Khi tôi về trường nhận công tác thì giáo sư đã nghỉ hưu được gần chục năm, do vậy đôi khi cũng có cảm giác tiếc nuối vì đã không có điều kiện được làm việc nhiều hơn với Giáo sư. Mặc dù vậy, ông cũng đã để lại trong tôi nhiều cảm nhận sâu sắc.
Nếu tôi không nhầm thì vào những năm 1979-1980, ông là người trẻ nhất của Hội đồng chuyên viên y học quân sự Bộ Quốc phòng đầu tiên. Đối với tôi, không phải là từ cách đây gần bốn chục năm mà cho đến bây giờ và chắc chắn sẽ là mãi mãi, các vị giáo sư đầu ngành, những thầy thuốc đầu tiên của cách mạng Việt Nam ngày ấy đều là những người tài giỏi. Tôi luôn nghĩ về họ với lòng cảm phục và ngưỡng mộ. Về mặt này hay mặt khác, họ đều là những tấm gương, là những ngọn núi để các thế hệ học trò sau này phải ngước nhìn. Giáo sư tiến sỹ khoa học, thầy thuốc Nhân dân Lê Thế Trung cũng cũng là một người như thế.
Các thầy trong Hội đồng chuyên viên Y học Quân quân sự Bộ Quốc phòng ngày ấy đến bây giờ người còn, người thì đã khuất, người ít tuổi nhất trong số họ cũng đã ở tuổi xấp xỉ tuổi chín mươi. Nhưng có thể nói, ai trong số những người thầy ấy cũng đều có nét đặc biệt riêng, để lại những hình ảnh đẹp, đọng lại mãi mãi trong lòng các thế hệ học trò. Thật không quá để nói rằng đó là thế hệ của những con người mang tính huyền thoại, họ đã cùng nhau làm nên một huyền thoại lớn, đó là truyền thống của ngành quân y, vô cùng hào sảng theo suốt một chiều dài lịch sử của dân tộc với hai cuộc kháng chiến thần thánh. Tôi cũng đã chứng kiến nhiều câu chuyện của thế hệ thầy thuốc hôm nay kể về những người thầy của mình và đôi khi đã tự hỏi rằng những người thầy của hôm nay sẽ làm gì để học trò sau này kể về mình như mình đã kể về những người thầy thủa ấy?
Giáo sư Lê Thế Trung – một người bình dị – luôn đam mê trong học tập và nghiên cứu khoa học.
Đầu những năm tám mươi, giáo sư Lê Thế Trung cũng là một thành viên của Hội đồng chuyên viên Y học quân sự Bộ Quốc phòng, thầy phụ trách chuyên ngành bỏng. Hồi ấy, tôi công tác ở viện Chấn thương Chỉnh hình quân đội trên Vĩnh Yên. Thỉnh thoảng giáo sư Nguyễn Văn Nhân hay giáo sư Vũ Trọng Kính về dự họp Hội đồng ở Cục Quân y, tôi cũng vinh dự được cắp cặp theo các thầy. Những lần ngồi ở góc phòng, tôi cứ ngó nghiêng xem ai là giáo sư Bùi Đại, giáo sư Nguyễn Huy Phan và ai là giáo sư Lê Thế Trung? … Tuy vậy nhưng tôi cũng không có điều kiện để tiếp kiến trực tiếp giáo sư lần nào. Những gì biết về giáo sư là nghe kể qua người này, người khác. Có một chuyện kể về giáo sư Lê Thế Trung làm tôi rất thán phục và thực sự câu chuyện đó đã có tác dụng thôi thúc bản thân tôi. Người ta kể rằng giáo sư là người rất chịu khó học ngoại ngữ. Ngoài tiếng Nga ra, ông còn có thể sử dụng tốt cả tiếng Pháp và tiếng Anh. Người ta nói rằng mỗi khi ông đèo bà vợ ra chợ. Khi bà vào trong chợ để mua thức ăn, ông đã gác chân lên chiếc xe đạp cà tèng ở phía bên ngoài cổng chợ và đứng như thế hàng giờ để lẩm nhẩm học ngoại ngữ. Tôi đã nghe và hiểu rằng chỉ đơn giản thế thôi nhưng đó là thể hiện của sự chăm chỉ, cần cù và nhẫn nại của một người có lòng quyết tâm phấn đấu cao độ.
