Giáo sư Nguyễn Hồng Phong: Nhà khoa học lớn

Trong danh mục các sách bắt buộc phải đọc có những công trình sử học của giáo sư. Lớp sinh viên khoa sử hồi ấy, trong đó có tôi say sưa đọc sách của giáo sư, đọc nhưng chẳng dễ tiếp thu bởi cách đề cập mổ xẻ vấn đề của ông thật sâu sắc, thể hiện một tài năng uyên bác, một lối tiếp cận đối tượng độc đáo.

Ra trường tôi được phân công về một cơ quan trung ương, có liên quan đến công tác bảo tồn, bảo tàng và nghiên cứu sử học. Một số lần được gặp giáo sư trong các hội nghị khoa học, nhưng vẫn “kính nhi viễn chi” vì ông không trực tiếp dạy tôi, công việc của tôi lại không quan hệ trực tiếp với Viện Sử học – nơi ông công tác. Nhưng trong thâm tâm tôi vẫn tự coi và thầm mong có điều kiện trở thành người học trò thực sự của giáo sư.

Mãi sau này, tình cờ qua một anh bạn hàng xóm, tôi mới được biết ông là người Hà Nam. Thế là trong tôi lại dấy lên niềm tự hào, kính phục, thúc giục tôi tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của ông.

Giáo sư Nguyễn Hồng Phong, tên khai sinh là Trịnh Công Hồng, các bút danh: Diễn, Thanh Hồng Phương, Hồng Phong. Ông sinh ngày mồng 1 tháng 9 năm 1929 trong một gia đình viên chức nghèo tại làng Văn Ấp, xã Bồ Đề, huyện Bình Lục.

Từ năm 17 tuổi, giáo sư đã tìm đến với chủ nghĩa Mác. Cuối năm 1948, sau khi học xong lớp đệ tứ trung học, ông chính thức trở thành hội viên Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Liên khu I và sau đó là Liên khu Việt Bắc. Ông làm giảng viên chính trị và triết học tại các trường đào tạo cán bộ kháng chiến và giáo viên phổ thông. Ngày 15 tháng 10 năm 1949, ông vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Năm 1953, ông được điều động sang công tác ở ngành giáo dục, làm giáo viên trường cấp III Hùng Vương (Phú Thọ), rồi làm Hiệu trưởng trường cấp III Tân Trào (Tuyên Quang). Cuối năm 1954, Giáo sư Nguyễn Hồng Phong được Bộ Giáo dục cử sang giảng dạy Bộ môn Khoa học xã hội ở khu học xá Nam Ninh (Trung Quốc). Giữa năm 1955, ông trong nhóm biên soạn sách giáo khoa cho các trường phổ thông theo nội dung và chương trình giáo dục mới của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời nghiên cứu khoa học của giáo sư là vào năm 1956. Ông chuyển hẳn sang công tác tại Ban văn sử địa trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tiền thân của Viện Sử học và Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia sau này. Từ đây, ông chuyên tâm cho công việc nghiên cứu, dành nhiều tâm huyết cho các công trình lý giải các vấn đề cơ bản, quan trọng trong lĩnh vực khoa học xã hội, nhân văn. Tuy vậy, ông vẫn được giao giữ nhiều trọng trách: Trưởng Ban lịch sử cổ trung đại, rồi Viện trưởng, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Sử học Việt Nam; Ủy viên Hội đồng khoa học và Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, tư vấn thuộc Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia; Ủy viên Hội đồng cố vấn Viện Nghiên cứu chính sách và chiến lược khoa học công nghệ.

Gần 50 năm hoạt động khoa học, Giáo sư Nguyễn Hồng Phong đã viết hàng chục cuốn sách và hàng trăm bài nghiên cứu đăng tải trên các tạp chí khoa học uy tín. Các công trình nghiên cứu của giáo sư đạt giá trị lớn cả về lý luận và thực tiễn.

Một góc làng Văn Ấp, xã Bồ Đề (Bình Lục) – quê hương của
cố Giáo sư Nguyễn Hồng Phong.
Ảnh: Thế Tân

Giáo sư Nguyễn Hồng Phong, sớm có những đóng góp quan trọng vào việc biên soạn những công trình tập thể có giá trị. Bộ sách gồm 5 tập “Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam”, biên soạn và xuất bản trong 3 năm 1957 – 1960, chung với các Giáo sư Nguyễn Đổng Chi, Vũ Ngọc Phan, Văn Tân và Hoài Thanh là những viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho sự nghiệp nghiên cứu văn học Việt Nam.

