Gặp lại người chiến sĩ trên mặt trận khoa học

GS.TSKH Cao Tiến Huỳnh sinh năm 1947, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu tự động hóa kỹ thuật quân sự, Bộ Quốc phòng. Ông là một trong các nhà khoa học đầu tiên được đào tạo về lĩnh vực tự động và điều khiển từ xa ở Liên Xô. Qua những năm tháng học tập, nghiên cứu sinh và thực tập sinh ở Liên Xô, GS Cao Tiến Huỳnh đã mang những tri thức vô giá đó về cống hiến cho đất nước.

Năm 1984, GS Cao Tiến Huỳnh là người đặt nền móng thành lập Viện nghiên cứu Tự động hóa kỹ thuật quân sự. Và với vai trò là người đứng đầu của Viện, ông đã dẫn dắt đưa Viện trở thành cơ quan nghiên cứu hàng đầu trong Quân đội về lĩnh vực điều khiển và tự động hóa.

 

 

“Nhà khoa học phải đem tâm huyết và trí tuệ đáp ứng những yêu cầu cấp thiết của thực tế”-  

GS.TSKH Cao Tiến Huỳnh chia sẻ

Năm 1990, Giáo sư Cao Tiến Huỳnh cùng cộng sự cũng đã thiết kế, xây dựng thành công hệ thống tự động hóa chế bản điện tử và viễn ấn Báo Quân đội nhân dân qua vệ tinh. Lần đầu tiên ở Việt Nam hệ thống viễn ấn đi vào hoạt động, đã đáp ứng được tính thời sự, yêu cầu thông tin nhanh, chất lượng in tốt và đồng nhất ở miền Bắc và miền Nam.

Năm 2012, ông và tập thể cán bộ Viện nghiên cứu tự động hóa kỹ thuật quân sự, Bộ Quốc phòng đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh cho cụm công trình “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống SCADA đặc thù diện rộng hoạt động trong điều kiện môi trường khắc nghiệt và Xây dựng hệ thống pháo 37mm – 2N tác chiến ngày và đêm”. Đây là cụm công trình mà GS Cao Tiến Huỳnh đã dành rất nhiều tâm huyết từ ý tưởng đến đề xuất chủ trì. Công trình đã được ứng dụng rộng rãi trong dân sinh và các lĩnh vực cảng biển, khai khoáng dầu khí… phục vụ quân sự, quốc phòng, đáp ứng nhu cầu chiến tranh công nghệ cao.

Giờ đây mái đầu đã bạc trắng theo thời gian, nhưng GS.TSKH Cao Tiến Huỳnh vẫn luôn nhiệt huyết và trăn trở với việc đưa ý tưởng khoa học vào thực tiễn, đóng góp tâm lực và trí lực cho khoa học đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học quân sự.

 Lưu Thị Thúy