Lần đầu tiên tôi được gặp và nói chuyện với giáo sư Lê Thế Trung là vào một chiều cuối tuần đầu mùa đông năm 1989. Lúc đó là vào khoảng ba bốn giờ chiều. Khi tôi đang ngồi chơi ngoài vỉa hè với mấy người bạn cùng phố thì thấy một chiếc xe Com măng ca đỗ xịch ngay ở trước mặt. Một người mặc quân phục sỹ quan đã bạc màu, đầu đội chiếc mũ vải mềm và trên ve áo là quân hàm thiếu tướng. Ông tự mở cửa để bước xuống xe, trên tay ông là đứa cháu trai kháu khỉnh khoảng ba tuổi. Tôi đã đứng bật dật để chạy ra đón ông. Ông vừa cười vừa bắt tay tôi và giới thiệu ngay người đi cùng là chị con dâu, bác sỹ Phan Việt Nga là vợ của bác sỹ Lê Trung Hải, con trai đầu của ông. Lúc đó, bác sỹ Hải đang học tập ở bên Đức. Tôi hiểu ngay đây là giáo sư Lê Thế Trung, người nổi tiếng với thuốc chữa bỏng B76, hiện đang là Giám đốc của Học viện quân y. Ông đến để gửi quà cho con trai mình.
Lần gặp đầu tiên ấy chỉ diễn ra trong khoảng gần một giờ nhưng tôi rất ấn tượng bởi sự cởi mở, thân thiện, không một chút khoảng cách trong cách giao tiếp và nói chuyện của giáo sư. Tôi nghĩ ông là người có cách nói chuyện thật riêng biệt, để lại ấn tượng với bất cứ ai khi tiếp xúc với ông. Tôi cũng cảm thấy vinh dự và hãnh diện vì ông là thiếu tướng còn tôi chỉ là một đại úy, ông là giáo sư TSKH, là anh hùng quân đội, là một người nổi tiếng còn tôi thì chỉ là một bác sỹ bình thường. Hiện tại, ông đang là giám đốc của một học viện lớn còn tôi thì chỉ là một người sỹ quan cấp úy chưa có chức vụ gì. Tôi chưa bao giờ được đến nhà ông còn nhà tôi thì ông đã đến và ông đang ngồi đó, trên chiếc giường cũ cùng bộ ấm chén bình dân, ông nói chuyện vui vẻ và thân thiện với mọi người. Tôi để ý thấy ông luôn vừa nói vừa cười, tiếng cười của ông sang sảng, tự tin như thể cuộc đời đối với ông chẳng có gì là khó khăn cả. Quả thật lúc ấy, tôi cũng đã rất lúng túng và e ngại. Mà chả riêng gì tôi, tất cả mọi người trong gia đình cũng đều tỏ ra lúng túng vì cuộc gặp quá bất ngờ khi chúng tôi được ngồi tiếp chuyện với một người mà thật lòng chưa bao giờ dám nghĩ đến.
Tôi nhớ là khi tiễn ông về rồi, những người hàng xóm đã chạy ngay sang nhà tôi, họ hỏi thăm bố mẹ tôi rằng người ấy là ai thế. Còn bố tôi thì lộ rõ vẻ hãnh diện và tự hào khoe với mọi người rằng ông ấy là giáo sư tiến sỹ, là tướng đấy, ông ấy là người anh hùng, là tác giả của thuốc chữa bỏng B76 thần kỳ… Bố tôi đã hào hứng, say sưa kể cho mọi người những gì ông biết về giáo sư Trung cứ như thể hai ông là những người bạn thân thiết của nhau từ rất lâu rồi.Phải đến gần bốn năm sau, lần gặp thứ hai là tại nhà riêng của giáo sư ở ngay gần Học viện Quân y. Tôi vẫn nhớ khi đứng bên cánh cổng sắt thì thấy ông đang cầm trên tay chiếc kéo, chăm chút cắt tỉa những nhành cây trong mảnh vườn nhỏ. Tôi đã lặng lẽ quan sát ông mải mê bên mấy chậu hoa một lúc thật lâu rồi mới bấm chuông. Chắc là ông đang thư giãn, ông đang có ít phút giải lao sau những giờ làm việc căng thẳng. Nhìn ông cắt tỉa, bắt sâu cho mấy chậu cây cảnh tôi thấy ông đang tập trung cao độ bởi có người đứng ở ngay phía sau mà không hề biết. Tôi nhận ra rằng, ngay cả lúc làm một việc gì khác để thư giãn ông vẫn rất tập trung và rất cẩn thận kỹ càng. Phải chăng đó chính là tác phong của một người làm khoa học chân chính.
Trong phòng làm việc, ông đã tiếp tôi hết sức chân tình và bình dị. Tiếng ông nói luôn vang to và nhất là ông rất hay kéo dài tiếng cười ngất ngây đầy sảng khoái. Tôi thấy tiếng cười của ông thật ấn tượng và rất khó bắt chước. Ông khen luận án hay và sâu sắc với nhiều từ tốt…tốt… Ông nói rồi ông lại cười. Trong lúc ngồi nghe ông nói và ông cười, tôi đã cúi xuống lần giở từng trang quyển dự thảo luận án ông vừa đưa. Ôi Giời, ông đã viết chi chít vào lề những trang giấy, những con chữ nghiêng nghiêng, rất to và béo. Những con chữ mang đặc điểm rất là ông. Rồi ông mời tôi uống nước trà xạ đen. Ông đã nói nhiều về tác dụng của cây xạ đen trong điều trị ung thư. Ông nói rằng bản thân ông đã uống nước xạ đen thường xuyên trong nhiều năm. Sau cùng, ông đã đứng dậy lục tủ lấy cho tôi mấy hộp để đem theo về. Ông còn dặn nên cắt mấy cành về dâm ở nhà. Loại cây này dễ sống, uống thường xuyên rất tốt cho sức khỏe. Ông đã tiễn tôi ra tận cổng, tự tay khép cánh cổng sắt lại để đi sang nhà bên dùng bữa tối cùng với ông thông gia. Một con người luôn bận rộn vì công việc, lo lắng cho sự phát triển của ngành mà vẫn kỹ càng sửa chữa luận án cho học trò, vẫn dành thời gian chăm sóc đến từng nhành hoa và hàng ngày ngồi ăn với thông gia… Chỉ đơn giản vậy thôi nhưng thực sự đấy cũng chính là niềm hạnh phúc mà không phải dễ gì ai cũng có được.
Những lần được làm việc với ông sau này cho tôi một cảm nhận sâu sắc rằng Giáo sư Lê Thế Trung là một người thân thiện, cởi mở và luôn đam mê trong học tập và nghiên cứu khoa học. Tôi còn nhớ khi số đầu tiên của tạp chí Bỏng và Y học thảm họa ra đời, ông nói say sưa với tôi về tầm quan trọng của chuyên ngành y học thảm họa. Tôi cảm nhận được rằng trong sự nghiệp của mình, ông là người luôn có hướng đi rất thẳng, tự tin và kiên quyết một khi ông thấy như thế là tốt, như thế sẽ đem lại lợi ích thiết thực cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏa của bộ đội và nhân dân. Nghiên cứu những công trình nghiên cứu khoa học chính và thành công nhất của ông, tôi cũng thấy rằng ông là đại diện của tính dân tộc và đại chúng, là sự kết hợp của y học hiện đại và y học cổ truyền. Sẽ không quá để nói rằng ông là một giáo sư của y học hiện đại nhưng đã dành rất nhiều hay chưa nói là gần như tất cả thời gian của cuộc đời ông cho việc tìm tòi và ứng dụng kinh nghiệm của y học cổ truyền vào công việc điều trị người bệnh. Ở phía trước ông luôn có một cái đích, đó là những đỉnh cao của khoa học mà ông mong ước vươn tới. Ông đi mà chẳng hề quản ngại bất cứ một khó khăn trở ngại nào gặp phải trên đường hoặc có thể ông biết đấy nhưng không hề có chút đắn đo run sợ, Ông là người thấy cái gì đúng là làm, thấy có lợi cho dân, cho nước là làm và chắc chắn đó chính là phẩm chất của một người thầy thuốc nhân dân chân chính.
Hôm trước Tết Nguyên Đán năm vừa rồi, tôi cùng đồng chí Chánh văn phòng đến thăm và chúc tết giáo sư. Từ ngày cụ bà mất, giáo sư có vẻ già đi và mệt mỏi hơn. Năm nay, thầy cũng đã gần chín mươi tuổi rồi còn gì. Chúng tôi lại được ngồi trong căn phòng tềnh toàng để cùng thầy uống chén trà xạ đen và cuộc nói chuyện đôi lúc vẫn vang lên tiếng cười sảng khoái cùng đôi mắt sáng của thầy. Lúc tiễn chúng tôi ra về, thầy đã nói: – Về nhé… Cảm ơn… tốt rồi… Chịu khó học nhé.
Thầy là như thế! Có phải những gì hằn sâu nhất, đau đáu và khát khao nhất trong tâm khảm của một người thầy chân chính là những mong ước tốt đẹp đối với học trò, thôi thúc học trò không ngừng học tập, phấn đấu vươn lên.
Tôi suy nghĩ và thấy rằng rõ ràng là thế hệ học trò hôm nay đã rất may mắn, có cơ may khi được làm việc với những người như ông. Riêng cá nhân tôi cũng cảm nhận được hạnh phúc khi được nhận nhiệm vụ lãnh đạo Học viện Quân y, là một trong những người kế nhiệm của ông. Cũng chính vì thế, việc làm đầu tiên khi tôi bước chân vào phòng làm việc với cương vị là giám đốc, tôi đã tìm một vị trí trang nghiêm trong phòng để treo ảnh Bác Hồ và những người thầy tiền nhiệm của mình. Cuộc đời thật hạnh phúc khi được là người lính “Bộ đội Cụ Hồ”, được gặp các thầy và có cơ hội được làm việc với các thầy. Nếu không thì chắc gì đã tìm thấy và nhận được nguồn thông thái, phẩm chất năng lượng và nhiệt huyết để vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành những nhiệm vụ được giao. Thế nên, từ trong sâu thẳm trái tim mình, tôi biết ơn về tất cả những gì đã học được từ các bậc thầy trong đó có giáo sư Lê Thế Trung. Đấy thực sự là một trong những nguồn hỗ trợ năng lượng vô giá. Nhờ vây mà tôi đã tìm thấy niềm vui say mê trong công việc hàng ngày và cảm nhận được thế nào là hạnh phúc của một con người.
Thầm mong và kính chúc giáo sư luôn mạnh khỏe. Ông có quyền được thanh thản và tự hào về cuộc đời và về tất cả những gì mà ông đã tạo dựng. Các con cháu ông đang trưởng thành, đã và đang cùng đi với ông trên một con đường đấy thôi. Cả ba thế hệ đều là thầy thuốc, có phải gia đình nào cũng được như thế. Hy vọng rằng đôi mắt sáng cùng tiếng cười lạc quan của giáo sư vẫn luôn hướng về phía trước.
Hà Nội, tháng 7 năm 2014
Trung tướng GS.TS. Nguyễn Tiến Bình – Giám đốc Học viện Quân y
Nguồn: www.hocvienquany.vn