảng cho lớp học. Thầy là người rất đề cao tính chủ động và luôn khuyến khích sinh viên tự đọc sách, tự nghiên cứu trước khi lên lớp.

Thời gian học ở trường Đại học Sư phạm khoa học, các ông lại có may mắn được thầy Nguyễn Thúc Hào kèm cặp môn Toán. Thầy Hào là một người cực kỳ nghiêm túc. Khi thầy giảng bài, nếu trong lớp còn tiếng động thì thầy ngồi chờ, khi nào học sinh tập trung thầy mới giảng. Nhưng đã giảng thì thầy rất say sưa. Một lần khi tiếng còi ở Nhà hát lớn thành phố rú lên, báo hiệu đã 12 giờ trưa, tất cả sinh viên đều trông chờ thầy kết thúc bài giảng nhưng thầy quay lại nói: sao hôm nay còi dài thế nhỉ. Và thầy tiếp tục bài giảng cho tới hơn nửa tiếng sau mới kết thúc.

PGS.TS Kim Cương tâm sự: Tấm gương của các thầy luôn khắc sâu trong suy nghĩ của tôi, để sau này khi đứng trên giảng đường đại học, tôi luôn cố gắng  theo bước các thầy của mình trong việc truyền dạy thế hệ sau.

 

 

Lê Thị Hoài Thu

 

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam