Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Đại học Y năm
1955, GS. Hồ Đắc Di (thứ hai từ phải sang),
lúc đó à Hiệu trưởng.
Bác, người thấp, gầy, mặt xương xương, tóc chải lật ít bạc, ria con tằm, cái miệng hóm hỉnh, riêng đôi mắt sáng nhìn ai như xoáy vào lòng người. Bác luôn ăn mặc chỉnh tề, mùa nắng thì sơ mi và xăng đan, mùa rét thì complê đại cán, đi giày bốt tin đen đánh bóng. Bác thuộc loại người có duyên, khi nói chuyện, cặp mắt cười trước cái miệng, nên dễ hấp dẫn người nghe. Bác hay gặp tôi vào buổi chiều, cuối giờ làm việc để (theo lời bác) khỏi mất thì giờ của tôi và tiện bác đã đi bộ xong một vòng phố, trước khi về nhà ăn cơm chiều. Bạn bè trong giới Y thường nhìn bác như một ông già vui tính, hóm hỉnh, ứng biến nhanh, chơi chữ rất đắt trong những chuyện nhỏ của đời thường.
Những chuyện kể của bác rất nhiều và được truyền miệng cũng không phải ít. Đại loại như: Về câu nói của văn hào Rabelais: “Khoa học không có ý thức, chỉ là sự hủy hoại tâm hồn”, bác thêm: “Ý thức không có khoa học chỉ là sự hủy hoại thể xác”. Nói về thủ đô xuống cấp dần về nhiều mặt, đã có học giả gọi Hà Nội là một cái làng lớn, bác nói: “Ở nước ngoài, người ta thành thị hóa nông thôn, còn ở ta, lại tiến hành nông thôn hóa thành thị”. Hồi làm giám đốc trường Đại học Y khoa Hà Nội, đang ngồi nói chuyện với bí thư đảng ủy trường, có một sinh viên xin gặp lãnh đạo trường giải quyết việc gì đó, anh này luôn nhắc: “Trăm sự nhờ chính quyền, em không biết thế nào…”. Bác tủm tỉm cười, cắt ngang: “Ấy chết đừng có lẫn lộn, chính là tôi, bác chỉ vào ngực, nhưng quyền lại là ông này, bác chỉ vào bí thư…”. Những chuyện vui của bác khéo chơi chữ để phản ảnh những nghịch lý trong xã hội thời đại có thể viết thành sách, như các cuốn “Suy nghĩ của nhà sinh học” của Jean Rostand. Một vài chuyện nêu trên chứng tỏ bác rất thông minh, nhận thức nhanh và biện bác giỏi.
Những người biết suy nghĩ thì khen bác ở chỗ bác nói to những điều mà người khác không nhận thấy, hay nhận thấy nhưng chỉ dám nói thầm. Riêng tôi học được ở bác tính lão thực của người trí thức chân chính, điều không dễ thấy ở nhiều đồng nghiệp của tôi. Nhưng ít người biết bác còn là nhà giáo dục thâm thúy, có suy nghĩ nhiều về công tác đào tạo, đồng thời là nhà nhận thức luận sâu sắc.
Từ năm 1975, thôi làm Hiệu trưởng trường Y, bác có thì giờ đọc nhiều hơn, suy nghĩ nhiều hơn và thường xuyên đến phòng làm việc của tôi hơn để đàm đạo.
Đa số ý niệm của bác về lĩnh vực này, hay lĩnh vực kia, đều phản ảnh trong các bài diễn văn khai giảng của trường trước kia. Tiếc thay chúng ít được tạp chí chuyên ngành quan tâm phổ biến. Thật là một sự thiệt thòi cho trí tuệ.
Về giáo dục, bác quan tâm tới giáo dục đại học nói chung và nói riêng cho ngành Y. Theo bác, ngành đại học từ khi thành hình, đã có vài nhược điểm mà, theo con mắt nghề nghiệp, bác gọi vui là bệnh: lạm phát đại học, lạm dụng học hàm, ỉa chảy ngôn từ, táo bón trí tuệ… Trong thời gian dài, người ta đã lẫn lộn hai phạm trù, phổ biến khoa học cho đại chúng và đào tạo chuyên gia giỏi cho các ngành kinh tế, xã hội, nên cho mở rất nhiều trường đại học (hiện có tới 97 trường) và lấy sinh viên đại trà không tuyển chọn. Có cấp quản lý quan niệm một cách đơn giản là có nhà, có thầy, có trò, có sách là thành trường đại học. Người ta không hiểu rõ nhu cầu cán bộ của từng ngành, từng thời kì mà mở trường, và ấn định chỉ tiêu tuyển sinh, chỉ lấy con số trường mở và con số sinh viên làm thành tích.
Trong trường, thầy nói nhiều hơn làm thực tập. Sinh viên thụ động nghe liên hồi những tri thức chuyên môn và không chuyên môn, trong khi thực hành lại quá ít. Sản phẩm đào tạo, đến lượt họ, cũng trở thành những người nói nhiều, làm ít, nói giỏi làm dở, hết lớp này đến lớp kia…Còn nói về tri thức, thì vốn tri thức ở mỗi cán bộ ngưng đọng, không được luân lưu qua các thảo luận, qua các nguồn tin mới. Do đó khó nảy sinh ra sáng kiến. Người ta dễ dàng lặp đi lặp lại lời của người xưa: “Tử viết”.
Về mấy nhược điểm quan trọng của ngành đại học nêu trên, các biện pháp sửa chữa gần như buông lỏng hàng chục năm, đã dẫn tới thành hình một đội ngũ cán bộ chuyên môn, đông đảo, nhưng yếu kém về chất lượng, thụ động, ít tư duy độc lập.
Nghe bác nói xong, tôi tần ngần: Giá chúng ta chữa những bệnh này sớm, có lẽ… Bác ngắt lời: “Tôi có nói những điều này cách đây hơn 30 năm, có ai nghe tôi đâu”. Tôi ngạc nhiên: “Bác là Hiệu trưởng trường Y, Bộ trưởng Bộ Giáo dục là người nhà, sao việc phát hiện ra cái nhược điểm của ngành đại học đúng đắn như vậy lại không có ai chú ý để chúng quá kéo dài và để lại hậu quả nặng nề tới ngày nay?”
Nhiều lần nói về khoa học, bác thích thú lặp lại với tôi hình ảnh cây tri thức: Rễ cây là tri thức khoa học cơ bản, thân cây là tri thức khoa học cơ sở và cành cây cùng hoa quả, lá là tri thức chuyên khoa. Nói về các ngành gắn với sinh học, rễ cây là các môn toán, lí, hóa, sinh học đại cương, thân cây là các môn sinh học cơ sở, cành cây là các môn y học, nông học, lâm học… Rễ có vững chắc bám chắc vào đất thì thân cây mới khỏe để vươn lên, thân có khỏe chứa căng nhựa, cành lá mới xum xuê mang đầy hoa quả…
Trong ngành Y, hiện có nhiều bác sĩ thực hành, nhưng bác sĩ khảo cứu quá ít, chính loại sau mới có thể đẩy y học tiến bộ vượt bậc. Chương trình đào tạo ngành y, chưa đáp ứng được yêu cầu đó: Ta mới chỉ lưu tâm tới kiến thức ở ngọn mà coi nhẹ kiến thức ở thân, ở rễ. Tôi hỏi tại sao, thì lời đáp vẫn nhắc lại như một điệp khúc: có ai nghe tôi đâu. Kì quái thật, một hiệu trưởng có ý đồ sáng suốt như vậy mà không sao thực hiện được ngay trong trường của mình? Vướng mắc chỗ nào đây mà kéo dài hàng chục năm trời? Hơn nữa, nhận thức đúng đắn này có thể mở rộng cho các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản… Trách nhiệm về ai? Bộ chủ quản hay Bộ Đại học?
Có một vấn đề, bác thích thú kể lại, thực hiện được theo ý bác là hoàn cảnh chiến tranh, buộc phải có chế độ luân phiên đào tạo cán bộ, để vừa đáp ứng được yêu cầu của tiền tuyến, vừa nâng cao được chất lượng đào tạo.Với vốn kiến thức trong thực tế chiến đấu, về lại trường, sinh viên có được bổ túc thêm về lí luận, và khi ra lại chiến trường, trình độ cao thêm một bước. Rồi lại thêm kinh nghiệm thực tiễn, lại thêm trí thức lí luận. Vốn hiểu biết học và hành của họ cứ tăng theo vòng xoáy trôn ốc đi lên. Có lẽ cách này phù hợp với quá trình hình thành tri thức của loài người: Thực nghiệm -> lí luận -> thực nghiệm… Bác còn nói thêm, hình thức seminar trong giảng dạy ở đại học là rất cần thiết và thích hợp, nhưng ít, nếu không nói là không thầy nào quan tâm tới phương pháp này. Nó đòi hỏi người thầy phải hơn trò một cái đầu tri thức – hiện nay, ít thầy giáo có trình độ như vậy.
Nói chuyện với bác, đôi lúc tôi quên hẳn là mình ngồi cạnh người thầy thuốc, mà là một nhà giáo dục học, một nhà triết học với tính nhân văn rõ nét. Có lúc nhìn bác, tôi lại ngậm ngùi nhớ tới triết gia cổ Diogene đốt đèn đi giữa ban ngày để tìm Người.
Tới phòng làm việc của tôi vào mùa hè, anh em thường lau sạch sàn đi chân đất, lần nào cũng thế, bác ngồi xệp xuống đất để tháo đôi xăng đan nhựa trắng. Tôi cản thế nào cũng không được, bác không muốn khác mọi người.
Những năm 1980 – 1983, bác đã thấy yếu hơn trước, đôi khi đi nằm viện. Tôi tới thăm, bác tâm sự: “Vào đây tôi thấy nhớ nhất cái phòng làm việc của anh…” Tôi rất cảm động, và biết chắc ông bạn già của tôi không phải là người khách sáo. Có một điều, tới giờ tôi còn ân hận là, trước khi đi công tác nước ngoài, đã không gặp bác. Một buổi sáng, bác sang thăm tôi như thường lệ, sau này tôi được nghe kể lại, lúc đó bác đã yếu lắm, lên cầu thang gác phải nghỉ giữa chừng và bác phàn nàn là không biết bao giờ gặp lại tôi. Phải chăng đây là lời trăn trối gián tiếp của người bạn vong niên? Vì sau đó hai tuần, bác mất. Hôm tôi vừa về nước, đến nhà chia buồn và đứng trước bàn thờ có ảnh bác: vẫn mái tóc đen, đôi mắt cười vui và cái miệng hóm hỉnh như khi nào, tôi đã không cầm được nước mắt. Vào tuổi xế chiều, có một bạn tri kỉ như bác quả là một hạnh phúc… Nhưng bác đã vĩnh biệt tôi.
Hồ Đắc Di (1900 –1984), sinh ra tại Hà Tĩnh, trong một gia đình quý tộc gốc Huế, vốn có truyền thống khoa bảng, được cha mẹ cho sang Pháp du học từ năm 1918-1932. Sau khi học trung học ở Bordeaux, ông theo học Khoa Y tại trường Đại học Tổng hợp Paris, rồi được công nhận là bác sĩ nội trú ngành phẫu thuật.
Ông đã công bố 37 công trình nghiên cứu y khoa đứng tên chung với các đồng nghiệp, cộng sự và học trò, chủ yếu tập trung nghiên cứu và giải quyết các bệnh lý đặc trưng ở một nước nhiệt đới, nghèo nàn lạc hậu như Việt Nam như công trình nghiên cứu về viêm tụy cấp tính, điều trị bằng phẫu thuật các biến chứng viêm phúc mạc do thương hàn, phương pháp mổ mới trong phẫu thuật sản, nghiên cứu tình trạng sốc do chấn thương… , trở thành tác giả có uy tín với các báo và tạp chí chuyên ngành như báo Y học Viễn Đông, tạp chí Viện Hàn lâm phẫu thuật, báo Y hải ngoại của Pháp…
Năm 1931, Hồ Đắc Di trở về nước với mong muốn ứng dụng nghiên cứu vào thực tiễn nước nhà. Cách mạng Tháng Tám thành công, GS Hồ Đắc Di được giao nhiều trách nhiệm quan trọng như Tổng thanh tra Y tế, Tổng giám đốc Đại học vụ, Giám đốc Bệnh viện Đồn Thủy, đặc biệt là việc tổ chức lại trường Đại học Y Hà Nội, nơi ông giữ chức Hiệu trưởng từ năm 1954 đến năm ông nghỉ hưu (1973).
Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và kỹ thuật năm 1996.