Giáo sư Đặng Thai Mai – nhà khoa học và người yêu nước

Trong khoảng thời gian từ 1928 đến 1978, Đặng Thai Mai tham gia và được phân công giữ nhiều trọng trách quan trọng trong các cơ quan nhà nước ngay từ ngày đầu thành lập: là đại biểu Quốc hội các khóa I,II,III,IV và V, Bộ trưởng Bộ Giáo dục trong Chính phủ Liên hiệp (1946), Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến tỉnh Thanh Hóa (1947-1948), Hội trưởng Hội Văn hóa Việt Nam (1948), Giám đốc Sở Giáo dục liên khu IV (1950-1953), Chủ nhiệm Văn khoa Đại học Sư phạm và Đại học Tổng hợp (1954-1960), Viện trưởng Viện Văn học (1959-1976), Chủ tịch Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam (1957)…Có thể nói, trong suốt cuộc đời của mình, Đặng Thai Mai đã dành hết thời gian và công sức cho sự nghiệp khoa học và cách mạng của đất nước.

Giáo sư Đặng Thai Mai (1902-1984).

Ông là Bộ trưởng Bộ Giáo dục (1946-1947), Hiệu trưởng Trường Đại học Văn khoa (1954-1956), Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và Sư phạm (1956 1960), Viện trưởng Viện Văn học (1960-1976).

Mặc dù phải chia sẻ thời gian và sức lực trong rất nhiều công việc, với tư cách là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, trong gần 40 năm, kể từ khi công bố những bài viết đầu tiên trên các tờ báo nổi tiếng như Thanh Nghị, Tri Tân, Văn Mới (1940), đến năm 1985, Đặng Thai Mai đã để lại cho ngành nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn một di sản quý báu, gồm hàng chục công trình, hàng nghìn trang viết có giá trị. Có thể nhắc đến ở đây những công trình tiêu biểu như: Văn học khái luận (1944), Lỗ Tấn (1944), Chủ nghĩa nhân văn dưới thời kỳ Văn hóa Phục hưng (1949), Giảng văn Chinh phụ ngâm (1950), Lược sử văn học hiện đại Trung Quốc (1957), Văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX (1961), Văn thơ Phan Bội Châu (1959), Trên đường học tập và nghiên cứu (3 tập, 1959, 1965 & 1973), Đặng Thai Mai tuyển tập (1978), Hồi ký Đặng Thai Mai (1985)…

GS Đặng Thai Mai tại Đại hội Nhà văn Á-Phi tại Nhật Bản năm 1962

Ông để lại nhiều công trình có giá trị thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau của khoa học xã hội, nhân văn và văn hóa. Ông là nhà chính trị yêu nước, nhà hoạt động văn hóa đa tài, nhà nghiên cứu ngữ văn, lịch sử, xã hội học uyên bác.

Mỗi công trình của Đặng Thai Mai, dù lớn hay nhỏ, đều in dấu mốc quan trọng từng thời kỳ hình thành và phát triển ngành nghiên cứu Ngữ văn ở nước ta. Về lý luận, cuốn Văn học khái luận, theo nhận xét của nhiều nhà nghiên cứu, là công trình nghiên cứu lí luận văn học mác xít đầu tiên ở một nền học thuật còn non trẻ như Việt Nam lúc bấy giờ. Nhìn vào con người ông, một người mà suốt cả cuộc đời gắn liền với sự nghiệp cách mạng của đất nước, dân tộc, ai đó có thể nghĩ rằng những công trình nghiên cứu của ông dễ bị khô khan, “kinh viện”. Nhưng không, thậm chí ngược lại, những trang viết nghiên cứu của nhà yêu nước, cách mạng Đặng Thai Mai vẫn vô cùng bay bổng; bay bổng nhưng vẫn “hàn lâm, trí tuệ”. Đặng Thai Mai đã tiếp thu được cách tiếp cận văn chương rất hiện đại, ngay từ khi giới nghiên cứu nước ta còn loay hoay tìm đường. Công trình Giảng văn Chinh Phụ ngâm của ông ra đời từ rất sớm (1958) đã mang “hơi hướng tiếp cận thi pháp học”, một phương pháp nghiên cứu hiện đại mà mãi đến sau này, khoảng những năm 80 của thế kỉ XX các nhà nghiên cứu nước ta mới bắt đầu nghiên cứu, ứng dụng. Học cái mới, cái “lạ” từ phương Tây, nhưng người con ưu tú của xứ Nghệ vẫn rất nhất quán và kiên trì theo đuổi những đề tài dài hơi mang đậm tinh thần dân tộc của mình. Ba tập Trên đường học tập và nghiên cứu là cuộc tìm kiếm “từ tốn, nhưng không hề mặc cảm” của một học giả “yêu chân lý và con người”; Văn thơ cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX, Văn thơ Phan Bội Châu, Lược sử văn học hiện đại Trung Quốc,  ngoài vẻ đẹp của trí tuệ, còn bộc lộ phẩm chất đáng quý của “một người phu chữ”; những dòng ghi chép chân thành, trung thực, khiêm nhường trong Hồi ký xuất bản sau khi ông đã qua đời, lại in đậm nét phong cách con người Đặng Thai Mai. Trong khi đó, vệt những công trình nghiên cứu, tiếp cận văn học Việt Nam và một số nền văn học lớn khác trên thế giới như Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Trung Quốc…đều bộc lộ những kiến thức uyên bác của một người yêu tri thức, ham mê khám phá và sáng tạo.

