Giáo sư Huỳnh Hữu Tuệ và tâm huyết với nền giáo dục nước nhà

Một tấm lòng luôn hướng về quê hương

Sinh năm 1941 trong một gia đình trí thức tại Thừa Thiên – Huế, ông nội là bạn của Phan Bội Châu và Huỳnh Thúc Kháng, có bố hoạt động trong phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, cậu bé Tuệ ngay từ nhỏ đã có những tư chất thông minh và tình yêu quê hương đất nước được hun đúc trong những áng thơ văn mà giờ đây ông vẫn còn nhớ… Lớn lên, Tuệ luôn là học sinh giỏi và nhiều lần được nhận giải thưởng.

Giáo sư Tiến sĩ Huỳnh Hữu Tuệ

Năm 1960, Tuệ là một trong số những sinh viên xuất sắc được học bổng du học tại Canada và New Zeland. Trường đại học Laval ở Canada chính là nơi Huỳnh Hữu Tuệ lựa chọn đặt chân tới. Sau thời gian học đại học, nhờ có kết quả học tập tốt, Huỳnh Hữu Tuệ đã được giữ lại trường làm nghiên cứu sinh, đồng thời làm giảng viên tại trường.

Năm 1968, kết thúc khóa học, Huỳnh Hữu Tuệ bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về viễn thông. Đến năm 1972, hoàn tất thêm luận án Tiến sĩ khoa học về chuyên ngành Xử lý thông tin và đến năm 1981, ông được phong hàm Giáo sư. Tiếng tăm về người Tiến sĩ Canada gốc Việt khi ấy đã làm nhiều nhà khoa học nước bạn nể phục. Có nhiều công trình nghiên cứu cho đến ngày hôm nay vẫn còn nhiều giá trị như “Quá trình ngẫu nhiên không chuẩn”… Nhiều trường cao đẳng, đại học, các nhà máy thường xuyên mời GS Tuệ đến trò chuyện và giảng dạy.

Ngay từ khi còn là sinh viên, Huỳnh Hữu Tuệ đã cùng những người con đất Việt yêu nước xuống đường tham gia phong trào phản chiến, ủng hộ việc lập lại hòa bình ở Việt Nam. Nhiều năm liền ông là Phó Chủ tịch Hội người Việt ở Canada, nắm bắt, quan tâm tới tình hình phát triển của quê nhà, đặc biệt là về giáo dục.

Nặng lòng với giáo dục nước nhà

Hòa bình lập lại, GS Tuệ về thăm quê nhà Việt Nam. Điều làm ông trăn trở nhất chính là tình hình giáo dục của nước nhà. Từ những năm 1977, mỗi năm, GS Tuệ đều dành thời gian từ 1 đến 2 tháng trở về Việt Nam trò chuyện, giảng dạy tại các trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Quân sự, Đại học Huế… về chuyên ngành Xử lý thông tin. Chi phí cho những lần đi lại giảng dạy ông đều phải tự chi trả. GS Tuệ kể: “Năm 1999, Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu (nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ) mời tôi về hỗ trợ giảng dạy tại trường. Mỗi năm từ 3 đến 6 tháng tôi về Việt Nam giảng dạy và chính thức bắt đầu bộ môn học mới: Xử lý thông tin. Đến tháng 05/2005, bộ môn Xử lý thông tin được hình thành. Tôi đã “về hưu non” ở Laval, tạm biệt vợ con về đây và được giao làm chủ nhiệm”. Cũng kể từ ngày “nhận chức”, GS Tuệ được hỗ trợ kinh phí đi lại, ăn ở tại Việt Nam và một khoản phụ cấp nhất định.

GS Huỳnh Hữu Tuệ cùng đồng nghiệp ở trường Laval

Thời gian rỗi rãi, GS Tuệ còn tranh thủ vào mạng thư viện điện tử của Đại học Laval tìm tài liệu cho sinh viên. Đây là mạng điện tử thu phí 25 USD/giờ, chỉ có thành viên của thư viện như ông mới không mất tiền truy cập. Nhiều sinh viên Việt Nam đã được GS Tuệ đào tạo và trở thành những nhà khoa học có trình độ chuyên môn cao, phục vụ cho nền khoa học nước nhà.

Điều GS Tuệ còn trăn trở chính là nền giáo dục của Việt Nam: Nền giáo dục của chúng ta hiện tại đang biến thái theo hướng không tốt. Nhu cầu học đại học của lớp trẻ ngày càng lớn. Lớp trẻ của Việt Nam về trình độ không thua kém gì so với lớp trẻ của thế giới, ham học và sẵn sàng đầu tư vào học tập nhưng kết quả lại chưa cao. GS Huỳnh Hữu Tuệ cho rằng: Cần phải kích thích tính sáng tạo của sinh viên, đặt ra những câu hỏi để thầy và trò cùng thảo luận nhằm tìm ra vấn đề là một trong những phương pháp học rất tốt. Ông nói: “Chúng ta sẵn sàng chi trả 20.000 USD/năm để gửi một sinh viên đi du học. Tại sao chúng ta không dành số tiền ấy để đào tạo trong nước mà vẫn có sinh viên trình độ cao? Với mức phí tổn đó có thể đào tạo được 4-5 tiến sĩ trình độ tương đương với bên ngoài, và liệu những người được cử đi đào tạo có về cống hiến trong nước?”. Như vậy thì phải tính đến phương án giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực trong nước, giảm thiểu chi phí, không bị chảy máu chất xám…

GS Huỳnh Hữu Tuệ làm việc với các bạn sinh viên

Ở lại Việt Nam, GS Tuệ như bắt đầu một cuộc sống mới. Xa gia đình, ông phải tự lo cho mình tất cả. Nhưng không gì có thể đánh đổi ước mơ của ông: “Giấc mộng của tôi là đào tạo cho học trò của mình có trình độ cao, sánh vai với nền khoa học thế giới”. Một ước mơ lớn lao, một khát khao cháy bỏng trong tâm hồn của người con gốc Việt – 30 năm trăn trở, nặng lòng với nền giáo dục nước nhà. Lại thầm mong: Có nhiều người con xa xứ của Việt Nam cũng nặng tình như thế…

 

(Theo Vietnamnet)

Nguồn: bachovoihue.com/modules.php