Giải mã những lá thư thời chiến

 Đó là những lá thư của GS.TS Nguyễn Thúc Tùng viết cho người vợ ở hậu phương là bà Tạ Thị Tuyết trong thời gian ông đi chiến trường B (12/1965-12/1967). Dù là hậu sinh, chúng tôi vẫn lờ mờ hiểu rằng nội dung viết trong thư có thể không hoàn toàn là sự thật. Giữa chiến trường khốc liệt làm sao có thể: tưởng tượng cuộc sống như tiên trong câu chuyện cổ tích… cao hổ cốt, cao gạc nai cũng tha hồ… Rồi: “Anh ở trong này vẫn khỏe mạnh, ăn uống đầy đủ hơn cả ngoài Bắc, nếu có ai vào em gửi cho anh vài cái nhíp nhổ râu, một ít ớt bột, còn thức ăn hay thứ khác ở trong này anh không thiếu đâu”.
 “Mấy hôm nay hội nghị, ăn luôn thịt bò, heo, nai, lợn rừng, cá, voi… và không khổ cực như lúc ở Liên Xô đâu, ở trong rừng thì mát mẻ không có ruồi muỗi” .

GS Nguyễn Thúc Tùng và vợ đang đọc lại những lá thư của mấy chục năm về trước

Đi tìm câu trả lời cho những phân vân của mình, chúng tôi đã đến gặp GS.TS Nguyễn Thúc Tùng tại nhà riêng của ông. GS.TS Nguyễn Thúc Tùng cho biết: Trước khi lên đường đi B chúng tôi đã được căn dặn: Mọi điều phải luôn giữ bí mật, không được viết hồi ký, nhất là viết thư về hậu phương thì không được nói về địa danh đang ở đâu, chiến đấu phục vụ như thế nào, khám chữa bệnh cho thương bệnh binh, số lượng thương binh ở trận nào … và tên những cán bộ xung quanh mình”. Ngoài ra về sinh hoạt cũng không viết những gì để gia đình có thể hoang mang vì những khó khăn, thiếu thốn trong ăn, ở đi lại, ốm đau…

Ngày ấy chiến tranh ác liệt, cuộc sống đói khổ, ăn rau rừng qua ngày để cứu chữa thương bệnh binh, cái chết đến lúc nào không hay, nhưng chấp hành kỷ luật quân đội, mọi chiến sĩ đều phải quán triệt tinh thần đó. Trong vai trò lãnh đạo, bác sĩ Tùng càng hiểu rõ hơn ai hết tầm quan trọng của việc giữ bí mật quân sự. Chỉ có một lần sơ ý mà bác sĩ Tùng ân hận mãi. Ông kể: “Có một lần tôi gửi thư về gia đình và lỡ kể bắt được con cua đá trước nhà, anh em đem nấu canh, sau bữa ăn ai cũng vui vì được một bữa ăn tươi: "Có khi ngồi làm việc, một con cua đá bò vào nhà, thế là được một bữa canh ngọt" – thư viết năm 1966. Một thời gian sau tôi nhận được được thư của vợ tôi viết "chỉ một con cua đá, mà làm bữa ăn tươi như thế thì chắc hàng ngày ăn uống kham khổ lắm nhỉ". Đọc thư này, tôi mới nhận ra mình đã viết hớ”. Câu chuyện về một bữa ăn trong chiến trường, tưởng đơn giản mà chứa đầy sự “nguy hiểm” mà sau hơn 40 năm rồi ông vẫn không quên.

GS.TS Nguyễn Thúc Tùng còn kể một câu chuyện khác, cũng góp phần “giải mã” những lá thư thời chiến: Có một bác sĩ gửi thư về gia đình có ghi tên người gửi và địa chỉ người nhận, trong quá trình chuyển thư không may lá thư bị quân địch bắt được. Do có địa rõ ràng nên địch thông báo lên đài phát thanh rằng bác sĩ đó đã bỏ ngũ về Sài Gòn, có gửi lời hỏi thăm gia đình. Gia đình nhận được thông tin hoang mang không biết anh này bị địch bắt hay là đã theo địch rồi? Trong khi thực tế là bác sĩ đó vẫn đang chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

Vậy làm thế nào để thư chiến trường có thể đến tay người nhận ở hậu phương? GS Thúc Tùng nói: một là người đưa thư nhớ thuộc lòng địa chỉ người nhận, hoặc phải ghi địa chỉ người nhận ra một mảnh giấy riêng.
Tuy nhiên, cũng có cách để gửi thông điệp một cách khéo léo hơn. Ví dụ có một lá thư, ông viết: “Bây giờ là 6 giờ ngày 6 tháng 6 năm 1966, trong ngày giờ lịch sử này anh viết thư thăm em, anh ở trong này vẫn khỏe mạnh chưa bị sốt rét lần nào, người không yếu đi … ở rừng thì mát mẻ lắm… tối ngủ rất ngon và tĩnh lặng nên về tinh thần dễ chịu lắm không bị ảnh hưởng về thần kinh…chỗ anh ở còn yên ổn hơn ngoài Bắc”. Người đọc tinh ý sẽ đặt câu hỏi: Tại sao lại có 4 con số 6 biểu hiện thời khắc như vậy? Mà có chỗ vô lý nữa: ở chiến trường mà lại tĩnh lặng? Lại yên ổn hơn ngoài Bắc? Ông “giải mã” điều này là ông muốn ngầm báo cho vợ biết rằng ông đang lên cơn sốt rét. Chính vì căn bệnh này mà đến năm 1967 ông phải chuyển ra Bắc để điều trị khi cơ thể chỉ còn có 30kilo.

Tuy nhiên, bà Tạ Thị Tuyết khi đó không biết chồng mình đã “nói dối”, bây giờ kể lại với chúng tôi: khi ông bị sốt rét chuyển ra Bắc, mặc bộ quần áo màu đen, người gầy lắm, tôi nhìn ông mà có cảm giác như “ma hiện hình”, tôi không nhận ra. Răng thì rụng gần hết, sau phải lắp răng giả.
Cũng có những chi tiết “nửa giả nửa thật”, để vừa đánh lạc hướng nhưng cũng phần nào làm cho người nhà yên tâm:
“E đừng gửi gì vào đây nữa, đường kính thì anh Cung tiếp tế ngay cho anh khi báo tin, cà phê thì rẻ và rất ngon, nên anh toàn uống sữa với cà phê cho đỡ chán và có cả đồ lọc cà phê hẳn hoi” (trích thư 1967). Thực tế là chẳng có cà phê đâu, nhưng vì vợ tôi biết tôi không thích uống sữa nên tôi phải nói thế để bà ấy yên tâm là tôi vẫn uống sữa với cà phê – GS Tùng nói.
“Anh ở trong này vẫn khỏe mạnh, ở đây đặc biệt là đi dự hội nghị là có tiêu chuẩn bồi dưỡng mổ lợn, bò, trâu ăn uống đầy đủ hơn cả ngoài Bắc nhưng nói chung chừng 50% bữa cơm là có thịt, như thế là khỏe rồi” (trích thư 1966). Nhưng thực chất GS.TS Nguyễn Thúc Tùng cho biết một năm mới có 1 đến hai lần tổ chức hội nghị kéo dài từ 2 đến 7 ngày bữa ăn nói chung là có thịt, vì bộ đội ta đổi đài radio hay quần áo cho đồng bào để lấy gà hay lợn mổ liên hoan, nhưng không phải 50% bữa có thịt mà chỉ là 10% thôi.

Không phải mọi thông tin trong thư gửi từ chiến trường về hậu phương đều là “giả”, nhưng cho dù những người lính, phải nén lòng mình lại, không nói hết sự thật vì nguyên tắc chiến trường, thì ở họ luôn có tinh thần lạc quan tin vào chính nghĩa mà họ đang theo đuổi. Điều quan trọng hơn là ở ý chí thép của họ. Điều đó giúp họ chiến thắng mọi kẻ thù.

 

Trần Quang Huy – Nguyễn Thị Trâm