Những ký ức về nghề
GS Lê Ngọc Thành vào ĐH Y khoa Hà Nội khóa 1978 – 1984. Sau đó thi đỗ và học bác sĩ nội trú Ngoại khóa 11 từ 1984 – 1987 tại ĐH Y Hà Nội và BV Việt Đức. Được học dưới sự giảng dạy của những người thầy có tiếng tăm trong nước, GS Lê Ngọc Thành đã có những bước trưởng thành vững chắc trong sự nghiệp dù cũng từng trải qua những câu chuyện “dở khóc dở cười”, một trong những sự việc đáng nhớ ấy, chính là chuyện ông là người thuận tay trái và chỉ quen sử dụng tay trái trong mọi hoạt động của mình, kể cả lúc phẫu thuật cho bệnh nhân. Nhưng một trong những tiêu chí cần và đủ đối với bác sĩ khoa ngoại thời bấy giờ là: Phải thuận tay phải và tay không có mồ hôi!
GS Lê Ngọc Thành kể: “Năm thứ 2 khi đi thực tập tại BV Bạch Mai, tôi đã thích Ngoại khoa và nảy ra sáng kiến tập sử dụng tay phải. Ban đầu tập tay phải đánh răng, tập lấy kéo cắt. Tập kiên trì đến năm thứ tư thì thành thạo để thi tuyển vào bác sĩ nội trú. Tiêu chuẩn để thi vào nội trú thời ấy là: Ít nhất phải có một năm là sinh viên tiên tiến. Năm thứ tư, điểm các môn lâm sàng không dưới 7 điểm. Điểm thi tương đối cao, tôi được xếp vào học Ngoại khoa. Khi kiểm tra, các thầy hỏi: Em thuận tay nào? Tôi đành phải trả lời: Em thuận tay phải!
Gia đình bác sĩ Lê Ngọc Thành có truyền thống về ngành y. Cụ nội, bà nội có nghề gia truyền về ngành y. Bác sĩ Thành cùng người anh trai vào ngành y cũng theo sự hướng nghiệp từ người cha của mình. Con đường học hành của GS Thành khá thuận lợi, nhưng cũng vì thuận tay trái, lại chữ xấu và lười học văn cộng với tính ham chơi các trò chơi thời trẻ con: Đánh đáo, chơi bi, câu cá… Hồi nhỏ, mẹ ông luôn nhắc nhở con trai: “Người gì mà trưa không vội, tối không cần, đủng đỉnh!”. Thế mà, ông lại chọn ngành y với ước mơ lớn lao là thi đỗ điểm cao để đi học ở nước ngoài. Một kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quãng đời sinh viên của ông đó là là năm thứ nhất, tất cả môn thi ông đều đạt được điểm cao, nhưng lại trượt môn giải phẫu và phải ôn thi lại vào dịp hè. Và có lẽ việc thi lại môn giải phẫu đã thức tỉnh và khiến ông thay đổi phương pháp học, hình thành ý thực về nghề nghiệp từ ngày đó.
Bằng tất cả quyết tâm, GS Lê Ngọc Thành đã đạt được thành tích nổi trội từ khi là sinh viên năm thứ hai, ông là một trong hai sinh viên trong khóa học xuất sắc, được hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội thời đó là GS Nguyễn Trinh Cơ tặng một cái cặp sách, và con đường khám phá những tiến bộ y học bắt đầu mở ra với GS Lê Ngọc Thành khi ông chính thức đỗ vào bác sĩ nội trú Ngoại khoa.
Bước ngoặt đến với chuyên khoa tim
Bốn năm học nội trú ở BV (các bác sĩ nội trú từ khóa 12 trở về trước vào học nội trú BV từ năm thứ 6), bác sĩ thời đó ít, các phương tiện cận lâm sàng thiếu, đơn sơ, do vậy việc thăm khám chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào lâm sàng, và các bác sĩ nội trú Ngoại tại BV Việt Đức hàng ngày được rèn luyện về lâm sàng và luôn sâu sát với người bệnh. Vào nội trú, bác sĩ được đi khắp các khoa để thực hành. Thông thường khi bác sĩ nội trú làm đề tài tốt nghiệp thường có hai dạng: Các thầy chọn mình, hoặc bộ môn phân công thầy hướng dẫn luận văn.
Năm thứ hai nội trú, GS Lê Ngọc Thành được thầy dạy là GS Vân B đề nghị làm luận án tốt nghiệp nội trú: Chẩn đoán và điều trị u sau phúc mạc thuộc khoa phẫu thuật tiêu hóa. Hồi đó, chàng bác sĩ tương lai Lê Ngọc Thành đã làm luận án tốt nghiệp sớm so với các bạn cùng khóa với rất nhiều háo hức. Trong một hôm tình cờ, bác sĩ Thành trực ở phòng khám, GS Tôn Thất Bách gọi bác sĩ Thành vào phòng mổ, có ca dẫn lưu màng tim. Ca mổ thành công, GS Tôn Thất Bách mồ hôi nhễ nhại hỏi: “Này! Cậu có thích làm về tim mạch không?” Khi đó là cuối năm 1986 tôi đã gần như viết xong luận văn tốt nghiệp (lịch tốt nghiệp vào cuối 1987), bác sĩ Thành trả lời là ông rất thích, và nếu được làm về tim mạch thì thật tuyệt vời. Chính cơ duyên ấy, GS Tôn Thất Bách đã đưa bác sĩ Lê Ngọc Thành về khoa phẫu thuật tim mạch và lồng ngực BV Việt Đức (tên thường gọi là phòng 1B). Nhưng lúc bấy giờ, do vẫn còn “nợ” GS Vân B một luận án về chẩn đoán và điều trị u sau phúc mạc thuộc khoa phẫu thuật tiêu hóa mà bác sĩ Thành đã làm gần xong, ông không biết sẽ xin phép GS Vân B thế nào để không làm mất lòng thầy và ông đã đề nghị GS Tôn Thất Bách làm giúp việc ấy. Chính GS Tôn Thất Bách đã xin phép GS Vân B đưa cậu học trò sang giảng bài cho sinh viên tại phòng 1B vì lý do “thiếu người” quá.
