Giáo sư Hoàng Châu Ký- những khát vọng dở dang…

Hoàng Châu Ký tham gia cách mạng từ  năm 16 tuổi, khi đang học Thành Chung ở Đà Nẵng. Năm 1950 ông là Ủy viên Thường vụ Chi hội Văn nghệ phía nam – Tổng Biên tập Báo Hừng Đông, báo Dân Tộc. Năm 1952, ông thành lập Đoàn tuồng Liên khu 5. Tháng 5-1955, ông đưa đoàn tập kết ra Bắc trên chuyến tàu cuối cùng. Năm 1957, ông trở thành thành viên sáng lập Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và là tổng thư ký đầu tiên của Hội. Ông cũng là người xây nền móng cho trường Nghệ thuật sân khấu, thành lập và làm Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam.

Chân dung GS Hoàng Châu Ký

Sau khi nước nhà thống nhất, ông về Đà Nẵng, lập trường Trung cấp Nghiệp vụ văn hóa miền Trung, và khi Viện Nghệ thuật sân khấu ra đời năm 1980, ông lại được điều ra làm viện trưởng, thụ phong Giáo sư năm 1984, nhận Giải thưởng Văn học nghệ thuật Nhà nước năm 2007.  Về hưu năm 1992, sống ở Đà Nẵng, ông lại lập Hội Bảo trợ tuồng ở Đà Nẵng và làm công trình nghiên cứu hát bội cho TPHCM. Ông mất vào ngày 31-1-2008, tại Đà Nẵng trong nỗi thương tiếc của giới văn nghệ sĩ và công chúng, để lại khoảng trống không bù đắp được trong lĩnh vực nghiên cứu tuồng…

Sinh thời, những ai từng tiếp cận Giáo sư Hoàng Châu Ký đều cho rằng, tuổi tác dường như không ảnh hưởng mấy đối với con người đầy sinh lực nghệ thuật này. Trong bất cứ cuộc tụ hội đông người nào, chỗ nào có mặt ông già Hoàng Châu Ký là chỗ ấy vang lên nhiều tiếng cười nhất. Ông đem đến cho đám đông không chỉ tiếng cười, mà còn cả những kiến thức, những trăn trở, vô số những việc muốn làm cho văn hóa-cho lớp trẻ, mà ông chưa có điều kiện và không còn thời gian thực hiện. Nhắc đến GS Hoàng Châu Ký,  trong mắt công chúng, lĩnh  vực  nghiên cứu tuồng gần như che khuất các góc cạnh khác của ông, mà ít ai nhớ  rằng ông còn là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam. Đặc  biệt, trước  thời  điểm  Quảng Nam và  Đà Nẵng chưa tách  thành hai đơn vị hành chính (1997), ông  là  Tổng  Thư ký  Hội văn nghệ  TP Đà Nẵng (cũ). Lúc ấy tôi là  Phân hội  trưởng  văn học nên có  điều  kiện  tiếp  cận Giáo sư Hoàng Châu Ký, nhiều lần được nghe  ông nói  chuyện  về  thơ Đường, thơ Pháp và cả  tiểu thuyết… Một lần làm tuyển tập về các nhà nghiên cứu văn hóa miền Trung, ông dành cho tôi một cuộc phỏng vấn riêng. Tuy thời gian thực hiện đã lâu, nhưng nay nhìn lại vẫn thấy còn nhiều điều mới lạ của người đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp tuồng Quảng Nam.

Trong bài phỏng vấn, ông tâm sự: “Từ khi còn nhỏ tôi đã được gần gũi với nghệ thuật hát tuồng, vì cha tôi là người hát tuồng rất hay. Hơn thế nữa, thời bấy giờ ở miền Trung, khắp nơi nghệ thuật hát tuồng rất phổ biến. Tôi vẫn nhớ, có lần tại tòa án quân sự liên khu 5, tôi đã chứng kiến cụ chánh án Phạm Phú Tiết đã xử án mà vô tình nói năng, điệu bộ y hệt hát tuồng. Tuồng là một nghệ thuật quý giá mang bản sắc dân tộc Việt Nam. Song, qua hai cuộc kháng chiến, tuồng bị mất mối liên lạc xúc cảm đối với lớp trung niên và thanh niên bây giờ. Nguyên nhân sự hạn chế của nghệ thuật tuồng, đó là: bên cạnh nhiều môn nghệ thuật mới đang phát triển hiện nay bản thân nghệ thuật tuồng lại đi không đúng hướng, đôi khi cải cách không đúng với bản sắc của tuồng. Tôi nhớ, có lần trong Quốc hội khóa III, vào giờ giải lao, Hồ Chủ tịch đã nói: “Tuồng tốt lắm, nhưng đừng dẫm chân tại chỗ phải cải tiến, song cũng chớ gieo vừng ra ngô”. Thật vậy, nếu không hiểu triết học phương Đông Dịch học thì không làm được tuồng chèo. Có một thời chèo bị cải cách lệch lạc, nhưng đến nay nó đã trở lại đúng diện mạo của mình nên thành công rất lớn”.

Một số tác phẩm liên quan đến tuồng của Giáo sư Hoàng Châu Ký đã in trước kia như: Sơ thảo lịch sử nghệ thuật tuồng (1973), Nghêu sò ốc hến (cải biên), Bình về nghêu sò ốc hến (viết chung với Phan Sỹ Phiên), Ba mươi năm sân khấu Việt Nam (viết chung với Thế Lữ)… Ngoài công tác nghiên cứu, GS Hoàng Châu Ký còn là đạo diễn của một số vở tuồng thành công.

Được biết những người con của GS sau này cũng đều làm công tác văn hóa nghệ thuật, trong đó có những tên tuổi như Ý Nhi, Hoàng Trọng Dũng… Ngoài cuốn hồi ký viết về những ngày đầu kháng chiến chống Pháp tại Quảng Nam Đà Nẵng, năm 1995, GS Hoàng Châu Ký hàng ngày đều viết vài trang cuốn sách Nhớ gì viết nấy. Cuốn sách này ông kể lại những gì từng chứng kiến: từ những lề lối phong kiến của các quan lại thời xưa, sinh hoạt của Đà Nẵng thời Pháp thuộc, chuyện văn nghệ, báo chí… và tất nhiên có nhiều chương nói đến hát tuồng. Sau ngày GS Hoàng Châu Ký qua đời, có nhiều cuộc hội thảo và nhiều tuyển tập sách nhắc lại cuộc đời hoạt động nghệ thuật của ông. Tuy nhiên thật đáng tiếc, không nghe ai nhắc về tập sách Nhớ gì viết nấy của ông để lại dở dang trước kia…


Trần Trung Sáng
Nguồn: http://www.cadn.com.vn/