Ghi nhận sự quan tâm tư vấn, hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế

            Tiến sĩ Susan Bally đến từ Đại học Cambridge và Tiến sĩ Michele Thompson – chuyên gia nghiên cứu lịch sử y học các nước Đông Nam Á ở ĐH Southern Connecticut State University đã từng được biết đến Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam ngay từ những ngày đầu mới thành lập. Sau hơn 1 năm, lần này quay trở lại Trung tâm, họ đều rất ngạc nhiên về sự lớn mạnh của Trung tâm về đội ngũ cán bộ cũng như “kho báu di sản các nhà khoa học” mà Trung tâm đang lưu giữ (cả tư liệu hiện vật các loại và sản phẩm website cpd.vn). TS Susan Bally cho rằng những việc đã làm của Trung tâm thể hiện tầm nhìn xa của các nhà sáng lập và lãnh đạo Trung tâm.

            Có một điều mà cả TS Susan Bally và TS Michel Thompson đều băn khoăn, đó là điều kiện bảo quản các tư liệu hiện vật tại Trung tâm chưa được đảm bảo tốt. Đây là một khó khăn của nhiều cơ sở lưu trữ, kể cả Trung tâm lưu trữ rất chuyên nghiệp của Trường ĐH Cambridge khi nguy cơ huỷ hoại tư liệu luôn rình rập: cháy nổ, mối mọt, ẩm mốc…Cần phải có một chiến lược lâu dài giải quyết vấn đề đáng quan ngại này. Cả hai nhà nghiên cứu đều có thiện ý sẽ cùng chung tay với Trung tâm trong việc tìm kiếm những sự hỗ trợ cụ thể, cả về cơ sở vật chất và bồi dưỡng tập huấn chuyên môn cho đội ngũ cán bộ của Trung tâm.

            Trao đổi về việc tổ chức trưng bày sắp tới vào giữa năm 2011, bằng vào những di sản quý báu mà Trung tâm đã nỗ lực nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản lưu giữ tốt nhất trong điều kiện có thể thời gian qua, các chuyên gia đều bày tỏ niềm tin chắc chắn vào sự thành công của trưng bày. Vấn đề là lựa chọn chuyên đề “đắt”, phù hợp và tìm ra giải pháp trưng bày tiên tiến, hiệu quả. Tuy nhiên, như TS Susan dự báo, đây cũng là một dịp thách thức lớn với Trung tâm. Phải tổ chức trưng bày sao cho mọi người hiểu về cuộc đời và cống hiến của các nhà khoa học, làm cho họ hứng thú với những điều có thể đã quá quen thuộc với họ, từ đó ngưỡng mộ và trân trọng quá khứ…Để làm được điều này, cần có sự tư vấn của các chuyên gia lịch sử khoa học để có thể hiểu hết những giá trị đóng góp của các nhà khoa học trong một bối cảnh cụ thể, rút ra được bài học quý từ di sản. TS Michel Thompson thì gợi ý: hiện ở các bảo tàng, thư viện ở Hà Nội có nhiều trưng bày mới, hãy tham khảo cách làm của họ để tránh những hạn chế và học tập những giải pháp trưng bày tiên tiến, hiện đại, hiệu quả.

            Hi vọng trong thời gian tới, với cầu nối là các chuyên gia quốc tế, các hoạt động chuyên môn của Trung tâm di sản các nhà khoa học Việt Nam tiếp tục nhận được nhiều dự án tài trợ cả về tài chính và giải pháp khoa học trong nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản lưu giữ và trưng bày.


TS Susan Bally (đội mũ đỏ) trong buổi trao đổi với cán bộ Trung tâm

TS Michele Thompson (thứ hai từ trái qua phải) tại Trung tâm

TS Susan Bally thăm kho tư liệu của Trung tâm

Nguyễn Thị Trâm

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam