Gặp một chuyên gia về bệnh nấm

             Ký ức đầu tiên mà ông chia sẻ với chúng tôi là về người thầy có ảnh hưởng lớn nhất với mình – GS Đặng Văn Ngữ. Ông nói: Được sự dìu dắt của GS Đặng Văn Ngữ, tôi đã đi sâu nghiên cứu về bệnh nấm. Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh thầy trong các buổi lên lớp. Có một kỷ niệm với thầy mà tôi không thể quên: một lần, khi thực hành về bệnh nấm, GS Ngữ đã đề nghị tôi ngồi quay lưng vào kính hiển vi, tôi thấy sợ vì không biết có chuyện gì, nhưng hóa ra thầy soi kính vào gáy tôi để lấy mẫu nấm trên da. 

Vào thời kỳ Mỹ leo thang ném bom miền Bắc, cả trường phải sơ tán lên vùng núi tỉnh Hòa Bình, có lần tôi đã cõng thầy đi qua con suối vì không muốn thầy bỏ giày lội suối. Năm 1967, GS Đặng Văn Ngữ mất khi đang nghiên cứu biện pháp phòng chống sốt rét cho bộ đội tại chiến trường Trị – Thiên. Dù không tiếp tục nhận được sự dìu dắt của thầy Ngữ nhưng với định hướng đã có cùng với sự giúp đỡ của GS Đỗ Dương Thái, bác sĩ Phạm Trí Tuệ vẫn tiếp tục đi theo hướng nghiên cứu mà ông đã chọn.

.

Tiến sĩ Phạm Trí Tuệ (đầu tiên bên phải) cùng các đồng nghiệp

 

trong thời kỳ làm chuyên gia giảng dạy tại trường Đại học Y Huambo, Ăngôla, năm 1986

Từ những năm 1970, Phạm Trí Tuệ đi sâu nghiên cứu về bệnh nấm và ký sinh trùng đơn bào. Trong số các nghiên cứu của ông, có nhiều công trình được đánh giá cao như: “Điều chế và sử dụng kháng nguyên Trichophitin để chẩn đoán bệnh nấm da ở Việt Nam”, “Phân lập tác dụng các loại nấm trong đất và trong tổ mối với đơn bào”, “Gây nhiễm thực nghiệm nấm da trên thỏ và chuột lang”, “Tình hình nhiễm một số ký sinh trùng của thiếu niên ở một số vùng giải phóng”, “Apropos de trois observations du syndrome de Lceffler experimental du a L’Ascaris Lumbricoider”… Hơn nữa, ông còn là người thành thạo 5 ngoại ngữ là tiếng Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Nga, Hà Lan. PGS.TS Hoàng Tân Dân, người đồng nghiệp công tác cùng ông gần 40 năm đã nhận xét: là một người có chuyên môn vững chắc lại rất cẩn thận, chu đáo trong công việc nên PGS Tuệ luôn được đồng nghiệp đánh giá cao, có thể coi ông là chuyên gia hàng đầu về bệnh Nấm

Sự nghiệp đang dang dở thì năm 2005, sau khi hết giờ làm việc, từ Bộ môn về nhà ông bị tai nạn xe máy trên đường Giải Phóng. Ông phải nằm điều trị ở Viện 108 trong vòng 2 năm trời. Với sự chăm sóc của gia đình, đặc biệt là sự tận tụy của vợ, sức khỏe và trí nhớ của ông được cải thiện dần. Bà Mai Trang Nghiêm, vợ của PGS.TS Phạm Trí Tuệ tâm sự “đã 7 năm trôi qua, kể từ khi ông nhà tôi bị tai nạn, gia đình đã có lúc cảm thấy tuyệt vọng bởi ông bị thương rất nặng. Đến nay, tuy sức khỏe không thể phục hồi như trước nhưng đó cũng là một may mắn bù đắp lại niềm mong mỏi và công sức gia đình bỏ ra”.

Được vợ là bà Mai Trang Nghiêm hết lòng chăm sóc

sức khỏe của PGS.TS Phạm Trí Tuệ được cải thiện nhiều

Mặc dù sức khỏe có hạn, nhưng PGS.TS Phạm Trí Tuệ rất nhiệt tình trao đổi, cung cấp thông tin cho nghiên cứu viên trong buổi làm việc. Rất mong sức khỏe ông ngày một tốt hơn và sẽ tiếp tục ủng hộ, hợp tác với Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

PGS.TS Phạm Trí Tuệ sinh ngày 05-9-1940 tại Khoái Châu Hưng Yên.

Ông là sinh viên khóa 1959-1965, trường Đại học Y Hà Nội.

Từ 1965-2007 ông công tác tại Bộ môn Ký sinh trùng, trường Đại học Y Hà Nội.

Năm 1983 ông bảo vệ thành công Luận án Phó Tiến sỹ về Y học.

Năm 1990 ông được phong hàm Phó Giáo sư.

Với những đóng góp của mình, ông được Nhà nước phong tặng Nhà giáo Ưu tú, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba.

 

Nguyễn Thị Loan

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam