Sau khi tốt nghiệp xuất sắc ngành Hóa sinh trường Đại học Sư phạm Hà Nội (1956), Lê Doãn Diên về làm giảng viên môn Hóa hữu cơ và Hóa sinh thực vật trường Đại học Nông lâm Hà Nội. Ngày 23-11-1958, ông được gặp Bác Hồ, khi Người về thăm hợp tác xã Văn La, Hà Đông và nghe Bác căn dặn: Bà con nông dân phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới làm ra được hạt thóc, chúng ta phải quý hạt thóc như quý ngọc vàng. Với Lê Doãn Diên, lời căn dặn và hình ảnh Bác nâng niu từng hạt thóc đã in sâu trong ký ức và đó là động lực thôi thúc ông theo đuổi nghiên cứu nâng cao chất lượng nông sản Việt Nam sau thu hoạch.
“Chúng ta phải quý hạt thóc như quý ngọc vàng”- GS.TSKH Lê Doãn Diên nhắc lại lời dạy của Bác Hồ.
Trên thực tế từ các nước trên thế giới và khu vực, GS.TS Lê Doãn Diên nhận thấy công nghệ sau thu hoạch rất được coi trọng. Công nghệ sau thu hoạch là quá trình xuyên suốt từ chế biến, bảo quản đến vận chuyển các sản phẩm nông nghiệp để đạt chất lượng tối ưu phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu.Tuy nhiên ở nước ta, đến cuối năm 1989, với đề xuất của GS Lê Doãn Diên, Viện Lương thực mới có quyết định chuyển đổi thành Viện Công nghệ sau thu hoạch trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm và GS.TSKH Lê Doãn Diên trở thành Viện trưởng đầu tiên. Với vai trò là một vị "thuyền trưởng", GS Lê Doãn Diên đã “chèo lái” đưa Viện phát triển và đạt nhiều thành tựu trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao, đưa công nghệ vào thực tế sản xuất ra nhiều mặt hàng nông sản phục vụ trong nước và xuất khẩu.
Đến nay, GS.TSKH Lê Doãn Diên đã chủ biên và cho ra mắt bạn đọc 25 cuốn sách và hàng trăm công trình, báo cáo khoa học, bài báo khoa học…. Đối với Giáo sư, thành lập Viện Công nghệ sau thu hoạch của ngành Nông nghiệp là chủ trương hoàn toàn đúng đắn của Nhà nước. Đó là sự tri ân đối với những người nông dân cực nhọc một nắng, hai sương, những người đã góp phần đưa thương hiệu lúa gạo Việt Nam ra thế giới.
Lưu Thị Thúy