Giáo sư Lê Văn Cường: Người thầy Việt ở Pháp

Bí quyết đam mê nghiên cứu

Giáo sư Lê Văn Cường sinh năm 1946 tại Thừa Thiên Huế, sau đó ông theo gia đình chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Lúc còn nhỏ ở Sài Gòn, ông theo học tại trường Lasan Taberd theo chương trình của Pháp. Kết thúc trung học, ông sang Pháp theo học lớp dự bị rồi vào học và tốt nghiệp kỹ sư tại Trường Mỏ Nancy vào năm 1969. Sau khi tốt nghiệp, ông làm việc một thời gian về địa chất thủy văn toán tại Trường Mỏ Paris nhưng ông nhanh chóng nhận ra đó không phải điều mình yêu thích.

Năm 1973, ông chuyển sang làm việc trên những mô hình kinh tế vĩ mô ứng dụng tại Trung tâm GAMA thuộc Đại Học Paris X và Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS). Tại đây, ông nhận thấy những mô hình này thiếu hụt một nền tảng kinh tế lý thuyết đằng sau nên ông quyết định theo học và lấy bằng tiến sỹ về toán ứng dụng trong kinh tế lý thuyết tại Đại học Paris IX Dauphine vào năm 1978. Năm 1981, ông trở thành nghiên cứu viên trong lĩnh vực kinh tế của CNRS và đã đạt đến bậc cao nhất trong các bậc nghiên cứu của CNRS. Ông đảm nhiệm nhiều vị trí quản lý khoa học tại các trung tâm khoa học của Pháp như Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Toán, Thống kê và Kinh tế toán (CERMSEM), Giám đốc Trung tâm Kinh tế Sorbonne (CES)…

Khi được hỏi về bí quyết thành công trong sự nghiệp, Giáo sư Lê Văn Cường nói rằng, đơn giản chỉ là niềm đam mê nghiên cứu. Niềm đam mê này cùng với công việc giảng dạy đã chiếm phần lớn thời gian trong cuộc đời ông. Sau khi về hưu và trở thành Giáo sư danh dự, ông vẫn tiếp tục làm việc tại Trung tâm Kinh tế Sorbonne (CES), Trường Kinh tế Paris, Đại học Paris I và CNRS.

Để có thể hội nhập tốt ở nước sở tại, ông cũng chia sẻ một kinh nghiệm: “Sống trong một xã hội, nếu có quyền lợi thì sẽ phải có bổn phận. Không nên sống khép kín trong một cộng đồng và tự xem mình không phải là thành phần của xã hội đó”.

Nỗi trăn trở về nền giáo dục nước nhà

Đạt được nhiều thành công tại Pháp nhưng Giáo sư Lê Văn Cường luôn đau đáu nghĩ về Việt Nam. Ông nói rằng, “làm sao không trăn trở khi ở Việt Nam còn nhiều người nghèo và thấy những người trẻ có tiềm lực, khát khao lại chưa có điều kiện vươn lên vì điều kiện khó khăn và chưa được đào tạo kỹ càng”. Vì vậy, ông tự cảm thấy bản thân có bổn phận phải chia sẻ những kiến thức đã đạt được qua công tác giảng dạy và nghiên cứu ở Việt Nam.

Thực tế là Giáo sư Lê Văn Cường đã từng từ bỏ những lời mời giảng dạy đắt giá ở Anh, Nhật Bản để dành thời gian về Việt Nam gây dựng trung tâm đào tạo có tên Trung tâm nghiên cứu kinh tế quản trị và môi trường Việt Nam (VCREME). Điều ông mong muốn là hiện thực hóa giấc mơ “người Việt tự đào tạo chuyên gia kinh tế cho Việt Nam” bằng những khóa học Tiền Thạc Sĩ (PreMaster) hoặc Tiền Tiến Sĩ (PrePhD). Mục tiêu của những khóa này là giúp học viên trang bị kiến thức về kinh tế, toán, kinh tế lượng để có thể học nghiên cứu thạc sỹ, tiến sĩ thành công ở nước ngoài.

Thỉnh giảng ở nhiều đại học danh tiếng trên thế giới, Giáo sư Lê Văn Cường đánh giá, đa số học sinh, sinh viên Việt Nam rất ham học. Đây chính là thế mạnh để các em có thể phát huy được tài năng cũng như trau dồi được kiến thức ở môi trường ngoài nước. Nhờ uy tín của ông, đã có hơn 20 giáo sư, giảng viên ở nhiều nước như Mỹ, Anh, Pháp, Singapore, Australia… đến giảng dạy tại VCREME. Đặc biệt, sau khi kết thúc khóa học, chính ông cũng là người tận tình viết thư giới thiệu các em đến với các trường đại học mà mình mơ ước.

Giáo sư Lê Văn Cường thấy còn khá nhiều rào cản để trí thức kiều bào có thể về nước đóng góp chất xám về kinh tế. Theo ông, đang có sự phát triển chưa thực sự đồng bộ về kiến thức giữa người Việt trong nước và người Việt sống ở nước ngoài khiến cho việc nghiên cứu chung đôi khi rất khó khăn. Ngoài ra, ông cảm thấy việc thành lập một Đại học kinh tế dựa trên tiêu chuẩn quốc tế ở Việt Nam gặp rất nhiều trở ngại. Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này, chẳng hạn như Trung Quốc, nước đã xây dựng được một số Đại học kinh tế chất lượng cao ở Vũ Hán, Thượng Hải, Bắc Kinh… Tuy nhiên, ông vẫn cho rằng, cần phải xem giáo dục là một chìa khoá để đưa đất nước đi lên và phải có cơ chế phù hợp để thực hiện quyết tâm này.

 

Quỳnh Anh

Nguồn:www.tgvn.com.vn/Item/VN/KieuBao/2015/7/FE41867943DF3437/