Năm 1965 , sinh viên Lâm Ngọc Thiềm tốt nghiệp đại học Tổng hợp Khacov, Liên Xô và được giữ lại làm nghiên cứu sinh dưới sự hướng dẫn của giáo sư B.P Lavrusin. Ở Liên Xô, nghiên cứu sinh thường được tham gia giảng dạy theo chuyên môn họ nghiên cứu và đó được coi là công việc thực tập. Tuy nhiên, ít có nghiên cứu sinh nước ngoài được tham gia vào công tác giảng dạy, thường chỉ có nghiên cứu sinh người Liên Xô được giao thực hiện nhiệm vụ này.
Nghiên cứu sinh Lâm Ngọc Thiềm thường cùng thầy hướng dẫn tham dự các seminar và các hội nghị hóa học. Năm 1966, NCS Thiềm cùng thầy tham dự một hội nghị về hóa học ở sông Đông. Trong lúc đi dạo ở bờ sông, thầy hỏi sau này ông muốn làm gì và ông trả lời thích nghề dạy học. Thầy nói nghề dạy học là nghề không dễ, vì phải có kiến thức sâu rộng, có phương pháp truyền đạt để người nghe lĩnh hội được. GS Thiềm kể: Không ngờ, sau hội nghị này, ông giáo dành cho tôi điều bất ngờ, cho tôi làm thầy giáo trong thời gian làm nghiên cứu sinh[1].
GS Lavrusin giao cho Lâm Ngọc Thiềm dạy môn phương pháp phổ và các hợp chất mang màu, giảng cho sinh viên năm thứ 4 chuyên ngành hóa lý, khoa Hóa, trường ĐH Tổng hợp Khacov. Lớp có khoảng hơn một chục sinh viên, trước đó do một trợ lý của GS Lavrusin đảm nhiệm.
Ông Thiềm nhớ lại: Khi được giao nhiệm vụ này, tôi cũng hơi ngạc nhiên, vì ngoại quốc mà đi dạy cho người bản địa bằng tiếng của họ. Chắc thầy cũng nghĩ mình làm được, và thực ra trong suy nghĩ của tôi cũng muốn làm tốt để khỏi phụ lòng thầy[2].
NCS Thiềm khá thông thạo tiếng Nga: Tôi thích văn học nên đọc nhiều truyện của Nga, đọc bằng tiếng Nga, như “Sông Đông êm đềm”, các truyện ngắn của Leptonstoi… Trong thời gian nghiên cứu sinh, tôi cũng đi nông trang, chơi bời, nên ngôn ngữ cũng tạm đủ, đủ để diễn đạt được[3]. Tuy nhiên, điều khiến ông thiếu tự tin là về kiến thức: Vì chưa bao giờ giảng dạy, đi học nghe thầy giảng là chủ yếu, bây giờ phải truyền đạt kiến thức chuyên ngành cho những sinh viên năm thứ 4, có lẽ mình chưa đủ để trình bày tất cả nội dung khoa học[4].
Vì vậy, ông dành thời gian một tháng để lên thư viện đọc sách. Ông soạn giáo án trên cơ sở rút gọn những nội dung chính của sách. Sau đó, ông chọn ra phương pháp trình bày cơ bản phù hợp với trình độ sinh viên năm thứ 4: chắt lọc, mạch lạc, có chứng minh. Ông học cách viết bảng từ trái sang phải, học cách vẽ. Lúc đó chưa có máy chiếu, những hình vẽ to, phức tạp như sơ đồ của các quá trình hóa học, các phương pháp nghiên cứu hóa lý… thì ông vẽ trên giấy khổ A1. Theo ông, sinh viên Liên Xô có thói quen đọc sách nhiều, nên khi giảng ông chỉ cần hướng dẫn họ tìm hiểu vấn đề.
Nhờ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nên ông Thiềm khá tự tin trong quá trình giảng cho sinh viên. Bài giảng của ông được sinh viên nhận xét với GS Lavrusin là mạch lạc, còn thầy Lavrusin khen và góp ý: Cậu làm thế là cũng được đấy, cần phải bình tĩnh hơn, vì có lúc sắc mặt có vẻ căng thẳng gì đó[5]. Ông Thiềm lên lớp một vài buổi/tháng. Ngoài thời gian đọc sách, soạn giáo án, ông còn thực hiện nhiệm vụ của nghiên cứu sinh là đọc tài liệu để viết luận án phó tiến sĩ. Vì đồng thời thực hiện hai việc nên ông luôn bận rộn. Kết thúc năm học 1966-1967, ông Thiềm xin nghỉ công việc giảng dạy để tập trung hoàn thành luận án.
Thời gian giảng dạy ở trường ĐH Tổng hợp Kiev đã để lại cho ông Thiềm nhiều kinh nghiệm: Muốn giảng dạy tốt phải có kiến thức, chuyên môn phải nắm chắc. Phương pháp rất quan trọng, nhưng chỉ có phương pháp thì không được, bởi phương pháp không đẻ ra kiến thức, có kiến thức thì sẽ tìm được phương pháp thích hợp. Người thầy giáo không đủ kiến thức, không đủ hiểu biết về chuyên ngành thì dù có phương pháp nào đi nữa cũng không thể truyền đạt được nội dung cần thiết cho người nghe[6]. Chính vì vậy ông khẳng định: Kiến thức là quan trọng nhất với người thầy. Kiến thức phải tích lũy từ lúc học, tự học và phải mày mò, tìm hiểu. Qua 1 năm giảng dạy đó tôi thấy mình lớn lên nhiều, kiến thức cũng biết, khi giảng phải chọn, tập hợp ra nhiều điều mình trình bày, nó xuyên suốt có logic của nó. Kiến thức càng phức tạp, thì mình phải hình dung những cái gì gần gũi với đời thường để học trò có thể mường tượng nổi trước đó, rồi sau đó mới đi sâu vào các thuật toán hoặc chứng minh. Tôi chọn phương pháp đó, đó cũng là phương pháp để truyền đạt[7].
Để giảng môn phương pháp phổ và các hợp chất mang màu, ông Thiềm soạn giáo án bằng tiếng Nga. Giáo án gồm ba chương: chương 1 – Tính chất quang học; chương 2 – Tính chất điện học; chương 3 – Tính chất từ học.
Cuối năm 1968, NCS Lâm Ngọc Thiềm hoàn thành luận án phó tiến sĩ. Đầu năm 1969, ông Thiềm về nước và mang theo cuốn giáo án nói trên. Sau nhiều lần chuyển nhà, chuyển công tác, ông vẫn giữ được cuốn giáo án này. Với ông, nó có ý nghĩa đặc biệt, là dấu mốc bắt đầu cho sự nghiệp giảng dạy của ông. Ngày 14-2-2020 ông tặng cuốn giáo án cho Trung tâm DSCNKHVN.
[1] Tài liệu ghi âm GS.TS Lâm Ngọc Thiềm, ngày 29-5-2015, lưu trữ tại Trung tâm DSCNKHVN.
[2] Tài liệu ghi âm GS.TS Lâm Ngọc Thiềm, ngày 29-5-2015, đã dẫn.
[3] Tài liệu ghi âm GS.TS Lâm Ngọc Thiềm, ngày 29-5-2015, đã dẫn.
[4] Tài liệu ghi âm GS.TS Lâm Ngọc Thiềm, ngày 29-5-2015, đã dẫn.
[5] Tài liệu ghi âm GS.TS Lâm Ngọc Thiềm, ngày 29-5-2015, đã dẫn.
[6] Tài liệu ghi âm GS.TS Lâm Ngọc Thiềm, ngày 29-5-2015, đã dẫn.
[7] Tài liệu ghi âm GS.TS Lâm Ngọc Thiềm, ngày 29-5-2015, đã dẫn.