Chí hướng của chàng thanh niên xứ Nghệ
GS Nguyễn Khánh Toàn sinh năm 1905 ở Nghệ An trong gia đình có truyền thống hiếu học. Tuổi thơ của ông đã trải qua những năm tháng đầy đau thương của đất nước và gia đình. Khoảng những năm 1914-1915, cha đi tù nợ[1], gia đình đưa nhau vào Huế sinh sống, anh cả đang học trường Quốc học Huế phải nghỉ học đi làm. Năm 1916, anh thứ hai tham gia bãi khóa ở trường Bá Công[2] nên bị kết án 9 tháng tù vì tội “bội sư” (phản lại thầy). Hàng ngày, Nguyễn Khánh Toàn phải mang cơm nuôi tù, nhìn anh bị gông cùm mà lòng đau buồn thương xót.
Một sáng mùa hè năm 1916, Nguyễn Khánh Toàn ra đường thấy người dân tụm năm tụm ba bàn tán chuyện vua Duy Tân xuất thành cùng Trần Cao Vân chống Pháp. Khởi nghĩa thất bại, Trần Cao Vân và nhiều người khác bị chém, vua Duy Tân bị đóng cũi mang về đồn Mang Cá, Huế. Ngày 3-11-1916, vua bị đày sang đảo Réunion, Pháp. Nguyễn Khánh Toàn thấy mẹ khóc, “có lẽ bà liên tưởng đến số phận con mình mấy tháng trước cũng bị lùng bắt và cùm”[3]. Những sự việc đó khiến Nguyễn Khánh Toàn sớm hun đúc ý chí, mầm mống tinh thần yêu nước.
Năm 1923, Nguyễn Khánh Toàn thi đỗ trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. Thời gian này, bầu không khí yêu nước của sinh viên và thanh niên diễn ra rất sôi nổi. Các tờ báo Nhân đạo, Người cùng khổ và nhiều sách chính trị lọt vào trong trường học ngày càng nhiều. Một lần, Nguyễn Khánh Toàn mượn được tờ Người cùng khổ nên lén đọc trong giờ học. Dù cố giấu dưới ngăn bàn nhưng thầy giáo ngồi trên bục vẫn nhìn thấy nhưng chỉ bảo nhẹ: “Lúc này không phải giờ đọc báo”.
Ông Nguyễn Khánh Toàn (đứng) cùng gia đình, năm 1926
Nguyễn Khánh Toàn biết ý liền gập tờ báo lại và chăm chú nghe giảng. Những năm 1924-1925, nhiều sự kiện diễn ra làm sục sôi tinh thần yêu nước của học sinh, sinh viên. Mở đầu là sự kiện Phạm Hồng Thái ném bom Toàn quyền Merlin ở Quảng Châu do các báo: Trung Bắc tân văn[4], Thực nghiệp dân báo[5], Khai hóa nhật báo[6] đưa tin. Tiếp đến là sự kiện đòi ân xá Phan Bội Châu diễn ra vào tháng 6-1925 của học sinh, thanh niên Hà Nội khiến Toàn quyền Đông Dương Varenne[7] phải đưa vụ án ra xét xử công khai... Trước tình hình đó, Nguyễn Khánh Toàn thấy rằng: Thanh niên, học sinh ngày càng chú ý đến thời cuộc, họ bàn tán, thảo luận thời sự. Họ vớ được gì đọc đấy, chưa phân biệt vàng thau… Giống như người cùng khổ đi đường xa trong lúc nắng hạn, đang khát gặp giếng uống nước giếng, gặp ao uống nước ao, gặp suối uống nước suối[8].
Mùa hè năm 1926, Nguyễn Khánh Toàn chuẩn bị ra trường sau ba năm đèn sách thì được Hiệu trưởng Favier mời đến làm việc.
– Mời ông ngồi! Thầy giáo dạy triết học cho biết: ông có làm bài luận đầy rẫy tư tưởng chống Pháp. Thời gian qua, ông không lo học hành gì, chỉ đi làm những việc không đâu. Nhà trường quyết định không để ông thi tốt nghiệp kỳ này và lưu ông lại một năm.
Nguyễn Khánh Toán hiểu họ muốn làm gì với mình và đã chuẩn bị sẵn tinh thần cho việc này. Trước đó một tháng, ông đã làm bài luận phản bác đề tài “Những học thuyết thực dụng” do thầy giáo đưa ra. Ông nêu quan điểm triết học phải “làm những việc có ích cho xã hội, giải phóng đất nước khỏi ách người ngoài”[9]. Việc này khiến thầy giáo dạy triết học vô cùng tức giận và chất vấn Nguyễn Khánh Toàn:
– Ý ông là phải đuổi người Pháp ra khỏi xứ này phải không?
Nguyễn Khánh Toàn thẳng thắn trả lời: “Người Pháp chiếm xứ sở chúng tôi, dân chúng tôi có nghĩa vụ giành lại độc lập”. Cuộc tranh luận kết thúc bằng tiếng “Bon” (Được) với ý nghĩa đầy đe dọa của thầy giáo người Pháp. Quả nhiên, khi gặp, thầy Hiệu trưởng cho Nguyễn Khánh Toàn xem một bản báo cáo của thầy giáo dạy triết học, trong đó ghi “Ông X sẽ là một giáo sư sử học, nếu ông ấy dạy theo quan điểm chống Pháp như vậy thì rất có hại”[10]. Sau buổi gặp, Nguyễn Khánh Toàn vẫn được cho thi tốt nghiệp nhưng bị đánh trượt. Đó là việc ông đã định lượng được cho tương lai trước khi dấn thân vào con đường cách mạng sau này.
Đến với Chủ nghĩa Mác – Lênin
Cuối tháng 9-1926, Nguyễn Khánh Toàn vào Sài Gòn lập nghiệp. Ông làm Chủ nhiệm tờ báo “Le Nhaqué” – với ý thách thức người Pháp khi gọi dân Việt Nam một cách khinh bỉ là “Người nhà quê” hay “Đồ nhà quê”. Báo mới ra được 1 số ngày 11-12-1926 thì bị Thống đốc Nam Kỳ ra lệnh đình bản. Ông bị bắt giam và xử 1 năm tù án treo. Không lâu sau, Nguyễn Khánh Toàn được luật sư Phan Văn Trường mời làm chủ bút cho báo L’Annam. Nguyễn Khánh Toàn cùng với ông Hoàng Minh Giám[11], đã nâng tầm ảnh hưởng của tờ báo với sức lan tỏa khắp cả nước. Tờ báo công khai truyền bá chủ nghĩa cộng sản, tình hình Liên Xô, có số đăng toàn văn bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản của Mác – Ăngghen. Tháng 6-1927, do tổ chức lễ truy điệu trí sĩ Lương Văn Can[12] và báo đăng những thông tin về chủ nghĩa cộng sản, Nguyễn Khánh Toàn cùng các ông Hà Huy Giáp, Trần Huy Liệu… bị bắt giam. Đầu năm 1928, nhóm các ông bị đưa ra xét xử, Nguyễn Khánh Toàn bị kết án 2 năm tù treo. Thống đốc Nam Kỳ Blanchard de la Brosse có ý định trục xuất Nguyễn Khánh Toàn ra Huế nhưng nghe tin học sinh sẽ tổ chức đón nên phải dừng lại. Tuy nhiên, Nguyễn Khánh Toàn lại đệ đơn xin đi Pháp và được Thống đốc chấp thuận ngay. Khoảng tháng 3-1928, ông sang Pháp.
Ở nơi đất khách quê người, Nguyễn Khánh Toàn được nhóm Việt kiều là Dương Bạch Mai, Nguyễn Thế Thành giúp đỡ nhiệt tình. Nhờ đó, ông được Đảng Cộng sản Pháp giới thiệu sang Liên Xô học tập ở Trường Đại học Lao động Cộng sản Phương Đông (gọi tắt là Trường Phương Đông). Tháng 10-1928, Nguyễn Khánh Toàn sang Liên Xô – đất nước xã hội chủ nghĩa, nơi đã phất cao ngọn cờ, tiên phong ủng hộ các nước thuộc địa đấu tranh giải phóng dân tộc, xóa bỏ áp bức bóc lột. Đó cũng là nơi mà nhiều thanh niên nhiệt huyết như ông, luôn ao ước được sống và học tập để tìm con đường giải phóng dân tộc, cứu giúp đất nước mình.
Sau gần một năm học tập ở Trường Phương Đông, Nguyễn Khánh Toàn được Đông Phương Bộ, Quốc tế Cộng sản chuyển lên làm nghiên cứu sinh ngành Sử học. Trong quá trình học, ông còn tham gia giúp việc cho Quốc tế Cộng sản, Quốc tế Công hội đỏ, Quốc tế Thanh niên…, làm công việc phiên dịch tài liệu tiếng Việt (trong nước gửi sang) sang tiếng Nga và ngược lại. Bên cạnh đó, ông còn viết bài về vấn đề Việt Nam cho các báo, tạp chí như: L’Humanité (Nhân đạo), La Correspondance Internationale (Thư tín quốc tế), L’Internationale Communiste (Quốc tế Cộng sản)… Năm 1933, ông Nguyễn Khánh Toàn là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ luận án tiến sĩ ở Trường Đại học Phương Đông với đề tài “Chiến tranh nông dân ở Đông Dương vào thế kỷ XVIII – Khởi nghĩa Tây Sơn”. Công trình này là cơ sở để sau này ông viết cuốn sách Vài nhận xét về thời kỳ từ cuối nhà Lê đến nhà Nguyễn Gia Long (1954).
Sau một thời gian dài hoạt động tích cực ở Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Khánh Toàn lên đường về nước qua đường Trung Quốc vào năm 1939. Tại Tây An, ông được bạn là Chu Ân Lai[13] khuyên: “Anh hãy đi vào vùng căn cứ của chúng tôi – Diên An, chờ khi nào có điều kiện thuận lợi hãy về”[14]. Theo gợi ý đó, ông đến Diên An và được nhận nhiệm vụ dạy Nga văn, Trường Trung Quốc nữ tử đại học. Gần 6 năm làm công tác giảng dạy, tháng 9-1945, đất nước độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị với Đảng Cộng sản Trung Quốc để Nguyễn Khánh Toàn về nước cùng đồng chí Nguyễn Sơn để nhận nhiệm vụ mới.
“Giáo sư đỏ” với sự nghiệp giáo dục – cách mạng
Cuối tháng 10-1945, ông Nguyễn Khánh Toàn về nước chờ phân công tác. Trong thời gian đó, ông lên lớp giảng lý luận chính trị cho cán bộ được tổ chức ở Hà Đông. Như sau này GS Vũ Khiêu có viết: “Cán bộ sau các lớp học lan truyền đi khắp nơi những lời khâm phục về sự uyên bác, sắc sảo của một Giáo sư đỏ, một trí thức lỗi lạc của Đảng đã đem lại cho anh, chị em những kiến thức sơ đẳng và khái quát của học thuyết Mác – Lênin, tăng thêm niềm tin tưởng của anh, chị em vào con đường cách mạng của Đảng và Bác Hồ”[15].
GS Nguyễn Khánh Toàn (thứ nhất bên trái) trong cuộc họp
với Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 1956
Không chỉ tham gia bồi dưỡng lý luận cho cán bộ, GS Nguyễn Khánh Toàn còn được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ tin tưởng giao giữ cương vị Thứ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) vào tháng 11-1946 nhằm giải quyết nhiệm vụ cấp bách là “Diệt giặc đói – giặc dốt – giặc ngoại xâm”. Cùng với Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, ông đã xây dựng Đề án cải cách giáo dục vào các năm 1950 và 1956 theo tinh thần của Bác Hồ: “Phải kết hợp học với hành; một ngày chia làm hai buổi: buổi sáng học chữ ở lớp, buổi chiều học sinh giúp gia đình trong công việc sản xuất ở đồng áng”[16]. Ngay trong những năm tháng đất nước chiến tranh, công cuộc cải cách giáo dục vẫn được thực hiện hiệu quả, góp phần đào tạo bước đầu đội ngũ cán bộ phục vụ nhiệm vụ cách mạng cũng như công cuộc xây dựng đất nước sau này.
Một tác phẩm của GS Nguyễn Khánh Toàn, năm 1960
Không chỉ là một nhà quản lý, GS Nguyễn Khánh Toàn còn là nhà khoa học lớn với các công trình nghiên cứu xuất sắc, chứa đựng giá trị tư tưởng văn hóa lớn, mang đậm dấu ấn tư duy mác xít như: Giáo dục Dân chủ mới (1947); Đại cương về văn học sử Việt Nam (1948), Xung quanh vấn đề giáo dục thiếu nhi (1960); Ảnh hưởng của cách mạng tháng Mười đối với Việt Nam (1962) Cách mạng và khoa học xã hội, (1987)… Tiêu biểu nhất là hai công trình gồm, Vài nhận xét về thời kỳ từ cuối nhà Lê đến nhà Nguyễn Gia Long, tuy độ dày chỉ 59 trang, nhưng cuốn sách rất có giá trị về lý luận, lịch sử, trong đó ông đã tổng kết và khẳng định con đường đúng đắn của cách mạng Việt Nam. Chỉ có con đường làm cách mạng phản đế và phản phong, thiết lập chính quyền cách mạng nhân dân mới có thể giành độc lập dân tộc. Như GS Văn Tạo nhận xét: “Đây là công trình nghiên cứu đầu tiên dưới chế độ mới, mang tầm khái quát và tính lý luận về lịch sử Việt Nam trong gần 4 thế kỷ. Nó phân tích đặc điểm kinh tế xã hội ở đất nước kém phát triển, chỉ ra nguyên nhân chủ nghĩa tư bản chậm ra đời, so sánh với chế độ phong kiến các nước khác, từ đó nhận thức về yêu cầu của cách mạng Việt Nam thế kỷ XX”[17]. Trong bối cảnh cả nước tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ cách mạng là xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đấu tranh chống Mỹ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, GS Nguyễn Khánh Toàn đã dầy công nghiên cứu và cho ra đời hai tập Vấn đề dân tộc trong cách mạng vô sản. Bộ sách đưa ra những cơ sở lý luận rất vững chắc, nhằm lý giải vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam, để từ đó có thể đi sâu nghiên cứu các vấn đề khác. Đối với những người giảng dạy và nghiên cứu lịch sử chuyên về vấn đề dân tộc và cách mạng vô sản như GS Đinh Xuân Lâm thì hai tập sách Vấn đề dân tộc trong cách mạng vô sản được coi là sách gối đầu giường.
Trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng và giáo dục nước nhà, GS.VS Nguyễn Khánh Toàn để lại cho hậu thế nhiều công trình có giá trị, thấm đượm tính Đảng, tính khoa học và tư duy mác xít sâu sắc. Ông cùng với các nhà khoa học như GS Trần Huy Liệu, GS Trần Phương… đặt nền móng xây dựng và phát triển khoa học xã hội ở Việt Nam những ngày đầu thành lập. Như GS Vũ Khiêu đã trân trọng, tôn vinh, ông là một “Giáo sư đỏ” và “đã sống trọn lẽ sống, xứng đáng một cuộc đời”[18] để phụng sự Tổ quốc và nhân dân.
Ngô Văn Hiển
____________________
* GS.VS Nguyễn Khánh Toàn (1905-1993), nhà khoa học ngành Sử học, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội Việt
[1] Những người mắc nợ không trả nợ sẽ bị bắt bỏ tù.dư
[2] Trường Bá Công được thành lập ngày 12-9-1899 theo Chỉ dụ của Vua Thành Thái. Năm 1921 chuyển giao cho Chính quyền Bảo hộ Pháp quản lý và đổi thành École Pratique D’Industrie de Hué tức trường Kỹ nghệ Thực hành Huế. Sau nhiều lần đổi tên, từ năm 2005 là trường Cao đẳng Công nghiệp Huế.
[3] Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn – cuộc đời và sự nghiệp, Nxb Chính trị quốc gia, tr. 117.
[4] Tờ báo do Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút, hoạt động từ 1915 đến 1945.
[5] Tờ báo của nhóm: Mai Du Lân, Ngô Tất Tố, Mai Đăng Đệ phụ trách.
[6] Tờ báo của nhóm Tư sản Bắc Bộ do nhà yêu nước Bạch Thái Bưởi phụ trách.
[7] Alexandre Varenne (1870 – 1947) là một nhà báo và chính trị gia người Pháp. Ông là người sáng lập tờ báo La Montagne. Là Toàn quyền Đông Dương từ năm 1925 đến năm 1928.
[8] Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn – cuộc đời và sự nghiệp, tr.136, đã dẫn.
[9] Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn – cuộc đời và sự nghiệp, NXB Chính trị quốc gia, 2013, tr. 155.
[10] Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn – cuộc đời và sự nghiệp, đã dẫn, tr. 156.
[11] Hoàng Minh Giám (1904-1995), nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
[12] Lương Văn Can (1854-1927), người sáng lập trường Đông Kinh nghĩa thục.
[13] Chu Ân Lai (1898-1976), Thủ tướng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1949-1976).
[14] Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn – cuộc đời và sự nghiệp, đã dẫn, tr. 165.
[15] Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn – cuộc đời và sự nghiệp, đã dẫn, tr. 42.
[16] Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn – cuộc đời và sự nghiệp, đã dẫn, tr. 173.
[17] Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn – cuộc đời và sự nghiệp, đã dẫn, tr. 54.
[18] Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn – cuộc đời và sự nghiệp, đã dẫn, tr. 12.