Gặp người Việt duy nhất ở Viện Hàn lâm khoa học Pháp

Trong đó phải kể đến Giáo sư, Viện sĩ Bùi Huy Đường – người Việt duy nhất trong Viện Hàn lâm khoa học Pháp.

Viện Hàn lâm khoa học Pháp (Académie des sciences) là một trong 5 hội học thuật trực thuộc Viện Pháp (Institute de France), vẫn được người Pháp ví là “Nghị viện của những nhà thông thái”. Viện Hàn lâm khoa học Pháp được thành lập năm 1666 bởi Vua Louis XIV nhằm khuyến khích và bảo vệ tinh thần nghiên cứu khoa học tại Pháp. Theo GS – Viện sỹ Bùi Huy Đường, tổng số thành viên của Viện Hàn lâm khoa học Pháp cho tới nay cũng chỉ giới hạn ở số lượng 350 người. Nói như vậy, để thấy rằng được bước chân vào ngôi nhà của Viện Hàn lâm khoa học Pháp, ghi tên ngang hàng với những Viện sỹ hàng đầu của nước Pháp thực sự là một niềm vinh dự vô cùng lớn lao.

Sinh ra ở Hà Nội năm 1937, sang Pháp năm 1955, ông Bùi Huy Đường theo học Đại học Bách khoa Pháp, sau đó là Trường Mỏ và bảo vệ thành công bằng Tiến sỹ Khoa học năm 1969. Nhờ những cống hiến quan trọng trong lĩnh vực cơ học chất rắn, ông Bùi Huy Đường đã được bầu làm Viện sỹ Viện Hàn lâm khoa học Pháp. Để được bầu, ông phải trải qua 3 kỳ sát hạch từ sơ loại hồ sơ, qua các ủy ban chuyên ngành và cuối cùng là vòng bỏ phiếu của “Ủy ban bí mật”, quy tụ toàn bộ thành viên của Viện Hàn lâm khoa học Pháp.

Ông Đường nhớ lại thời khắc lịch sử này: “Tôi vào Viện Hàn lâm khoa học Pháp từ năm 1995. Hồi đó, mình không tự đứng ra xin vào mà người ta bầu mình. Năm 1995, có 3 người được đề nghị, trong đó có tôi và 2 người nữa chuyên về ngành toán ứng dụng và cơ học. Năm đó tôi được bầu. Tổng số thành viên hiện nay của Viện khoảng 350 người, trong đó tôi là người Việt duy nhất”.


GS-Viện sĩ Bùi Huy Đường

 

Trong 50 năm hoạt động nghiên cứu tại Pháp, Viện sĩ Bùi Huy Đường đã có những đóng góp tích cực cho ngành cơ học chất rắn của Pháp nói riêng và của thế giới nói chung. Rất nhiều cuốn sách của ông được sử dụng làm phương tiện chính cho việc nghiên cứu và học tập ở các trường đại học. Tại cuộc hội thảo quốc tế về các vấn đề cơ bản trong cơ học chất rắn do trường Mines ParisTech tổ chức nhằm vinh danh 50 năm đóng góp của Viện sỹ Bùi Huy Đường, người ta thấy sự góp mặt của những Viện sỹ khoa học hàng đầu thế giới đến từ Nga, Mỹ, Anh, Pháp… “Những công trình của mình làm có sức thuyết phục, người ta nể trọng mình thì người ta mới đến” – Viện sỹ Đường tự hào giải thích như vậy. Và cũng nhờ những đóng góp của mình, năm 2008 ông Đường được Nhà nước Pháp trao Huân chương Bắc đẩu bội tinh hạng Năm – một huân chương danh giá của Pháp.

Bên cạnh những đóng góp cho đất nước bản địa, Viện sỹ Bùi Huy Đường cũng có nhiều đóng góp cho quê hương Việt Nam. Từ nhiều năm qua, Viện sỹ Đường đã đón tiếp và tận tình hướng dẫn các sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam sang Pháp học tập. Cách làm của ông không phải là về nước trực tiếp công tác, mà là hướng về quê nhà từ nước Pháp, nơi có môi trường khoa học thuận lợi hơn cho công tác nghiên cứu khoa học. Ông Bùi Huy Đường cũng tặng bản quyền một số cuốn sách chuyên ngành mà ông viết cho các trường đại học của Việt Nam dịch sang tiếng Việt làm phương tiện giảng dạy và nghiên cứu.

Và trong thời gian này, một trong những chủ đề thu hút nhiều sự chú ý và đầu tư của ông là kế hoạch hỗ trợ Việt Nam trong việc đảm bảo an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân tương lai. Viện sỹ Đường cho biết ông đang tập hợp các tài liệu cần thiết trong lĩnh vực này để hỗ trợ Việt Nam khi cần: “Tôi sẽ giúp đỡ Việt Nam tổ chức an toàn hạt nhân. Tôi nhấn mạnh là tổ chức chứ không phải học hỏi, tức là phải tổ chức một cơ quan trông nom nhà máy điện hạt nhân làm theo đúng đề nghị của người xây. Đây là dự định quan trọng nhất của tôi!”.

Nhìn vị Giáo sư – Viện sỹ người Việt bước đi chậm rãi trong khuôn viên của ngôi trường đại học uy tín của nước Pháp, chợt nhớ tới câu nói của một đồng nghiệp của ông: “Khi thầy Đường lên tiếng, cả giới khoa học phải lắng nghe!”. Mong rằng thầy Đường sẽ luôn khỏe để tiếp tục đóng góp cho nền khoa học thế giới, cho nước Pháp và cho quê hương Việt Nam./.