Gần 90 tuổi, với nhiều công trình khoa học nổi tiếng trong nước và thế giới, GS Hoàng Tụy vẫn chưa hề ngơi nghỉ, vẫn say mê công việc. “Mình tranh thủ vì không có nhiều thời gian nữa đâu” – Ông bảo tôi.
Ấy vậy nhưng, khi nói chuyện về đề tài giáo dục, ông say sưa như quên cả thời gian. Ông nói về một nền giáo dục “khai sáng”. Một nền giáo dục trong đó con người là trọng tâm, con người phải được đặt lên hàng đầu, con người là quyết định, con người của tự do sáng tạo, không có bất cứ “vòng kim cô” nào cả … “Từ trước tới nay tôi không thay đổi quan điểm, trước vì chưa có điều kiện, nên tôi nói nhẹ nhàng … nay tôi nói rõ hơn …”.
Nhiều năm qua, tuy chưa có dịp gặp ông, nhưng qua những phát biểu của ông trên báo chí, tôi thấy nhiều trí thức chân chính đánh giá cao quan điểm giáo dục mới mẻ của ông. Nhiều gia đình đã dạy con theo quan điểm này. Trong việc dạy con, tôi cũng thấm nhuần quan điểm dạy con trước hết là dạy làm người chứ không phải dạy con học thuộc cái này cái khác để đi thi cho có cái bằng, để làm bàn đạp tiến thân.
Trong đạo lý làm người thì cái đức là quan trọng nhất. Làm người phải nhân đức. Đạo đức giả hay mọi việc làm thất đức (làm hại người khác) đều không thể chấp nhận được.
GS Hoàng Tụy nói rằng truyền thống gia đình ông, từ tổ tiên, ông bà, đến bố mẹ đều dạy con cháu đạo lý làm người là phải sống nhân đức, cái đức phải được đặt lên hàng đầu. Bậc làm cha, làm mẹ, dạy con bằng chính tấm gương của mình. “Mình sống thế nào? Nghĩ thế nào? Làm thế nào? Để con cháu nhìn vào mà sống. Nếu con làm sai thì nhắc nhở, không bao giờ áp đặt, bắt các con phải theo mình, phải làm thế này, thế khác quan trọng nhất là cái đức …” – GS Hoàng Thụy thổ lộ.
Hoàng Dương Tùng, người con cả của GS Hoàng Tụy kể: Khi cháu Hoàng Dũng (con trai Hoàng Dương Tùng) tốt nghiệp đại học, vợ chồng Hoàng Dương Tùng muốn Hoàng Dũng tiếp tục làm luận án cao học (làm Master), nhưng Hoàng Dũng không muốn. Hoàng Dương Tùng nhờ bố khuyên nhủ cháu. Không ngờ, GS Hoàng Tụy bảo con trai rằng: nếu Hoàng Dũng không muốn đi theo con đường nghiên cứu, chọn con đường trực tiếp đi vào thực tế cuộc sống thì nên tôn trọng ý nguyện của cháu.
“Bấy giờ em mới ngớ ra. Từ trước đến nay, bố không bao giờ ép các con phải đi theo nghề toán của bố. Điều bố em quan tâm nhất ở các con là giáo dục tính trung thực, không chấp nhận mọi sự giả dối dù vì bất cứ lý do nào. Trung thực và lao động, sáng tạo hết mình. Trong việc giáo dục con cháu, bố em còn tân tiến hơn tụi em đấy chứ” – Hoàng Dương Tùng thổ lộ.
Tháng trước, tôi thấy Hoàng Dương Tùng phát biểu trên truyền hình về vấn đề ô nhiễm không khí ở Thủ đô Hà Nội. Ý kiến của Hoàng Dương Tùng rất thẳng thắn, chính sự trung thực trong ý kiến của Hoàng Dương Tùng đã thực sự thuyết phục tôi.
GS Hoàng Tụy có bốn người con đều học hành đến nơi đến chốn. Hoàng Dương Tùng sinh năm 1957, tiến sỹ, hiện làm việc ở Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hoàng Hồng Hà sinh năm 1960, kỹ sư tin học, tốt nghiệp Đại học Bbách khoa. Hoàng Dương Tuấn sinh năm 1964, hiện là Giáo sư Đại học Sydney (Úc). Hoàng Dương Tiến sinh năm 1969 là kỹ sư.
GS Hoàng Tụy nói rằng, hồi còn trẻ, theo cách giáo dục cũ, cũng có lúc ông quát mắng các con. Nhưng rồi ông nhận thấy không có tác dụng, không hay, không đúng … Giáo dục con cũng như khám phá cuộc sống là cả một quá trình tiếp cận chân lý. Chỉ có những người trí thức chân chính mới dám dũng cảm từ bỏ những định kiến cũ, những tư tưởng cũ, những cái đã trở nên lỗi thời.
Tôi thực sự khâm phục những người trí thức chân chính như GS Hoàng Tụy.
GS Hoàng Tụy sinh năm 1927 tại Điện Bàn, Quang Nam, trong một gia đình nhiều đời khoa bảng. GS Hoàng Tụy là cháu nội của cụ Hoàng Văn Bảng, đậu cử nhân, từng giữ chức Án sát sứ nhiều tỉnh như Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quảng Bình, Hà Tĩnh. Cụ Hoàng Văn Bảng là em ruột của Tổng đốc Hoàng Diệu, người đã tuẫn tiết trên thành Hà Nội, quyết không đầu hàng thực dân Pháp, để lại một tấm gương sáng cho đời sau.
GS. Hoàng Tụy và nhà toán học Nga nổi tiếng L.V.Kantorovich
– chuyên gia hàng đầu thế giới về ứng dụng toán học
vào kinh tế, đã được giải thưởng Nobel năm 1974.
Thân phụ của GS Hoàng Tụy là Hoàng Kỳ, từng làm quan dưới thời vua Duy Tân, ông có 7 người con thì 5 người là Giáo sư đại học nổi tiếng: GS Hoàng Phê (ngôn ngữ) , GS Hoàng Quý (vật lý), GS Hoàng Kiệt (mỹ thuật), GS Hoàng Tụy và GS Hoàng Chủng (toán học). Năm Hoàng Tụy lên bốn tuổi, thân phụ qua đời, tuy thận phụ ông làm quan nhưng là quan thanh liêm nên gia đình rất khó khăn, mẹ ông phải bươm chải nuôi con.
GS Hoàng Tụy là một nhà toán học tiêu biểu của Việt Nam. Ông là một trong hai người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án Phó tiến sỹ khoa học tại Đại học danh tiếng Lomonosov (Liên Xô cũ). GS Hoàng Tụy và GS Lê Văn Thiêm là hai người tiên phong xây dựng nghành toán học Việt Nam. GS Hoàng Tụy là cha đẻ của lĩnh vực tối ưu hóa toàn cục trong toán học ứng dụng.
Từ năm 1961 đến 1968, GS Hoàng Tụy là Chủ nhiệm Khoa toán Đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ). Năm 1980 đến 1989, ông là Viện trưởng Viện toán học Việt Nam. Năm 1964, ông phát minh ra phương pháp “Lát cắt Tụy” đánh dấu sự ra đời của chuyên nghành toán học lý thuyết tối ưu toàn cục. Năm 1997, Viện công nghệ Linkôping (Thụy Điển) tổ chức một Hội thảo quốc tế với chủ đề “Tìm tối ưu từ địa phương đến toàn cục” tôn vinh GS Hoàng Tụy, “Người đã có công trình tiên phong trong lĩnh vực tối ưu toàn cục và quy hoạch toán học tổng quát” nhân dịp GS Hoàng Tụy tròn 70 tuổi.
Năm 2007, một Hội nghị quốc tế ở Rouen (Pháp) ghi nhận những đóng góp tiên phong của GS Hoàng Tụy. Năm 2011, GS Hoàng Tụy là người Việt Nam đầu tiên vinh dự nhận giải thưởng Constantin Caratheodory. Ông cũng là Tiến sỹ danh dự của Đại học Linkôping (Thụy Điển).
Với trên 100 công trình khoa học có uy tín, Tổng biên tập hai tạp chí toán học ở Việt Nam và là Ủy viên ban biên tập 3 tạp chí toán học quốc tế, GS Hoàng Tụy là một nhà toán học, một nhà khoa học, một nhà giáo dục có uy tín hàng đầu ở nước ta. Ông đã được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Phan Châu Trinh.
Trò chuyện với ông, tôi hiểu ra nhiều điều, chính vì thường xuyên tiếp cận với cái mới, với những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới nên ông càng trở về với cái gốc của giáo dục, trong đó có giáo dục gia đình, giáo dục con cháu là phải luôn lấy cái đức làm đầu. Phương pháp giáo dục gọi là “khai sáng” của ông, theo thiển nghĩ của tôi chính là sự kết hợp hài hòa giữa giáo dục truyền thống của ông cha ta nghìn đời nay và những yếu tố tiên tiến của nền giáo dục hiện đại ở nhiều nước văn minh trên thế giới…
Dương Kỳ Anh
http://vnca.cand.com.vn/Tu-lieu-van-hoa/