Tháng 7-1968, là một trong những học sinh giỏi của trường cấp 3 Thanh Chương I, Nghệ An được cử đi học ở Liên Xô, Nguyễn Văn Thanh cùng các bạn được tập trung về thị trấn Phố Nối (Hưng Yên) để học nội quy và chính trị trong khoảng hai tuần. Sau đó, họ lên đường du học và đến Moskva hôm 13-9-1968. Cậu học trò nghèo Nguyễn Văn Thanh – người nhỏ con trong chiếc áo dài đến đầu gối, quần phải xắn lên 7 vòng, tay xách chiếc vali giả da đã bị bong do khí hậu lạnh ở nước Nga, hồi hộp trong tâm trạng chuẩn bị bước qua một cánh cửa mới của cuộc đời.
Trước khi học chuyên ngành, sinh viên có một năm học tiếng Nga và bổ túc thêm kiến thức ở trường Đại học Kishiniev (Chisinau), Thủ đô nước Cộng hòa Moldova. Chưa từng học tiếng Nga trước đó, sinh viên Thanh gặp nhiều khó khăn. Là học sinh ưu tú, đã tham gia nhiều kỳ thi khi học ở quê nhà nên Nguyễn Văn Thanh được xếp vào lớp học gồm 6 người, trong đó có 3 người là học sinh của trường chuyên Đại học Tổng hợp Hà Nội đã có nền tảng tiếng Nga tốt, riêng Thanh và 2 người bạn quê Thanh Hóa có xuất phát điểm ngoại ngữ thấp nhất lớp. Buổi đầu đến lớp, cô giáo nói gì ông đều không hiểu. Hỏi thêm người bạn giỏi tiếng Nga trong lớp một số từ vựng, bạn minh họa bằng những hình ảnh và hành vi khiếm nhã, khiến ông cảm thấy bị xúc phạm. Sau này, đọc lại câu chuyện Lưu Bình – Dương Lễ, tôi tự nhận thấy đó là một sự khích lệ tuyệt vời để tôi quyết tâm học và cố học giỏi[1], PGS Nguyễn Văn Thanh chia sẻ.
Để nắm được tiếng Nga, ông học triền miên, không dưới 16-17 giờ mỗi ngày, luôn đặt chuông báo thức giờ học. Sinh viên Thanh học trên lớp, học ở nhà và học ở mọi lúc mọi nơi có thể. Dạo bộ, gặp những người say rượu, ông mạnh dạn hỏi một vài từ tiếng Nga cơ bản. Vì say nên họ phát âm chưa chuẩn, dù rất nhiệt tình. Cậu lại lân la vào các vườn trẻ, các trường tiểu học, vì nơi đây trẻ được dạy phát âm ngay từ đầu. Tuy nhiên, trẻ chỉ thích chơi mà không thích trả lời. Tình cờ một giáo viên mẫu giáo, thấy vậy, bày cho ông: Em muốn học tiếng Nga đúng không, muốn ôn lại kiến thức đúng không? Em hãy ra khu nghĩa trang thành phố, ở đó cảnh quan rất đẹp và trong đó, có nhiều người là cựu giáo viên… họ sẽ giúp em[2].
Tuy băn khoăn, cậu vẫn quyết định đến nghĩa trang. Ấn tượng ban đầu là nơi đây rất khang trang và đẹp. Hàng ngày, cậu thấy người thân của những người đã khuất, đem đồ ăn thức uống đến bên mộ. Nơi thì người vợ ngồi đọc sách, nơi thì người mẹ trò chuyện với đứa con đã khuất, hoặc những người bạn tâm sự và hát cho người ở thế giới bên kia… Trò chuyện với nhiều người, có người là nhà khoa học, người là giáo viên đã nghỉ hưu… khi biết ông là người Việt Nam, họ tỏ ra quý mến và nhiệt tình. Tôi thực sự đã tìm thấy một “ổ chuồn chuồn” cho việc học tiếng Nga[3], PGS Thanh tâm sự.
Sau khoảng 4-5 tháng, từng là học viên kém tiếng Nga nhất lớp, ông trở thành người giỏi tiếng Nga đứng đầu của lớp. Hiệu trưởng trường Đại học Kishiniev nhiều lần mời sinh viên Nguyễn Văn Thanh đến phát biểu ở các trường trung học phổ thông, các buổi gặp mặt của hội cựu chiến binh… Ông cũng giúp đỡ nhiều sinh viên ngoại quốc trong học tập nên được bạn bè tín nhiệm. Cuối khóa học, ông đứng đầu lớp về thành tích học tập, đạt điểm tối đa môn tiếng Nga. Sau một năm học dự bị, Nguyễn Văn Thanh được phân học ở trường Đại học Kinh tế Kĩ thuật Kharcov. Với vốn tiếng Nga và kiến thức chuyên môn tốt, năm 1974, ông được chọn là người bảo vệ đồ án tốt nghiệp mẫu đầu tiên của toàn khóa học.
PGS.TS Nguyễn Văn Thanh, 1-2022
Tốt nghiệp với tấm Bằng đỏ, ông Nguyễn Văn Thanh về công tác ở khoa Kỹ sư kinh tế, trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm 1982, sắp đến ngày thi tuyển nghiên cứu sinh, ông mới nhận quyết định được cử đi thi Thực tế, ngay từ khi về nước, với mục tiêu tiếp tục nâng cao năng lực chuyên môn của người giáo viên, ông đã âm thầm chuẩn bị, ôn luyện kiến thức. Ngoài giờ trên lớp và đi thực tế ở các nhà máy, ông đến nhà các thầy để học thêm. Trong đó, ông ấn tượng với các giáo viên dạy toán PGS Trần Xuân Hiển, PGS Cù Xuân Mão, Hồ Đồng… luôn nhiệt tình giúp đỡ. Trong kỳ thi tuyển nghiên cứu sinh năm 1983, ông trúng tuyển với điểm rất cao.
Ngoài ra, ông cũng chuẩn bị đề tài luận án Hạch toán kinh tế trong xu hướng của kinh tế thị trường, theo mô hình của chủ nghĩa xã hội. Đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, trường Đại học Bách khoa Hà Nội có một số chuyên gia của các nước xã hội chủ nghĩa, chủ yếu ở Liên Xô đến giảng về xu hướng đổi mới như kinh tế thị trường, kinh tế vi mô, kinh tế vĩ mô… Giáo sư kinh tế L. Khai-kin (công dân Liên Xô, gốc Do Thái) có 3 lần sang Việt Nam, mỗi chuyến đi khoảng 15-20 ngày. Ông đã biết đến thầy Khai-kin từ khi học ở trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Kharcov. Sau buổi trên giảng đường, ông thường được cử đi cùng GS Khai-kin đến tham quan các danh thắng ở Hà Nội, Hạ Long, ở Nha Trang, Đà Lạt, Sài Gòn… Trong những chuyến đi đó, bên cạnh giúp đỡ thầy giáo về tiếng Việt, ông còn tranh thủ hỏi thầy về đề cương luận án, cách trình bày, tóm tắt, tìm hiểu các đề tài nghiên cứu liên quan…, và ông rất phấn khởi khi GS Khai-kin hứa sẽ nhận hướng dẫn luận án khi ông sang nghiên cứu sinh tại Liên Xô.
Tháng 9-1983, ông Nguyễn Văn Thanh trở lại trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Kharcov làm nghiên cứu sinh. Đã quen nhiều bạn bè người Liên Xô là cán bộ quản lý, nhân viên trong các nhà máy, xí nghiệp, thư viện, viện nghiên cứu… trong thời gian học đại học và tham gia khóa học nâng cao ở đây, ông tranh thủ liên hệ nhờ sự giúp đỡ. Hàng tháng, một hai lần,vào tối thứ sáu, từ Kharcov, ông lên tàu đến Thư viện Nhà nước V.I. Lenin, ở Moskva và trở về vào mỗi chiều chủ nhật. Thấy ông thường xuyên lui tới, đọc nhiều sách, ghi chép cẩn thận, những người thủ thư nhiệt tình giúp đỡ tìm sách, thậm chí báo ông đến dự mỗi khi có buổi seminar chuyên ngành.
Để giữ mối liên hệ với những người bạn, ông luôn có một cuốn sổ ghi thông tin liên lạc của từng người. Không chỉ thông tin liên lạc, trong những lần gặp gỡ, trò chuyện, biết chuyên ngành, lĩnh vực nghiên cứu, đơn vị công tác… của từng người, ông cũng lưu lại. Nay cuốn sổ vẫn được ông cẩn thận gìn giữ như một kỷ niệm. Trước khi nhờ sự giúp đỡ, tôi phải chủ động tìm hiểu nhiều những tài liệu liên quan đã công bố, các tác giả đã nghiên cứu, rồi mới liên hệ với họ để được trợ giúp[4], ông chia sẻ. Để việc gặp gỡ không làm ảnh hưởng đến công việc của họ, ông khéo léo xin được trao đổi ngoài giờ. Mỗi lần trò chuyện trực tiếp với các chuyên gia giúp ông hiểu sâu vấn đề hơn, cũng như mở rộng mối quan hệ với những người khác liên quan. Như khi nghiên cứu về dây chuyền công nghệ mới, ông liên hệ với những người bạn là quản lý của các nhà máy kỹ thuật, các trưởng phòng kỹ thuật… nhờ họ giới thiệu người liên quan nghiên cứu về vấn đề này. Nhờ đó, không chỉ có những buổi thực hành, hay cùng ăn trưa với những người bạn mới, ông còn được cho mượn, tặng, photo giúp tài liệu, các ấn phẩm mới. Sau này, khi về nước đã 10 năm, một số nhà xuất bản, trung tâm nghiên cứu của Liên Xô vẫn còn gửi thư đến ông thông báo về những ấn phẩm, bài báo mới xuất bản. Cũng nhờ có mối quan hệ rộng với bạn bè quốc tế, đến nay, ông đã có cơ hội đến khoảng 40 nước để tham quan, nghiên cứu.