GS. Đặng Thai Mai và GS. Trần Văn Giàu

Có thể khẳng định, sự nghiệp, phong cách và con người Đặng Thái Mai là sự kết tinh, hội tụ, gặp gỡ của nhiều nền văn hóa, nhiều phong cách: “sự gặp gỡ may mắn của cổ đại và hiện đại, của Á và Âu, của văn hóa miền Nam và miền Bắc”. Ông hiểu và tinh thông nền văn hóa Trung Hoa, phương Đông, nhưng cũng thấm đậm “chất Pháp”, vốn văn hóa phương Tây. Ông có nét lịch lãm, thâm trầm của một nhà nghiên cứu từng trải, và cũng có cả cái say mê, trẻ trung của lứa tuổi thanh xuân. Những người thân thiết gần gũi với ông kể lại rằng, trong cuộc sống hàng ngày, ông bình dị, dễ gần, cởi mở. Nhưng cũng chính trong con người ấy, khi bắt tay làm bất cứ công việc gì, cũng đều nghiêm túc, nhiệt thành. Ông có cái sâu sắc thâm trầm của người phương Đông, và cũng có nét hài hước, “humour” của người phương Tây. PGS Đặng Thị Hạnh, một trong những người “con gái yêu” của ông, người cũng đã tiếp bước cha trên con đường nghiên cứu khoa học gian khổ và nhọc nhằn từng kể rằng, trong cuộc sống, trong công việc, cha bà nghiêm túc, thân tình và chu đáo. Với các đồng nghiệp, đặc biệt những đồng nghiệp trẻ, bao giờ ông cũng giúp đỡ hết lòng, ông khơi gợi ở họ niềm say mê khám phá và sáng tạo. Bà kể có lần, thời kì còn tập trung hoàn thiện chuyên luận Tiểu thuyết Hugo, thấy con gái suốt ngày chỉ “loay hoay” với Những người khốn khổ, Nhà thờ Đức Bà, 93…, có lần ông bất ngờ hỏi: “Này con, thế văn học học Pháp không còn ai ngoài Hugo nữa sao?”. Thực ra, không phải vì ông không yêu Hugo (trong cuốn Hồi ký Đặng Thai Mai xuất bản sau khi ông qua đời, 1985, Đặng Thai Mai từng kể mình say mê và ngưỡng mộ nhà văn lãng mạn Pháp đến thế nào!), mà vì có phần “sốt ruột”, thấy con gái chỉ đọc Hugo, một nhà văn từ tận thế kỉ XIX, trong khi nhân loại đang sắp bước sang thế kỉ XXI, có bao nhiêu vấn đề cấp thiết đang diễn ra hàng ngày, ở ngay bên cạnh, ông sợ con gái mình “tụt hậu”.

