Giản dị, chân thành, gần gũi, khác hẳn vẻ khô khan của một nhà khoa học hay sự nghiêm nghị của một người thầy, đó là ấn tượng khi gặp Nhà giáo Nhân dân, Đại tá, PGS, TS. Ngô Văn Xiêm – Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học PCCC. Với nhiều thế hệ cán bộ, giáo viên, học viên của Trường Đại học PCCC thì thầy là một tấm gương mẫu mực, một nhà quản lý giỏi, người hết lòng vì công việc. Thầy luôn được nhắc tới với một tình cảm trân trọng, quý mến.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Kinh Bắc hiếu học và giàu truyền thống văn hóa, nhưng tuổi thơ của thầy giáo Ngô Văn Xiêm nhiều thiệt thòi. Cũng như bao gia đình ở nông thôn Việt Nam, cha mẹ không biết chữ, chiến tranh gian khổ, cuộc sống trăm bề khó khăn, thiếu thốn. Thầy kể rằng, ngày ấy, lớp học trò ở quê hương để có nơi học tập, học sinh mỗi năm phải góp từng cây tre để xây dựng trường, lớp. Đồng hồ báo thức đi học không có, thầy và những học trò cùng trang lứa lấy tín hiệu máy bay khởi động mỗi sáng để làm mốc thời gian đến trường. Khi học lên cấp 3, từ nhà đến trường cách xa gần 8 cây số. Hàng ngày phải đi bộ đến trường nhưng quãng thời gian đi đến trường, thầy đã tận dụng vào việc học bài vì thời gian còn lại phải giúp đỡ bố mẹ việc gia đình và đồng ruộng. Thầy cho rằng, những ngày đó, thầy may mắn được sự kèm cặp dạy dỗ của những người thầy, người cô tâm huyết từ Hà Nội và các tỉnh khác về giảng dạy, thắp sáng những hoài bão, ước mơ trong tâm hồn. Chính tấm gương về đạo đức và tài năng sư phạm của các thầy cô giáo ngày ấy như: thầy Đinh Văn Xế, thầy Nguyễn Văn Toàn, cô Hoàng Thị Bắc, cô Vũ Thị Én… đã đem đến cho thầy ước mơ lớn lên sẽ trở thành một nhà giáo để dạy lớp lớp học sinh thành người có tài, có đức góp phần xây dựng quê hương.
Học hết bậc phổ thông trung học, dù đã thi đỗ vào khoa Hóa của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhưng cũng như bao thanh niên thời ấy đều phải có trách nhiệm tham gia quân đội bảo vệ quê hương đất nước. Trong đợt tuyển quân năm 1971, do được học hành và lý lịch gia đình cơ bản nên thầy được chọn tuyển vào ngành Công an thuộc Ty Công an Hà Bắc. Sau đó, thầy được cử đi học khóa K12, Trường Cảnh sát nhân dân tại Suối Hai, Ba Vì, Hà Nội.
Đại tá, PGS, TS, NGND Ngô Văn Xiêm (áo trắng, ngoài cùng bên trái)
cùng đoàn công tác Trường Đại học PCCC tại Liên Bang Nga.
Thầy Xiêm bồi hồi nhớ lại: “Đây là bước ngoặt cuộc đời tôi, từ một học sinh nghèo ở thôn quê, tôi đã vinh dự được trở thành một chiến sỹ Công an, mang trên mình màu áo Cảnh sát nhân dân. Những ngày đó, cuộc đời người lính, người học viên Công an nhân dân đầy bỡ ngỡ và gian khổ, nhưng với tinh thần và ý thức kỷ luật, chúng tôi không ngừng phấn đấu vươn lên. Không chỉ có nhiệm vụ học tập, chúng tôi còn tham gia lao động xây dựng nhà trường, đặc biệt là tham gia chống lụt bão năm 1971 do vỡ đê Bất Bạt và đê Cống Chuốc…Được học tập và tu dưỡng trong môi trường kỷ luật nghiêm ngặt của nhà trường Công an ngay từ những ngày đầu vào ngành đã giúp nhiều anh em cùng khóa học với tôi ngày ấy cũng đã phấn đấu học tập, rèn luyện và trở thành những người thầy như: NGƯT Phùng Vô Song, NGƯT Bùi Trọng Đổng, NGƯT Kiều Hồng Mai, TS Đào Quốc Hợp, TS Trịnh Thế Dũng, thầy giáo Phạm Điện Biên…Những người thầy ấy đã cống hiến không nhỏ cho sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực PCCC.”
Đầu tháng 4 năm 1972, Công an Thành phố Hà Nội tuyển bổ sung 120 chiến sỹ từ Trường Cảnh sát nhân dân về chi viện cho lực lượng Cảnh sát PCCC Hà Nội. Thầy Ngô Văn Xiêm được điều động về đơn vị Cảnh sát PCCC Lộc Hà. Chân ướt chân ráo đến với nghề chưa đầy 2 tuần, mới được rèn luyện sơ qua những kỹ năng cơ bản của công tác chữa cháy thì thầy được trực tiếp tham gia trận thử lửa đầu tiên – vụ cháy kho xăng Đức Giang và kho của Bộ Nội thương chứa hàng hóa viện trợ của các nước trên thế giới cho Việt Nam vào ngày 16/4/1972. Trận thử lửa đầu tiên, với vai trò là chiến sỹ số 1 (chiến sỹ cầm lăng) trong đội hình chữa cháy, đã cho thầy những bài học, những kinh nghiệm đầu tiên với nghề. Khó khăn, gian khổ khi thực hiện nhiệm vụ đã giúp thầy hiểu được những khái niệm về cháy, mức độ nguy hiểm và sự thiệt hại khôn lường từ đám cháy.
Sau lần đó, thầy được biên chế về Đội Cảnh sát PCCC Phan Chu Trinh thuộc Phòng Cảnh sát PCCC – Công an Hà Nội do đồng chí Đặng Văn Lạc làm Đội trưởng. Những bài học đầu tiên khi thầy đi cùng lãnh đạo đơn vị khảo sát và lập các phương án PCCC trên địa bàn đã đưa thầy tiếp cận với kiến thức khoa học, kỹ thuật PCCC dù còn rất giản đơn.
Những ngày đó, Hà Nội còn trong khói lửa chiến tranh phá hoại bằng không quân của Đế quốc Mỹ. Lực lượng PCCC Thủ đô “chân không không lúc nào dời khỏi ủng”, lúc ăn, ngủ vẫn vận nguyên trang phục chữa cháy để khi có báo động là lập tức lên đường làm nhiệm vụ bởi tình thế của cuộc kháng chiến lúc đó hết sức cam go. Từ tháng 4/1972 – 12/1972, thầy trực tiếp tham gia gần 100 trăm vụ chữa cháy với các loại chất cháy khác nhau. Ám ảnh lớn nhất trong cuộc đời thầy là trận chữa cháy nhà kho thuộc Nhà máy Thuốc lá Thăng Long (1972). Thầy kể: “Lúc đó, các chiến sỹ chữa cháy không có mặt nạ phòng độc, biện pháp phòng ngừa khí độc là đeo khẩu trang nhúng nước tham gia chữa cháy, nên nhiều anh em khi lao vào trong nhà để chữa cháy đã hít phải khí độc và ngất đi. Nước của nguyên liệu thuốc lá ngấm vào người, anh em phải lấy bộ quần áo công nhân để mặc tránh bị cảm lạnh. Trong trận chữa cháy đó, sau hơn một giờ tham gia chữa cháy, tôi đã bị ngất đi vì khói độc và phải nằm điều trị nửa tháng trời”. Điều đó đã thôi thúc thầy tìm tòi nghiên cứu đề tài khoa học cấp Bộ về trang bị bảo vệ cán bộ, chiến sỹ chữa cháy cho lực lượng chữa cháy sau này.
Cuối tháng 12/1972, thầy được triệu tập về học lớp C5 – lớp đào tạo cán bộ kiểm tra – niềm mơ ước của những người lính chữa cháy thời đó tại Phân hiệu Cảnh sát PCCC đóng quân tại Nhân Chính. Trong trận ném bom của giặc Mỹ, 3 học viên của lớp đã hy sinh. Chứng kiến những mất mát đau thương từ chiến tranh, thấy được những nguy cơ, nguy hiểm từ hỏa hoạn, trong thầy càng thôi thúc niềm đam mê học tập và nghiên cứu khoa học phục vụ cho công tác PCCC.
