Ông là GS.TS.NGƯT Lương Phương Hậu, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn công trình Cảng- Đường Thủy, trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Trong quá trình giảng dạy, ông đã hướng dẫn thành công nhiều luận văn Thạc sĩ, 12 luận án Tiến sĩ, và hiện đang hướng dẫn 5 nghiên cứu sinh. Trong số đó có người đã trở thành Giáo sư, Phó Giáo sư. Rất quan tâm đến việc biên soạn giáo trình, sách chuyên khảo, bài viết phục vụ cho giảng dạy, nghiên cứu, ông đã cho xuất bản 17 đầu sách và 82 bài báo khoa học. GS. Lương Phương Hậu còn là nhà hoạt động thực tiễn tâm huyết. Ông là tác giả, đồng tác giả của nhiều công trình xây dựng trên sông, biển ở nước ta, đã và đang phát huy hiệu quả. Hiện ông đang cộng tác với một số Viện nghiên cứu, Công ty tư vấn, với vai trò chủ trì, tham gia và thẩm định các đề tài khoa học – công nghệ các cấp, các dự án đầu tư lớn liên quan đến sông, biển.
Trong cuộc gặp gỡ đầu tiên với cán bộ Trung tâm, GS.TS Lương Phương Hậu vui vẻ tâm sự : “Nghiên cứu lí thuyết quan trọng nhưng nghiên cứu ứng dụng cho thực tế đất nước còn quan trọng hơn”. Nhiều công trình nghiên cứu của ông được ứng dụng trong thực tiễn. Có thể kể đến như:công trình Chống sạt lở bờ sông đầu tiên (1993) trên sông Cửu Long, xác định các vùng cư trú an toàn cho dân ở Vĩnh Long, Sa Đéc, Tân Châu, Tây Nam Bộ…; Công trình cắt sông đầu tiên trên sông Chu (Thanh Hóa), do ông chủ trì thiết kế, đem lại hiệu quả bảo vệ đê trọng điểm ổn định lâu dài; Công trình ngăn cát giảm sóng ổn định luồng tầu cửa sông đầu tiên ở Phan Thiết; Công trình kè biển tôn tạo khu du lịch ở Nha Trang; Giải pháp công trình “Kết cấu đảo chiều hoàn lưu”, ứng dụng trong chống sạt lở bờ sông được cấp Bằng Độc quyền sáng chế… Đề tài cấp Nhà nước: “Đề xuất các Giải pháp khoa học công nghệ cho công trình chỉnh trị sông các đoạn trọng điểm đồng bằng Bắc bộ và đồng bằng Nam bộ” Giáo sư vừa hoàn thành, được Hội đồng Khoa học và Công nghệ nghiệm thu đánh giá xuất sắc. Trong đề tài này, ngoài những đóng góp mới về lý thuyết, mô hình tính toán, còn có đóng góp thiết thực cho quy hoạch chỉnh trị đoạn sông Hồng qua Hà Nội.
Khối Tetrapod (khối ba chân) là cấu kiện phá sóng dùng trong công trình bảo vệ bờ biển, bảo vệ công trình cảng, đê chắn sóng mà GS Lương Phương Hậu là người đầu tiên thiết kế ứng dụng thành công vào điều kiện Việt Nam, hiện đang được sử dụng nhiều ở các công trình biển ở nước ta.
GS Lương Phương Hậu (phải) giới thiệu với cán bộ Trung tâm về khối Tetrapod (23-8-2011)
GS.TS Lương Phương Hậu cởi mở: cả cuộc đời ông liên tục đi công tác, đến hầu hết các triền sông, bờ biển của đất nước, về nghỉ hưu nhưng ông vẫn chưa ngừng đi. Để tự sự, gửi gắm niềm đam mê nghiên cứu trong suốt cuộc đời làm khoa học, hoạt động thự tiễn của mình, năm 2007 ông sáng tác bài thơ “Đi suốt một đời”, được đăng trên Tạp chí Biển và bờ. Xin trích đoạn bài Thơ, mong bạn đọc cùng chia sẻ với tác giả:
…“Tôi đã đi đón bình minh
Từ mũi Tràng Vĩ, cửa Bắc Luân
Lặng ngắm hoàng hôn
Trên biển Hà Tiên, bên hòn Phụ Tử,
Trèo cồn cát Quảng Bình,
Lội phá Tam Giang,
Trưa Cà Mau
Nghe tiếng quả đước rơi
Cắm xuống bùn non đất mũi.
Tôi đã từng qua đêm
Trên thảm xanh rau muống biển Cồn Vành,
Đã cưỡi sóng, lướt thuyền
Tìm luồng tầu qua cửa Định An, sông Hậu
…Đã chứng kiến cảnh tháp hải đăng đổ nhào
Bên bờ biển Thuận An,
Đã cùng biển lở, bồi
Buồn vui, khắc khoải”…
Trần Bích Hạnh