Giáo sư Hà Minh Đức – một nhà phê bình nhiều thành tựu

Năm 1974, ông xuất bản công trình “Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại”. Tác giả đã khảo sát hàng trăm định nghĩa về thơ để xác định được quan niệm đúng đắn về thơ. Với ông, thơ là sự kết tinh cái đẹp của tâm hồn và tạo vật, bài thơ hay là sự kết tinh của kết tinh. Chính vì vậy, khi phê bình thơ, ông luôn tìm những điểm cốt lõi tạo nên phong cách riêng của nhà thơ đó. Hà Minh Đức khi phê bình thơ luôn đứng trên lập trường và thái độ khách quan, ông coi trọng các tư liệu cuộc sống trong thơ và tìm ra mối liên hệ giữa nhà văn và cuộc sống, tác phẩm và cuộc sống: “Thiếu đi chất liệu thực tế phong phú thì cho dù một cách nhìn đúng vẫn chưa đủ tạo nên thơ hay”.

Cũng trong công trình này, GS Hà Minh Đức còn đề cập đến các vấn đề: Tính khuynh hướng của thơ ca, cảm xúc và suy nghĩ trong thơ, vấn đề phản ánh hiện thực trong thơ, hình thức của thơ, truyền thống và sáng tạo trong thơ. Trước ngưỡng cửa của thời đại mới, thành tựu 30 năm của nền thơ cách mạng trẻ tuổi và sung sức là một bảo đảm vững chắc và phấn khởi về bước đi của hiện tại, do đó, theo tác giả, trách nhiệm của nhà thơ là “phải nâng mình lên ngang với tầm thời đại, biết đánh giá lại một cách nghiêm túc mặt mạnh và mặt yếu của mình trước yêu cầu mới của cuộc đấu tranh cách mạng. Một mặt, ra sức bồi đắp, rèn luyện để cho tiếng nói thơ ca có thêm phẩm chất và năng lực mới, phong phú hơn tiếng nói quen thuộc của mình, một mặt phải đi sâu hơn về phía sở trường để thêm tinh tế, mẫn cảm, từ đó có thể có những đóng góp riêng”. Đây được đánh giá là công trình công phu, nghiêm túc và gợi nhiều kinh nghiệm cho người nghiên cứu văn học.

Trong lĩnh vực nghiên cứu Thơ Mới, GS Hà Minh Đức có nhiều đóng góp quan trọng với các công trình: “Tổng tập thơ ca thời kỳ 1930-1945” (tập 25), “Một thời đại trong thi ca: Về phong trào Thơ Mới 1932-1945”. Tác giả lần lượt giới thiệu những gương mặt tiêu biểu đã làm nên không khí và sắc màu của Thơ Mới như: Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Thế Lữ, Chế Lan Viên, Tế Hanh…; mang lại cho người đọc một cái nhìn đa dạng, sinh động về một thời kỳ rực rỡ của văn học nước nhà.

Ở phần nghiên cứu về văn học Việt Nam hiện đại, Hà Minh Đức dành rất nhiều tâm sức để nghiên cứu văn, thơ Hồ Chí Minh với các chuyên luận: “Chủ tịch Hồ Chí Minh-nhà thơ lớn của dân tộc”, “Tác phẩm văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh” và “Báo chí Hồ Chí Minh”. Không chỉ tìm hiểu quan niệm của Hồ Chí Minh về thơ, văn, báo chí, tác giả còn đi sâu vào những phương diện tiêu biểu làm nên phong cách Hồ Chí Minh như: Vẻ đẹp trí tuệ và chiều sâu cảm xúc trong thơ Hồ Chí Minh; những vấn đề lý luận được đặt ra trong các tác phẩm chính luận và truyện ký của Hồ Chí Minh; chất liệu phong phú, chiều sâu văn hóa và dấu ấn độc đáo trong những trang viết báo chí của Hồ Chí Minh. Với các chuyên luận nêu trên, GS Hà Minh Đức đã lần lượt khái quát và đánh giá một cách nghiêm túc, khoa học, toàn diện sự nghiệp văn, thơ và báo chí của Hồ Chí Minh trong gần 20 năm.

Ở lĩnh vực phê bình văn xuôi, GS Hà Minh Đức tập trung vào các thể loại: Tiểu thuyết, phóng sự truyện ngắn ở hai giai đoạn 1900-1945 và văn xuôi Việt Nam sau  Cách mạng Tháng Tám 1945. Với hàng chục bài viết về các tác phẩm tiêu biểu của các tác giả khác nhau của văn xuôi cách mạng, ông đã góp phần khắc họa sự vận động và những điểm nhấn của văn xuôi Việt Nam hiện đại.

Trong hoạt động nghiên cứu, phê bình, GS Hà Minh Đức luôn tỏ ra rất nhạy cảm với những vấn đề thời sự của văn học nói chung và thơ ca nói riêng. Bằng chứng là ở từng chặng đường phát triển của thơ ca, ông đều có những đóng góp giá trị với những công trình nghiêm túc, khoa học. Tất nhiên, không thể tránh khỏi một số luận điểm trong các công trình đó đã không còn tương thích ở thời điểm hiện tại, song, trước sau, GS Hà Minh Đức vẫn giữ vững bản lĩnh của người cầm bút và không ngần ngại “lao tâm khổ tứ” trong lao động khoa học, đúng với điều ông tâm niệm: “Phê bình cũng không chỉ là sở thích mà còn là trách nhiệm”.

GS Hà Minh Đức sinh năm 1935 tại Thanh Hóa. Ông nguyên là Viện trưởng Viện Văn học kiêm Tổng biên tập Tạp chí Văn học, nguyên Chủ nhiệm Khoa Báo chí-Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn-Đại học Quốc gia Hà Nội.

Hà Minh Đức là một trong số ít những nhà nghiên cứu viết nhiều, viết đều ở mỗi giai đoạn với nhiều thể loại. Ông đã xuất bản gần 40 tác phẩm, tiêu biểu như: “Nhà văn và tác phẩm” (1971); “Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại” (1974); “Thời gian và trang sách” (1987); “Khảo luận văn chương” (1987); “Nguyễn Bính, thi nhân của đồng quê” (1996); “Đi tìm chân lý nghệ thuật” (1998); “C. Mác, Ph. Ăng-ghen, V.I.Lê-nin và một số vấn đề lý luận văn học” (1982); “Văn thơ Hồ Chí Minh” (2000); “Văn chương-tài năng và phong cách” (2001)… Ông còn là nhà thơ, tác giả của nhiều tập bút ký, hồi ký cùng hàng loạt bài viết đăng trên các báo, tạp chí trong cả nước. Ông được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học-Công nghệ đợt IV (2012).

SƠN KHÊ

Nguồn:qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/van-hoa-the-thao-giai-tri/giao-su-ha-minh-duc-mot-nha-phe-binh-nhieu-thanh-tuu/320029.html