Những công trình nghiên cứu của riêng ông có những phát hiện mới mẻ và những nhận định sâu sắc về truyền thống và bản sắc dân tộc Việt Nam. Đó là “Truyện tiếu lâm Việt Nam – lý luận và tuyển tập” (1957), “Xã thôn Việt Nam” (1959), “Tìm hiểu tính cách dân tộc” (1963), “Truyện cười dân gian Việt Nam” (1964), “Ruộng đất trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam” (1959), “Di sản làng xã trước cách mạng XHCN” (1978)… Đặc biệt, cuốn “Xã thôn Việt Nam” là một dấu son trên con đường học thuật của giáo sư, gây một tiếng vang lớn trong giới khoa học cả trong và ngoài nước. Cuốn “Tìm hiểu tính cách dân tộc” để lại cho nhiều người mối cảm tình sâu sắc về sự hiểu biết uyên thâm và thấm đượm tinh thần dân tộc. Hai công trình này đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ đợt 2, năm 2000.

Giáo sư bằng vào tài năng và uy tín, còn làm chủ nhiệm nhiều đề tài khoa học cấp Nhà nước, đặc biệt và nổi bật là đề tài: “Văn hóa, văn minh vì sự phát triển và tiến bộ xã hội”. Chương trình gồm 17 đề tài nhánh với hơn 5.000 trang sách đã công bố, được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đánh giá vào loại xuất sắc.

Do những đóng góp cho sự nghiệp cách mạng và khoa học, Nhà nước đã phong tặng Giáo sư Nguyễn Hồng Phong nhiều danh hiệu cao quý: Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, Huân chương Kháng chiến hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất.

Ngày mồng 2 tháng 1 năm 1998, trái tim giáo sư đã vĩnh viễn ngừng đập, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho đồng chí, đồng nghiệp và gia quyến, nhất là những học trò, nhờ sự chỉ bảo tận tình của ông nhiều người đã trưởng thành trên đường đời.

“Hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng với tư cách là một đảng viên cộng sản kiên trung, một trí thức yêu nước nồng nàn, Giáo sư Nguyễn Hồng Phong đã gắn chặt cuộc đời của mình với sự nghiệp cách mạng và sự nghiệp khoa học, để lại cho đời những tác phẩm khoa học có giá trị và nêu một tấm gương về lao động khoa học nghiêm túc và sáng tạo” (trích điếu văn của Giáo sư Nguyễn Huy Quý, Giám đốc Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia). Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến viếng giáo sư và ghi vào sổ tang: “Vô cùng thương tiếc Giáo sư Nguyễn Hồng Phong, nhà trí thức yêu nước đã từng có những cống hiến và đang có hoài bão có những cống hiến lớn hơn cho lĩnh vực sử học và văn hóa nước nhà. Anh ra đi, để lại tấm gương sáng cho các thế hệ trí thức, nhất là cho giới nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn của nước ta. Tôi và chị Hà nhớ anh mãi, xin vĩnh biệt anh!”.

Còn nhiều nữa những dòng xúc động, đánh giá cao sự nghiệp khoa học của ông như: Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh, Giáo sư Đặng Hữu, Giáo sư Nguyễn Đức Bình tôn vinh ông là nhà khoa học uyên bác, tài năng, đầy tâm huyết có những đóng góp to lớn cho sự phát triển khoa học xã hội và nhân văn nước nhà, cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc. Ông Nguyễn Dy Niên viết: “Những tri thức ông để lại mãi mãi xanh tươi như cây đời” và thực tế đã chứng minh đúng là như vậy.

Hơn mười tám năm Giáo sư Nguyễn Hồng Phong – nhà khoa học lớn đã đi xa, quê hương Hà Nam vẫn nhớ ông. Tháng 9 năm 2016, tỉnh tổ chức gắn biển phố mang tên ông với sự chứng kiến của một số nhà sử học tên tuổi như Giáo sư – Nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê, giáo sư TSKH Vũ Minh Giang… thêm một lần tôn vinh sự nghiệp khoa học, sự nghiệp cách mạng của Giáo sư Nguyễn Hồng Phong.

Mai Khánh
Nguồn: http://baohanam.com.vn/chinh-tri/