Ở độ tuổi bát thập, có lẽ ít ai giữ được phong thái đĩnh đạc, sự minh mẫn cũng như niềm đam mê hết lòng vì công việc như GS.TS Đường Hồng Dật. Những câu chuyện về cuộc đời, sự nghiệp của mình luôn được ông ghi nhớ trong tiềm thức. Quãng thời gian học phổ thông là trải nghiệm mà cho tới tận bây giờ ông vẫn còn nhớ nhiều địa danh, con số.
Lần đầu cắp sách đến trường sau ba năm diễn ra Phong trào Xô viết – Nghệ Tĩnh (1930-1932), dù sự nghèo đói, khó khăn bao trùm lên cuộc sống gia đình nhưng trong lòng cậu học trò nghèo vẫn tươi vui phơi phới. Ngôi trường nơi Đường Hồng Dật học, chỉ là hai gian phòng khá rộng được xây gạch, mái lợp tranh. Nhưng lại có tới 3 lớp, nên có một phòng phải chia thành hai dãy, mỗi dãy một lớp và cả hai lớp chung một thày dạy. Lớp 5 (cours enfantin) do thầy Huống chủ nhiệm ngồi cạnh với lớp tư (cours préparatoire) và cậu bé Dật bắt đầu "a ê" những chữ cái đầu tiên trong sự nghiệp học hành.
GS.TS Đường Hồng Dật kể: Vào những năm 1930, khi cả huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh quê tôi có 9 xã với khoảng 7.000 dân nhưng chỉ có một trường sơ học đến lớp ba (cours élemeutaire) ở phía Bắc huyện. Tôi được cha gửi vào học trường Cấp Tuần – một trường bán sơ học trong làng. Được thầy Huống dạy viết, dạy đọc, sau khoảng một học kỳ thì tôi thuộc hết các mặt chữ. Ngoài học chữ, học số, tôi còn học tiếng Pháp.
Thành tích học tập năm đầu tiên của Đường Hồng Dật khá ấn tượng, ông dẫn đầu lớp về kết quả học tập và được lên học lớp tư. Nói là lên lớp “cho oai”, thật ra chỉ là chuyển từ dãy bên trái sang dãy bên phải của phòng học, lớp tư vẫn do thầy Huống dạy. Phát huy những gì học được từ lớp 5, sang lớp tư Hồng Dật vẫn học tốt và dẫn đầu lớp về kết quả học tập.
Lên lớp 3 (cours élementaire), Đường Hồng Dật được chuyển sang học ở phòng bên cạnh và được thầy Hồ Văn Đôn – Hiệu trưởng trường Cấp Tuần khi đó trực tiếp giảng dạy. Ông cho biết, thày Đôn là người rất chú trọng việc luyện chữ đẹp, “thày Đôn dạy chữ giỏi, thày còn cho học sinh cùng nhau tự thực hành viết chữ trên đất để luyện chữ đẹp nên hầu hết học trò của thầy chữ nghĩa đều, đẹp, ngay ngắn”[1]. Học xong lớp 3, Đường Hồng Dật trải qua một kỳ thi để nhận bằng sơ học yếu lược, kỳ thi được tổ chức cách nhà 20km. Chuyến đi thi xa nhà đầu tiên ấy kéo dài 5 ngày, vất vả, tiết kiệm nhưng không ngờ kết quả thi của Đường Hồng Dật được xếp vào tốp đầu toàn huyện.
Thi xong sơ học yếu lược, ở xã không còn trường để học, nhà lại không có điều kiện cho Đường Hồng Dật ra huyện trọ học và cậu học trò Dật phải ở nhà giúp cha mẹ việc vặt. Đứng trước nguy cơ "thất học", sự khao khát học tập vẫn luôn đầy ắp trong ông, và may mắn đã đến vào khoảng 2 tháng sau, khi Nguyễn Uyển (chồng của dì – em gái mẹ ông) là một Thông phán tòa sứ ở Bắc Ninh về chơi. Đường Hồng Dật hỏi chuyện chú và bày tỏ nguyện vọng muốn được tiếp tục đi học và nguyện vọng ấy được chấp thuận với lời đề nghị từ ông chú rằng “cháu muốn đi học thì ra ở với dì và chú, trông các em, chú cho đi học”. Được lời như cởi tấm lòng, ông từ biệt cha mẹ rồi vượt đường xa đến nhà chú dì ở Bắc Ninh để tiếp tục việc học tập của mình.
Đường Hồng Dật không nhớ chính xác tên trường mình học lúc đó, chỉ nhớ trường ở khu vực Suối Hoa, gần Đáp Cầu; hiện giờ trường vẫn còn và là một trường phổ thông trung học (cấp 3) của tỉnh Bắc Ninh. Đến đây, ông được học lớp nhị đệ nhất (cours moyen premere année, nối tiếp sơ học yếu lược). Do việc trông các em mất nhiều thời gian và điều kiện học hành không thuận lợi nên ông không còn dẫn đầu lớp như trước nữa. Tuy nhiên, có một điều không thể thay đổi là “sút môn gì thì sút nhưng riêng môn toán tôi học rất nhanh và không ai vượt qua được”.
GS.TS Đường Hồng Dật nói thêm: năm 1940, khi tôi học xong lớp nhì đệ nhất, Nhật đánh chiếm Lạng Sơn, lính khố đỏ (quân đội của thực dân Pháp) chạy về Hà Nội và đi qua Bắc Ninh theo đường xe lửa. Tình hình ở Bắc Ninh trở nên lộn xộn, nguy hiểm, nên ông chú đã cho tôi trở về quê. Lúc ấy, tôi mới 11 tuổi, trong túi có vài đồng bạc làm lộ phí, nhưng đã tự lo cho mình trong suốt hành trình dài.
Dù gia đình khó khăn, cha mẹ chân lấm tay bùn để nuôi 9 đứa con khôn lớn, nhưng Đường Hồng Dật vẫn đau đáu và luôn tìm kiếm cơ hội để có thể được tiếp tục đi học. May mắn lại mỉm cười với cậu bé hiếu học, mấy tháng sau khi về quê, gia đình ông có khách, đó là ông cậu (em trai mẹ) tên là Nguyễn Tiến Tá, làm Thừa phái ở Huế (Chính phủ Bảo Đại). Dù là công chức hạng bét, nhưng thời kỳ ấy cậu vẫn kiếm đủ tiền nuôi sống cả gia đình. Biết trong Huế có trường học, ông mon men hỏi cậu: “Cháu thích học lắm, cậu có thể giúp cháu tiếp tục được đi học không?”. Thấy đứa cháu thiết tha học, tội nghiệp, người cậu đã xin phép cha mẹ cho ông vào Huế ở cùng gia đình mình.
Vào Huế năm 1941, Đường Hồng Dật được cậu xin cho đi học lớp nhì đệ nhị (cours moyen deufremè annéc, tiếp tục lớp nhì đệ nhất ở Bắc Ninh) tại trường tiểu học dành cho học sinh nam trong thành Huế. Ở đây, ông được tập trung vào việc học tập nên kết quả học tập của ông tốt hơn, đặc biệt là môn toán. Ông kể, hồi ấy thầy dạy toán ra đề bài bằng tiếng Pháp, học sinh cũng giải toán bằng tiếng Pháp. Thầy có lệ, mỗi lần kiểm tra, học sinh nào giải toán nhanh và nộp bài trước sẽ được thầy cộng thêm cho 1-2 điểm. “Thầy viết lên bảng khoảng ½ đề bài là tôi đã bắt tay vào giải, vì tôi thường đoán trước được yêu cầu và ý cần triển khai của đề. Và sau mỗi lần kiểm tra như vậy, tôi luôn là người nộp bài đầu tiên.[2]”.
Sau một năm ở với cậu mợ học hết lớp đệ nhị, Đường Hồng Dật trở về quê. Lần này, ông chẳng còn biết “bấu víu” vào ai nên đã chủ động nài nỉ mẹ cho đi học tiếp trường tiểu học Nhượng Bạn, thuộc huyện Kỳ Anh cách nhà 9km, vì ở đó có lớp nhì đệ nhị và lớp nhất. Dù khó khăn, nhưng thấy con trai hiếu học mẹ đã đồng ý. Vậy là, ông đi học trọ cách nhà 9km, cứ thứ 7 ông lại về nhà mang gạo lên nộp cho chủ. Đường từ nhà đến trường, có chỗ phải đi thuyền qua sông, con sông này rất nguy hiểm, đã có nhiều người bị đuối nước.
Trường do thầy Nguyễn Tư Thoan làm Hiệu trưởng, năm 1943 học xong lớp nhất, Đường Hồng Dật thi Prime. Học sinh phải ra tỉnh để thi, từ nhà ông đến điểm thi là 32km, nên ông khăn gói “cuốc bộ” và mang theo cơm đùm ra tỉnh ở trọ. Kỳ thi này có nhiều học sinh đến từ các huyện khác nhau, và có những môn thi ông không được học. Các môn thi gồm: văn, toán và môn tiếng Pháp thi vấn đáp. Ông còn nhớ, đề bài môn vạn vật là “Em hãy mô tả cây lạc”. Môn này thày không dạy, gia đình ông dù ở nông thôn nhưng chỉ trồng những thứ cây khác, không trồng lạc. Ông vừa viết vừa suy diễn: “đầu tiên là hình dung cây lạc to hay nhỏ, tôi suy luận cây lạc không to được, mà nhỏ thôi. Rồi tôi lại nghĩ mình đã ăn củ lạc rồi, nên cây lạc chắc chắn phải có củ lạc, hạt lạc… Củ lạc chắc chắn phải nằm trong đất, lá cũng không thể to…[3]”. Với sự suy diễn như vậy, ông đã hoàn thành được bài thi, kết quả thi chung của ông xuất sắc và được xếp vào “top” đầu của tỉnh.
Còn nhớ, Đường Hồng Dật trọ cùng phòng với một số học trò khóa trên vài lớp, thấy họ ôn bài vở và trao đổi với nhau, ông đã “nghe lỏm” và tự bồi dưỡng kiến thức toán cho mình. Dù mới học hết năm thứ nhất và vài tháng năm thứ hai của bậc thành chung, nhưng ông có thể tự giải được các bài toán của năm thứ 3 bằng cách tự mày mò, vận dụng định lý Talet (hai tam giác đồng dạng có các góc bằng nhau) và định lý Pitago (bình phương của cạnh huyền bằng bình tổng phương của hai cạnh kia) để giải các đề toán.
Thời kỳ đó, toàn Trung kỳ từ Thanh Hóa đến Ninh Thuận chỉ có 4 trường cấp 2: Collège de Vinh (Nghệ An); Collège Thanh Hóa; Lycée Khải Định (trường có tú tài ở Trung kỳ thời kỳ đó); Collège Quy Nhơn. Không còn cách nào, Đường Hồng Dật bàn với mẹ về gặp lại ông cậu để xin được đi học tiếp, và cậu đã cho ông vào Huế học lớp đệ nhất thành chung (tức là năm đầu cấp 2). Trong năm học đầu tiên của cấp hai này (1944), trường Thuận Hóa được thầy Tôn Quang Phiệt tổ chức một kỳ thi học bổng cho học sinh, và “tôi là người duy nhất giành được học bổng của kỳ thi với suất học bổng trị giá 5 đồng bạc Đông Dương, học bổng đã giúp tôi trang trải học phí sau đó”[4].
Những năm 1940, trường Thuận Hóa nơi ông theo học do Tôn Quang Phiệt làm Hiệu trưởng là một ngôi trường cách mạng, có nhiều người nổi tiếng giảng dạy như GS Đào Duy Anh, Tôn Quang Phiệt… hoạt động cách mạng tại đây cũng diễn ra sôi nổi. Do nhà ở ngoài thành mà trường đóng trong thành nên hàng ngày, ông phải đi bộ chừng 5km ra ngoài thành để đến trường, tiền mang theo để ăn trưa chỉ đủ mua một chiếc bánh mì, chiều tan học mới trở về nhà. Với đồng phục guốc gỗ, mặc áo dài trắng mỗi ngày hai lượt Đường Hồng Dật phải "lê" đôi guốc gỗ trên suốt quãng đường dài 5km đến trường và về nhà, đây không phải là chuyện dễ dàng chút nào!
Bước sang năm học thứ 2 (năm 1945), lớp của Đường Hồng Dật được thầy Đào Duy Anh dạy Hán văn, thầy Tôn Quang Phiệt dạy Pháp văn, thầy Nguyễn Văn Bổng dạy Việt văn và một số thầy giáo khác. Đến tháng 3, năm 1945 khi Nhật đảo chính Pháp, không khí cách mạng bắt đầu sục sôi Đường Hồng Dật và một số bạn học đã tự tổ chức thành nhóm, lấy tên là SP[5]. Không khí cách mạng lên cao, nhận thấy việc học hành “không ăn thua” nên Đường Hồng Dật đã về quê hoạt động tích cực tại xã và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam (1947). Sau đó, ông tham gia cảm tử quân sau đó vào đội tuyên truyền xung phong của huyện Kỳ Anh. Do hoạt động tích cực, ông trúng cử Huyện ủy viên huyện Kỳ Anh (tháng12-1948). Sau ông được tham gia học trường Thiếu sinh quân Liên khu IV dạy văn hóa. Tại đây, ông làm Đại đội trưởng Thiếu sinh quân Liên khu IV đến tháng 2-1951 và học xong chương trình cấp 3 ở đó.
Đại đội trưởng Thiếu sinh quân Liên khu IV Đường Hồng Dật, đầu năm 1951
Với những hoạt động tích cực tại huyện Kỳ Anh, đầu năm 1953 Đường Hồng Dật được tham gia lớp chỉnh huấn tại Việt Bắc của Bộ Giáo dục do ông Lê Văn Giạng làm Hiệu trưởng. Sau khóa học chỉnh huấn, ông là một trong 50 cán bộ được nhà nước cử sang Liên Xô học tập. Từ đây, chặng đường học tập của ông lại bước sang một trang mới, nhưng những năm tháng khó khăn thời học phổ thông là những bài học quý giá cho việc tự học và tìm cách sáng tạo trong học tập tập và những điểm tựa không thể thiếu cho những đóng góp của ông với ngành Nông nghiệp sau này.
Tâm Loan