Đúng ra, là một trong số không nhiều các thầy cô giáo khoa Văn có được may mắn là học sinh và sau đó là đồng nghiệp của thầy Hoàng Xuân Nhị ngày ấy, nhân lễ kỉ niệm 100 năm sinh của thầy (1914-2014), tôi phải có đôi ba dòng. Nhưng như tôi đã có lời với anh Phạm Thành Hưng, người tổ chức cuốn sách này, rằng tôi biết về thầy Nhị ít lắm. Đơn giản thôi, vì cái ngày bước chân vào trường, tôi hãy còn là một anh chàng “nhà quê” đặc sệt, đến giao tiếp với bạn bè cùng lớp đã thấy khó khăn, huống chi lại là giao tiếp và hiểu được một giáo sư tầm cỡ như thầy Hoàng Xuân Nhị. Tôi nhớ năm tôi vào trường (tháng 11 năm 1971), giáo sư Hoàng Xuân Nhị đã là chủ nhiệm khoa Văn gần 15 năm, lại là một nhà khoa học nổi tiếng, với chúng tôi những “cậu bé sinh viên” nhà quê như đã nói, tiếp cận và nhất là để hiểu được thầy thật là điều không tưởng. Thậm chí ngay cả sau này, khi tôi có may mắn được là đồng nghiệp của thầy, nhưng do không sinh hoạt cùng tổ bộ môn, chủ nhiệm khoa Hoàng Xuân Nhị ngày ấy cũng ít vào khoa, những công việc hàng ngày ông đều ủy thác cho hai phó khoa, giáo sư Nguyễn Văn Tu và Đỗ Đức Hiểu đảm nhiệm, nên cũng không hiểu thêm được là mấy. Vì thế, như những gì tôi đã trình bày trên hoàn toàn là sự thật…
Nhưng, nói như thế cũng không có nghĩa tôi không hiểu biết gì về người thầy đã có công dạy dỗ mình, lại đã từng lãnh đạo khoa trong suốt thời gian dài tới 25 năm. Làm sao lại không hiểu khi tôi có ít nhất 4 năm khi còn là sinh viên Tổng hợp Văn, và 6 năm được là đồng nghiệp của thầy ở khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp (từ 1976 đến 1982)? Vậy mà vào lúc Ban tổ chức Hội thảo kêu gọi các thầy cô trong khoa, nhất là những người cùng thời, hãy viết đôi dòng về thầy, bỗng nhiên tôi thấy khó quá. Nghĩ thế, nhưng tôi vẫn có đôi chút ghen tị với anh bạn đồng môn Nguyễn Hữu Đạt, cũng chẳng khác tôi mấy về hoàn cảnh, vậy mà anh viết được hẳn cả một chương dài khá lý thú về ông thầy của chúng tôi từ cách đây nhiều năm. Tất nhiên tôi biết những câu chuyện của Hữu Đạt về giáo sư Hoàng Xuân Nhị trong Văn khoa chân dung kí đa phần đều được thêu dệt từ những giai thoại, đó không hẳn là những câu chuyện có thật. Biết thế, nhưng đọc những dòng Hữu Đạt viết về thầy Nhị tôi vẫn thấy vui vui. Hóa ra có một thời, thầy Nhị của chúng tôi, trong cái nhìn “tếu táo” của đám học trò Văn khoa là như vậy. Suy đi, nghĩ lại tôi ngộ ra dù là “giai thoại”, thì ít hay nhiều vẫn có phần nào liên quan tới sự thật. Vậy thì dẫu không có điều kiện biết nhiều về thầy, mình vẫn có thể thông qua giai thoại “dựng” lại chân dung thầy. Một quy luật của dân gian bao giờ cũng đúng là giai thoại trong dân gian gian thực ra chỉ xuất hiện với những người nổi tiếng. Và giai thoại suy cho cùng vẫn được chắt lọc từ các sự kiện đời sống có thật. Thêm nữa, một chân dung được “dựng” từ giai thoại thì dù đúng sai thế nào, hẳn người đọc sẽ không trách cứ mình nhiều. Vậy là vượt qua mọi nỗi e ngại, tôi mạnh dạn viết những dòng này. Tôi tạm đặt đầu đề bài viết của mình là Giáo sư Hoàng Xuân Nhị – chân dung và giai thoại. Tôi rất mong những người thân của ông, kể cả các thế hệ đồng nghiệp, học trò của người thầy đáng kính một thời lượng thứ nếu những dòng viết của tôi có điều gì đó chưa thật chính xác. Tôi xin khẳng định lại, tôi đã “dũng cảm” viết về một con người, mà vốn dĩ mình không có điều kiện hiểu biết nhiều, chỉ vì lý do duy nhất là tình yêu và sự kính trọng. Tôi tạm hình dung người thầy đáng kính ấy qua bốn bức chân dung: người thầy giáo, nhà quản lý, nhà khoa học và một ông thầy của cuộc sống thường ngày…Tôi còn nhớ như in, khoảng tháng 11 năm 1971, từ một làng quê tít tận xứ Thanh, có một “cậu học trò” gần như chưa có một chút khái niệm nào về Tổng hợp Văn bất ngờ trở thành sinh viên cái nơi mình chẳng biết gì. Có thể những điều tôi tiết lộ với các bạn, những bạn trẻ hiện nay đang công tác tại khoa và đang tiếp nối ngọn lửa và niềm đam mê văn chương của giáo sư Hoàng Xuân Nhị ngày ấy, không chắc đã tin, nhưng tôi xin khẳng định đó là sự thật. Đúng thật là khi đã bước chân vào Tổng hợp Văn rồi, tôi vẫn không hình dung nổi Tổng hợp Văn nghĩa là học cái gì. Vì thế mà cũng dễ hiểu, lúc đầu thậm chí chúng tôi cũng không hình dung nổi các thầy cô dạy dỗ chúng tôi sẽ là những ai (có phải mấy ông nhà thơ, nhà văn Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Xuân Diệu hay Huy Cận?), bộ máy Ban chủ nhiệm khoa trong đó có giáo sư Hoàng Xuân Nhị như thế nào? Một vài tháng đầu đến khoa chúng tôi chỉ được tiếp xúc chủ yếu với thầy chủ nhiệm lớp (nếu không nhầm thì đó là thầy Bùi Ngọc Trác, rồi sau đó là thầy Lê Chí Dũng, đều thuộc bộ môn Văn học Việt Nam và Lí luận văn học). Do thời gian đầu mới bước chân vào trường, những trận ném bom dữ dội của giặc Mĩ xuống miền Bắc Việt Nam vẫn còn hết sức khốc liệt, lớp học chúng tôi cứ phải sơ tán hết chỗ này sang chỗ khác; việc học hành cũng “gặp chăng hay chớ”, bữa được bữa không, lúc đó thầy Nhị lại đang là chủ nhiệm khoa, chúng tôi rất ít có cơ hội được gặp mặt. Tôi nhớ, cuộc gặp gỡ đầu tiên hiếm hoi nhất với giáo sư Hoàng Xuân Nhị là sau khi chính quyền Mỹ kí Hiệp định ngừng ném bom miền Bắc, lớp chúng tôi từ chỗ sơ tán quay trở lại Hà Nội, hai khoa Văn Sử được trở lại đóng đô tại kí túc xá Mễ Trì bây giờ. Buổi học đầu tiên tôi được diện kiến thầy Nhị diễn ra tại căn gác 2, nhà C3. Tôi vẫn nhớ như in, hôm đó thầy Nhị bắt đầu buổi giảng đầu tiên chuyên đề Tìm hiểu thơ Hồ Chủ tịch. Trước đó thỉnh thoảng tôi cũng đã được nghe các anh chị lớp trên kể qua về thầy, vì thế mà rất háo hức. Chẳng hạn, người ta kể thầy vốn có họ hàng rất gần gũi với giáo sư Hoàng Xuân Hãn, một học giả Việt kiều nổi tiếng ở Pháp từ những năm 40 của thế kỉ XX. Đang học Luật tại Hà Nội, nhận được học bổng du học Pháp, thầy sang trời Tây tu nghiệp. Lẽ ra nếu không có những biến thiên của thời cuộc, giáo sư Hoàng Xuân Nhị có khi đã yên vị “làm ăn” tại Pháp. Thế nhưng, do hoàn cảnh đất nước bị ngoại xâm, giống như một số nhà trí thức Tây học đương thời, giáo sư Nguyễn Khắc Viện, Trần Đại Nghĩa, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường…, thầy Nhị đã quay trở lại tham gia kháng chiến. Ngày trở về nước, thầy từng kinh qua nhiều chức vụ và công việc khác nhau, mãi đến tận năm 1957, thầy mới chính thức được cử làm chủ nhiệm khoa Ngữ Văn ở thời điểm được coi là “nóng bỏng” nhất: lúc ấy đất nước ta đang diễn ra những cuộc đấu tranh tư tưởng rất cam go, khoa Ngữ Văn cũng được coi là một mặt trận nóng bỏng. Giáo sư Hoàng Xuân Nhị được cấp trên đặc cách cử về giữ chức chủ nhiệm khoa, một cơ sở đào tạo tập trung nhiều gương mặt nổi tiếng cá tính, với ý muốn bằng uy tín, thầy sẽ tạo được sự ổn định. Vì lẽ ấy, cái ghế chủ nhiệm khoa được coi là lâu năm nhất ở trường Đại học Tổng hợp nói riêng, và nước ta nói chung, chính là của thầy Hoàng Xuân Nhị (từ 1957 đến 1982).
Bức chân dung giáo sư Hoàng Xuân Nhị trong cương vị một nhà quản lý để lại không ít giai thoại, có cái thì đúng, có cái thì do người ta thêu dệt thêm, nhưng nói chung đó là một bức tranh thật “ấn tượng”. Chẳng hạn, là chủ nhiệm khoa, nhưng thầy Nhị rất ít khi có mặt trong khoa (chả bù bây giờ, chủ nhiệm khoa suốt ngày cứ phải lo việc sự vụ như một ông chủ nhiệm hợp tác xã), mọi công việc quản lý đều được giao cho hai phó chủ nhiệm đều gầy guộc như một cây sậy, đó là giáo sư Nguyễn Văn Tu và Đỗ Đức Hiểu. Hoặc, đường đường là giáo sư chủ nhiệm khoa, nhưng có lẽ đây là vị chủ nhiệm ít quan tâm đến quyền lực nhất từ trước tới nay tôi được biết. Có vẻ như ông không phải là “tuýp” người ham mê và biết sử dụng quyền lực cho lợi ích cá nhân mình. Còn lý do tại sao không ham mê quyền lực mà ông lại giữ ghế chủ nhiệm khoa lâu thế, thì như tôi đã giải thích ở trên: ở thời điểm ấy, khoa Văn rất cần một con người như thế. Bởi thế, kể từ khi là chủ nhiệm khoa, giáo sư Hoàng Xuân Nhị chỉ đau đáu lo giữ cho cái “gia đình” mình được giao làm chủ có được sự “bình ổn”. Giáo sư rất rất ý thức và tự hào về điều này. Thỉnh thoảng cao hứng làm thơ, ông vẫn không quên nhắc lại “niềm đau đáu” ấy: “Cách mạng đỏ làm khoa học đỏ/Ngàn năm mới có được duyên này”; hay “Nay trường còn nhà tranh vách đất/ Nhưng hồn đã công xã thanh xuân”. Sinh viên khoa Ngữ Văn thời ấy rất khoái trá mỗi khi đọc cho nhau nghe những câu thơ “Bút Tre” này của giáo sư Hoàng Xuân Nhị. Còn rất nhiều những giai thoại kiểu thế tôi nghe được ngay cả khi đã trở thành đồng nghiệp của thầy. Ví như, để lo sao cho “trong ấm, ngoài êm”, chủ nhiệm khoa Hoàng Xuân Nhị phó mặc hết công việc quản lý hàng ngày cho hai phó chủ nhiệm hết sức mẫn cán là Nguyễn Văn Tu và Đỗ Đức Hiểu. Tức là việc đối nội. Còn công việc đối ngoại, tự thân ông “bươn chải” để lo giữ gìn. Chẳng hạn, thỉnh thoảng ông lại có nhiệm vụ gặp các “đồng chí cấp trên” xin ý kiến chỉ thị và báo cáo tình hình diễn biến tư tưởng trong khoa. Hồi còn là sinh viên, tôi đã được nghe kể lại chính khoa Văn đã có công rất lớn trong việc phát hiện ra “những mầm mống tư tưởng lạc hướng” trong tập thơ Cửa mở của nhà thơ Việt Phương, lúc ông còn làm thư kí riêng cho thủ tướng Phạm Văn Đồng. Hay mấy thầy bên Lý luận, thỉnh thoảng lại “tiết lộ” vừa rồi đã có công phát hiện ra “tư tưởng xét lại” trong tập truyện Mở hầm của Nguyễn Dậu; hoặc nữa, ở nước Nga người ta quy kết vấn đề xét lại trong Người thứ 41. Thậm chí cả chúng tôi khi được chui vào Thư viện Quốc gia đọc những truyện ngắn tuyệt hay của nhà văn Nga Pautovski (Tuyết, Cô gái làm ren Natshenka, Lẵng quả thông, Bình minh mưa) vẫn cứ “thì thụt” rỉ tai nhau là ông nhà văn này hình như“xét lại” (ảnh hưởng từ thầy), v.v và …Nói tóm lại, là chủ nhiệm khoa của một thời như thế với giáo sư Hoàng Xuân Nhị sao lại không thể tự hào? Tình yêu với chế độ của thầy Nhị hồi ấy hệt như của một tình nhân với một tình nhân, rất giống với nhà thơ Tố Hữu trong Bài ca mùa xuân 61: “Mà nói vậy trái tim anh đó/Rất chân thật chia ba phần tươi đỏ/ Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều/Phần cho thơ và phần để em yêu/Em xấu hổ thế cũng nhiều anh nhỉ?”. Tình yêu đó in dấu ấn trong hầu hết các công trình nghiên cứu của thầy: Nguyên lý Mĩ học Marx Lénine, Lénine và tính Đảng trong văn học cách mạng hiện đại, Chủ nghĩa xét lại hiện đại trong văn học nghệ thuật một số nước, Tìm hiểu thơ Hồ Chủ tịch, Chống tư tưởng tư sản phản động hiện đại trong mỹ học và văn học nghệ thuật v.v và v.v…
Cũng thật may, khoa Ngữ Văn thời ấy có một trợ lý giáo vụ hết sức đặc biệt. Ông là Phan Trác Cảnh. Ông là trợ lý giáo vụ, nghĩa là người thay mặt khoa làm việc trực tiếp với sinh viên, nhưng nhất nhất chúng tôi thời ấy đều gọi là thầy. Thầy “xịn”. Thậm chí có chuyện buồn cười, do không biết mặt hết các thầy cô trong khoa, nên với một vài ông thầy chính hiệu, đại loại như Trần Văn Thuyết, bộ môn Hán Nôm (tôi nhớ có lần đi coi thi ở Vinh, thầy Thuyết đã bị mấy ông bảo vệ đường sắt kéo xuống khi đoàn tàu sắp chuyển bánh, với lý do “đây là tàu chở các thầy giáo đại học đi công tác, bác xuống chờ đi chuyến khác”); kể cả phó khoa Nguyễn Văn Tu, một số sinh viên gặp thì chào bằng bác. Trong khi đó, với Phan Trác Cảnh, nhất loạt đều kính trọng gọi thầy. Có lẽ, vì thầy Cảnh có dáng người trắng trẻo thư sinh, lúc nào cũng đeo một đôi kính trắng trông rất trí thức, nên ông đã tạo được niềm tin đặc biệt đó. Một mình ông gần như “gánh vác” hết các phần việc mà bình thường cả ban chủ nhiệm phải làm. Giáo sư Hoàng Xuân Nhị sở dĩ không phải quá lo lắng nhiều đến những công việc “vặt vãnh” trong khoa cũng một phần vì thế. Và có lẽ vì thế, khác với hai ông phó khoa, chủ nhiệm khoa Hoàng Xuân Nhị rất nhiều năm vẫn giữ được phong độ của một “giáo sư Tây học”. Ông có dáng người cao to, trắng trẻo, vì cao quá nên dáng đi của ông hơi “lòng khòng”, tóc và râu ngay từ hồi ấy đã bạc trắng. Cái dáng bề ngoài ấy, trong quan niệm của người Việt Nam chúng ta luôn được coi là “phúc hậu”. Mà thầy Nhị thì phúc hậu thật. Chưa bao giờ gặp và nói chuyện với ông, nhưng ngay từ buổi đầu tiên nhìn từ xa, tôi đã cảm giác