Những ngày đầu năm 2014, cán bộ Trung tâm Di sản đã có buổi gặp gỡ đầu tiên với GS Trần Văn Hà tại tư gia. Buổi làm việc để lại cho chúng tôi nhiều ấn tượng về một vị Giáo sư đã có những đóng góp không nhỏ cho ngành Nông nghiệp Việt Nam.
Sau Cách mạng tháng Tám thành công, Trần Văn Hà đã tốt nghiệp trường Cao đẳng Thú y Đông Dương và được cử lên chiến khu Việt Bắc làm Trưởng ty Mục súc – Ngư nghiệp (thuộc Nha Nông chính). Ngoài ra, Trần Văn Hà còn kiêm nhiệm vai trò Giám đốc Nông trường Nông Tiến (thuộc huyện Yên Sơn, Tuyên Quang). Với vốn kiến thức và kinh nghiệm thực tế có được, cùng sự năng động xông xáo của tuổi trẻ, ngoài công việc của một Trưởng ty, Trần Văn Hà còn trực tiếp xuống cơ sở chỉ đạo sản xuất. Ông đã thành lập một đội Canh nông xung phong gồm 12 thành viên là người của Nông trường nhằm nhân rộng những kiến thức đã học áp dụng vào thực tế. Hàng ngày, đội Canh nông xung phong được ông giảng dạy những kiến thức, kỹ năng cơ bản về khuyến nông, và trực tiếp chỉ đạo họ làm công tác khuyến nông tại xã Giếng Tanh (huyện Yên Sơn, Tuyên Quang).
GS Trần Văn Hà giới thiệu với nghiên cứu viên về tài liệu cá nhân, Hà Nội, ngày 3-1-2013
Với chủ trương tuyên truyền trong nhân dân: mỗi hộ gia đình phải có giếng khơi riêng, khi ngủ phải mắc màn, không nuôi trâu bò dưới gầm nhà, dùng phân chuồng bón đất trồng trọt, mỗi gia đình phải có một vườn rau, một ao cá…, đội Canh nông xung phong nhận được sự đồng lòng của lãnh đạo và nhân dân trong xã. Năm 1947, xã Giếng Tanh trở thành xã kiểu mẫu đầu tiên trong tỉnh Tuyên Quang về tự túc sản xuất lương thực, nâng cao sức khỏe nhân dân.
Sự kết hợp giữa chăn nuôi và trồng trọt trên do GS Trần Văn Hà khởi xướng, sau này đã phát triển thành mô hình VAC giúp xóa đói giảm nghèo tại các tỉnh Thanh Hóa, Hải Dương, Hà Bắc và được phổ biến khắp miền Bắc. Có thể nói, GS Trần Văn Hà chính là “cha đẻ” của mô hình này.
Nguyễn Thị Loan