GS. Đặng Thai Mai và Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Trong số những nhà trí thức Việt Nam thời kì mở đường, Đặng Thai Mai có thể được coi là một hiện tượng đặc biệt. Quả thật rất khó chỉ xếp ông trong riêng một lĩnh vực nào: nhà chính trị yêu nước, yêu dân, nhà hoạt động văn hóa đa tài, nhà nghiên cứu ngữ văn, lịch sử, xã hội học uyên bác, nhà sư phạm mẫu mực, chuyên gia văn hóa phương Đông (hay phương Tây)? Có tất cả những phẩm chất đó trong con người Đặng Thai Mai. Và ở bất cứ “con người” nào, ông cũng đều được những người đương thời và hậu thế nhắc đến bằng những lời lẽ kính trọng, yêu mến và cảm phục. Tuy không làm việc lâu tại Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nhưng hình ảnh con người, phong cách làm việc, lối sống khiêm nhường của học giả, giáo sư Đặng Thai Mai luôn để lại sự ngưỡng mộ của nhiều thế hệ thầy và trò Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, hiện nay. Ông từ trần ngày 25 tháng 9 năm 1984 trong sự tiếc thương của gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp, đồng chí và biết bao thế hệ học trò, người đọc. Với tất cả những đóng góp đó, Đặng Thai Mai đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì, Huân chương Hồ Chí Minh (1982), Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học và nghệ thuật (1996) và nhiều phần thưởng cao quý khác. Có thể khẳng định, giáo sư Đặng Thai Mai đích thực là một người yêu nước nhiệt thành và một nhà khoa học chân chính có nhiều đóng góp cho đất nước.

GIÁO SƯ ĐẶNG THAI MAI

Năm sinh: 1902.

Năm mất: 1984.

Quê quán: Nghệ An.

Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Đông Dương 1928.

Được công nhận chức danh Giáo sư năm 1957.

Thời gian công tác tại trường: từ 1954 đến 1960 .

+ Đơn vị công tác:

Đại học Văn khoa.

Khoa Ngữ Văn (Đại học Sư phạm và Đại học Tổng hợp Hà Nội).

+ Chức vụ quản lý:

Bộ trưởng Bộ Giáo dục (1946-1947).

Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Thanh Hóa (1947-1948).

Giám đốc Sở Giáo dục Liên khu IV, kiêm Giám đốc Dự bị đại học và Sư phạm cao cấp lien khu IV (1950-1953).

Hiệu trưởng Trường Đại học Văn khoa (1954-1956).

Chủ nhiệm Văn khoa, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và Sư phạm (1956-1960).

Chủ tịch Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam (1957).

Viện trưởng Viện Văn học (1960-1976).

Các hướng nghiên cứu chính: Văn học Việt Nam và Văn học nước ngoài giai đoạn từ thế kỷ 18 đến giữa thế kỉ 20; Văn hóa học và Lịch sử học.

Các công trình khoa học tiêu biểu:

Văn học khái luận, NXB Hàn Thuyên, 1944

Lỗ Tấn, NXB Thời Đại, 1944

Chủ nghĩa nhân văn dưới thời kì văn hóa Phục hưng, Nhà in Tư Tưởng, khu 4, Thanh Hóa, 1949

Giảng văn Chinh Phụ ngâm, Ấn thư tư tưởng xb, Thanh Hóa, 1949

Lược sử văn học hiện đại Trung Quốc, NXB Sự Thật, 1957

Trên đường học tập và nghiên cứu, Tập 1, NXB Văn học, 1959; Tập 2, 1965; Tập 3, 1973

Văn thơ Phan Bội Châu, NXB Văn hóa, 1959

Văn thơ cách mạng Việt Nam đầu thế kỉ XX, NXB Văn học, 1961

Đặng Thai Mai tuyển tập, NXb Văn học, 1978

Hồi kí Đặng Thai Mai, NXB Tác Phẩm Mới, 1985                      

Các giải thưởng khoa học tiêu biểu:

+ Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật và khoa học công nghệ năm 1996 cho cụm công trình gồm 8 tác phẩm nghiên cứu văn học Việt Nam và văn học thế giới (1945-1984).

 

Trần Hinh

Nguồn:www.ussh.vnu.edu.vn/d4/news/Giao-su-Dang-Thai-Mai-nha-khoa-hoc-va-nguoi-yeu-nuoc-1-12204.aspx