Passion, Betrayal and Revolution in Colonial Saigon – Những ký ức của Bảo LươngGS Hồ Huệ Tâm (còn có tên gọi là Hồ Tài Huệ Tâm) đã nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy tại trường Đại học Harvard (Mỹ). Bà chuyên nghiên cứu về lịch sử Việt Nam. Mới đây bà vừa xuất bản cuốn sách: Niềm đam mê, sự phản bội và cuộc cách mạng tại Sài gòn thuộc địa – Những ký ức của Bảo Lương (Passion, Betrayal and Revolution in Colonial Saigon – Những ký ức của Bảo Lương). Đây là lần thư hai GS Hồ Huệ Tâm đến thăm Trung tâm CPD. Lần trước, vào tháng 3/2009, bà đã đến thăm và đóng góp nhiều ý kiến về các định hướng hoạt động cho Trung tâm.
Trong lần đến thăm này, GS Hồ Huệ Tâm có dịp tham quan kho lưu trữ về hồ sơ cá nhân các nhà khoa học tạiTrung tâm. Cán bộ Trung tâm cũng đã giới thiệu website di sản các nhà khoa học Việt Nam. Đây là hai thành quả đáng kể của Trung tâm sau gần hai năm hoạt động. Bà ngạc nhiên về những tư liệu phong phú mà Trung tâm sưu tầm được như bộ sưu tập hồ sơ cá nhân của GS Nguyễn Văn Nhân với hơn 4000 đầu tài liệu, bộ nhật ký gồm 10 cuốn viết tay của GS Nguyễn Tài Thu, những cuốn sổ ghi chép của GS.TSKH Lê Thế Trung từ những năm 50 của thế kỷ XX hay các bộ sưu tập thư của GS.TSKH Bùi Đại, PGS. BS Lê Sỹ Toàn…
Tại buổi gặp mặt, GS Hồ Huệ Tâm đã dành nhiều thời gian trao đổi với cán bộ Trung tâm CPD những suy nghĩ về công tác nghiên cứu, sưu tầm tư liệu về các nhà khoa học, nhất là cuộc đời của các bác sĩ, các nhà y học. Giáo sư giới thiệu kinh nghiệm một số tổ chức tương tự như thế này ở Mỹ thường chỉ tập trung vào việc lưu trữ tư liệu, làm catalogue. Bởi vì làm lưu trữ mất rất nhiều công sức, thời gian. Giáo sư trao đổi về phương pháp tiếp cận trong nghiên cứu cuộc đời các nhà khoa học lĩnh vực y học để làm rõ thêm về lịch sử phát triển của ngành y học hiện đại Việt Nam. GS Hồ Huệ Tâm đã đưa ra nhiều ý kiến góp ý với Trung tâm: Việc tập trung cho nghiên cứu về lĩnh vực y học rất là thú vị. Các vấn đề dạy và học y học ở Việt Nam bắt đầu từ đầu thế kỷ XX, khi trường Đại học Y khoa Đông Dương được mở ở Hà Nội khoảng 1902-1903 và trong kháng chiến vẫn còn chưa được tìm hiểu rõ ràng. Cần phải làm rõ trong điều kiện chiến tranh, các bác sĩ, y tá đã sống và làm việc như thế nào, cứu chữa cho người bệnh ra làm sao? Tâm tư tình cảm của họ với nhau, với người thân, với bệnh nhân… đều cần được hiểu rõ qua chính những người còn đang sống và qua các nguồn tư liệu của họ. Trung tâm nên tổ chức các cuộc hội thảo nhỏ, mời các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, mời các nhà khoa học mình đang nghiên cứu, đến để trao đổi. Như vậy vừa giới thiệu được các nguồn tư liệu Trung tâm đang có, vừa giới thiệu được các hoạt động của Trung tâm và quan trọng là nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu và các nhân chứng sống. Có nhiều nhà nghiên cứu đang muốn đi sâu tìm hiểu các vấn đề liên quan đến cuộc đời các nhà y học và lịch sử của các ngành y ở Việt Nam. Nhưng họ gặp phải khó khăn trong vấn đề tư liệu. Cần phải làm thế nào để giới thiệu được cho nhiều nhà nghiên cứu biết và đến hợp tác khai thác tư liệu ở Trung tâm. Các cuộc hội thảo nhỏ cũng là một trong những cách tiếp cận.
GS Hồ Huệ Tâm là một trong số các nhà khoa học quan tâm và có nhiều chia sẻ ý tưởng với Trung tâm. Nhân dịp này chúng tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới Giáo sư.

GS Hồ Huệ Tâm (áo đỏ) trao đổi về chuyên môn với cán bộ Trung tâm CPD

GS Hồ Huệ Tâm (áo đỏ) đang trao đổi cùng PGS.TS Nguyễn Văn Huy (bên phải)
về định hướng và phương pháp tiếp cận nghiên cứu cuộc đời các nhà y học.

GS Hồ Huệ Tâm xem một số hồ sơ lưu trữ tư liệu cá nhân các nhà khoa học
tại kho tư liệu của Trung tâm CPD

GS Hồ Huệ Tâm xem bộ nhật ký gồm 10 cuốn viết tay của GS Nguyễn Tài Thu
đang lưu giữ tại kho tư liệu Trung tâm CPD.
Bùi Minh Hào