Thầy Khai-kin là một chuyên gia đầu ngành, có nhiều học trò, nhiều mối quan hệ, tôi biết thầy không có nhiều thời gian để gặp tôi trực tiếp. Bạn nào có thể gặp thầy, có lẽ nhiều nhất cũng chỉ 10 phút, bình thường thì chỉ 5-7 phút ngắn ngủi[5]. Biết thầy hay đi công tác, đoạn đường từ nhà thầy đến sân bay là hơn 60km, phải đi khoảng gần 2 giờ, để được gặp thầy lâu hơn, ông đến nhà giúp thầy soạn hành lý, đem theo vở, bút, luận án để thầy đọc, góp ý trong thời gian ngồi cùng thầy trên xe (cả chiều đi và về).
Biết thầy giáo hướng dẫn vốn nghiêm khắc, sẽ không đọc nếu văn bản có từ 2-3 lỗi trở lên, ông nhờ các bạn đọc trước, góp ý, chỉnh sửa và đánh máy. Khi biết luận án được GS Khai-kin hướng dẫn, họ càng cẩn thận, chu đáo hơn bởi thầy nóng tính và rất bận. Bên cạnh nghiêm khắc trong chuyên môn, thầy còn hướng dẫn học trò nhiều kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp. Khi luận án sắp hoàn thiện, thầy gợi ý ông Nguyễn Văn Thanh nên gặp một thầy giáo ở thành phố Leningrad để được góp ý thêm. Trước khi đến gặp, thầy Khai-kin cho biết đó là một người rất khó tính, nhiều người đã đến nhưng không được tiếp đón, nên phải chủ động tìm hiểu trước. Nghe thầy, ông tìm đọc nhiều công trình nghiên cứu và nhờ người bạn ở Leningrad gợi ý thêm, nhờ đó, ông gặp được thầy giáo và được góp ý cho luận án. Được sự giúp đỡ của nhiều thầy cô, bè bạn, và niềm thương vợ đang vất vả chăm 2 con còn quá nhỏ, chỉ sau hơn 2,5 năm, ngày 26-6-1986, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Kinh tế.
PGS.TS Nguyễn Văn Thanh và vợ, 1-2022
PGS Nguyễn Văn Thanh quan niệm: Cần phải luôn mở rộng, lan toả mối quan hệ và không bao giờ bỏ mối quan hệ ấy[6]. Ông vẫn thường xuyên có những lần ghé thăm, gửi thư đến những người bạn cũ ở Liên Xô. Ông xem đó là một tài sản không thể có được bằng vật chất. Nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kết nối các mối quan hệ, năm 2007, ông được mời hướng dẫn nghiên cứu sinh Ngô Văn Vượng (trường Đại học Bách Khoa Hà Nội) làm luận án Tiến sĩ Kinh tế Hiệu quả sử dụng vốn quan hệ trong kinh doanh của doanh nghiệp.
Với tư duy phải luôn tăng cường liên kết, hợp tác, đặc biệt là hợp tác quốc tế, PGS Nguyễn Văn Thanh đã cùng với các cán bộ trong khoa Du lịch (trường Đại học Mở Hà Nội) thiết lập mối quan hệ hợp tác với tổ chức Hỗ trợ đại học thế giới (WUSC) của Canada; mở rộng mối quan hệ với các đơn vị kinh doanh du lịch, lữ hành làm nơi cho sinh viên, học viên, giáo viên kết hợp học lý thuyết và thực hành; giáo viên cơ hữu của khoa cũng không nhiều, mà đẩy mạnh mời giáo viên có chuyên môn giỏi ở các trường đại học đến giảng dạy. Nhờ thế, việc đào tạo luôn đạt hiệu quả cao.
Nguyễn Thanh
__________________
* PGS.TS Nguyễn Văn Thanh, chuyên ngành Kinh tế học, nguyên Phó chủ nhiệm khoa Kinh tế cơ khí, trường Đại học Bách khoa Hà Nội; Phó chủ nhiệm khoa Du lịch, trường Đại học Mở Hà Nội.
[1] Ghi âm hỏi thông tin PGS.TS Nguyễn Văn Thanh, ngày 15-12-2021, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
[2] Ghi âm hỏi thông tin PGS.TS Nguyễn Văn Thanh, ngày 15-12-2021, đã dẫn.
[3] Ghi âm hỏi thông tin PGS.TS Nguyễn Văn Thanh, ngày 15-12-2021, đã dẫn.
[4] Ghi âm hỏi thông tin PGS.TS Nguyễn Văn Thanh, ngày 7-1-2022, đã dẫn.
[5] Ghi âm hỏi thông tin PGS.TS Nguyễn Văn Thanh, ngày 7-1-2022, đã dẫn.
[6] Ghi âm hỏi thông tin PGS.TS Nguyễn Văn Thanh, ngày 7-1-2022, đã dẫn.