Không ngừng nỗ lực để cống hiến
GS Thành chia sẻ, hầu hết các GS ở BV Việt Đức đều qua Pháp đào tạo về phẫu thuật trong đó có phẫu thuật tim mạch. Các GS, bác sĩ phòng 1B BV Việt Đức thời tôi đều qua Paris (Pháp) học chung một ông thầy về phẫu thuật tim hở, chủ yếu là phẫu thuật tim bẩm sinh, là giáo sư Yves Lecompte, ông là một phẫu thuật viên nổi tiếng trên thế giới về phẫu thuật tim bẩm sinh. Ông cũng là bạn rất thân thiết của GS Tôn Thất Bách.
BV Việt Đức là nơi đầu tiên mổ tim hở trong cả nước (từ 1965), tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau mổ tim hở không được tiến hành thường xuyên và có một thời gian dài không triển khai được. Từ năm 1998, với sự giúp đỡ của các đồng nghiệp Pháp, sự đầu tư của Nhà nước, BV bắt đầu quay trở lại mổ tim hở, nhưng cho đến 2004 khi GS Thành làm trưởng khoa vẫn chưa triển khai mổ cho trẻ dưới 10kg được do thiếu trang thiết bị, kinh nghiệm…. và hầu hết trẻ dưới 10 kg thời đó phải chuyển sang các nước trong khu vực hoặc viện Tim Carpentier ở TP HCM (nếu gia đình có điều kiện kinh tế). Sau chuyến đi “tầm sư học đạo” thầy Yves Lecomte trở về, GS Lê Ngọc Thành cùng đồng nghiệp BV Việt Đức bắt đầu tiến hành mổ tim cho trẻ dưới 10 kg từ tháng 9-2005 với sự giúp đỡ của GS Charles de Riberolle.
Sau nhiều năm làm việc, kinh qua nhiều vị trí từ phó khoa, trưởng khoa, phó GS phẫu thuật tim mạch và lồng ngực tại BV Việt Đức. Tháng 1-2011, bác sĩ Lê Ngọc Thành chính thức chuyển về làm GĐ Trung tâm Tim mạch, Phó GĐ BV E. Được sự đồng ý, đầu tư của Bộ Y tế, GS Lê Ngọc Thành đã xây dựng BV E có một Trung tâm Tim mạch hàng đầu trong nước với hàng ngàn bệnh nhân được chữa trị suốt 5 năm qua, trong số này 60-65% là phẫu thuật tim bẩm sinh (trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh). Đồng thời, Bộ Y tế muốn xây dựng BV E trở thành một “môi trường đào tạo nhân lực chất lượng cao” để thu hút nhân tài, nên đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, máy can thiệp tim mạch hiện đại, xây dựng Trung tâm Tim mạch BV E thành một Trung tâm hoàn chỉnh, đồng bộ cả nội, can thiệp và ngoại khoa tim mạch. Từ năm 2013 đến nay, BV E là đơn vị đi đầu trong cả nước về phẫu thuật tim hở có nội soi hỗ trợ. Tháng 10-2014 bác sĩ Lê Ngọc Thành là Phó GĐ phụ trách điều hành BV E. Tháng 6-2015, bác sĩ Lê Ngọc Thành chính thức là GĐ BV E. Và điều vinh dự lớn lao của bác sĩ Lê Ngọc Thành là ngày 12-11-2015 vừa qua, ông được Nhà nước phong tặng GS vì những nỗ lực cống hiến cho ngành y.
Mấy chục năm từ khi chính thức khoác áo blouse, bác sĩ Lê Ngọc Thành vẫn giữ thói quen 5g sáng dậy, đi tập thể dục và ra khỏi nhà lúc 6g15 phút, trở về nhà lúc 7g tối. GS Lê Ngọc Thành kể về cuộc sống đời thường của mình bằng cảm xúc bình dị: “Vợ tôi là giáo viên, hiện hai con tôi cũng đã khôn lớn, cháu trai đang theo học năm thứ ba ngành y, còn cô con gái vẫn đang đi học PTTH. Ngoài thời gian dày đặc làm việc ở BV, tôi dành ngày cuối tuần bên vợ con, gia đình nội, ngoại. Niềm vui bình dị của một bác sĩ bận rộn, đơn giản là được chơi cùng con, thậm chí khi con còn nhỏ, cứ vào thứ 7, CN hàng tuần khi không bận công việc chuyên môn hay đi công tác ông dạy con học đi xe đạp, đi bơi. Còn giây phút lãng mạn nhất bây giờ, tôi đang tự học lại đàn ghita, và hy vọng sẽ dùng đàn ghita gảy một vài bài tôi thích năm xưa, tặng vợ”.
Thủy Anna
Nguồn:phapluatxahoi.vn/doi-song/giao-su-le-ngoc-thanh-va-duyen-no-voi-benh-tim-bam-sinh-104680