Giải thưởng Kovalevskaia – Niềm tự hào của các nhà khoa học nữ

Nỗ lực cống hiến hết mình

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kim Phi Phụng, giảng viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh năm nay đã ngoài 60 tuổi, nhưng ngọn lửa đam mê khoa học vẫn luôn “cháy” mạnh mẽ trong lòng vị giáo sư hàng đầu ngành hóa học Việt Nam.

Hơn 40 năm gắn bó với giảng đường đại học, Giáo sư Phụng đã có nhiều đóng góp trong lĩnh vực hóa – dược với trên 32 bài báo quốc tế, trên 98 bài báo trong nước, chủ trì, tham gia 11 đề tài tiêu chuẩn các cấp, công bố 144 bài báo gửi đăng trên các tạp chí chuyên ngành hóa, viết và xuất bản 7 sách giáo trình phục vụ giảng dạy đại học, sau đại học cho trường Khoa học Tự nhiên, Thành phố Hồ Chí Minh. Trong lĩnh vực đào tạo, Giáo sư Phụng đồng hướng dẫn 8 Nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, 69 thạc sĩ và 150 sinh viên thực hiện khóa luận tốt nghiệp, góp phần tạo nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Hướng nghiên cứu chính của Giáo sư Phụng là khảo sát thành phần hóa học một số loài thực vật hoặc địa y ở Việt Nam, đặc biệt là những loài thực vật chưa được các tác giả ở Việt Nam cũng như trên thế giới khảo sát. Trong quá trình nghiên cứu, Giáo sư Phụng đã tiến hành khảo sát 53 loài cây và cho ra kết quả thực nghiệm về hóa học, hoạt tính sinh học của những loài thực vật đó. Giáo sư đã phát hiện được nhiều hợp chất tự nhiên có hoạt tính ức chế tốt sự phát triển của tế bào ung thư ở người như: Ung thư cổ tử cung, ung thư vú, ung thư phổi, hoặc ức chế được các loại enzyme liên quan đến bệnh tiểu đường, gây nám đen da, bệnh Alzheimer…

Kết quả các công trình nghiên cứu của Giáo sư Nguyễn Kim Phi Phụng đã đóng góp vào kho tàng cây thuốc Việt Nam, cung cấp cơ sở dữ liệu cho các nhà khoa học, nhất là lĩnh vực hóa dược, có thể định hướng khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, phục vụ nền công nghiệp dược ở Việt Nam và thế giới.

Với những nỗ lực và cống hiến hết mình, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kim Phi Phụng được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2007, Huân chương Lao động hạng Ba năm 2011, Nhà giáo ưu tú năm 2010 và nhiều Bằng khen của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh về cá nhân điển hình trong phong trào thi đua yêu nước, công bố khoa học xuất sắc hàng năm. Đặc biệt, năm 2016, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kim Phi Phụng vinh dự được nhận Giải thưởng Kovalevskaia.

Giáo sư Phụng cho biết, điều quan trọng nhất là phải có sự đam mê, lòng yêu nghề, kiên trì đi hết con đường mà mình đã chọn. “Tôi ham mê nghiên cứu từ khi còn là sinh viên và luôn mong mỏi mình sẽ tạo ra được những sản phẩm có ích cho xã hội chứ không nhằm mục đích trở thành Giáo sư, Tiến sĩ hay nhận được giải thưởng, bằng khen. Được nhận Giải thưởng Kovalevskaia, tôi thật sự bất ngờ và hạnh phúc”, Giáo sư Phụng chia sẻ.

Truyền ngọn lửa đam mê

Giải thưởng Kovalevskaia năm 2016 được trao tặng tập thể 5 nhà khoa học nữ nghiên cứu cơ bản định hướng về khoa học và công nghệ nano, Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Kim Anh; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thu Nga; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phương Tùng; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thị Bích; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Nhung.

Đây là công trình hướng tới các ứng dụng cho sản xuất nông nghiệp, y – sinh và dược học với các sản phẩm nổi bật như nghiên cứu vật liệu bột phát quang chứa ion đất hiếm phục vụ sản xuất đèn huỳnh quang diệt côn trùng; chế tạo đầu dò sinh học phát hiện vi khuẩn và tế bào ung thư; hệ kính hiển vi huỳnh quang cho phép chụp cắt lớp, dựng ảnh 3D tế bào và mô sống phục vụ chẩn đoán y học…

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thu Nga, đại diện tập thể các nhà khoa học nữ đoạt giải lần này cho biết: Đây là sự ghi nhận vô cùng lớn lao đối với những người làm nghiên cứu. Thành tích này đã trở thành niềm tin, động lực cho đội ngũ các nhà khoa học trẻ của đất nước tiếp tục phấn đấu, cống hiến. Niềm vui của những nhà khoa học không chỉ là sản phẩm chất lượng được chế tạo ra trong phòng thí nghiệm, mà kết quả đó được truyền lại cho học trò để kiến thức có sức lan tỏa rộng rãi. Đó mới là ý nghĩa, mục tiêu thực sự của khoa học.

Cùng với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thu Nga, tập thể các nhà khoa học nữ của Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đều có điểm chung là tình yêu khoa học. Các nhà khoa học đã ngày đêm nghiên cứu, cho ra đời những sản phẩm khoa học thông minh, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Trong những năm qua, 5 nhà khoa học của Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ là tác giả và đồng tác giả của khoảng 636 bài viết công bố trên các tạp chí quốc tế; làm chủ nhiệm và thực hiện thành công 12 đề tài cấp Nhà nước, 17 đề tài cấp Bộ Khoa học Công nghệ, 8 đề tài cấp Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và 6 đề tài cấp quốc gia. Dưới sự hướng dẫn tận tình của 5 nhà khoa học, đến nay đã có 60 thạc sỹ, 20 tiến sĩ bảo vệ thành công luận án.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Liêm, Viện trưởng Viện Khoa học Vật liệu, Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết: Đây là vinh dự lớn lao không chỉ đối với tập thể các nhà khoa học đoạt giải, mà còn là niềm tự hào to lớn của ngành khoa học Việt Nam. 5 nhà khoa học nữ đã vượt qua biết bao gian khó, vừa chăm sóc gia đình, vừa phát triển sự nghiệp để có được kết quả như ngày hôm nay là một nỗ lực rất đáng khâm phục. Hiện giờ, cả tập thể vẫn tiếp tục các công việc nghiên cứu và giảng dạy, được giao chủ nhiệm các đề tài nghiên cứu cấp Bộ, tiếp tục đóng góp cho nền khoa học nước nhà.

Có tên tuổi trong làng khoa học Việt Nam và thế giới, đạt được nhiều thành tích to lớn, nhưng các nhà khoa học nữ của Việt Nam vẫn hàng ngày miệt mài nghiên cứu, công hiến và làm tốt vai trò làm mẹ, làm vợ. Các chị xứng đáng là những “bông hoa đẹp” trong ngành khoa học Việt Nam, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập, noi theo./.

 

Theo: TTXVN

Nguồn: www.tapchicongsan.org.vn/Home/Van-hoa-xa-hoi/2017/43824/Giai-thuong-Kovalevskaia-Niem-tu-hao-cua-cac-nha-khoa-hoc.aspx