thầy gần gũi và thân thiết. Trong gần chục năm được biết thầy, tuyệt nhiên tôi chưa bao giờ thấy giáo sư Hoàng Xuân Nhị nóng giận, hay “to tiếng” với ai bao giờ. Trong suy luận của tôi thời ấy, cũng có lẽ vì là “dân trí thức”, lại được đào tạo từ nền giáo dục Tây, nên thầy điềm đạm, lịch lãm trong cách cư xử cũng là dễ hiểu. Bức chân dung ông thầy từ cách đây hơn 40 năm, vẫn còn được lưu giữ mãi trong tâm trí tôi ban đầu là như thế. Thầy vào lớp, một vai đeo chiếc “xà cột”, tay kia thì thường xách một chiếc túi rất to, nghe nói cứ mỗi lần đi dạy về, ông lại ghé chợ Kim Liên mua thức ăn cho cả nhà. Tuy nhiên, đó chỉ là những điều mãi sau này tôi mới biết. Chứ thực ra hồi ấy, cứ nhìn thấy thầy cưỡi xe máy Simpson mỗi lần vào khoa là đã thấy ngưỡng mộ, kính phục lắm rồi. Vào lớp, ông lần lượt lôi ra một chiếc radio nhỏ để lên bàn, rồi lôi tiếp ra một chiếc mic hình giống chiếc radio nhỏ hơn, gõ bồm bộp, hỏi chúng tôi “các em nghe có rõ không?”, khiến chúng tôi không khỏi buồn cười liên tưởng tới một thói quen của cụ Hồ, trước khi nói với dân chúng luôn bắt đầu bằng câu “đồng bào nghe tôi nói có rõ không?”. Ấn tượng đầu tiên của tôi lần đầu tiên diện kiến giáo sư Hoàng Xuân Nhị là như vậy. Vì háo hức và lạ lẫm, thậm chí tôi không còn nhớ cái buổi đầu tiên dạy thơ Hồ Chủ tịch ấy, thầy Nhị đã nói với chúng tôi những gì, có hay không? Về sau này tôi được nghe thêm nhiều giai thoại xung quanh bài giảng và sự truyền nghề của thầy với anh bạn đồng môn Nguyễn Văn Nam. Nghe nói trước khi chuyển giao giáo trình cho người “đệ tử” kế cận, thầy Nhị cẩn thận lắm. Thầy dặn dò từng chi tiết; thầy trao cho cậu học trò toàn bộ giáo án Tìm hiểu thơ Hồ Chủ tịch được đánh máy ronéo bằng loại giấy đen mù, ghi chú từng ý rất rõ ràng, thậm chí có chỗ thầy còn ghi ra ngoài lề: “đến đây thì khóc”. Đại loại những giai thoại của khoa Văn về giáo sư Hoàng Xuân Nhị là như thế. Tôi không thể xác định được có bao nhiêu phần trăm là sự thật, bao nhiêu là sự thêu dệt của mấy ông học trò tinh quái khoa Văn, vốn từ lâu đã bị coi là tếu táo. Cái này cần phải hỏi đích danh thầy Nguyễn Văn Nam, người đệ tử ngày nào bây giờ cũng đã nghỉ hưu, nhưng vẫn còn đủ minh mẫn cho chúng ta biết đâu là sự thật. Tuy nhiên, dù thật hay không, tôi nghĩ rằng cũng không có gì quá quan trọng. Những giai thoại kiểu thế ở khoa Văn thật ra đâu có thiếu gì. Đó cũng được coi là một “phẩm chất” không thể thiếu làm nên thương hiệu Tổng hợp Văn mà. Điều quan trọng, qua giai thoại ta được biết rõ hơn một nét tâm hồn giáo sư Hoàng Xuân Nhị. Là một giáo sư danh tiếng, thầy Nhị trong cuộc sống hàng ngày và trong công việc hết sức bình dị, đáng yêu. Ông không tỏ ra quan cách bao giờ. Chúng tôi nghe nói thầy là chủ nhiệm khoa lâu năm nhất ở trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cũng vì có lý do không ai có thể đảm đương được công việc của ông hồi ấy. Vừa là chủ nhiệm, lại là giáo viên giảng dạy ở khoa, tôi biết, thỉnh thoảng thầy Hoàng Xuân Nhị vẫn có những cuộc gặp gỡ, làm việc riêng với những “đồng chí” có chức trách trong Ban Tuyên giáo và Bộ Giáo dục Đào tạo. Vào thời điểm khi đất nước có chiến tranh, vấn đề ý thức hệ hay đấu tranh tư tưởng vẫn còn được coi là rất hệ trọng. Dân văn chương thời ấy lại vốn có tư tưởng “nổi loạn”. Giáo sư Hoàng Xuân Nhị đã làm tròn phận sự của mình với tư cách người đứng đầu một trung tâm đào tạo tầm cỡ trong ngành Ngữ văn suốt những năm từ 1957 đến 1982. Ở thời điểm đó, quả là không phải ai cũng có thể đủ bản lĩnh để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình được như thầy Nhị.
Ngoài phong cách bình dị, dân dã và nét tâm hồn rộng mở trên, giáo sư Hoàng Xuân Nhị còn được biết đến qua chân dung một nhà khoa học. Xung quanh câu chuyện thầy Nhị làm khoa học, thời ấy ở khoa Văn cũng có nhiều giai thoại rất vui. Tôi nhớ anh Hữu Đạt có viết trong Văn khoa chân dung ký giai thoại rằng, hồi mới ở khoa, cùng sinh hoạt chuyên môn với những nhà khoa học tầm cỡ như Trương Tửu, Nguyễn Mạnh Tường, và trước đó còn có cả triết gia Trần Đức Thảo (bên Ban Sử) của đại học Văn khoa, vì đức tính khiêm nhường, những ngày đầu thầy Nhị chỉ như một người “học trò nhỏ”. Sự khiêm nhường của giáo sư Hoàng Xuân Nhị ở thời điểm ấy cũng hoàn toàn có lí. Dẫu sao so với các nhân vật “cự phách” nói trên, đã từng có mặt ở Đại học Văn khoa ngay từ ngày đầu mới thành lập (1945), thì mặc dù giáo sư Hoàng Xuân Nhị đã nổi tiếng, nhưng vẫn có vẻ “lép vế”, thêm nữa thầy còn là người có đức tính khiêm nhường. Xung quanh mối quan hệ công việc với những nhân vật “ít khiêm nhường” như Trương Tửu, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, giáo sư Hoàng Xuân Nhị cũng để lại vài giai thoại khá thú vị. Trước hết về thầy Trương Tửu, chúng tôi ai cũng biết ông đã nổi tiếng với nhiều tư cách: nhà giáo, nhà báo, nhà văn. Ông đã từng là giám đốc văn chương (một chức vụ tương đương Tổng biên tập bây giờ) Nhà xuất bản Hàn Thuyên trước khi về khoa Văn. Xung quanh ông thầy rất cá tính này, tôi cũng từng được nghe khá nhiều giai thoại thú vị. Ông có cách viết “tưng tửng” mà ít có thầy giáo nào ở khoa Văn có được. Ví dụ, bàn về Truyện Kiều, một kiệt tác của Đại thi hào Nguyễn Du, ông viết: “Truyện Kiều chỉ là kết tinh của những cái suy nhược trong cốt tính Việt Nam. Đầu tiên là cái ủy mị. sau cái ủy mị là cái hèn […]; sau cái hèn là cái trốn tránh” (Văn chương Truyện Kiều); hay thời gian giảng dạy tại khoa Văn, rất ý thức về tài năng của mình, trước các sinh viên, bao giờ ông cũng có bài “thuyết giáo” quen thuộc rằng: “Các anh chị có biết được là sinh viên thì vinh dự thế nào không? Tôi xin nói thẳng vinh dự lắm lắm. Nhưng đã là sinh viên mà không học Văn, thì không phải là sinh viên; chưa hết, là sinh viên khoa Văn rồi, mà không được nghe thầy Trương Tửu giảng thì cũng không thể là sinh viên được”. Thầy Trần Đức Thảo thì tuy không ở Ban Văn, nhưng khi Văn Sử còn chưa phân biệt, tức là khi còn là Đại học Văn khoa chung, thầy thuộc số người có mặt sớm nhất. Thêm nữa, ở thời điểm ấy, “văn, sử, triết bất phân”, nên cũng có thể xem triết gia Trần Đức Thảo cũng thuộc thế giới những người hoạt động văn học. Ông có mặt ngay từ sau 1945 khi Bác Hồ kí sắc lệnh thành lập Trường Đại học Văn khoa. Tên tuổi của ông thì không chỉ những nhà nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn ở nước ta hồi ấy đều biết, mà ngay cả sinh viên chúng tôi thế hệ sau này cũng ngưỡng mộ. Những giai thoại về ông triết gia Việt Nam đã từng “dám tranh luận năm ăn, năm thua” với triết gia hiện sinh Pháp nổi tiếng Jean Paul Sartre, nghe lại ai cũng thấy tự hào. Thời là cán bộ trẻ tôi còn được nghe một giai thoại khác về ông có liên quan ít nhiều đến thầy Phan Ngọc mà chúng tôi tuy không được dự giảng nhưng thường xuyên được tiếp kiến ông. Có lần, Thư viên Khoa học Xã hội muốn dịch bộ Mỹ học Hégels từ tiếng Đức sang tiếng Việt. Biết là khó và ở Việt Nam lúc ấy chỉ có duy nhất Trần Đức Thảo là dịch nổi, Ban Giám đốc thư viện đã cử người đến mời thầy. Lúc ấy, Trần Đức Thảo đã rời khỏi khoa Văn về làm việc ở đây. Vậy nhưng, không biết vì lí do gì, ông nhất quyết từ chối. Về sau, tôi cũng nghe kể lại, người ta đã phải nhờ giáo sư Phan Ngọc (Nhữ Thành) dịch Mỹ học Hégels. Khi đó, thầy Ngọc cũng chưa biết tiếng Đức. Người thứ ba, vị giáo sư hai bằng tiến sĩ Pháp Nguyễn Mạnh Tường, tôi nghe nói lúc ấy đã là chủ nhiệm bộ môn Văn học phương Tây. Ở thời ấy, một giáo sư giảng dạy tai khoa Văn mà có tới hai bằng tiến sĩ Pháp thì ghê gớm lắm. Giáo sư Trần Thanh Đạm, một cựu học sinh Đại học Văn khoa từng có vinh dự nghe thầy Tường giảng bài, thì kể lại: “Hồi dạy chúng tôi ở Thiệu Hóa, Thanh Hóa thỉnh thoảng thầy nói: Tôi thật sự là một cái quái thai. Các anh nghĩ có phải cái quái thai không?. Học trò đang ngơ ngác, thầy bảo: Ai như tôi, 22 thuổi mà đậu hai bằng tiến sĩ. Thầy tự hào mà nói ra như thế, học trò thì bảo: Thầy kiêu ngạo một cách thật thà, hồn nhiên”. Đây không còn là một giai thoại nữa, mà đúng là một câu chuyện có thật. Và vì thế, mối