Gặp nhà khoa học nữ được trao giải Kovalevskaia năm 2013

Hơn 30 năm gắn bó và công tác ở Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải – Bộ Giao thông vận tải, Phó giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Thủy luôn say mê nghiên cứu khoa học có nhiều công trình đã được ứng dụng vào thực tiễn. Với những cống hiến của mình, chị được Chính phủ và ngành Giao thông vận tải tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý. Năm 2013, chị là một trong hai nhà khoa học nữ tiêu biểu trong cả nước được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao giải Kovalevskaia. 

Phó giáo sư- Tiến sỹ Nguyễn Thị Bích Thủy (bên trái ảnh) đang trao đổi cùng đồng nghiệp tại phòng thí nghiệm

Sinh ra trong một gia đình trí thức, có truyền thống nghiên cứu khoa học nên ước mơ được gắn bó với công tác nghiên cứu đã đến với chị Nguyễn Thị Bích Thủy ngay từ khi còn ngồi trên ghế phổ thông. Sau khi tốt nghiệp đại học Bách khoa Hà Nội, cô sinh viên ngành Công nghệ Hóa dầu ngày ấy đã bước đầu thực hiện niềm đam mê của mình tại phòng Động cơ nhiên liệu, Viện Kỹ thuật Giao thông (nay là Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải). Làm việc trong môi trường khá vất vả, công việc nghiên cứu tưởng chừng khô khan với phụ nữ nhưng chị vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ với tất cả sự say mê.

Trong quá trình công tác tại Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải, chị đã chủ trì 29 đề tài, tham gia 40 đề tài khác trong đó có trên 10 công trình tiêu biểu đã được áp dụng thực tiễn… Chị đã nghiên cứu thành công nhiều quy trình công nghệ như: quy trình sản xuất sơn bảo vệ cầu thép và kết cấu thép tuổi thọ 10 năm đã được Bộ Giao thông Vận tải đưa vào ứng dụng trong thực tế, quy trình chế tạo vật liệu mới sử dụng cho các biển chỉ dẫn an toàn giao thông… tạo ra các sản phẩm thân thiện môi trường, phục vụ phát triển bền vững trong ngành Giao thông Vận tải. Không chỉ vậy, chị còn tích cực tham gia công tác đào tạo, giảng dạy cho sinh viên tại trường đại học Bách khoa Hà Nội và để lại nhiều ấn tượng tốt cho những học trò của mình.

Chị Hà Thị Hà, học viên đang được Phó giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Thủy hướng dẫn luận văn thạc sĩ chia sẻ: “Em thấy cô Thủy là một người phụ nữ năng động và siêng năng. Cô rất nhiệt tình giúp đỡ người khác. Cô hướng dẫn em rất nhiệt tình, trả lời cặn kẽ đến khi em hiểu ra vấn đề.”

 

Không chỉ say mê nghiên cứu khoa học, đối với nhiều đồng nghiệp chị tận tình giúp đỡ về chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm. Chị Đào Bích Tuệ, Phó phòng Thí nghiệm LAS XD 201, Viện Chuyên ngành Vật liệu xây dựng và Bảo vệ công trình, cho biết: “Tôi được làm việc với chị Thủy từ năm 1996, được chị Thủy dìu dắt từ buổi mới ra trường cả về kiến thức xã hội, kiến thức chuyên môn nghề nghiệp. Chị như là người chị, người thầy của tôi. Đến giai đoạn này, mặc dù chị Thủy không còn giữ cương vị lãnh đạo, ở cương vị là nghiên cứu viên cao cấp chị vẫn hỗ trợ chúng tôi. Chúng tôi học được nhiều những kiến thức chuyên môn từ chị Thủy.”

Gắn bó và làm việc tại Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải hơn 30 năm, với chị Thủy, công việc nghiên cứu, chế tạo ra những sản phẩm hữu ích đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Bởi vậy dù đã nghỉ hưu, nhưng hiện chị vẫn là nghiên cứu viên cao cấp tại Viện và tiếp tục chủ trì nhiều công trình khoa học.

Có lẽ bất cứ ai khi tiếp xúc với Phó giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Thủy đều thấy ở chị lòng nhiệt huyết khi chia sẻ về những dự định trong tương lai: “Sắp tới ngành Giao thông còn rất nhiều việc để chúng tôi tiếp tục. Hướng của tôi là tìm kiếm công nghệ sử dụng Nano vào công nghệ chế tạo vật liệu. Tôi nghĩ sẽ phải phát huy thêm khả năng để nhân rộng thêm, đặc biệt là đào tạo thế hệ trẻ tiếp bước cùng mình trong nghiên cứu khoa học. Đó là ước mơ của tôi”.

Mỗi ngành nghề trong xã hội đều có đặc thù riêng. Tưởng chừng công tác nghiên cứu khoa học ngành Giao thông vận tải khô khan thật khó phù hợp với phụ nữ, nhưng với Phó giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Thủy, càng gắn bó, càng hiểu, chị càng thấy yêu nghề hơn./.

Thu Hằng- Hà Lan/VOV-Trung tâm tin

Nguồn: vov.vn/xa-hoi/gap-nha-khoa-hoc-nu-duoc-trao-giai-kovalevskaia-nam-2013/313802.vov