Gặp người mở đường công nghệ nhân bản vô tính cá ở Việt Nam

PGS Trần Đình Trọng sinh năm 1935 trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Như một sự lựa chọn và an bài của số phận, tuy tốt nghiệp ngoại ngữ tại Liên Xô (1961) nhưng khi về nước, Trần Đình Trọng nhận quyết định công tác tại Bộ Nông nghiệp, phụ trách chuyên môn về thủy sản. Trong điều kiện đất nước,  điều kiện học tập, tài liệu tham khảo, đời sống vật chất,… còn nhiều khó khăn nhưng ông vẫn nuôi dưỡng quyết tâm lớn – học thêm về khoa học sinh vật, chủ yếu bằng con đường tự học, tham khảo thêm tài liệu của Liên Xô, Trung Quốc,… Vừa học, vừa làm, vừa tích lũy kinh nghiệm, ông dần trưởng thành và là một trong những hạt nhân cốt lõi nghiên cứu thủy sản tại Bộ Nông nghiệp thời bấy giờ.

PGS Trần Đình Trọng

Gắn bó với nghiên cứu thủy sản, từ những chuyến đi thực địa khắp cả nước, ông Trần Đình Trọng có cơ hội được tiếp xúc với công nghệ nuôi cá bằng phương pháp sinh thái – cho cá sinh sản trực tiếp ngoài sông tại các trại nuôi do Pháp xây dựng. Nhưng hiệu quả phương pháp này đưa lại không cao khi không thu về được 100% số lượng cá nhân giống. Mang theo hoài bão tìm phương pháp mới nhân bản vô tính cá khi có cơ hội làm thực tập sinh tại Liên Xô (1968), ông tích cực nghiên cứu, đi tới các khu nuôi trồng thủy sản tại Biển Đen để học hỏi. Sau 2 năm miệt mài nghiên cứu và thí nghiệm, ông đã thành công trong việc ứng dụng phương pháp não thùy vào công nghệ nhân bản vô tính cá, là “phát súng” đầu tiên mở đầu cho giai đoạn chủ động sản xuất cá trong ao, đầm ở Việt Nam. Đây cũng là hướng nghiên cứu xuyên suốt của ông trong quãng thời gian hoạt động khoa học sau này.
                                                                                                                                                                   

                                                                                                                                                                    Lê Ánh Nguyệt
                                                                                                                          Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam