“Tôi may mắn vì chỉ mất 16 năm cùng các đồng nghiệp nghiên cứu thành công vaccine Rota cập nhật quốc tế phòng bệnh tiêu chảy ở trẻ em” – PGS.TS.BS Lê Thị Luân, PGĐ Trung tâm sản xuất vaccine và sinh phẩm Y tế, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu vaccine Rotavin-M1 chia sẻ.
Khoa học là niềm đam mê
Tìm gặp PGS.TS.BS Lê Thị Luân khi đề tài nghiên cứu vaccine phòng tiêu chảy cho trẻ vừa được đưa vào sử dụng trong cộng đồng, tôi cảm nhận được niềm vui vẫn đang hiển hiện trên khuôn mặt của chị. Gần hết một chặng đường gắn bó với khoa học, gắn bó với sự nghiệp của ngành Y tế dự phòng, PGS. TS. BS Lê Thị Luân tự nhận mình đã may mắn hơn nhiều đồng nghiệp khác khi chứng kiến thành quả khoa học của mình đang dần được phổ biến trên thị trường, góp một phần công sức cho ngành Y tế dự phòng trong nước vốn dĩ vẫn chưa được nhiều người quan tâm chú ý.
Sinh năm 1962, tại Thổ Tang, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, năm 1980 Lê Thị Luân theo học chuyên khoa Đa khoa nội nhi tại Đại học Y Hà Nội. Theo học đến năm thứ 5, chị thi đỗ nội trú vi sinh rồi chuyển sang học thêm 3 năm nữa. Chính cơ duyên này đã đưa chị đến với Y tế dự phòng và ngay khi tốt nghiệp ra trường, chị được nhận về làm việc tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
PGS.TS.BS Lê Thị Luân
“Khi về Viện, tôi được làm ở phòng Kiểm tra chất lượng vaccine, nơi tiếp xúc nhiều nhất với các loại vaccine. Công việc này đòi hỏi phải có sự kiên nhẫn và tỉ mỉ. Lúc đó, thị trường vaccine trong nước còn khó khăn, hầu hết các loại vaccine phải nhập từ nước ngoài, tuy nhiên cũng không dồi dào như bây giờ. Có lẽ từ lúc đó, tôi đã nuôi ý định phải chủ động sản xuất vaccine tại Việt Nam”, PGS. TS. BS Lê Thị Luân kể lại.
Hiện nay, PGS. TS. BS Lê Thị Luân cùng các đồng nghiệp ở Trung tâm sản xuất vaccine và sinh phẩm Y tế đang tiếp tục nghiên cứu và sản xuất vaccine bại liệt và vaccine chân tay miệng.
Bước đầu đã hoàn thành quá trình sản xuất trong phòng thí nghiệm và hướng tới sẽ chuyển sang thử nghiệm tiền lâm sàng. Nếu hai công trình này thành công sẽ tiếp tục mở ra cho nền sản xuất vaccine trong nước một bước tiến mới.
Năm 1994, Viện Vệ sinh dịch tễ tách ra và thành lập Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine Sabin (nay đổi là Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine và Sinh phẩm Y tế), PGS. TS. BS Lê Thị Luân được điều về đây công tác.
Năm 1998, chị tham gia chương trình giám sát bệnh tiêu chảy của trẻ ở Việt Nam do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đề xuất. Những năm đó, bệnh tiêu chảy mùa đông do virus Rota gây ra đang hoành hành. Rất nhiều trẻ mắc phải căn bệnh này nhưng điều trị kháng sinh không có hiệu quả. Nhiều người khi đó bắt đầu mới nghĩ đến việc cần phải phòng bệnh này cho trẻ. Tuy nhiên, vaccine phòng bệnh này lại chưa có.
Một số công ty sản xuất vaccine khi đó muốn Việt Nam cập nhật và chờ đợi chuyển giao công nghệ của nước ngoài. Tuy nhiên, trong khoa học nếu chờ đợi chuyển giao công nghệ thì phải mất khoảng 20 năm hoặc có thể lâu hơn. Bởi bất kỳ một ngành khoa học nào cũng vậy, khi họ nghiên cứu và sản xuất thì sản phẩm đó phải được phổ biến rộng rãi trên thị trường. Hơn nữa, tiếp nhận công nghệ từ nước ngoài đồng nghĩa với việc mình phải lệ thuộc hoàn toàn vào họ, từ trang thiết bị, quy trình sản xuất, chủng giống sản xuất…
“Chính vì vậy, tự nghiên cứu và sản xuất được là một bài toán cần thiết thực hiện trong khoa học, bởi như thế mình sẽ không phải phụ thuộc vào ai và có thể tạo ra một quy trình sản xuất phù hợp với điều kiện cũng như môi trường của Việt Nam” – bác sĩ Luân tâm sự.
Nghiên cứu thành công vaccine phù hợp với người Việt Nam
Nghĩ là làm, năm 1998, được sự ủng hộ của Ban lãnh đạo, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Y Tế, bác sĩ Luân cùng với các đồng nghiệp của Trung tâm bắt tay vào quá trình nghiên cứu vaccine Rota. Tuy nhiên, điều kiện tại Việt Nam còn nhiều khó khăn, PGS.TS. BS Lê Thị Luân chia sẻ: “Có những lúc tưởng như công trình đã đi vào ngõ cụt khi việc phát triển virus trở nên khó khăn. Môi trường không phù hợp, nhiều điều kiện tại Việt Nam còn thiếu thốn, trong khi đó, để cho ra được một sản phẩm thành công trong phòng thí nghiệm thì tất cả mọi điều kiện sản xuất tại Trung tâm cũng phải chuẩn hóa”.
Vaccine Rotavin-M1
Không nản trước những khó khăn gặp phải, năm 2001, PGS.TS.BS Lê Thị Luân, mang mẫu virus sang Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ để tìm môi trường thuận lợi phát triển virus trên tế bào.
Khi mang virus đã được nuôi cấy thành công về Việt Nam, PGS.TS Lê Thị Luân cùng đồng nghiệp đã phải mất thêm 2 năm nữa mới có thể tìm ra quy trình phù hợp nhất với virus được chọn lọc.
Sau 7 năm, năm 2005, Trung tâm đã tạo được toàn bộ chủng giống. Đến năm 2007 vaccine được nghiên cứu thành công trong phòng thí nghiệm. Năm 2011, vaccine Rota được nghiên cứu thành công trong thử nghiệm lâm sàng. Đến tháng 5/2012, sau 16 năm nghiên cứu, Rotavin-M1 chính thức được Bộ Y tế cấp phép đưa ra thị trường.
“Hiện nay, trên thế giới chỉ có Mỹ, Bỉ, Trung Quốc và bây giờ là Việt Nam sản xuất thành công vaccine Rota. Đây cũng là loại vaccine đầu tiên được nghiên cứu và sản xuất từ chủng virus của người Việt Nam nên hoàn toàn phù hợp với người Việt Nam”- PGS.TS.BS Lê Thị Luân vui mừng cho biết.
Tháng 5/2012, vaccine Rotavin-M1 được Bộ Y tế cấp phép và đưa ra thị trường. Đến nay đã có 100.000 trẻ tại 60 tỉnh, thành phố được tiêm vaccine Rotavin-M1. Theo PGS.TS Lê Thị Luân, nếu vaccine này được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, Trung tâm có thể đáp ứng được với số lượng 3-4,5 triệu liều/năm.
Hiện nay Trung tâm đã sản xuất gần 300.000 liều vaccine Rotavin-M1 để tiêm tại các điểm chủng ngừa vaccine dịch vụ được ngành Y tế cấp phép. Giá thành cho một liều uống vaccine Rotavin-M1 khoảng 600.000 đồng (uống làm 2 lần). Mức giá này chỉ bằng 1/3 so với vaccine ngừa virus tiêu chảy loại nhập ngoại.
Thành công từ đề tài nghiên cứu này đã góp phần giải quyết gánh nặng bệnh tật khi tỷ lệ mắc tiêu chảy do virus Rota chiếm trên 50% trong tổng số trẻ em dưới 5 tuổi bị tiêu chảy vào điều trị tại một số Bệnh viện Nhi lớn trong nước.
Hà Thủy
Nguồn: http:vov.vn