Ngày 19/8/1973, trên chuyến tàu Liên vận Quốc tế khởi hành từ Ga Hà Nội, thầy Ngô Văn Xiêm cùng đoàn du học sinh Việt Nam tạm biệt quê hương, đất nước lên đường sang đất nước Nga (Liên Xô cũ) học tập. Sau 9 ngày đêm bôn ba qua các nước, thầy đặt chân đến Thủ đô Matxcơva, bắt đầu những ngày tháng chính thức tiếp cận với khoa học, kỹ thuật về PCCC của nước bạn. Những ngày đó, cuộc sống xa gia đình khó khăn, gian khổ, thiếu thốn đủ bề nhưng niềm say mê khoa học đã giúp thầy vượt lên tất cả. Trên đất nước bạn, thầy được tiếp cận với nền khoa học, kỹ thuật tiên tiến bậc nhất thế giới về công tác PCCC. “Gần 10 năm sống, học tập, nghiên cứu, dưới sự dạy bảo của thầy, cô giáo Nga, được học những người thầy giỏi, những nhân cách lớn, những tấm gương suốt đời cho tôi về tư cách người thầy, về lòng nhân hậu, tính trung thực và sự giản dị. Thầy cô giáo Nga không chỉ dạy bảo kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ mà còn truyền thụ cho chúng tôi niềm đam mê nghiên cứu khoa học và rèn luyện nhân cách”. Thầy Xiêm bồi hồi nhớ lại.
Hoàn thành chương trình học tập trên đất nước bạn với tấm bằng tốt nghiệp loại Giỏi, thầy đem những kiến thức khoa học, kỹ thuật đã lĩnh hội được về phục vụ sự nghiệp đào tạo, giảng dạy, nghiên cứu khoa học trong công tác PCCC của nước nhà. Những bài giảng đầu tiên cũng bắt đầu từ lớp Trung cấp khóa I và phân khoa đại học khóa I về công tác PCCC trong quá trình sản xuất và những kỹ thuật ứng dụng tự động hóa trong quá trình PCCC của thầy là những nội dung hết sức cơ bản, có ý nghĩa rất lớn đối với công tác PCCC. Nhiều học trò đầu tiên của thầy khi đó giờ đây đã tiếp bước thầy và giữ những trọng trách cao trong lực lượng Công an nhân dân và trong công tác PCCC như: NGƯT, Thiếu tướng, PGS, TS. Đỗ Ngọc Cẩn – Hiệu trưởng Trường Đại học PCCC; Thiếu tướng, TS. Bùi Văn Thành – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật, Bộ Công an; NGƯT, Đại tá, TS. Nguyễn Mạnh Hà – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học PCCC; NGƯT, Đại tá Vũ Hữu Quyết – Nguyên Trưởng Phòng Xây dựng lực lượng, Trường Đại học PCCC; Đại tá Trần Hào Hiệp – Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PC&CC tỉnh Vĩnh Phúc và nhiều đồng chí khác.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác trong sự nghiệp phát triển của đất nước, cuối năm 1980, thầy Ngô Văn Xiêm lại sang Nga tiếp tục học nghiên cứu sinh, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và công tác quản lý trong giáo dục. Với ưu thế của một người nắm vững tiếng Nga, thầy nhanh chóng tiếp cận được với những khoa học, kỹ thuật tiên tiến về công tác PCCC của nước bạn. Nhưng để hoàn thành luận án Phó Tiến sỹ khoa học PCCC trên nước bạn quả không đơn giản. Để nghiên cứu chữa cháy chất rắn trong nhà, thầy đã trải qua biết bao tháng ngày làm thí nghiệm, tìm tòi, không ngại gian khổ, với tinh thần cầu thị từ bạn bè, thầy cô, thầy đã tìm được những đóng góp mới cho luận án. Thầy chia sẻ: “Người làm khoa học cũng cần có bản lĩnh khoa học để bảo vệ những ý tưởng và kết luận khoa học mà mình đưa ra một cách thuyết phục đối với mọi người bằng những minh chứng cụ thể.” Cuối năm 1984, thầy đã bảo vệ xuất sắc luận án Phó Tiến sỹ với đề tài “Nghiên cứu các thông số cháy và chữa cháy đám cháy nhà kho chứa vải”. Thầy là một trong số ít người đã vận dụng lý thuyết mô hình hoá vào việc nghiên cứu cơ chế cháy và các thông số của đám cháy để xây dựng hướng dẫn chữa cháy thuộc Khoa Chữa cháy, Trường Đại học PCCC Matxcơva.
