Gặp gỡ nhà khoa học đam mê nghiên cứu về loài ong





Năm 1973, ông Lê Xuân Huệ sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh và thực hiện đề tài: Ong ký sinh nhóm Trissolcus Ashmead (họ Scelionidae) khu hệ Liên Xô và các nước lân cận. Từ đó, ông luôn ấp ủ ý định nghiên cứu về loài ong ký sinh trứng họ Scelionidae ở Việt Nam nhưng chưa có điều kiện thực hiện. Đến năm 1978, ông được tham gia chương trình hợp tác giữa Viện Sinh vật học Việt Nam[1] thuộc Viện Khoa học Việt Nam và Liên Xô nghiên cứu về Hệ sinh thái nhiệt đới Việt Nam. Từ đó, ông mới có điều kiện thực hiện nhiều chuyến điền dã ở các tỉnh phía nam Việt Nam để khảo sát về các loài ong ký sinh này. Năm 1985, PTS Lê Xuân Huệ được cử sang Liên Xô làm thực tập sinh cao cấp. Dựa trên kết quả khảo sát ở Việt Nam ông đã lựa chọn đề tài: Ong ký sinh trứng họ Scelionidae khu hệ Việt Nam (Hình thái, sinh học, phân bố, sinh thái, phân loại và ý nghĩa kinh tế) làm luận án tiến sĩ. Năm 1987, ông bảo vệ và được Hội đồng chấm luận án đánh giá tốt. Lúc đó, ông dự định in nội dung luận án thành sách nhưng do không có kinh phí nên chưa thực hiện được.

PGS.TSKH Lê Xuân Huệ đang chia sẻ về hướng nghiên cứu của mình với nghiên cứu viên của Trung tâm, ngày 19-9-2016

 

Năm 2000, dựa trên kết quả nghiên cứu trong quá trình đào tạo và hoạt động thực tiễn, PGS.TSKH Lê Xuân Huệ đã tập hợp tài liệu và biên soạn phần về hơn 400 loài ong ký sinh trứng họ Scelionidae ở Việt Nam, công trình này được đưa vào nội dung cuốn Động vật chí Việt Nam, do Nxb Khoa học và Kỹ thuật ấn hành. Năm 2012, ông vinh dự là một thành viên trong tập thể tác giả được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh cho cụm công trình Động vật chí Việt Nam, Thực vật chí Việt Nam, Sách đỏ và danh lục đỏ Việt Nam.

Lê Thị Lợi

_____________

[1] Nay là Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam.