Giáo sư Hoàng Minh Giám một trí thức tiêu biểu của thời đại Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh và GS Hoàng Minh Giám
(lúc bấy giờ là Bộ trưởng Ngoại giao) trong chuyến thăm Hungari, tháng 7-1957.

Sau này, khi được Trung ương điều lên làm Thư ký đồng chí Hoàng Quốc Việt –  Chủ tịch Tổng Công đoàn, rồi Chủ tịch Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam – đặc biệt là từ khi được cử vào Ban Thư ký, sau này Ban Thường trực Đoàn Chủ tịch, tôi có nhiều dịp làm việc với giáo sư, với các vị trong Đảng Xã hội, nhất là khi được phân công tham gia viết Lời điếu, càng biết thêm nhiều điều về ông, về cuộc đời và sự nghiệp của giáo sư, một trong những trí thức tiêu biểu nhất của nước ta ở thế kỷ XX, trong đó có chuyện giáo sư được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam từ ngày 8-6-1950.

Giáo sư Hoàng Minh Giám sinh ngày 4-11-1904 tại xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Thân sinh giáo sư là cụ Phó bảng Hoàng Tăng Bi – một nhà nho yêu nước, một trong những người sáng lập ra phong trào Đông kinh Nghĩa Thục. Do hoạt động tích cực chống chủ nghĩa thực dân nên đã bị thực dân Pháp kết án tù biệt xứ bởi đã diễn thuyết hô hào tinh thần yêu nước, chấn hưng văn hóa dân tộc.

Chịu ảnh hưởng sâu sắc tính cương trực, khẳng khái và tinh thần yêu nước của thân phụ, khi còn học ở Quốc học Huế, ông đã tham gia bãi khóa để phản đối một giáo sư Pháp đối xử tàn tệ với học sinh. Rời Quốc hội Huế ra Hà Nội, ông theo học Ban tú tài trường Bưởi rồi vào học khóa III trường Cao đẳng Sư phạm Đông dương (1923 – 1926). Tại đây, ông tham gia biểu tình đòi ân xá cụ Phan Bội Châu, tổ chức truy điệu cụ Phan Chu Trinh.

Năm 1926 sau khi tốt nghiệp, bị Sở mật thám Pháp xếp vào loại người “không nên để ở Hà Nội”, trường đã cử ông đi dạy ở trường SISOVATH bên Nông Pênh.

Cuối năm 1927 vì không chịu được thái độ phân biệt đối xử của viên Hiệu trưởng người Pháp, tuy được trả lương rất cao, viện cớ “Vì lý do sức khỏe” ông xin thôi việc và trở về Sài Gòn dạy các trường tư thục như: Huỳnh Khương Ninh, Huỳnh Công Phát, An Nam học đường v.v… đồng thời viết bài cho các báo xuất bản bằng tiếng Pháp như “Tiếng chuông rè” của Nguyễn An Ninh, “Người nhà quê” của Nguyễn Khánh Toàn, “Nước Nam” của luật sư Phan Văn Trường. Bị buộc tội “có tư tưởng chống Pháp” qua các bài báo, ông bị cấm dạy học ở Sài Gòn. Năm 1932, nhà giáo trẻ Hoàng Minh Giám trở về Hà Nội dạy cho trường thu thục Gia Long. Năm 1935, ông cùng một số đồng nghiệp có tinh thần yêu nước, tiến bộ như: Phan Thanh, Đặng Thái Mai, Nguyễn Dương, Nguyễn Cao Luyện v.v… sáng lập trường tư thục Thăng Long. Ông vừa làm hiệu trưởng, vừa dạy cho đến ngày Cách mạng Tháng Tám thành công. Đây là trường quy tụ nhiều giáo sư giỏi như: Võ Nguyễn Giáp, Bùi Kỷ, Phan Anh, Phan Mỹ, Nghiêm Xuân Yêm, Trần Hữu Mai v.v… nhiều trí thức yêu nước tiến bộ, nhiều học sinh hăng hái tham gia hoạt động cách mạng. Nhiều người sau này đã trở thành cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, Mặt trận, quân đội nhân dân Việt Nam v.v…

Ông tham gia Đảng Xã hội Pháp vào thời kỳ Mặt trận bình dân Pháp thắng lợi và khi Đảng xã hội Việt Nam được thành lập ngày 22-7-1946, ông là một trong những người đầu tiên được công nhận là đảng viên Đảng Xã hội Việt Nam.

Cách mạng Tháng Tám thành công, theo chủ trương mở rộng Chính phủ liên hiệp, theo Chỉ thị của Hồ Chủ tịch, đồng chí Võ Nguyên Giáp từ chiến khu trở về mời giáo sư Hoàng Minh Giám tham gia Chính phủ, giáo sư đã hăng hái nhận công tác, góp phần xây dựng bộ máy chính quyền cách mạng non trẻ và trở thành một thành viên tin cậy của chính quyền cách mạng.

Từ tháng 8-1945 đến tháng 3-1946 giáo sư đảm nhiệm chức Đổng lý văn phòng Bộ Nội vụ của Chính phủ lâm thời.

Trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 6-1-1946, ông trúng cử đại biểu Quốc hội và được cử làm Ủy viên Ban Thường trực Quốc hội khóa I. Được nhân dân tín nhiệm, ông liên tục được bầu làm đại biểu Quốc hội suốt 6 khóa. Đến khóa VII năm 1987 do tuổi cao, sức yếu, ông xin thôi không tham gia ứng cử.

Tháng 2-1947 ông được giao giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ đồng thời là trợ lý của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc giao thiệp với đại diện Pháp. Ông đã góp phần tích cực vào việc ký kết Hiệp định sơ bộ 6-3-1946. Giáo sư tham gia đoàn đại biểu Chính phủ ta tại Hội nghị Fontainebleau diễn ra vào tháng 7 và tháng 8-1946, sau đó được cử ở lại làm Trưởng đoàn và là người trực tiếp giúp Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Tạm ước Việt – Pháp ngày 14-9-1946.

Tháng 11-1946 theo Chỉ thị của Hồ Chủ tịch, ông rời Pháp trở về nước và được cử giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao do Chủ tịch Hồ Chí Minh kiêm Bộ trưởng sau đó tháng 3-1947 được cử làm Bộ trưởng và ông giữ trọng trách đó đến năm 1954. Để mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất nhằm tranh thủ những nhân sĩ, trí thức, quan lại cũ, những điền chủ, công thương gia trước đây chưa có quan hệ với Việt Minh hoặc chưa vào Việt Minh vì những lý do nào đó, nay muốn tham gia một tổ chức thích hợp để có điều kiện góp phần vào sự nghiệp củng cố nền độc lập của nước nhà. Đảng chủ trương vận động thành lập Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam.

Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 29-5-1946, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam tuyên bố thành lập. Hội nghị đã cử Hội trưởng danh dự là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội trưởng là cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phó Hội trưởng là cụ Tôn Đức Thắng. Mặc dù vắng mặt vì chính ngày hôm đó giáo sư nhận Sắc lệnh số 81 của Chủ tịch Hồ Chí Minh cử Hoàng Minh Giám và một số người khác tham gia phái đoàn Việt Nam sang Pháp để ngày 31-5 lên đường, giáo sư vẫn được Hội nghị nhất trí cử vào Ban Thường vụ.

Tháng 3-1951 tại Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh – Liên Việt, giáo sư là đại biểu Đảng Xã hội – được bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban Liên Việt toàn quốc.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, tháng 8-1954, ông được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ tuyên truyền, đến tháng 9-1955, đổi thành Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Kiêm nhiệm chức Hiệu trưởng đầu tiên của trường Đại học nhân dân.

Tại Đại hội thành lập MTTQ Việt Nam 10-9-1955, ông được cử vào Đoàn Chủ tịch và giữ cương vị đó cho đến ngày thống nhất các tổ chức Mặt trận.

Tại Đại hội thống nhất các tổ chức Mặt trận trong cả nước: MTTQ Việt Nam, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên Minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh từ ngày 31- đến 4-2-1977 ông được cử vào Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam và liên tục được tái cử qua các đại hội. Đến Đại hội IV năm 1994 ông được cử vào Ủy viên danh dự UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Tháng 6-1976, Quốc hội khóa VI cử ông làm Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội.

Do những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng, giáo sư Hoàng Minh Giám đã được Đảng, Nhà nươc trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng nhất, Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng nhất, huy chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, truy tặng Huân chương Đại đoàn kết. Giáo sư được nhiều nước, nhiều tổ chức quốc tế cũng như các bộ, ngành trong nước tặng nhiều huân, huy chương khác.

Là một nhà giáo, một trí thức yêu nước tiêu biểu, suốt đời vì dân, vì nước, suốt đời gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, giáo sư là người đại diện tiêu biểu cho sự chuyển biến của bộ phận trí thức yêu nước chân chính từ lập trường dân tộc sang lập trường xã hội chủ nghĩa.

Với gần 40 năm ở cương vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam và Phó Tổng Thư ký Đảng Xã hội Việt Nam, Giáo sư đã góp phần tích cực vào việc tập hợp, đoàn kết những trí thức yêu nước, tiến bộ, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đưa cả nước cùng lên chủ nghĩa xã hội. Giáo sư chính là người đặt nền móng cho việc tổ chức Bộ Văn hóa, tích cực xây dựng nền văn hóa mới tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Là một nhà ngoại giao tài năng, nhà hoạt động chính trị kiên định, giáo sư Hoàng Minh Giám đã góp phần tích cực vào việc thực hiện phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, làm sáng tỏ cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc ta chống thực dân Pháp xâm lược, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của bạn bè quốc tế và cô lập kẻ thù.

Mặc dầu tuổi cao, sức yếu, những năm tháng cuối đời, giáo sư vẫn nhiệt tình tham gia với tất cả tâm huyết vào sự nghiệp chung, chăm lo củng cố khối đại đoàn kết dân tộc và để lại cho MTTQ Việt Nam nhất là các vị Ủy viên UBTƯ đã từng cộng tác với giáo sư những hình ảnh sống động của một trí thức cả đời “Tậm trung với nước, tận hiếu với dân”.

Với gần 40 năm ở cương vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam và Phó Tổng Thư ký Đảng Xã hội Việt Nam, Giáo sư đã góp phần tích cực vào việc tập hợp, đoàn kết những trí thức yêu nước, tiến bộ, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đưa cả nước cùng lên chủ nghĩa xã hội.

Nguyễn Túc

(Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam)

Nguồn:daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/giao-su-hoang-minh-giam-mot-tri-thuc-tieu-bieu-cua-thoi-dai-ho-chi-minh/78892