Đồng hành cùng những chặng đường phát triển của nhà trường từ những năm tháng đầu tiên mới thành lập, thầy Ngô Văn Xiêm đã có nhiều đóng góp đối với sự phát triển của nhà trường và lực lượng Cảnh sát PCCC trong cả nước. Dù ở cương vị nào và làm nhiệm vụ gì, thầy Xiêm cũng là người gương mẫu, nhiệt tình, say nghề, chí cốt với nghề. Năm 1985, sau khi Trường Trung cấp PCCC được nâng lên thành Trường Cao đẳng PCCC, thầy đã trực tiếp nghiên cứu, vận dụng kết quả từ luận án Phó Tiến sỹ vào việc xây dựng các mô hình để nghiên cứu về đám cháy chất rắn trong nhà, đám cháy chất lỏng trên bể chứa, đám cháy chất khí từ dòng khí phun…nhằm giúp học viên dễ nhận biết bản chất của đám cháy, cơ chế, quá trình cháy của các chất. Ngoài ra, thầy đã chỉ đạo giáo viên từ xây dựng một loạt các thiết bị thí nghiệm khác về hệ thống chữa cháy, hệ thống tự động báo và chữa cháy…góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy các môn học của nhà trường. Để phục vụ cho các hoạt động của nhà trường, thầy Xiêm đã chủ trì xây dựng và triển khai đề án “Xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin và thư viện điện tử”. Có thể nói, mạng công nghệ thông tin và thư viện điện tử đã được khai thác, sử dụng có hiệu quả vào các hoạt động của nhà trường.
Trăn trở về quy mô đào tạo của nhà trường, ngay từ đầu những năm 1990, thầy Xiêm đã chủ động đề xuất, xây dựng mở rộng thêm các loại hình đào tạo như: đào tạo lái xe chữa cháy, đào tạo tại chức, đào tạo liên kết với các địa phương và ngành kinh tế. Những loại hình đào tạo do thầy khởi xướng, qua nhiều năm, với sự đóng góp của nhiều thế hệ trong nhà trường đã ngày càng được củng cố và phát triển bền vững.
Năm 1999, Trường Cao đẳng Cảnh sát PCCC bước lên một tầm cao mới với nhiệm vụ mới, trở thành Trường Đại học PCCC. Thời điểm đó, việc nâng cấp trường lên bậc Đại học là vô cùng khó khăn, với các điều kiện rất chặt chẽ. Với trách nhiệm là Phó Hiệu trưởng phụ trách công tác đào tạo của Trường Cao đẳng PCCC, thầy Xiêm đã có những đóng góp quan trọng trong việc chuẩn bị các điều kiện về chương trình, giáo trình, hệ thống phòng học, phòng thí nghiệm, đội ngũ giáo viên…trực tiếp làm việc với các chuyên gia và các đơn vị chức năng thuộc các Bộ, Văn phòng Chính phủ để họ đồng ý báo cáo Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập Trường Đại học PCCC. Ít ai biết rằng, trong quyết định của Thủ tướng, nhà trường có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực PCCC cho các Bộ, Ngành kinh tế. Lúc đó, chuyên gia của một số Bộ chưa đồng ý với nội dung này nhưng thầy Xiêm đã đề xuất và thuyết phục họ đồng ý. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc triển khai đào tạo Đại học Dân sự PCCC hiện nay. Năm 2000, khi khóa đào tạo Đại học đầu tiên chính thức bắt đầu, thầy Ngô Văn Xiêm được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường Đại học PCCC phụ trách công tác đào tạo và quản lý học viên.
