Gặp lại những cựu sinh viên quân y năm ấy

Gặp lại nhau trong buổi tọa đàm đặc biệt do Trung tâm Di sản các khoa học Việt Nam tổ chức, ai cũng mừng vui. Cùng nhau xem những bức ảnh tư liệu về trường, lớp, đồng đội của mình năm xưa do Trung tâm sưu tầm về được, những người lính Quân y năm xưa không khỏi xúc động bồi hồi. Họ say sưa kể lại những kỷ niệm, những câu chuyện của cái thời sinh viên sôi nổi trong hoàn cảnh ác liệt của đất nước, những ký ức đã in sâu cùng năm tháng cuộc đời họ. Hồi ấy, phần lớn trong số họ là học sinh đã tốt nghiệp trung học chuyên khoa của ba trường: Trường Trung học chuyên khoa Chu Văn An (lúc đó đóng tại xá Đào Giã, tỉnh Phú Thọ), trường Trung học chuyên khoa Nguyễn Thượng Hiền (Thanh Hóa) và trường Trung học chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng (Hà Tĩnh). Lớp của họ được chiêu sinh khi cuộc kháng chiến bước vào giai đoạn khốc liệt nhất. GS.TSKH Nguyễn Cảnh Cầu, nguyên Chủ nhiệm Khoa Da liễu, Viện Quân y 108, lớp trưởng lớp Y50 nhớ lại: Chúng tôi nhập học trong hoàn cảnh vô cùng thiếu thốn: thiếu cả về thời gian và phương tiện học tập. Môn học mở đầu là môn cốt học, lẽ ra phải học trong 6 tháng, giờ chỉ học trong vòng một tháng. Học về xương mà không có dụng cụ học tập nên anh em cử nhau đến bãi chiến trường đào những ngôi mộ không có chủ, lấy xương rửa và vệ sinh thật sạch sau đó mang về để học. Học được một tháng do yêu cầu phải đi chiến dịch nên chúng tôi được chuyển về Vô Tranh (Thái Nguyên) học “tứ đại kỹ thuật” (chuyển thương, cầm máu, băng bó, thay băng) ở trường Quân Y sĩ để có thể kịp thời lên đường ra trận.

                Sinh viên Y50 đang xây dựng lán trại tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang, năm 1952.

 

Học trong điều kiện như vậy, vấn đề nỗ lực của mỗi cá nhân là vô cùng quan trọng, vừa học vừa thực hành, học xong đi chiến dịch, đi chiến dịch về lại học. Chia sẻ về vấn đề này, GS Hoàng Bảo Châu, nguyên Viện trưởng Viện Y học Cổ truyền tâm sự rằng: Trong hoàn cảnh trường lớp không chính quy, đào tạo không liên tục, trước kia là đào tạo một người thây thuốc bài bản, còn giờ là đào tạo người cán bộ phục vụ kháng chiến, đó cũng chính là sự sáng tạo rồi…. Thật khó có thể hình dung ra trường lớp đại học lúc đó như thế nào? Chính những sinh viên này là những người đi chặt từng cây gỗ, hạ từng cây tre, khuân từng cục đá dưới suối lên để dựng trường, dựng lớp. Sách vở thiếu thốn, dụng cụ học tập phải tự tạo. Thư viện trường không đủ sách cho mọi người đọc, tất cả đều phải chép về nhà học, mang ra mặt trận học. Những bài giảng của thầy giáo, những tài liệu về giải phẫu được ghi chép lại cộng với sự nỗ lực không mệt mỏi chính là những vũ khí sắc bén để khi cần có thể vừa hồi tưởng lời thầy, vừa dở vở ghi chép ra đọc vừa phẫu thuật cho thương binh. GS.TS Trần Đỗ Trinh, nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam nói về cách học của sinh viên thời đó như thế này: Thời chiến việc tự học phải rất lớn vì khi đó không có gì để học, thiếu thốn đủ thứ, thiếu sách, thiếu tài liệu,… Vậy phải tự học như thế nào? Chỉ có chép, chép, chép và chép, nếu không chép thì chết, không có gì để mà học, phải mượn tài liệu về để chép mà học. Những tài liệu chép ấy thật sự là những cẩm nang vô cùng quý báu ngoài chiến trường, khi những sinh viên mới chỉ học phẫu thuật đơn giản đã phải phụ trách những ca đại phẫu thuật như mổ bụng, mổ ngực. Chưa hoàn thành năm thứ hai đại học đã phải giữ những trọng trách quan trọng như đội trưởng một đội điều trị, chủ nhiệm quân y của trung đoàn, sư đoàn….

Một buổi thảo luận nhóm của sinh viên Y50, Chiêm Hóa, 1952.