quan hệ công việc của giáo sư Hoàng Xuân Nhị thật chẳng dễ dàng gì. Trong Văn khoa chân dung ký, anh Hữu Đạt kể, có lần giáo sư Hoàng Xuân Nhị đề nghị một cuộc họp bộ môn, người đầu tiên phản đối là giáo sư Nguyễn Mạnh Tường. Ông nói với vị trưởng khoa của mình những lời đầy thách thức, đại ý: “Nếu muốn họp, ông hãy chịu khó về đọc hết 100 cuốn sách đã”. Tôi nghĩ chắc đó chỉ là giai thoại, mà giai thoại thì đôi khi người ta cũng chỉ “tầm phào với nhau cho vui, chứ sự thực thì ít lắm. Nhưng dù sự thực ít đến cỡ nào, tôi nghĩ mỗi giai thoại đều xuất phát từ một sự thực nào đó. Bởi thế, tôi cho rằng chính câu chuyện vui đó lại khẳng định một nét phẩm chất khác rất đáng trân trọng của giáo sư Hoàng Xuân Nhị: đó là một tư chất khoa học đáng kính trọng của một người thầy dám nhận cho mình những sứ mệnh lớn lao, ngay cả khi người đó biết “thừa” việc đó vượt quá khả năng của mình. Nên nhớ vào cuối thập niên 50, Việt Nam chỉ vừa bước ra khỏi chiến tranh, mọi thứ đều còn rất lạc hậu, khoa học thì còn lạc hậu hơn nữa. Chúng ta cần dũng cảm thừa nhận sự yếu kém này. Vào thập niên 50 của thế kỉ XX, nước ta chưa thực có một nền khoa học xã hội nhân văn đúng nghĩa, có hệ thống đào tạo bài bản. Nền giáo dục đại học thì cho dù Việt Nam đã tiếp xúc với phương Tây, cụ thể là Pháp từ những năm đầu thế kỷ XX, nghĩa là từ khi chính quyền thực dân xây dựng trường đại học đầu tiên ở nước ta,nhưng vì do hoàn cảnh chiến tranh liên miên, nên đến tận những năm này, chúng ta mới thực sự bắt đầu xây dựng đại học. Vì vậy, dù trước khi là chủ nhiệm khoa Văn, thời còn học và làm việc ở Pháp, giáo sư Hoàng Xuân Nhị đã dịch và viết một số công trình khoa học, nhưng ở cương vị một giáo sư chủ nhiệm khoa một trường đại học lớn như Đại học Tổng hợp, lại phải quản lý “những cái đầu” như Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Phan Ngọc, Cao Xuân Hạo, Nguyễn Tài Cẩn, đấy là chưa nói đến Đinh Gia Khánh, Hoàng Như Mai…thì quả thật không hề dễ. Một cách khiêm nhường, Hoàng Xuân Nhị đã lặng lẽ tìm cách học hỏi và bồi đắp kiến thức cho mình. Về tiếng Pháp hay văn học Pháp, chắc ông thừa sức đảm trách. Nhưng mảng chuyên môn này đã có giáo sư Nguyễn Mạnh Tường. Mảng văn học Việt Nam lúc ấy cũng đã có những giáo sư cự phách khác, như Đinh Gia Khánh, Hoàng Như Mai, kể cả lứa kế cận, giáo sư Hà Minh đức và Phan Cự Đệ…Giáo sư Hoàng Xuân Nhị đã chọn một công việc khó cho mình. Dù sao ông cũng tự biết là người đứng đầu, ông phải gương mẫu. Gương mẫu không phải là “nhún nhường”, mà phải biết hoạch định công việc, phải mở mang tri thức. Ông lặng lẽ bỏ ra nhiều tháng học tiếng Nga, may mắn thời điểm ấy mối quan hệ giữa ta với các “đồng chí” Nga Xô Viết còn hết sức thân thiết, gần gũi, thậm chí văn học Nga còn được coi mốt lựa chọn số một với nhiều cán bộ trẻ bấy giờ (giáo sư Nguyễn Huy Liên vốn là người được đào tạo tiếng Trung rất bài bản, nhưng đã chuyển sang nghiên cứu và giảng dạy văn học Nga), văn học Nga thời điểm đó vẫn chưa có thầy cô nào được đào tạo bài bản. Phải vài năm sau này, những lứa chuyên gia văn học Nga như giáo sư Nguyễn Kim Đính, Đỗ Hồng Chung, Nguyễn Liên mới được đào tạo bài bản, trong khi đó, khoa Văn lại đang rất cần những tài liệu, giáo trình Văn học Nga để kịp giảng dạy cho sinh viên. Chỉ sau một thời gian tập trung học tiếng Nga, kết hợp với vốn tiếng Pháp rất cơ bản, Hoàng Xuân Nhị đã hoàn thành 5 tập giáo trình Văn học Nga từ nguồn gốc đến thế kỉ XX trong sự khâm phục và ngỡ ngàng của nhiều người. Phải công bằng thừa nhận rằng, bộ giáo trình Văn học Nga của thầy Nhị lúc ấy có phần nghiêng về một công trình dịch thuật. Nhưng tôi nhớ ngày mới ở lại trường, vì rất mê Tolstoi, Puskin, tấp tểnh làm văn học Nga, tôi đã có trong tay những cuốn sách của thầy Nhị. Những gì thầy viết trong công trình được coi là đồ sộ nhất của khoa Văn ngày ấy, quá đủ cho một người bắt đầu đến với văn chương của đất nước bạch dương, như tôi (mặc dù về sau tôi không được phân làm văn học Nga, mà ban đầu văn học Lào rôi sau đó chuyển sang văn học Pháp). Ở khoa Ngữ Văn ngày ấy, kinh nghiệm làm sách đã được bắt đầu như thế, đặc biệt với mảng văn học nước ngoài. Chẳng hạn tôi nhớ để d(mặc dù về sau dù rất muốn tôi vẫn không được phân làm văn học Ngaạy văn học Trung Quốc, người ta cũng dịch hẳn một giáo trình khá đồ sộ đã từng được các trường đại học Trung Hoa sử dụng, rất hay (không biết có phải vì thế mà nhóm Văn học Trung Quốc mãi sau này vẫn không chịu viết riêng giáo trình cho mình, cứ phải sử dụng sách Trung Quốc?). Văn học Xô Viết cũng có giáo trình của một giáo sư nào đó mà tôi không nhớ được tên, nhưng chính ông đã được mời thỉnh giảng tại khoa Văn, rồi về sau người ta in toàn bộ bài giảng của ông như một giáo trình cho sinh viên đọc. Lâu sau nữa, khoảng những năm 80-90, các bộ giáo trình văn học Pháp mà tôi có vinh dự được tham gia viết với các giáo sư Đỗ Đức Hiểu, Lê Hồng Sâm, Đặng Thị Hạnh, Phùng văn Tửu, Đặng Anh Đào và các đồng nghiệp trẻ, cũng bắt đầu được khởi thảo như thế. Con đường làm đại học của giáo sư Hoàng Xuân Nhị đã mở ra cho các thầy cô khoa Văn rất nhiều cách tiếp cận. Nếu không có người mở đường làm sao chúng ta có một nền đại học như ngày nay, mặc dù vẫn còn nhiều cái bất cập, nhiều việc cần làm, nhưng tôi nghĩ ở thời nào cũng cần những bộ óc tiên phong, cần có người mở đường. Giáo sư Hoàng Xuân Nhị là một người mở đường như thế.
Ngoài bức chân dung và những giai thoại về giáo sư Hoàng Xuân Nhị qua người thầy giáo, nhà quản lý, nhà khoa học, ta còn được biết đến một chân dung Hoàng Xuân Nhị qua cuộc sống đời thường. Xung quanh bức chân dung này, tôi cũng từng được nghe khá nhiều giai thoại thú vị về ông, rằng trong đời thường ông hết sức bình dị; và mặc dù thời bao cấp, ông có tiêu chuẩn bìa A hay B gì đó, được mua hàng ở Tôn Đản, nhưng vị giáo sư đáng kính một thời của khoa Ngữ Văn, nhiều lúc vẫn phải chịu chung cái khó khăn, thiếu thốn của người dân trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh lúc bấy giờ. Ngay cả sau này khi đã hoàn thành sứ mệnh, được nghỉ ngơi, tôi biết giáo sư và gia đình vẫn ở trong căn hộ khiêm nhường của khu tập thể Kim Liên như ngày nào đương chức. Giáo sư Hoàng Xuân Nhị không có bất cứ đòi hỏi gì cho quyền lợi của bản thân ông ông, rằng với tất cả những gì cống hiến cho đất nước, ông có quyền được hưởng những ưu đãi đầy đủ hơn. Thậm chí, không phải những người thân của ông, mà những người học trò, người quen biết còn có phần ái ngại rằng vị giáo sư danh tiếng của một thời cỏ vẻ như đã bị “bỏ quên” một thời gian dài tại một chỗ nào đó của khu lao động Kim Liên – Trung Tự. Con trai ông, tiến sĩ Hoàng Xuân Quốc thì tự an ủi mình rằng, thực ra cha anh, giáo sư Hoàng Xuân Nhị vốn là con người sống bình dị. Chính ông không có đòi hỏi gì nhiều cho mình những ngày cuối đời. Đúng như thế, giáo sư Hoàng Xuân Nhị vốn xuất thân từ một vùng đất khó khăn lam lũ miền Trung, quê Hà Tĩnh , nét sống cần kiệm của người xứ Nghệ dường như vẫn bám lấy ông ngay cả khi ông đã trở thành một giáo sư danh tiếng. Mặc dù theo tôi biết, vào những năm 60 của thế kỉ XX, một giảng viên đại học mà có được một căn hộ tại khu tập thể Kim Liên cũng đã rất hiếm hoi. Muộn hơn sau này, tôi được biết còn có một vài thầy cô khoa Văn, có được may mắn ở khu Kim Liên như giáo sư Phan Cự Đệ, về sau này có thêm gia đình giáo sư Đỗ Văn Khang, nhưng là nhờ tiêu chuẩn của vợ thầy, lúc ấy đang giữ một chức vụ cao của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Thầy Nhị có thể đi xe Simpson, ở nhà “lầu”, giảng bài qua micro, nhưng trong cuộc sống thì thầy vẫn cần kiệm lắm. Ở trên tôi có nói, mỗi lần đi dạy, ngoài mấy cái công cụ hiện đại phục vụ cho giảng dạy, thầy Nhị còn xách theo một chiếc túi cói hay vải rất to để tự mua thức ăn hàng ngày; còn nữa, mỗi khi có dịp được ngắm thầy, tôi cũng rất ngưỡng mộ cái phong thái đặc biệt, mà nhìn bề ngoài có cái vẻ lịch lãm của một ông giáo sư Tây học. Thầy thường có một chiếc tẩu gỗ rất đẹp, mỗi lần hút thuốc, thầy từ tốn bẻ đôi điếu thuốc ra, một nửa đút vào tẩu, nửa kia cho vào túi để lần sau còn hút tiếp. Như vậy thầy sẽ không phải bỏ phí một mẩu thuốc nào, Về chuyện này tôi được nghe một giai thoại râm ran trong tổ bộ môn Lý luận và Văn học Việt Nam hồi ấy. Một lần họp bộ môn, khi mọi người đã tề tựu đông đủ, giáo sư Hoàng Xuân Nhị mới từ tốn bước vào. Mọi người quan sát thấy gương mặt thầy hôm ấy rất vui. Thầy bỏ xắc cốt xuống, rút ra liền mấy bao thuốc Điện Biên còn mới tinh. Hồi ấy thuốc lá vẫn được coi là thứ hàng quý hiếm, thường người ta chỉ phân phối qua căng tin. Và đặc biệt hơn nữa, hôm ấy không phải là một ngày đặc biệt nào, thầy cũng không mấy khi chiêu đãi anh em bộ môn kiểu ấy. Vậy mà hôm đó thầy bỏ ra tới mấy bao thuốc mời tất cả mọi người trong bộ môn. Ai cũng đều hết sức ngạc nhiên. Một thầy trong bộ môn mạnh dạn bóc bao thuốc đầu tiên. Nhưng ôi thôi, khi bao thuốc được mở ra, mới biết điếu thuốc đã chớm mùi mốc. Không ai dám thốt ra một lời, chỉ lẳng lặng nhìn nhau. Hình như giáo sư Hoàng Xuân Nhị cũng đã biết trước điều gì đã xảy ra với “món quà hậu hĩnh của ông. Thầy mỉm cười hồn hậu giải thích với mọi người “Ừ đúng rồi, những bao thuốc này mình để quên trong nhà đã lâu, nay mới phát hiện ra, nghĩ còn có thể dùng được, nên mang đến đây mời mọi người. Mình sợ để lâu qua ssex mốc, thì phí”. Nghe thầy giải thích xong, ai nấy đều ồ lên vui vẻ. Dù cuối cùng không ai được thưởng thức “món quà bị để quên” của thầy, nhưng chẳng ai giận thầy, vì họ biết “lòng tốt ấy của ông” vốn xuất phát từ một tấm lòng chân thành, đôn hậu. Vốn là người cần kiệm, ông không muốn lãng phí bất cứ thứ gì, ngay cả mấy bao thuốc để quên lâu ngày bị mốc. Tôi không biết giai thoại này có được mấy phần trăm sự thật, nhưng nếu ai không tin thì cứ hỏi lại một số thầy cùng thế hệ tôi hiện còn ở khoa Văn. Chúng tôi mỗi người đều nghe các giai thoại về thầy Nhị bằng sự ngưỡng mộ và kính trọng. Nghĩa là, chúng tôi thường rút ra từ các giai thoại kiểu ấy, những nét đẹp trong tâm hồn và tính cách của vị chủ nhiệm khoa của một thời. Có một thời gian khó mà con người ai cũng đều nhìn thấy ở nhau những điều tốt đẹp. Tôi nhớ cho đến mãi sau này, những anh em cùng thế hệ còn ở lại khoa Văn, các anh Nguyễn Bá Thành, Nguyễn Văn Nam, Phạm Thành Hưng, Phạm Quang Long, những người có may mắn sinh hoạt chuyên môn với thầy Hoàng Xuân Nhị vẫn kể lại những giai thoại rất vui về thầy. Ví dụ như, có lần vào một ngày mùa đông rét mướt, Nguyễn Bá Thành đưa lương đến nhà cho giáo sư Hoàng Xuân Nhị, khi đã chào thầy rời nhà rồi vẫn được ông gọi giật lại mời một điếu thuốc “hút cho khỏi rét”; hay anh Phạm Quang Long cùng sinh hoạt trong bộ môn, lại rất năng nổ trong các hoạt động ở khoa, vậy nhưng có lần họp khoa, giáo sư Hoàng xuân Nhị vẫn phải ghé tai hỏi một thầy khác trong khoa tên anh là gì? Anh Phạm Thành Hưng thì chắc có nhiều kỉ niệm hơn với thầy Nhị, bởi lẽ trong bộ môn anh là thư kí, lại còn rất trẻ. Anh Nguyễn Văn Nam thì kín đáo hơn khi mỗi lần chúng tôi hỏi về cái chuyện bàn giao giáo án giảng dạy với những lời dặn dò cứ hệt như theo một kịch bản có sẵn của thầy, anh không khẳng định với chúng tôi là có hay không. Nhưng dù có hay không, tôi nghĩ điều đó đến lúc này đâu còn quan trọng. Điều quan trọng nhất, là cho đến lúc này chúng tôi vẫn giữ được những tình cảm trân trọng, kính yêu nguyên vẹn với một người thầy, một người Thầy viết hoa của một thời “vinh quang và cay đắng”: giáo sư Hoàng Xuân Nhị – bức chân dung được vẽ từ các giai thoại, huyền thoại mà cũng rất tình đời. Bây giờ tên Ông đã được đặt cho tên một Đường phố tại thành phố Hồ Chí Minh. Một trường trung học ở Bạc Liêu cũng đã được đặt tên là Hoàng Xuân Nhị. Để hòa chung vào niềm vui đó, tôi viết những dòng này để nhớ lại Người Thầy của một thời – nhân kỉ niệm một trăm lẻ một năm ngày sinh Thầy tôi và bảy mươi năm ngày Hồ Chủ tịch kí sắc lệnh thành lập trường Đại học Văn khoa mà thầy chính là một trong những nhân vật quan trọng nhất đặt nối những viên gạch xây dựng./.