Trong nghiên cứu khoa học, kỹ thuật công nghệ PCCC, thầy Xiêm là người đầu tiên nghiên cứu thiết kế lắp đặt các hệ thống báo cháy và chữa cháy để bảo vệ các ngôi nhà và công trình ở Việt Nam. Ngay từ năm 1986, đã thiết kế và lắp đặt hệ thống chữa cháy Drencher cho nhà kho Nhà máy Đay Thái Bình, tiếp sau đó là các công trình chữa cháy bằng khí cho toàn nhà Cục Sáng chế, chữa cháy bằng nước cho Nhà máy thuốc lá Thăng Long, chữa cháy bằng bọt cho kho xăng dầu Sân bay Nội Bài…Những kết quả ban đầu đó là tiền đề và cơ sở khoa học, kỹ thuật có độ tin cậy cao giúp cho nhiều đơn vị, công ty hoạt động trên lĩnh vực PCCC áp dụng vào thực tế như hiện nay. Điều mong muốn nhất của thầy Xiêm là được các cơ quan chức năng nghiên cứu, ứng dụng đề tài xe chữa cháy bằng bột mà thầy và các cộng sự đã nghiên cứu và thử nghiệm thành công. Vì đây là loại xe chữa cháy còn thiếu ở nước ta mà hiệu quả của nó khi chữa cháy là rất cao, nhất là khi chữa cháy xảy ra ở nhà máy điện, trạm biến áp, trung tâm máy tính, phòng thí nghiệm chất lượng cao, các kho lưu trữ quốc gia…Đồng thời tiếp tục được đầu tư nghiên cứu khoa học về sự tác động cơ nhiệt đến các cấu kiện và kết câu công trình; về sự tác động ảnh hưởng của môi trường đám cháy đến sức khỏe, tính mạng con người.
Chia sẻ về những đóng góp đối với khoa học, thầy nói rằng, thầy tâm đắc nhất với hệ thống lý luận trong công tác PCCC mà thầy cùng đồng nghiệp đã dày công xây dựng. Những cuốn sách, những giáo trình như: Phòng cháy trong xây dựng, Truyền nhiệt trong PCCC, Nhiệt động trong PCCC, Thủy lực và cung cấp nước chữa cháy, Tổ chức công tác ở đơn vị PCCC chuyên nghiệp, Chiến thuật chữa cháy các cơ sở tài nguyên thiên nhiên…có sự đóng góp, nghiên cứu của thầy hiện nay là những giáo trình cơ bản phục vụ cho công tác giảng dạy tại Trường Đại học PCCC, đào tạo lực lượng PCCC chuyên nghiệp trong cả nước và một số nước bạn như: Lào, Cam-pu-chia…
Với trên 20 năm làm nhiệm vụ quản lý giáo dục, thầy Xiêm đã có nhiều đóng góp quan trọng vào việc đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giáo viên cho nhà trường cả về số lượng và chất lượng. Thầy là người có công khởi động lại mối quan hệ truyền thống với Học viện PCCC Liên bang Nga trong việc đào tạo đội ngũ có trình độ chuyên môn cao từ năm 2002 đến nay. Thầy cũng là người đặt nền móng cho quan hệ PCCC&CNCH với Nhật Bản thông qua dự án JICA để đào tạo đội ngũ giáo viên có trình độ cao về lĩnh vực cứu nạn, cứu hộ. Nhiều giảng viên của nhà trường hiện nay, được sự bồi dưỡng, giúp đỡ của thầy đã trở thành những giảng viên chính, NGƯT…đã và đang tiếp tục khẳng định mình trong sự nghiệp đào tạo của nhà trường.
Với những cống hiến trong sự nghiệp giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học, năm 1994, thầy Ngô Văn Xiêm vinh dự được đón nhận danh hiệu NGƯT. Năm 2007, thầy Ngô Văn Xiêm là người thầy đầu tiên của Trường Đại học PCCC được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước quyết định công nhận chức danh Phó Giáo sư khoa học an ninh. Và tháng 11/2012, Chủ tịch nước đã ký Quyết định trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân – danh hiệu cao quý nhất trong sự nghiệp trồng người cho thầy Ngô Văn Xiêm vì có nhiều cống hiến xuất sắc trong sự nghiệp giáo dục của đất nước. Đó cũng là niềm vinh dự, tự hào chung của Trường Đại học PCCC, của lực lượng Cảnh sát PCCC Việt Nam về một người thầy đã đồng hành cùng sự phát triển của Trường Đại học PCCC ngay từ những năm tháng đầu tiên. Nhưng theo Nhà giáo Nhân dân Ngô Văn Xiêm, niềm vui lớn nhất, phần thưởng cao quý nhất của cuộc đời thầy là sự trưởng thành của những học trò đang tiếp bước thầy đóng góp vào sự phát triển trong công tác PCCC&CNCH của đất nước.
Thảo Nguyên
Nguồn: www.daihocpccc.edu.vn