 

Với phương châm: Lấy thực hành ngoài mặt trận là chính, trường học chỉ là nơi tổng kết kinh nghiệm, các sinh viên Y50 sau 6 tháng đầu học hành đã được đưa ra mặt trận. Vậy là vô vàn những câu chuyện sáng tạo xuất hiện. Những câu chuyện dựng phòng mổ bằng dù, bàn mổ bằng chõng tre, mổ ngay trong hầm, trong nhà dân, đèn phát sáng được tạo từ ánh sáng đèn pha xe đạp, dụng cụ được gò từ vỏ bom, dịch truyền được chế biến từ nước mưa…, rồi hóa trang thành thợ cắt tóc “lếch thếch” trà trộn vào vùng địch hậu ở Thái Bình để có thể mua được các dụng cụ phục vụ cho phẫu thuật thương binh. Còn BS Nguyễn Trọng Khiết, Chủ nhiệm khoa Nội, bệnh viện Hữu nghị Việt -Xô thì nhớ lại: Năm 1953, tôi là Đội trưởng phụ tráchTrung và Trọng thương của Quân y Viện IV, đóng ở một thung lũng gần địch. Mỗi đêm nhận từ 40 đến 100 thương binh, trong điều kiện không có ánh sáng, đêm tối sờ thấy máu chẩy nhưng làm thế nào phân loại thương binh nặng và nhẹ để có thể xử lý kịp thời những trường hợp nặng trước. Lúc đó tôi đã nghĩ ra cách dựa vào mạch đập để phân loại thương binh. Ngay lập tức đã huấn luyện cho một số anh em đo mạch, lúc đầu đo bằng đồng hồ, sau không dùng đồng hồ nữa vẫn có thể đếm được mạch,…

Sáng tạo và tự học là chính, nhưng trong những tháng ấy lớp sinh viên Y50 đã được học tập bởi những người thày có chuyên môn giỏi và có nhân cách lớn. GS Nguyễn Quý Tảo cho rằng chính tình thầy trò, tình anh em đồng môn như trong gia đình đã làm cho thế hệ các ông ham muốn học tập. Những kỷ niệm mà ông nhớ về những người thày mình thật gần gũi: đó là những buổi dùng mảng qua sông để đón thầy Hồ Đắc Di vào lớp giảng bài. Nhớ có hôm thầy mặc quần sồi, xắn lên tận gối nhưng vẫn lên lớp, thỉnh thoảng lại châm lửa để thầy hút thuốc lào. Còn kỷ niệm về thầy Đặng Văn Ngữ là sự nghiêm túc trong học hành, lúc nào cũng ăn mặc thật chỉnh chu, vào lớp bàn ghế phải thật gọn gàng thầy mới giảng bài. Bởi theo thây, giờ lên lớp là giờ phút thiêng liêng nhất của cả thầy và trò. Về thầy Tôn Thất Tùng là những lần theo thầy đi phẫu thuật cho thương binh, thầy chỉ bảo tận tình từng chỗ một, thầy nghiêm khắc nhưng cũng thật gần gũi khi rủ các sinh viên đi bơi cùng,… Đó còn là sự chỉ bảo tận tình của những người anh, người thày khóa trước như Bác sĩ Nguyễn Dương Quang, Bác sĩ Vưu Hữu Chánh, Bác sĩ Hà Văn Mạo,… Tất cả thầy và trò như sống trong một gia đình lớn tình cảm, đùm bọc che chở lẫn nhau, cùng nhau cố gắng để phục vụ cuộc chiến tranh nhân dân đến ngày toàn thắng.

Những câu chuyện cảm động được nối tiếp nhau trong hơn ba giờ đồng hồ. Người nghe như được sống trong những câu chuyện ấy, được hình dung và thả sức tưởng tượng về trường, về lớp, về những cuốn sách, những quyền vở, những dụng cụ học tập sơ sài nhưng đã giúp tạo nên cả một thế hệ có rất nhiều những đóng góp cho nền Y học nhân dân. Những cuốn vở ghi chép mang ra chiến trường học, luận văn tốt nghiệp bác sĩ, những cuốn sách về phẫu thuật, thư từ ngày đó vẫn còn được những người lính già lưu giữ cẩn thận như những vật chứng còn lại với thời gian. Và họ đã tặng lại Trung tâm với lời căn dăn: hãy giữ gìn và bảo vệ lấy chúng, để có thể phát huy và giáo dục nhiều hơn nữa với thế hệ đi sau. Chúng tôi xin trân trọng đón nhận sự ủy thác ấy.

 

Nguyễn Thanh Hóa

Trung tâm CPD